Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Crypto là gì? Kiến thức đầu tư tiền điện tử cơ bản cho người mới

Crypto là thuật ngữ quan trọng mà những người mới bước vào thị trường cần hiểu rõ. Cùng tìm hiểu về Crypto là gì và đặc điểm ra sao tại đây nhé!
Avatar
Khải Hoàn
Published Dec 21 2021
Updated Aug 06 2022
26 min read
thumbnail

Không thể phủ nhận “crypto” đang là một trong những thuật ngữ “gây sốt”, cũng chính vì lý do đó mà cộng đồng tham gia thị trường tiền điện tử ngày càng đông đảo hơn. Tuy nhiên, với những người dùng mới thì có lẽ crypto vẫn còn là một khái niệm khá xa lạ. 

Trong bài viết này, MarginATM sẽ giải mã toàn tập crypto là gì, cơ chế hoạt động & những lợi thế - rủi ro của thị trường crypto này. Chúng ta cùng bắt đầu khám phá nhé!

Crypto là gì?

Crypto là tiền mã hóa hay còn gọi là tiền điện tử, đây là một loại tiền phi tập trung được phát hành dựa trên công nghệ blockchain. Tiền điện tử có thể được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như giao dịch hàng hóa, chuyển đổi tài sản,... 

Tiền điện tử được mã hóa bởi các thuật toán nhằm bảo mật, xác minh giao dịch cũng như kiểm soát việc tạo ra các đơn vị mới của một loại tiền điện tử cụ thể. Trong đó, blockchain đóng vai trò đặc biệt quan trọng khi nhắc đến tiền điện tử. Bạn có thể hiểu đơn giản blockchain là một cuốn sổ cái kế toán của một công ty nào đó. Tại đây, tiền điền tử được giám sát một cách chặt chẽ, các giao dịch của người dùng sẽ được công khai một cách phi tập trung, rõ ràng và minh bạch.

crypto là gì
Crypto là tiền mã hóa được phát hành dựa trên công nghệ blockchain

Khác với tiền tệ truyền thống, tiền điện tử không bị kiểm soát bởi bất kỳ cơ quan Trung ương nào, điều này đồng nghĩa với việc tiền điện tử không bị chính phủ can thiệp hay tác động. BitcoinEthereum là hai loại tiền điện tử được nhiều người dùng mới “nhớ mặt điểm tên” nhất. Trên thị trường tiền điện tử hiện nay đang có rất nhiều loại tiền điện tử khác nhau đang lưu hành.

Lịch sử hình thành Crypto

Có thể nói rằng, sự ra đời của Bitcoin chính là “phát súng” đầu tiên giúp cho tiền điện tử được mọi người chú ý nhiều hơn. Mặc dù Bitcoin là tiền điện tử được tạo ra đầu tiên, nhưng trước đó đã có nhiều nỗ lực tạo tiền tệ trực tuyến với sổ cái được bảo mật bằng mã hóa. Trong đó có thể kể đến B-Money và Bit Gold nhưng chúng chưa bao giờ được phát triển đầy đủ. 

Đến thời điểm năm 2008, một văn bản mang tên “Bitcoin - A Peer to Peer Electronic Cash System” (có thể hiểu theo nghĩa là hệ thống tiền điện tử ngang hàng) được đăng lên một cuộc thảo luận về tiền mã hóa. Nó được đăng bởi một người có tên Satoshi Nakamoto, dù vậy danh tính của nhân vật này vẫn còn là một bí ẩn lớn cho đến ngày nay. 

2009 là năm đánh dấu các giao dịch được ghi lại và xác minh trên blockchain, bắt đầu mở ra con đường phát triển ngành tiền điện tử. Trong đó, giao dịch sẽ được thể hiện dưới dạng key công khai của người gửi và người nhận (địa chỉ ví) kèm theo số lượng coin được giao dịch. Đồng thời, các giao dịch cũng cần được xác nhận bởi người gửi bằng “private key”.

lịch sử crypto
Tóm tắt lịch sử hình thành của tiền điện tử.

