Metaverse là gì? Có nên đầu tư vào vũ trụ Metaverse?
Đã 6 tháng kể từ khi Facebook thông báo đổi tên thương hiệu thành Meta và sẽ tập trung tương lai vào phát triển một không gian Metaverse sắp tới. Mọi người đều nói về Metaverse như một “the next big thing” sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, dường như mỗi người trong số đó lại có cách giải thích khác nhau về Metaverse - dường như chưa có một thứ gì đó rõ ràng về thế hệ tương lai của Internet này.
Vậy Metaverse là gì? Tại sao Metaverse lại phổ biến? Metaverse có phải là BigTrend hiện tại không? Cùng tìm hiểu tất cả mọi thứ bạn cần biết về Metaverse và tiềm năng tương lai của nó khi kết hợp với công nghệ blockchain nhé.
Metaverse là gì?
Metaverse là một thuật ngữ xuất hiện lần đầu tiên trong tiểu thuyết “Snow Crash” năm 1992 của Neal Stephenson. Từ này được ghép từ tiền tố “meta” có nghĩa là “vượt ra ngoài” và “verse” trong “universe” - nghĩa là vũ trụ. Do đó, Metaverse có nghĩa là một thế giới vượt ra ngoài chúng ta, một thế giới mà bạn có thể truy cập vào từ bên ngoài.
Theo một số cách, thế giới này đã hiện diện xung quanh chúng ta: bạn có thể khám phá một không gian khác thông qua thực tế ảo (VR); nâng cao thế giới vật chất với AR, chẳng hạn như trong PokemonGo; hoặc di chuyển nhân vật của riêng bạn trong trò chơi điện tử, như với Nintendo.
Tương lai của Metaverse có thể sẽ được sử dụng cho tất cả mọi việc, chẳng hạn như khám phá một thế giới mới, chơi trò chơi, nhận lời khuyên chuyên môn từ bác sĩ hoặc luật sư (những người sẽ có mặt trong vũ trụ ảo Metaverse với tư cách là hình đại diện của họ) hoặc tham gia một cuộc họp kinh doanh hay hội nghị với tư cách là chính bạn. Thay vì gọi điện video, bạn sẽ bước vào phòng kỹ thuật số với tư cách là hình đại diện của mình, ngồi xuống, lắng nghe, đóng góp hoặc trình bày với các hình đại diện khác trong phòng.
Đặc điểm của Metaverse
- Không có giới hạn: Không có rào cản nào giữa thế giới thực và thế giới ảo, khả năng của Metaverse là vô hạn.
- Tính đồng bộ: Những người tham gia Metaverse sẽ có thể tương tác với nhau và với thế giới kỹ thuật số trong thời gian thực, phản ứng với môi trường ảo của họ và với nhau giống như trong thế giới thực.
- Tính khả dụng: Mọi người sẽ có thể đăng nhập đồng thời vào Metaverse và sẽ không có giới hạn về số lượng người tham gia.
- Tính kinh tế: Những người tham gia - bao gồm cả các doanh nghiệp - sẽ có thể cung cấp hàng hóa và dịch vụ để đổi lấy những giá trị được người khác thừa nhận. Giá trị đó có thể bao gồm loại giá trị mà người chơi trò chơi điện tử hiện đang sử dụng (ví dụ: tiền tệ fiat đổi lấy vàng ảo và các vật phẩm trong trò chơi). Nó cũng có thể bao gồm các NFT và tiền điện tử, cùng với các loại tiền tệ fiat truyền thống. Việc trao đổi giá trị như vậy có thể phụ thuộc vào các công nghệ như công nghệ sổ cái phân tán và smart contract.
- Khả năng tương tác: Metaverse sẽ cho phép người tham gia sử dụng các vật phẩm ảo của mình trong các trải nghiệm khác nhau. Ví dụ: trải nghiệm người dùng có thể bao gồm khả năng đa nền tảng, chẳng hạn như cho phép một chiếc xe trong một trò chơi đua xe được sử dụng trong một trò chơi phiêu lưu khác hoặc một món quần áo mua trên Metaverse được "mặc" và sử dụng trong trò chơi, buổi hòa nhạc và bất kỳ môi trường ảo nào khác có sẵn.
