Liệu Bybit có trở thành FTX thứ 2?

Phương pháp xử lý khủng hoảng khác nhau
Sau vụ hack 1.46 tỷ USD, nhiều người lo ngại về khả năng thanh khoản của Bybit, đặt câu hỏi liệu sàn có đi vào vết xe đổ của FTX hay không. Tuy nhiên, các dữ liệu on-chain và phản ứng từ những người có ảnh hưởng trên thị trường crypto cho thấy tình hình của Bybit rất khác so với FTX thời điểm sụp đổ vào năm 2022.
Ben Zhou, CEO Bybit tại livestream tối ngày 21/02 nhấn mạnh rằng dù sàn đã chịu một trong những vụ hack tồi tệ nhất trong lịch sử tài chính, nhưng mọi chức năng và sản phẩm trên Bybit vẫn hoạt động bình thường. Đội ngũ Bybit đã làm việc xuyên đêm để đảm bảo người dùng có thể rút tiền và giải đáp mọi thắc mắc từ khách hàng.
Điều này hoàn toàn khác với tình hình của FTX diễn ra năm 2022. Thời điểm đó, cựu CEO sàn FTX là Sam Bankman-Fried không thể đưa ra lời giải thích rõ ràng tình hình cho người dùng. Tin xấu trong nội bộ và các tổ chức liên tục được tung ra khiến người dùng hoảng sợ.
Dòng tiền xử lý lệnh nạp rút dồi dào và sự hỗ trợ từ các sàn giao dịch lớn
Chỉ 10 giờ sau vụ hack, Bybit đã phải đối mặt với lượng yêu cầu rút tiền lớn nhất trong lịch sử sàn, với tổng cộng hơn 350,000 lệnh rút. Mặc dù áp lực hệ thống tăng cao, nhưng 99.994% giao dịch đã được xử lý, chỉ còn khoảng 2,100 giao dịch đang chờ giải quyết.
Điều này chứng tỏ Bybit vẫn duy trì được thanh khoản ổn định ngay cả khi vừa trải qua vụ hack lớn nhất lịch sử sàn giao dịch crypto.
Ngay sau vụ hack, Bybit đã báo cáo sự việc lên cơ quan chức năng, đồng thời phối hợp với các nền tảng phân tích on-chain để theo dõi số tiền bị đánh cắp. Sàn cũng khẳng định việc rút tiền vẫn diễn ra bình thường và các khoản thanh toán cho khách hàng không bị gián đoạn. Điều này hoàn toàn khác với FTX, nơi ngay lập tức đóng băng rút tiền khi mất khả năng thanh khoản.
Sự khác biệt còn thể hiện rõ qua phản ứng từ các sàn giao dịch lớn. Bitget, Binance và OKX đã nhanh chóng hỗ trợ Bybit, cung cấp thanh khoản để đảm bảo khách hàng không bị ảnh hưởng.
Gracy Chen, CEO của Bitget, cũng lên tiếng cho rằng dù khoản lỗ lần này là rất lớn, nhưng nó chỉ tương đương lợi nhuận hàng năm của Bybit, và tài sản của khách hàng vẫn an toàn 100%.
Trong khi đó, dữ liệu từ BitMEX Research chỉ ra rằng Bybit vẫn có dự trữ ETH đạt 101% so với số dư của khách hàng, đồng nghĩa với việc sàn hoàn toàn có đủ tài sản để bù đắp tổn thất mà không ảnh hưởng đến người dùng.
Đây là một dấu hiệu quan trọng khẳng định Bybit không bị mất cân bằng tài chính như FTX, vốn đã sử dụng tài sản của khách hàng để đầu tư vào các tài sản rủi ro trước khi sụp đổ.
Bản chất sự việc khác nhau: Bybit bị hack, FTX mất thanh khoản do sử dụng tiền người dùng
Điểm mấu chốt khiến sàn giao dịch Bybit không giống FTX chính là bản chất của sự cố. FTX sụp đổ vì sử dụng tiền của khách hàng để đầu tư rủi ro, và khi người dùng rút tiền hàng loạt, sàn không đủ thanh khoản để trả. Ngược lại, Bybit bị hack, nhưng đã xử lý kịp thời và có đủ quỹ để đảm bảo thanh khoản.
❝Bybit vẫn đảm bảo thanh khoản ngay cả khi số tiền bị hack không thể phục hồi. Tất cả tài sản của khách hàng đều được bảo chứng 1:1, và chúng tôi có đủ khả năng để bù đắp tổn thất.❞
Một minh chứng khác là doanh thu ổn định của Bybit. MoonCarl, đối tác tiếp thị lớn nhất của Bybit, tiết lộ rằng chỉ trong một ngày, anh đã kiếm được 1.18 triệu USD từ hoa hồng giới thiệu.
Điều này chứng minh rằng Bybit vẫn có dòng tiền lớn và hoạt động bình thường, không giống như FTX khi dòng tiền bắt đầu cạn kiệt trước khi phá sản.

Vì vậy, dù có những lo ngại từ cộng đồng, nhưng Bybit chưa có dấu hiệu rơi vào vết xe đổ của FTX.
Đọc thêm: Nhóm hacker tấn công sàn Bybit là Lazarus Group từ Triều Tiên