Để tiền điện tử trở thành một lĩnh vực đầy tiềm năng như hiện tại, chắc chắn không thể không kể đến những nhân vật đã tác động đáng kể đến ngành công nghiệp này. Trong đó có thể kể đến Vitalik Buterin, nhân vật được biết đến là người đặt nền móng cho Ethereum (ETH), cũng đã tác động đáng kể đến phong trào tiền điện tử. 

Cụ thể, anh được xem là “cha đẻ” của Ethereum và giúp cho blockchain này trở nên hùng mạnh như hiện tại. Vitalik Buterin được xem là một trong những thiên tài toán học khi ông sớm bộc lộ nhiều khả năng từ khi còn bé. 

Trải qua rất nhiều thăng trầm để tiếp cận với tiền điện tử, vào tháng 11 năm 2013 whitepaper của Ethereum đã được ra đời và Vitalik Buterin đã gửi cho một vài người bạn của mình. Chỉ sau khoản 2 tuần khi whitepaper của Ethereum được công bố, đã có khoảng 30 người tìm đến chàng trai trẻ và thảo luận về vấn đề liên quan đến Ethereum. 

Tuy nhiên, sự bùng nổ của Ethereum phải kể đến thời điểm Vitalik Buterin tham gia hội nghị Bitcoin Miami  2014 và anh tiết lộ dự án Ethereum với công chúng. Những chia sẻ của Vitalik Buterin ngay lập tức nhận được phản ứng tích cực. 

Sau vài tháng kể từ hội nghị, Vitalik Buterin đã mở đợt ICO đầu tiên của đồng ETH. Đến ngày 30 tháng 7 năm 2015, phiên bản thử nghiệm Ethereum được phát hành. Đến tháng 3 năm 2016, mạng Ethereum chính thức được “trình làng” phiên bản đầu tiên, đánh dấu một blockchain mới mang nhiều tiềm năng với các nhà đầu tư.

vitalik buterin
Cha đẻ của Ethereum - Vitalik Buterin.

Thêm một nhân vật đình đám khác của thị trường tiền điện tử chính là Changpeng Zhao - nhà sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử Binance cũng đóng một vai trò lớn trong ngành crypto khi giúp của tiền điện tử đến gần hơn với người dùng. 

Khác hẳn với Vitalik Buterin, Changpeng Zhao là một người có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực blockchain trước khi bước lên đỉnh cao. Trong đó phải kể đến thời điểm tháng 7 năm 2017, Changpeng Zhao quyết định khởi động ICO và huy động được 15 triệu đô la với 200 triệu BNB được bán.

cz binance
Changpeng Zhao - người đứng đầu sàn giao dịch tiền điện tử đình đám Binance.

Những kinh nghiệm mà Changpeng Zhao tích lũy và khả năng của anh đã gặt được quả ngọt khi chưa đầy 8 tháng anh đã đưa Binance từ một startup trở thành một sàn giao dịch đình đám, vượt mặt nhiều sàn giao dịch đã có chỗ đứng trước đó. Hiện tại, Binance đã và đang là sàn giao dịch tiền điện tử dẫn đầu nhờ nhiều ưu điểm, đồng thời cũng là sàn giao dịch được rất nhiều người dùng crypto lựa chọn sử dụng.

Tất nhiên, còn rất nhiều nhân vật khác góp công sức không hề nhỏ trong việc đưa crypto đến gần hơn với người dùng, nhưng những nhân vật kể trên chính là những cá nhân xứng đáng được nhắc đến trong lịch sử hình thành tiền điện tử.

Cơ chế hoạt động của Crypto

Phần lớn tiền điện tử hoạt động “nói không” với sự hỗ trợ của Ngân hàng Trung ương hay Chính phủ. Thay vào đó, blockchain làm nền tảng cho hoạt động của tiền điện tử. Như định nghĩa phía trên MarginATM đã nêu rõ, tiền điện tử không tồn tại một cách hữu hình mà chúng hoạt động thông qua Internet.

blockchain
Blockchain làm nền tảng cho hoạt động của tiền điện tử.