Khi Metaverse vượt ra ngoài mảng gaming, các doanh nghiệp tham gia có thể cần phải vượt ra ngoài các phương pháp độc quyền hiện có để củng cố vị trí thị trường của họ. Ví dụ: kiểm soát các định dạng để trao đổi dữ liệu và xác minh ID sẽ cần phải thay đổi.
- Trải nghiệm xã hội: Metaverse cho phép thiết lập các kết nối xã hội giữa người dùng và các thực thể trí tuệ nhân tạo, tạo ra các sự kiện được thiết kế để trải nghiệm trong không gian này.
- Khả năng đóng góp: Người tham gia và người sáng tạo có thể tạo, mở rộng và phát triển Metaverse.
Cấu trúc của vũ trụ Metaverse
Cơ sở hạ tầng (mạng và máy tính)
Metaverse yêu cầu cơ sở hạ tầng máy tính có khả năng hỗ trợ cả luồng dữ liệu lớn và có độ trễ thấp. Các công nghệ như chip và bộ xử lý, 5G, điện toán đám mây, điện toán biên,... có khả năng được sử dụng để tạo ra trải nghiệm liền mạch, không có độ trễ trong Metaverse.
Truy cập/giao diện (phần cứng)
Layer này bao gồm các thiết bị phần cứng cho phép mọi người trải nghiệm Metaverse. Mặc dù danh mục này có thể bao gồm các thiết bị được kết nối như điện thoại di động, PC và bảng điều khiển trò chơi, nhưng chủ yếu tập trung vào các công nghệ mới nổi được thiết kế để nâng cao khả năng trải nghiệm thực tế ảo như AR/VR, găng tay haptic, nhiễu xạ ánh sáng để chiếu các vật thể 3D vào không gian vật lý,...
Công cụ ảo
Các công ty này đang nghiên cứu về các bộ công cụ phát triển phần mềm, công cụ trò chơi, công nghệ quét 3D và các công cụ dành cho nhà phát triển khác để giúp các nhà thiết kế nội dung 3D xây dựng thế giới và trải nghiệm Metaverse.
Thế giới ảo
Thế giới ảo là nơi mọi người sẽ tụ tập và tồn tại trong Metaverse, được xây dựng bằng công nghệ blockchain và thế giới này sẽ đặc trưng bởi trải nghiệm và nền kinh tế do người dùng điều khiển.
Decentraland và The Sandbox là hai trong số những Metaverse được xây dựng bằng công nghệ blockchain phổ biến nhất. Cũng như thế giới thực, những Metaverse này cho phép cư dân mua, bán, giao dịch hàng hóa và tài sản. Tuy nhiên, tất cả các giao dịch này đều được thực hiện dựa trên loại tiền điện tử riêng của Metaverse. Hơn nữa, các vật phẩm hoặc đất đai trong thế giới ảo được giao dịch dưới dạng NFT, đóng vai trò như chứng chỉ chứng minh quyền sở hữu phi tập trung cho các tài sản kỹ thuật số.
Cơ sở hạ tầng kinh tế
Layer này bao gồm các công nghệ cho phép mọi người mua, bán, lưu trữ hàng hóa và dịch vụ trong Metaverse. Đây là nơi mà công nghệ blockchain và crypto đóng vai trò chủ chốt giúp tạo ra một nền kinh tế thế giới ảo.
- Sàn giao dịch tiền điện tử: Các sàn giao dịch này cung cấp các nền tảng để mua và bán tiền điện tử, bao gồm cả các loại tiền điện tử có thể sử dụng trong Metaverse.
- Ví tiền điện tử: Ví tiền điện tử hoạt động như thông tin xác thực đăng nhập vào Metaverse.
Ví dụ: Để đăng nhập vào Cryptovoxels hoặc Decentraland, người dùng cần có một ví tiền điện tử. ID duy nhất của ví cho phép nó hoạt động như một tài khoản cá nhân của người dùng. Miễn là họ có quyền truy cập vào ví, họ có thể đăng nhập vào Metaverse từ nhiều thiết bị khác nhau và sử dụng tài sản kỹ thuật số như tiền tệ trong Metaverse hay các NFT đại diện cho các mảnh đất ảo.
