Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Lý thuyết trò chơi - Cốt lõi của việc đưa ra quyết định

Mỗi ngày ta đều đang chơi một “trò chơi” – đôi khi không hề hay biết. Làm sao để chọn đúng nước đi khi ai cũng theo đuổi lợi ích riêng? Lý thuyết trò chơi sẽ khiến bạn nhìn thế giới bằng một cặp mắt hoàn toàn mới.
Quang Võ
Published 19 hours ago
14 min read
thumbnail

Trong cuộc sống, không gì quan trọng hơn những quyết định ta đưa ra mỗi ngày. Từ việc ký một hợp đồng kinh doanh, đàm phán chính trị, cho đến cách ta xử lý những mối quan hệ cá nhân – tất cả đều là những “cuộc chơi” mà lựa chọn của ta quyết định kết quả. Nhưng khi lợi ích xung đột, thông tin thiếu minh bạch và tương lai bất định, làm sao để đưa ra quyết định đúng đắn? Đây chính là lúc lý thuyết trò chơi (Game Theory) trở nên hữu ích.

Không chỉ là công cụ của các nhà toán học hay chính trị gia, lý thuyết trò chơi giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hành vi con người, từ đó xây dựng chiến lược thông minh hơn trong mọi tình huống.

Lý thuyết trò chơi là gì? – Khái niệm nền tảng

Khi nghe cụm từ “lý thuyết trò chơi”, nhiều người dễ nghĩ ngay đến những trò chơi giải trí như cờ vua hay bóng đá. Nhưng trên thực tế, “trò chơi” ở đây mang một ý nghĩa rộng hơn rất nhiều. Trong lý thuyết trò chơi, bất kỳ tình huống nào có sự tương tác giữa hai hay nhiều bên, nơi mà kết quả của mỗi người phụ thuộc vào hành động của những người khác, đều được xem là một “trò chơi”.

Nếu bạn từng thương lượng hợp đồng, đàm phán với khách hàng, giải quyết mâu thuẫn tình cảm hay đơn giản là cạnh tranh với đối thủ trên thị trường, thì bạn đã và đang tham gia vào một “trò chơi” đúng nghĩa. Và lý thuyết trò chơi chính là công cụ giúp bạn nhìn nhận những tình huống đó một cách logic và chiến lược hơn.

Về mặt khoa học, lý thuyết trò chơi được đặt nền móng bởi nhà toán học thiên tài người Mỹ gốc Hungary John von Neumann. Năm 1944, ông cùng nhà kinh tế học Oskar Morgenstern xuất bản cuốn Lý thuyết Trò chơi và Hành vi Kinh tế (Theory of Games and Economic Behavior), chính thức khai sinh lĩnh vực này.

image

Sau đó, John Nash – người sau này đoạt giải Nobel Kinh tế – tiếp tục phát triển lý thuyết trò chơi hiện đại với khái niệm nổi tiếng: Cân bằng Nash. Đây là trạng thái mà không bên nào có thể tự cải thiện kết quả của mình nếu chỉ đơn phương thay đổi chiến lược – nền tảng lý thuyết được ứng dụng rộng rãi trong kinh tế, chính trị, kinh doanh và thậm chí cả trong các mối quan hệ cá nhân.

advertising

Nguồn gốc thú vị của lý thuyết trò chơi – Từ chiến trường đến học thuật

Ít ai ngờ rằng một trong những câu chuyện được xem là ví dụ sớm nhất về tư duy lý thuyết trò chơi lại bắt nguồn từ… chiến trường cách đây hơn 2.400 năm. Triết gia Socrates, qua lời kể của Plato trong hai tác phẩm Laches và Symposium, đã nhắc lại ký ức về trận chiến Delium nổi tiếng giữa người Athens và liên minh Boeotia vào năm 424 trước Công nguyên.