Ví dụ: Blockchain Bitcoin là một cuốn sổ ghi lại mỗi lần ai đó gửi hoặc nhận Bitcoin. Danh sách giao dịch này là cơ bản đối với hầu hết các loại tiền điện tử vì nó cho phép thực hiện các khoản thanh toán an toàn giữa những người không quen biết nhau, đặc biệt là không cần phải thông bên thứ 3 xác minh chẳng hạn như ngân hàng.

cơ chế hoạt động crypto
Những điểm chính trong cơ chế hoạt động của tiền điện tử.

Tiền điện tử được tạo ra thông qua quá trình khai thác cũng như thông qua việc giải mã các thuật toán phức tạp để nhận các phần thưởng chính là coin. Trong đó, các nhà đầu tư thực hiện các thao tác như:

Mua/bán tiền điện tử

Nhà đầu tư có thể mua/bán tiền điện tử bằng các sàn giao dịch hoặc cũng có thể giao dịch trực tiếp với nhau.

Lưu trữ

Không giống như tiền tệ truyền thống, tiền điện tử cần được lưu trữ trong một chiếc ví kỹ thuật số (ví tiền điện tử). Loại ví này có tính bảo mật cao vì các thông tin được mã hóa. Có 2 loại phổ biến chính là ví nóng và ví lạnh. Tùy vào mục đích để người dùng lựa chọn loại ví kỹ thuật số để sử dụng.

Để có thể lưu trữ tiền điện tử an toàn thì bạn cần phải giữ được private key, đây được xem là “chìa khóa” để giúp bạn đăng nhập vào ví kỹ thuật số của mình. Nếu private key bị lộ đồng nghĩa với việc tiền điện tử của bạn sẽ có khả năng “biến mất”.

so sánh ví nóng ví lạnh
2 loại phổ biến chính là ví nóng và ví lạnh.
  • Ví nóng: Luôn được kết nối với Internet để người dùng có thể truy cập vào tài sản của họ và giao dịch dễ dàng. 
    Ví dụ như: Coin98 Wallet, Trust Wallet, Metamask,...
  • Ví lạnh: Là một thiết bị phần cứng có chức năng để lưu trữ, bảo mật tiền điện tử. Ví lạnh sẽ giúp người dùng đảm bảo được private key trước những mối đe dọa từ Internet.

Đặc điểm của Crypto

đặc điểm crypto
Các đặc điểm chính của tiền điện tử.

Khả năng giao dịch

Với tiền điện tử, người dùng có thể thực hiện các giao dịch một cách nhanh chóng, liền mạch giống như thanh toán bằng tiền mặt tại cửa hàng tiện lợi.

Bởi vì tiền điện tử không bị ràng buộc với tổ chức tài chính hoặc chính phủ, do đó dù bạn ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đi chăng nữa thì việc giao dịch cũng diễn ra một cách dễ dàng, nhanh chóng. Điều này được xem là một trong những lợi thế lớn so với tiền tệ truyền thống. 

Bảo mật

Khi thanh toán bằng tiền điện tử, bạn không cần phải cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai. Điều đó có nghĩa là thông tin tài chính của bạn được bảo vệ để không bị chia sẻ với các bên thứ ba như ngân hàng, dịch vụ thanh toán, nhà quảng cáo,... Cũng nhờ vào đặc điểm này, thông tin cá nhân của người dùng sẽ được đảm bảo và khả năng bị lộ danh tính hay thông tin bị “tuồn” trên Internet là rất khó. 

Hầu hết tất cả các loại tiền điện tử, bao gồm những đồng coin lớn như Bitcoin, Ethereum,... đều được bảo mật bằng cách sử dụng công nghệ blockchain, được liên tục kiểm tra và xác minh bằng một lượng lớn sức mạnh tính toán của máy tính.

Minh bạch

Mọi giao dịch tiền điện tử đều được công bố công khai đối với tất cả người dùng trên thế giới và không có bất kỳ ngoại lệ nào. Điều này có nghĩa khả năng thao túng các giao dịch, thay đổi nguồn cung tiền hoặc điều chỉnh nào đó là không thể xảy ra.