- NFT marketplace: NFT đang nổi lên như là xương sống của hoạt động kinh tế trong Metaverse vì chúng cung cấp bằng chứng về quyền sở hữu đối với tài sản dựa trên metaverse.
Dù vậy, điều này không có nghĩa là các phương thức thanh toán tập trung phổ biến hiện nay không phát huy giá trị. Khi các nền kinh tế trong thế giới ảo phát triển, những người dùng chưa từng biết tới tiền điện tử có thể sẽ muốn sử dụng các hệ thống thanh toán truyền thống.
Ví dụ: Minecraft chấp nhận một số phương thức thanh toán truyền thống cho tiền tệ trong thế giới của nó, Minecoin, bao gồm Visa, Google Pay, Apple Pay và Mastercard.
Trải nghiệm
Layer này bao gồm các hàng hóa, dịch vụ và trải nghiệm khác nhau sẽ có sẵn trong Metaverse. Hiện nay số lượng sản phẩm trải nghiệm còn khá ít, nhưng trong tương lai layer này sẽ tiếp tục phát triển và thay đổi. Decentralized Games là một trải nghiệm metaverse đang đạt được sức hút ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, khác với thế giới ảo phi tập trung, Decentralized Game vẫn chưa thật sự "mở" và trao quyền tự do cho người dùng.
Ví dụ: Decentralized Game của Mythical Games, Blankos, cho phép người chơi xây dựng các minigame và giao dịch các vật phẩm NFT. Tuy nhiên, người chơi không thể tạo kết cấu, sinh vật hoặc vật phẩm mới như họ có thể làm trong Roblox hoặc Second Life. Ngoài ra, các quy tắc của trò chơi không được xác định bởi DAO, như trường hợp của Decentraland hoặc The Sandbox.
Metaverse hoạt động như thế nào?
Trong tầm nhìn của Facebook về Metaverse, người dùng sẽ tương tác với nhau trong không gian 3D và có khả năng hoán đổi giữa các trải nghiệm khác nhau.
Ví dụ: Bạn có thể chia sẻ phòng với những người dùng khác và trò chuyện hoặc chơi bài, sau đó cùng bạn bè tham gia trò chơi lướt sóng 3D. Sau đó, bạn có thể đến phòng trưng bày nghệ thuật NFT, vào sòng bạc kỹ thuật số hoặc xem một buổi hòa nhạc trực tiếp. Cuối cùng, bạn có thể có được thời gian ở một mình trong nhà riêng, có thể tùy chỉnh của sở thích của bạn.
Nhưng đó không phải là tất cả những trải nghiệm Facebook đang xây dựng: họ có thể sẽ tạo là một loạt các công ty lớn nhỏ trong Metaverse và sử dụng ví tiền điện tử hoặc chức năng tương tự để đăng nhập vào các dịch vụ và khai thác tài sản thuộc sở hữu của bạn. Cho dù đó là trang bị hình đại diện 3D, chơi với các vật phẩm trong trò chơi hay tải lên một hình đại diện cá nhân mà bạn sở hữu dưới dạng NFT, bạn sẽ muốn truy cập vào nội dung kỹ thuật số của riêng mình cho dù bạn đang ở đâu.
Nói cách khác, Metaverse sẽ không phải là một điểm đến được điều hành bởi một công ty hoặc cộng đồng. Nó sẽ mở cho tất cả mọi người, được xây dựng trên blockchain cho phép tương tác, di chuyển dễ dàng qua các địa điểm và không gian khác nhau.
Decentraland là một ví dụ về trải nghiệm trò chơi theo phong cách Metaverse được phát triển trên blockchain Ethereum cho phép người dùng mua các mảnh đất được bán dưới dạng tài sản NFT và xây dựng kiến trúc trên đó, tạo ra những thứ như phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật NFT và các trải nghiệm tương tác khác. Decentraland còn sơ khai so với tầm nhìn của Facebook, nhưng nó đã hoạt động và phát triển được vài năm, với sự tham gia của các công ty lớn như Samsung và JP Morgan.