Trong cuộc chiến ấy, hình ảnh người lính đứng nơi tiền tuyến đặt ra cho chính mình một câu hỏi đơn giản nhưng đầy trăn trở: “Nếu ta ở lại và quân mình chiến thắng, ta vẫn có khả năng chết. Nếu quân mình thất bại, ta gần như chắc chắn chết.”

Vậy lựa chọn hợp lý nhất là gì? Có lẽ là bỏ chạy. Nhưng vấn đề ở chỗ, nếu tất cả binh lính đều cùng nghĩ như vậy, đội quân sẽ sụp đổ trước khi trận chiến thực sự bắt đầu.

Đây chính là một trong những tình huống thực tế đầu tiên phản ánh tư duy của lý thuyết trò chơi: mỗi người ra quyết định dựa trên lợi ích cá nhân, nhưng kết quả cuối cùng lại phụ thuộc vào lựa chọn tập thể. Khi ai cũng chỉ lo cho riêng mình, tập thể thất bại, và cuối cùng cá nhân cũng chẳng còn cơ hội sống sót.

Từ chiến trường Delium đến những học thuyết hiện đại, câu hỏi về lựa chọn cá nhân và hệ quả tập thể ấy vẫn còn nguyên tính thời sự, không chỉ trong chiến tranh, mà trong cả chính trị, kinh doanh và đời sống hàng ngày.

image

Nguyên lý cốt lõi của lý thuyết trò chơi

Lý thuyết trò chơi nghe thì có vẻ phức tạp, nhưng thực chất, nó được xây dựng trên những nguyên tắc rất cơ bản và gần gũi với đời sống. Để một tình huống được coi là “trò chơi” đúng nghĩa trong lý thuyết này, cần hội tụ đủ 5 yếu tố sau:

  • Phải có ít nhất hai người chơi: Không có người chơi thì làm gì có trò chơi. Đây có thể là hai cá nhân, hai nhóm, hai quốc gia, hoặc thậm chí là hai doanh nghiệp đang cạnh tranh trên thị trường.
  • Các bên phải có sự tương tác: Điều quan trọng ở đây là hành động của người này sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến kết quả của người kia. Đây chính là điểm khác biệt giữa lý thuyết trò chơi và những quyết định độc lập thông thường.
  • Phải tồn tại phần thưởng hoặc hậu quả rõ ràng: Không có gì để được hoặc mất thì cũng chẳng ai cần bận tâm tính toán chiến lược. Phần thưởng có thể là lợi nhuận, quyền lực, danh tiếng, còn hậu quả có thể là thua lỗ, mất uy tín hay thậm chí là chiến tranh, xung đột.
  • Các bên được giả định là hành động hợp lý: Nghĩa là họ biết suy nghĩ, biết cân nhắc lợi – hại trước khi ra quyết định. Tất nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng hoàn hảo như lý thuyết, nhưng giả định này giúp việc phân tích trở nên logic hơn.
  • Các bên được cho là sẽ theo đuổi lợi ích cá nhân: Điều này không có nghĩa là họ ích kỷ tuyệt đối, mà đơn giản là họ muốn đạt được kết quả tốt nhất cho bản thân hoặc tập thể mà họ đại diện.

Chỉ cần đủ 5 yếu tố trên, bất kỳ tình huống nào – từ bàn đàm phán thương mại đến bữa cơm gia đình – đều có thể được phân tích dưới góc nhìn lý thuyết trò chơi. Và chính từ những nguyên lý đơn giản ấy, lý thuyết trò chơi đã trở thành công cụ đắc lực giúp con người đưa ra quyết định khôn ngoan hơn trong thế giới đầy biến động này.

image

Tình huống kinh điển: Tiến thoái lưỡng nan của tù nhân

Trong lý thuyết trò chơi, có một tình huống kinh điển mà hầu như ai cũng từng nghe tới, đó chính là “Tiến thoái lưỡng nan của tù nhân” (Prisoner's Dilemma). Nghe thì có vẻ là chuyện của những người phạm tội, nhưng thực tế, bài toán này phản ánh chính xác cách con người đưa ra quyết định trong vô số tình huống đời thường.