Không thể “đảo chiều”

Đặc điểm này của tiền điện tử được hiểu theo nghĩa là không thể hoàn chuyển các khoản thanh toán bằng tiền điện tử.

An toàn

Tiền điện tử được xây dựng bằng hệ thống permissionless blockchain (blockchain không cần cấp phép hay blockchain mở). Điều này giúp cho crypto trở nên an toàn tuyệt đối.

Phân loại Crypto

Hiện nay, có thể nhiều người dùng đang nắm giữ crypto trong tay nhưng vẫn chưa thể phân biệt được chính xác liệu đồng tiền mình sở hữu thuộc phân loại nào, sau đây MarginATM sẽ phân loại một cách đơn giản, dễ hiểu nhất cho người dùng. Với thị trường tiền điện tử hiện tại, có thể chia thành 2 hình thức phân loại như sau:

Cách 1: Coin và Token 

Coin: Coin là một loại tiền điện tử chạy trên blockchain riêng biệt của nó, hay có thể gọi là “token gốc” của blockchain và thường được dùng với mục đích thanh toán phí giao dịch khi xây dựng các ứng dụng trên cùng một blockchain. 

Token: Token không có blockchain riêng biệt. Token là tài sản kỹ thuật số do dự án phát hành, có thể được sử dụng làm phương thức thanh toán trong hệ sinh thái của dự án. 

coin token
Coin và Token có những đặc điểm khác nhau nhất định.

Xem thêm: Cách phân biệt Coin và Token cho người mới.

Cách 2: Bitcoin và Altcoin 

Vậy đối với Bitcoin Altcoin thì như thế nào?

Bitcoin (BTC)

  • Như MarginATM đã nêu và chắc chắn bất kỳ người dùng tiền điện tử nào cũng có thể biết đến Bitcoin là tiền điện tử lớn nhất trong thị trường, đặt nền móng phát triển cho thị trường cryptocurrency.
  • Nguồn cung tối đa của Bitcoin được giới hạn ở mức 21 triệu.

Altcoin

  • Thuật ngữ này đề cập đến bất kỳ loại tiền điện tử dựa trên blockchain nào ngoại trừ Bitcoin. Chúng ta cũng có thể hiểu Altcoin theo nghĩa “thay thế cho Bitcoin”.
  • Một số ví dụ là Altcoin như: Litecoin (LTC), Ethereum (ETH), Solana (SOL),...

Tìm hiểu thêm: Altcoin là gì? Tại sao nên đầu tư Altcoin?

Làm thế nào để đầu tư crypto/mua tiền điện tử?

Hiện tại có nhiều cách để mua tiền điện tử. Đối với Bitcoin, bạn có nhiều cách thức để có thể mua/đầu tư được, bao gồm:

  • Mua BTC thông qua các ATM tiền điện tử.
  • Mua thông qua các sàn giao dịch tiền điện tử.
  • Thông qua các quỹ đầu tư.
  • Thậm chí có thể mua qua thị trường OTC (Over the Country Market, thị trường mua bán chứng khoán không dựa trên các sàn giao dịch tập trung).

Đối với các Altcoin, cách thức mua tiền điện tử có thể không đa dạng bằng nhưng cách phổ biến nhất là đầu tư/mua qua sàn giao dịch.

Khi mua tiền điện tử, điều mà người dùng mới nói nên quan tâm đó chính là làm thế nào để mua tiền điện tử một cách an toàn. Bạn cần thực hiện 3 thao tác cơ bản sau:

quy trình mua crypto
Sơ đồ tóm tắt quy trình các bước mua tiền điện tử.