The Sandbox cũng đang xây dựng một thế giới Metaverse tương tự với thiết kế trực quan theo phong cách Minecraft cho phép người dùng kiếm tiền từ các mảnh đất thuộc sở hữu của họ. Chủ sở hữu đất thậm chí có thể cho thuê các mảnh đất để tăng thêm thu nhập. The Sandbox cũng đã chiêu mộ hàng loạt người nổi tiếng và thương hiệu vào thế giới của mình - từ Snoop Dogg đến Adidas và The Walking Dead - với các mảnh đất liền kề thường được bán với giá cao hơn các mảnh đất khác.
Tại sao Metaverse lại trở nên phổ biến?
Khi khái niệm Metaverse bắt đầu kết hợp với Web3 được kích hoạt thông qua công nghệ blockchain (như NFT và Crypto), Metaverse trong tương lai sẽ là một thứ gì đó rất giống với thế giới thực của chúng ta ở nhiều khía cạnh và thậm chí thay thế một số hoạt động trong thế giới thực (như làm việc hoặc đi chơi).
Đối với một số người, Metaverse đại diện cho các cơ hội việc làm mới khi các công ty lớn và các công ty mới thành lập đều cố gắng giành lấy một phần của thế giới ảo mới nổi này. Đối với những người khác, nó có thể có nghĩa là các cơ hội đào tạo mới hoặc các cuộc họp phong phú hơn.
Ngày càng có nhiều người đam mê crypto và NFT cũng đang nhận ra cơ hội đầu tư vào các vùng đất ảo trên các trò chơi Metaverse và bán hoặc cho thuê chúng với giá rẻ. Những người không thực sự quan tâm đến metaverse, nhưng xem chúng như một lĩnh vực mang lại lợi nhuận tài chính có thể đầu tư vào cổ phiếu hoặc token của các công ty/dự án đang nghiên cứu và phát triển ý tưởng này.
Metaverse trong tương lai cũng có thể là một yếu tố đóng góp to lớn cho sự tăng trưởng của nền kinh tế ảo - nơi mà sự gián đoạn gần như là con số không.
Như vậy, cả người dùng và người sáng tạo đều thu được rất nhiều và con số này thậm chí có thể tăng lên nếu các NFT được kết hợp vào tài sản trong trò chơi để sự phân quyền của nền kinh tế ảo trở thành hiện thực.
Vai trò của Blockchain với Metaverse
Mặc dù bản thân Metaverse và các thành phần của nó vẫn còn đang ở trong giai đoạn rất sơ khai, nhưng các nguyên tắc hoạt động chính của hệ sinh thái đã được phát triển.
Nhiều người đã đồng ý rằng Metaverse nên được xây dựng dựa trên công nghệ blockchain, đại diện cho một cơ sở dữ liệu phi tập trung an toàn, nơi các node độc lập có thể tương tác trong một mạng duy nhất. Rõ ràng là công nghệ blockchain có thể đáp ứng các yêu cầu của Metaverse khi xem xét đến các đặc điểm quan trọng sau đây:
- An toàn: Thực tế là metaverse lưu trữ dữ liệu được đo bằng exabyte cho phép việc lưu trữ, truyền tải và đồng bộ hóa an toàn. Theo nghĩa này, công nghệ blockchain rất phù hợp trong bối cảnh phân cấp các kho lưu trữ và các node xử lý dữ liệu.
- Tin tưởng: Công nghệ blockchain mang lại khả năng lưu trữ và truyền tải dữ liệu an toàn thông qua khóa ủy quyền cá nhân ở dạng mã hóa. Từ đó, metaverse blockchain làm tăng sự tin tưởng của người dùng vào hệ sinh thái do thông tin bí mật sẽ không có khả năng bị tiết lộ cho các bên thứ ba.
- Phân quyền: Để đảm bảo metaverse có thể hoạt động đầy đủ, tất cả những người tham gia phải nhìn thấy cùng một thế giới ảo. Một hệ sinh thái phi tập trung dựa trên công nghệ blockchain sẽ có khả năng cho phép hàng nghìn node độc lập có thể đồng bộ hóa.
