Metaverse của Meta bị chính nhà phát triển ghẻ lạnh
Chất lượng yếu kém khiến những người phát triển cũng không muốn sử dụng tựa game metaverse của Meta, theo The Verge.
Ngày 19/8, Mark Zuckerberg, CEO Meta, lần đầu hé lộ dự án metaverse Horizon Worlds. Tuy nhiên, tạo hình nhân vật của Zuckerberg ngay lập tức bị chê "xấu xí và đồ họa giống như các tựa game từ 15 năm trước".
Dù Meta khẳng định hình ảnh đại diện (avatar) của Horizon Worlds rất giống thật, chất lượng đồ họa thực tế bị đánh giá tệ hơn cả các đối thủ không sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) như Fortnite.
Sau hàng loạt chỉ trích, ông chủ Meta thông báo đồ họa trong Horizon Worlds sắp được nâng cấp. Zuckerberg cũng đăng tấm ảnh mới với diện mạo cải thiện và tuyên bố "năng lực đồ họa của Horizon có thể vượt hơn thế".
Tuy nhiên, có lẽ ngay cả các nhân viên Meta cũng không thực sự quan tâm đến nền tảng này.
Bị chính nhà phát triển ghẻ lạnh
Theo văn bản nội bộ The Verge thu thập được, đội ngũ Horizon Worlds nhiều lần bị ban lãnh đạo khiển trách vì không mấy khi sử dụng nền tảng. Meta luôn yêu cầu các nhân viên phải thường xuyên sử dụng Horizon Worlds ở cả cơ quan và ở nhà.
Các văn bản khác cho thấy nhân viên Horizon Worlds được chỉ đạo tạm ngừng phát triển tính tăng mới để tập trung giải quyết vấn đề về giao diện và chức năng dài hạn của nền tảng. Những người đứng đầu Meta tin rằng họ cần thật sự trải nghiệm metaverse bên trong Horizon World để làm được điều này.
Vishal Shah, phó chủ tịch bộ phận metaverse của Meta, cho rằng các nhân viên không dành đủ thời gian cho Horizon Worlds. "Tại sao lại như vậy? Tại sao chúng ta không yêu sản phẩm chúng ta dày công tạo nên và sử dụng nó nhiều hơn? Chúng ta không trân trọng sản phẩm thì làm sao mong đợi người khác thích được?" Shah viết trong thư gửi nhân viên ngày 15/9.
Hai tuần sau, ban lãnh đạo Horizon Worlds nhận thấy mức độ tương tác của các thành viên với nền tảng vẫn chưa đạt yêu cầu. Trong văn bản ngày 30/9, Shah tiết lộ họ đang soạn thảo kế hoạch nhằm "đốc thúc nhân viên Meta sử dụng nền tảng”. Đồng thời, công ty khuyến khích họ dành thời gian chơi tựa game VR với bạn bè và gia đình để tương tác với cộng đồng người chơi.
“Yêu Horizon Worlds là nghĩa vụ tất cả mọi người ở đây phải hoàn thành. Các bạn không thể làm điều đó nếu không sử dụng nền tảng”, Shah nói.
Shah thừa nhận tựa game của Meta chưa thực sự mang lại trải nghiệm tối ưu cho người dùng. Bên cạnh đó, vấn đề đồ họa, độ ổn định và quá nhiều lỗi phát sinh đang khiến cộng đồng rời xa Horizon Worlds.
Vì vậy, Horizon Worlds đã quyết định ngừng nâng cấp đến cuối năm để “đảm bảo cải thiện chất lượng và các vấn đề về hiệu suất trước khi mở rộng Horizon đến nhiều người dùng hơn”.
Tham vọng của Mark Zuckerberg
Horizon Worlds là tựa game thực tế ảo (VR) được Meta phát triển. Thông qua không gian mở, người dùng có thể làm việc, giải trí cùng bạn bè trên khắp thế giới với hình ảnh đại diện (avatar) của riêng mình.
Zuckerberg đã chi số tiền khổng lồ cho bộ phận metaverse, ước tính lên đến hàng tỷ USD mỗi năm. Giữa tình hình tài chính khó khăn, vị CEO đã đặt tương lai của Meta vào canh bạc metaverse. Tuy nhiên, quả ngọt vẫn chưa đến với Meta.
Tháng 7, bộ phận metaverse của Meta báo cáo khoản lỗ 2.8 tỷ USD trong quý 2. Tổng khoản lỗ tính đến thời điểm hiện tại là 5.77 tỷ USD. Năm 2021, bộ phận metaverse cũng ghi nhận mức lỗ 10.2 tỷ USD.
Trong báo cáo thu nhập quý 2 hồi tháng 7, Zuckerberg liên tục bảo vệ Facebook Reality Labs (FRL), bộ phận metaverse của công ty, trước các cổ đông.
"Chúng ta chắc chắn sẽ thấy rất tốn kém trong vài năm tới. Nhưng khi metaverse trở thành một phần cuộc sống, tôi tin rằng chúng ta sẽ cảm thấy vui khi đã góp phần xây dựng không gian này", Zuckerberg chia sẻ.
Năm 2021, công ty đổi tên từ Facebook sang Meta. Kể từ đó, công ty đã dành toàn lực phát triển metaverse. Tháng 12/2021, Horizon Worlds trình làng người dùng thông qua kính VR Meta Quest và thu được 300,000 người dùng tính đến đầu năm 2022. Dù đã chi số tiền lớn, giấc mơ metaverse của Zuckerberg vẫn chưa thành hiện thực.
Các nhà lãnh đạo trong Web3 đã tỏ ra hoài nghi trước chiến dịch metaverse của công ty. Cuối tháng 7, Vitalik Buterin, đồng sáng lập Ethereum, tuyên bố “metaverse sẽ thành hiện thực” nhưng không phải với nỗ lực hiện tại của Meta.
Mặt khác, Zuckerberg vẫn kiên định với con đường của mình. Theo kế hoạch ban đầu, Meta dự định đưa Horizon Worlds lên nền tảng di động và máy tính bàn. Tuy nhiên, trong thư nội bộ, Shah cho hay lịch trình công bố có thể bị hoãn lại.
Đọc thêm: Thủ tướng Nhật Bản kêu gọi mở rộng đầu tư vào metaverse và NFT.