Câu chuyện như sau: Hai thành viên trong cùng một băng nhóm bị cảnh sát bắt giữ. Họ bị nhốt riêng, không được liên lạc với nhau và đứng trước hai lựa chọn rõ ràng: im lặng hoặc phản bội.

  • Nếu cả hai cùng im lặng, họ chỉ bị kết án nhẹ nhất, mỗi người ngồi tù 1 năm.
  • Nếu một người phản bội còn người kia im lặng, kẻ phản bội được tự do, người kia lĩnh án 3 năm.
  • Nếu cả hai đều phản bội nhau, mỗi người bị xử 2 năm tù.

Phân tích kỹ hơn, dễ thấy rằng lựa chọn “phản bội” là chiến lược thống trị – tức là, dù đối phương làm gì, việc phản bội luôn mang lại kết quả có vẻ “an toàn” hơn cho bản thân trong ngắn hạn. Nhưng trớ trêu thay, nếu cả hai đều suy nghĩ như vậy và cùng phản bội, kết quả chung lại tệ hơn nhiều so với việc cả hai cùng im lặng.

Bài toán này chỉ ra một sự thật khá phũ phàng: lợi ích cá nhân nếu bị đặt sai chỗ có thể phá hủy lợi ích tập thể, và cuối cùng, chính bản thân mỗi người cũng chịu thiệt.

Vậy đâu là lời giải? Chính là sự hợp tác và niềm tin. Khi các bên đủ tin tưởng nhau và biết nhìn xa trông rộng, họ có thể cùng chọn cách hành xử vì lợi ích chung, từ đó đạt kết quả tối ưu nhất cho tất cả.

image

Tiến thoái lưỡng nan của tù nhân không chỉ là bài toán trên giấy, mà là một ẩn dụ sống động cho mọi tình huống ngoài đời: từ thương lượng hợp đồng, xây dựng mối quan hệ đến đối đầu chính trị. Khi hiểu rõ bản chất của nó, bạn sẽ biết khi nào nên hợp tác, khi nào nên cẩn trọng với những “chiến lược thống trị” tưởng như có lợi trước mắt.

Cân bằng Nash – Đỉnh cao tư duy chiến lược

Trong mọi “trò chơi” của đời sống, ai cũng muốn đưa ra chiến lược thông minh để đạt kết quả tốt nhất cho bản thân. Nhưng sẽ ra sao nếu đối phương cũng nghĩ như vậy? Đó chính là lúc khái niệm Cân bằng Nash xuất hiện – một trong những nền tảng quan trọng nhất của lý thuyết trò chơi, được đặt theo tên nhà toán học thiên tài John Nash.

image

Hiểu đơn giản, Cân bằng Nash là trạng thái mà không bên nào có thể tự cải thiện kết quả của mình nếu chỉ đơn phương thay đổi chiến lược, với điều kiện các bên khác giữ nguyên chiến lược hiện tại. Nói cách khác, ai cũng hiểu rõ đối phương sẽ làm gì, và dựa trên đó, họ chọn cách hành động tối ưu nhất cho mình. Khi mọi người đều đạt đến điểm đó, không ai có lý do để thay đổi – và trạng thái ổn định được thiết lập.

Nghe có vẻ trừu tượng, nhưng ứng dụng của Cân bằng Nash lại vô cùng thực tế:

  • Trong lĩnh vực công nghệ, Google và Apple không phải lúc nào cũng thích nhau, nhưng họ hiểu rõ thế mạnh, thế yếu của nhau, nên duy trì những giới hạn hợp lý để tránh tổn hại lẫn nhau.
  • Trên bàn cờ địa chính trị, Mỹ và Nga tuy luôn đối đầu, nhưng đều ngầm hiểu đâu là ranh giới đỏ cần tôn trọng để không đẩy thế giới vào hỗn loạn.
  • Trong kinh doanh, các đối tác có thể cạnh tranh gay gắt, nhưng vẫn cần đạt những thỏa thuận chung để cùng tồn tại trên thị trường.