- Khả năng tương tác: Blockchain tạo điều kiện cho các hệ thống, công nghệ và các giao diện khác nhau có thể tương tác và hoạt động chung với nhau mà không bị hạn chế khả năng.
- Quan hệ kinh tế: Tiền điện tử là một phần không thể thiếu của công nghệ blockchain, có thể hoạt động như một phương tiện trao đổi giá trị và thực hiện các thỏa thuận chung một cách hiệu quả trong không gian Metaverse.
Rõ ràng là các hệ sinh thái tập trung mang đến rất nhiều rủi ro về việc tạo ra và hoạt động của Metaverse. Đó có thể là hacker tấn công, phần mềm độc hại hoặc thậm chí là việc ra quyết định tập trung liên quan đến hoạt động của metaverse. Tuy nhiên, công nghệ blockchain sẽ góp phần giảm thiểu những rủi ro này và giúp chúng ta có thể xây dựng một hệ sinh thái Metaverse ổn định.
Tiềm năng tương lai của Metaverse
Mặc dù có nhiều tranh cãi xung quanh hình dạng và cách mà vũ trụ ảo metaverse sẽ hoạt động, nhưng có một điều được tất cả mọi người công nhận: nó được coi là sự phát triển tiếp theo của Internet, chuyển từ các trang web hướng văn bản và hệ sinh thái khép kín ngày nay thành hệ sinh thái 3D được chia sẻ - một không gian mà người dùng có thể tương tác thông qua hình đại diện.
Theo Bloomberg ước tính, thị trường Metaverse có thể trị giá $800 tỷ vào năm 2024. Mặt khác, Grayscale và JP Morgan coi Metaverse là một thị trường tiềm năng với giá trị khoảng $1 nghìn tỷ vào một thời điểm nào đó trong tương lai - nhưng không xác định khi nào. Một lần nữa, rất nhiều điều về Metaverse hiện không chắc chắn, nhưng các nhà đầu tư và các công ty khởi nghiệp đã nhìn thấy các dấu hiệu tích cực ở phía trước.
Những người ủng hộ tin rằng metaverse sẽ được sử dụng cho nhiều thứ, từ giao tiếp xã hội đến sự kiện, chơi game, mua sắm và thậm chí là công việc. Metaverse sẽ không phải là một trang web hoặc nền tảng, mà là một loạt các điểm đến trực tuyến hỗ trợ hình đại diện và nội dung có thể tùy chỉnh mà bạn có thể di chuyển từ địa điểm ảo này sang địa điểm ảo khác.
Dù vậy, chắc chắn sẽ mất rất nhiều năm để xây dựng cơ sở hạ tầng cho metaverse, chưa kể đến việc thiết lập các phương pháp tốt nhất, bổ sung khả năng tương tác giữa các nền tảng,... VR hiện nay hầu như không phổ biến, tai nghe AR chưa sẵn sàng cho người dùng và máy tính hay thiết bị di động thông thường không thể xử lý được thế giới 3D một cách dễ dàng.
Ngay cả như vậy, bạn vẫn có thể tận hưởng nó ngay hôm nay trong các ứng dụng như Decentraland hay CryptoVoxels. Có thể còn rất lâu nữa chúng ta mới có thể thực sự “sống” trong metaverse, nhưng sẽ rất thú vị khi thấy nó thành hình trong những năm tới.
Xem thêm 5 Xu hướng GameFi bùng nổ trong năm 2022.
Tổng kết
Mặc dù tiềm năng, nhưng Metaverse vẫn còn rất sơ khai và đang trong quá trình phát triển, việc nó sẽ đi về đâu vẫn còn là một ẩn số. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là số lượng các dự án mới quan tâm đến lĩnh vực này vẫn tiếp tục tăng lên. Cho dù đó là một tập đoàn lớn hay một dự án tiền điện tử nhỏ, sự phát triển cũng đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Các dự án nêu trên chỉ là bước khởi đầu, và tương lai của Metaverse là điều rất đáng để mong chờ.