Hơn 355,000 người xem Tim Cook giả mạo phát Crypto ăn theo sự kiện ra mắt iPhone 16
Sự kiện "Glowtime" của Apple ra mắt iPhone 16 cùng nhiều thiết bị mới, đã chính thức diễn ra vào lúc 00:00 ngày 10/09 theo giờ Việt Nam.
Tuy nhiên, khi tìm kiếm cụm từ "Apple Event Live" trên YouTube, người dùng có thể bắt gặp rất nhiều livestream giả mạo, trong đó có video deepfake của Tim Cook, kêu gọi người xem quét mã QR trên màn hình để tham gia vào một chương trình phát tặng crypto miễn phí.
Dù tò mò đến đâu, đừng bao giờ quét mã QR này. Vì nó sẽ dẫn người dùng đến một trang web lừa đảo, nơi các hacker có thể chiếm đoạt điện thoại và từ đó xâm nhập vào các dữ liệu tài chính, cá nhân.
Video lan truyền thực chất là một đoạn video cũ của Tim Cook, quay tại trụ sở của Apple ở Cupertino. Trong video, giọng nói của Cook được chỉnh sửa một cách giả mạo, máy móc, yêu cầu người xem quét mã QR (mà đã được làm mờ) để tham gia vào chương trình phát tặng crypto miễn phí.
Khi Apple chính thức bắt đầu livestream, những kẻ lừa đảo tiếp tục thêm một loạt livestream giả khác. Lần này chúng phát lại livestream thật của Apple nhưng trễ đi vài phút. Trên livestream giả này, chúng tiếp tục chèn mã QR lừa đảo vào video và khiến người xem dễ dàng rơi vào bẫy, nhất là khi không nhận ra rằng đây chỉ là bản phát lại bị trễ của sự kiện đang diễn ra.
Mã QR này là nơi người dùng sẽ bị yêu cầu chuyển tiền để có cơ hội nhận được Crypto hoặc các mẫu iPhone mới. Nếu người dùng không muốn mất tiền, tốt nhất là nên tránh xa.
Trong video còn hiển thị một trang web giả mạo với tên miền: apple-gift2024.com. Đương nhiên, không có trang web chính thức nào của Apple với tên miền này. Do đó, người dùng hãy tránh xa trang web này.
Video được thiết kế rất tinh vi với giao diện (tiêu đề, mô tả) được làm cho giống hệt với các video trên kênh YouTube chính thức của Apple. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt rõ ràng: kênh YouTube thật của Apple chỉ sử dụng tên hồ sơ là "Apple" mà không có bất kỳ yếu tố nào khác. Kênh chính thức của Apple có hơn 19 triệu người đăng ký, trong khi những kênh giả mạo này lại thấp hơn nhiều.
Xu hướng tận dụng các sự kiện lớn để lừa đảo crypto đang ngày càng trở nên phổ biến. Phương thức hoạt động thường bao gồm việc sử dụng hình ảnh hoặc video của các nhân vật công nghệ nổi tiếng, được chỉnh sửa để tạo ra cảm giác rằng họ đang ủng hộ một dự án crypto mới.
Trước đó, Elon Musk, Mark Zuckerberg và nhiều nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ rất nhiều lần bị lợi dụng để tạo các video lừa đảo.
Ở Việt Nam cũng từng có nhiều trường hợp các KOLs, người nổi tiếng bị hack kênh YouTube như Độ Mixi và Quang Linh Vlogs. Sau khi chiếm đoạt được kênh Youtube, những kẻ lừa đảo liền đổi tên kênh và phát các livestream giả mạo hình ảnh của Brad Garlinghouse, chủ tịch dự án Ripple, để kêu gọi mua token XRP.
Đọc thêm: Founder Starship: Sẽ có quỹ bảo hiểm hỗ trợ người dùng mua token