Điểm then chốt là, khi tìm được Cân bằng Nash, các bên không cần phải “yêu thương nhau”, nhưng họ buộc phải hiểu nhau, tôn trọng luật chơi chung và hành xử chiến lược. Điều này giúp duy trì sự ổn định, hạn chế rủi ro leo thang căng thẳng hay xung đột không cần thiết.

Hiểu được Cân bằng Nash cũng giống như hiểu được cách thế giới vận hành: đôi khi thắng lớn không bằng biết dừng đúng lúc và giữ thế cân bằng.

Lý thuyết trò chơi: Ứng dụng từ thị trường đến tình yêu

Lý thuyết trò chơi nghe thì có vẻ xa vời, nhưng nếu để ý, bạn sẽ thấy nó hiện hữu ở khắp nơi quanh ta. Từ những quyết định cấp cao như chiến lược kinh tế, chính trị, đến những chuyện tưởng chừng rất đời thường như tình yêu, hôn nhân hay quan hệ bạn bè – tất cả đều là những "trò chơi" mà kết quả phụ thuộc vào sự tính toán của từng người.

Trong kinh tế hay chính trị, lý thuyết trò chơi giúp các bên xác lập liên minh, phân chia quyền lực và tính toán chiến lược cạnh tranh. Những tập đoàn lớn bắt tay nhau để cùng kiểm soát thị phần, hay các quốc gia ngồi lại đàm phán nhằm tránh xung đột quân sự – tất cả đều là những "ván bài" đúng nghĩa.

image

Nhưng không chỉ có thế giới kinh tế, chính trị mới áp dụng lý thuyết trò chơi. Trong đời sống cá nhân, bạn cũng đang chơi những "trò chơi" như vậy mỗi ngày:

  • Trong hôn nhân hay tình yêu, là những cuộc đàm phán ngầm để duy trì sự hòa hợp.
  • Trong công việc, là những mối quan hệ, thỏa hiệp để cùng phát triển.
  • Trong tình bạn, là sự cân bằng giữa cho đi và nhận lại.

Điểm thú vị là, ai biết cách xây dựng liên minh – dù trong công việc hay trong đời sống cá nhân – sẽ nhanh chóng gia nhập "sân chơi của người mạnh", giống như cách các tập đoàn lớn tạo thành các nhóm chi phối thị trường (oligopoly). Ngược lại, người đơn độc, thiếu kỹ năng kết nối, sớm muộn gì cũng bị loại khỏi cuộc chơi hoặc đứng ngoài những cơ hội quan trọng.

Hiểu lý thuyết trò chơi không biến bạn thành người tính toán lạnh lùng, mà giúp bạn tỉnh táo hơn trước những mối quan hệ, biết khi nào nên hợp tác, khi nào nên giữ khoảng cách – để vừa bảo vệ bản thân, vừa đạt kết quả tốt nhất cho chính mình.

Biết người, biết ta mới là khôn ngoan

Lý thuyết trò chơi không phải là công cụ để thao túng hay lừa lọc người khác. Nó đơn giản là cách giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách thế giới vận hành, về những mối quan hệ, xung đột và sự hợp tác xung quanh mình. Khi bạn biết người, biết ta, biết luật chơi – bạn không cần là người mạnh nhất hay thông minh nhất, nhưng bạn có thể là người nắm lợi thế.

Thực tế, cuộc sống không khác gì một chuỗi trò chơi lớn nhỏ nối tiếp nhau. Từ phòng họp đến bàn đàm phán, từ mối quan hệ gia đình đến những quyết định cá nhân – tất cả đều là những ván bài mà nếu biết cách chơi, bạn sẽ tiến gần hơn tới chiến thắng. Và người chiến thắng không nhất thiết là người áp đảo tất cả, mà là người biết chọn đúng chiến lược vào đúng thời điểm.

Đọc thêmTại sao Mỹ không sử dụng nguồn dầu do chính họ khai thác?

RELEVANT SERIES