Bước 1: Chọn nền tảng

Bước đầu tiên là quyết định sử dụng nền tảng nào để đầu tư/mua tiền điện tử. Bạn có thể chọn giữa nhà môi giới truyền thống hoặc sàn giao dịch tiền điện tử:

  • Đầu tư qua môi giới: Đây là những nhà môi giới trực tuyến cung cấp các cách mua và bán tiền điện tử, cũng như các tài sản tài chính khác như cổ phiếu, trái phiếu,... Các nền tảng này có xu hướng cung cấp chi phí giao dịch thấp hơn nhưng ít tính năng tiền điện tử hơn.
  • Thông qua sàn giao dịch tiền điện tử: Mỗi sàn cung cấp các loại tiền điện tử khác nhau, lưu trữ ví, tùy chọn tài khoản chịu lãi suất,... Nhiều sàn giao dịch tính phí dựa trên tài sản.

Lưu ý: Khi lựa chọn nền tảng, bạn hãy cân nhắc loại tiền điện tử nào được cung cấp, các loại phí, tính bảo mật, các tùy chọn lưu trữ, rút tiền,...

Với sàn giao dịch, bạn có thể lựa chọn sử dụng sàn giao dịch tập trung (CEX) và phi tập trung (dex).

  • Sàn giao dịch tập trung (CEX): Đóng vai trò là bên thứ ba làm cầu nối, kiểm soát và đảm bảo các giao dịch crypto.
    Ví dụ: Binance, Kucoin, Bitmax, Houbi,...
  • Sàn giao dịch phi tập trung (DEX): Nền tảng giao dịch các loại tiền điện tử được vận hành dưới dạng phi tập trung, dựa trên công nghệ blockchain.
    Ví dụ: Uniswap, Trader Joe, PancakeSwap,...

Bước 2: Nạp tiền vào tài khoản của bạn

Sau khi lựa chọn xong nền tảng đầu tư, bước tiếp theo là nạp tiền vào tài khoản của bạn để có thể bắt đầu giao dịch. Hầu hết các sàn giao dịch tiền điện tử đều cho phép người dùng mua tiền điện tử bằng fiat - tiền pháp định, các loại tiền tệ như USD, Euro, sử dụng thẻ ghi nợ (debit card) hoặc thẻ tín dụng (credit card).

Tuy nhiên, việc mua tiền điện tử bằng thẻ tín dụng được xem là rủi ro cao và một số sàn giao dịch không hỗ trợ chúng, trong đó một số công ty thẻ tín dụng cũng không cho phép các giao dịch tiền điện tử.

Lưu ý: Khi chọn bất kỳ hình thức nạp tiền nào, yếu tố quan trọng mà người dùng cần xem xét là phí. Các khoản phí này sẽ bao gồm phí gửi và rút tiền tiềm năng cộng với phí giao dịch. Phí sẽ khác nhau tùy theo phương thức thanh toán và nền tảng, do đó bạn cần nghiên cứu kỹ lương ngay từ đầu.

Bước 3: Tiến hành mua tiền điện tử theo mong muốn của bạn.

Xem thêm: Hướng dẫn sử dụng sàn Binance giao dịch crypto.

Cơ hội & rủi ro khi đầu tư crypto

Cơ hội

Tiền điện tử là một khoản đầu tư tốt nếu bạn mong muốn tiếp xúc trực tiếp với nhu cầu tiền kỹ thuật số, bên cạnh giải pháp thay thế an toàn hơn nhưng có ít lợi nhuận hơn là mua cổ phiếu của các công ty có tiếp xúc với tiền điện tử.

Mặc dù vẫn chưa một ai có thể đảm bảo được sự thành công của việc đầu tư tiền điện tử, nhưng nếu thị trường này liên tục phát triển và đạt được những mục tiêu mà nó đề ra thì các nhà đầu tư sẽ có những “phần thưởng” xứng đáng với kế hoạch dài hạn. 

Điều này có thể được kiểm chứng qua ví dụ điển hình chính là Bitcoin. Trong khi thời điểm vừa xuất hiện trên thị trường, Bitcoin nói riêng và tiền điện tử nói chung đã nhận phải khá nhiều định kiến, thậm chí là bị chỉ trích nặng nề. Tuy nhiên giờ thì khó ai có thể từ chối Bitcoin nếu được một ai đó “tặng” đúng không nào. Bởi vì Bitcoin (BTC) được xem là đồng tiền vua và là đồng coin có giá cao nhất tại thời điểm viết bài. 

bitcoin là gì
Bitcoin được xem là đồng tiền vua ở thời điểm hiện tại.

Ví dụ thực tế: Giả sử bạn là nhà đầu tư lựa chọn mua Bitcoin. Khi đồng coin này ở mức $7,000 vào thời điểm cuối năm 2019, sau khi phân tích bạn cho rằng đây là mức giá hợp lý để mua. Sau đó, bạn hold số lượng BTC của mình cho đến tháng 11 năm 2021, giá BTC lên mức hơn $60,000. Như vậy bạn đã có một khoản lợi nhuận “khổng lồ” với mục tiêu đầu tư BTC dài hạn.

Thực tế, các loại tiền điện tử như Bitcoin theo truyền thống có rất ít mối tương quan về giá với thị trường chứng khoán ở Hoa Kỳ, vì vậy việc sở hữu một số có thể giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư của bạn. Nếu bạn tin rằng việc sử dụng tiền điện tử sẽ ngày càng phổ biến theo thời gian, thì có lẽ bạn nên đầu tư vào tiền điện tử như một phần của danh mục đầu tư.

Bên cạnh đó, so với những loại hình đầu tư khác, crypto có thể giúp các nhà đầu tư tiếp cận thị trường một cách dễ dàng mà không cần bỏ ra một lượng tài sản hay nguồn vốn lớn. 

Rủi ro

Thực tế, lợi nhuận càng nhiều thì đi kèm với rủi ro càng cao. 

  • Hiện tại, thị trường tiền điện tử không bị quản lý, kiểm soát bởi bất kỳ bên thứ ba nào, chưa được Chính phủ bảo hộ, vì vậy người dùng tiền điện tử sẽ không được bảo vệ khi chịu bất kỳ thiệt hại nào trong quá trình giao dịch.
  • Không thể phủ nhận rằng “bản chất bán ẩn danh” của các giao dịch tiền điện tử khiến chúng rất thích hợp cho một loạt các hoạt động bất hợp pháp, chẳng hạn như rửa tiền và trốn thuế.
  • Thị trường tiền điện tử điện tử biến động rất mạnh, khó đoán.
  • Các blockchains tiền điện tử có thể được bảo mật cao, nhưng các khía cạnh khác của hệ sinh thái tiền điện tử, bao gồm các sàn giao dịch và ví, không tránh khỏi nguy cơ bị hack
    Trong lịch sử 10 năm của Bitcoin, một số sàn giao dịch trực tuyến đã là đối tượng của các vụ hack và trộm cắp, đôi khi số "coin" trị giá hàng triệu đô la bị đánh cắp.

Tiềm năng tương lai của crypto

Không thể phủ nhận tiền điện tử đã đi một chặng đường dài trong thập kỷ qua và hiện đang phát triển vượt bậc. Tiền điện tử có thể sử dụng để lưu trữ, giao dịch và chi tiêu theo cách khác nhau. Trong khi đó, tài chính phi tập trung (DeFi) đã mở đường cho hình thức lending. Điều này càng khiến cho thị trường trường crypto thêm phần đa dạng và thú vị hơn.

Bên cạnh đó, một số công ty chính thống cũng quan tâm đến công nghệ blockchain hơn bao giờ hết. Có thể nói rằng, tương lai của tiền điện tử và công nghệ liên quan đến nó rất triển vọng.

Có thể thấy crypto đang rất tiềm năng khi lần lượt những “ông lớn” thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã tham gia vào thị trường. Trong đó có thể kể đến Adidas gần đây đã cho ra mắt NFT kiếm được lợi nhuận cực kỳ lớn trong lần mở bán đầu tiên, hay hãng xe điện lớn nhất thế giới Tesla cũng đã chấp nhận thanh toán bằng Dogecoin (DOGE),... điều này cũng đã phần nào chứng minh được tiềm năng lớn của crypto.

Một số câu hỏi thường gặp về crypto

Tiền điện tử có an toàn không? 

Như đã đề cập ở trên, tiền điện tử được xây dựng bằng công nghệ blockchain. Đó là một quy trình kỹ thuật khá phức tạp, nhưng kết quả là tạo ra một sổ cái kỹ thuật số của các giao dịch tiền điện tử mà hacker rất khó có thể giả mạo

Ngoài ra, các giao dịch yêu cầu quy trình xác thực nhiều yếu tố. Ví dụ: Bạn có thể được yêu cầu nhập tên người dùng và mật khẩu để bắt đầu giao dịch. Sau đó, bạn có thể phải nhập mã xác thực được gửi qua tin nhắn văn bản đến điện thoại di động cá nhân.

Bên cạnh đó, tiền điện tử không bị kiểm soát bởi bên trung gian, do đó người dùng hoàn toàn có thể tự quản lý, lưu trữ tiền điện tử trong ví. Điều này giúp khả năng bị trộm hay thao túng dường như rất khó. 

Tuy nhiên, điều mà mọi người cần chú ý ở đây chính là “private key”. Đây chính là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc lưu trữ tiền điện tử, nếu như “private key” bị lộ ra ngoài thì số tiền mà bạn có sẽ có khả năng bị “bốc hơi”.

Tips để đầu tư crypto một cách an toàn:

  • Tra cứu sàn giao dịch

Trước khi đầu tư bạn hãy tìm hiểu về các sàn giao dịch tiền điện tử. Ước tính hiện nay có hơn 500 sàn giao dịch để bạn lựa chọn, vì vậy bạn cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đọc các bài đánh giá và tham khảo nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm trước khi bắt đầu.

  • Biết cách lưu trữ tiền kỹ thuật số của bạn

Nếu bạn mua tiền điện tử, bạn cần phải lưu trữ chúng. Bạn có thể giữ tiền điện tử trên sàn giao dịch hoặc trong ví kỹ thuật số. Mặc dù có nhiều loại ví khác nhau, nhưng mỗi loại đều có lợi ích, yêu cầu kỹ thuật và bảo mật. Đối với các sàn giao dịch, bạn nên điều tra các lựa chọn lưu trữ của mình trước khi đầu tư.

  • Đa dạng hóa các khoản đầu tư

Đa dạng hóa là chìa khóa cho bất kỳ chiến lược đầu tư tốt nào và điều này rất đúng khi bạn đầu tư vào tiền điện tử. 

  • Chuẩn bị cho sự biến động

Thị trường tiền điện tử rất dễ biến động, vì vậy hãy chuẩn bị cho những “giây phút thăng trầm”. Bạn sẽ thấy sự thay đổi đáng kể về giá cả trong quá trình tham gia thị trường này. Do đó, bạn cần giữ vững tâm lý thật chắc nhé!

Tiền điện tử có hợp pháp không? 

Hiện nay, ngoại trừ El Salvador thì vẫn chưa có một quốc gia nào trên thế giới công nhận tiền điện tử là tiền hợp pháp, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, việc giao dịch tiền điện tử tại nước ta không bị cấm và cũng không bị kiểm soát bởi cơ quan Trung ương. 

Có nên đầu tư vào thị trường crypto hay không?

Thực tế, tất cả các khoản đầu tư đều có hai mặt, lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn và tiền điện tử cũng không ngoại lệ. Do đó, khi muốn tham gia một thị trường hay bất kỳ lĩnh vực mới mẻ nào bạn cũng cần dành nhiều thời gian để học hỏi, trau dồi thêm kiến thức để nắm bắt, cũng như biết được “cuộc chơi” rồi mới nền tham gia.

Tìm hiểu thêm: Lộ trình: Đầu tư Crypto cho người mới từ A-Z chi tiết.

Tổng kết

Trên đây là tất tần tật những thông tin cơ bản đã giải đáp được câu hỏi crypto là gì và những điều liên quan đến crypto dành cho bất kỳ người mới nào khi tham gia vào thị trường cũng nên biết.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào bạn có thể để lại bình luận dưới bài viết, đội ngũ MarginATM sẽ phản hồi bạn sớm nhất có thể. Hẹn gặp lại bạn ở những bài viết sau!

RELEVANT SERIES