Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Theo chân người đàn ông chi 1 tỷ USD để cứu thị trường crypto

Trước tình hình suy thoái của thị trường tiền điện tử, người đàn ông 30 tuổi đã chi mạnh số tiền khủng để cứu trợ nhiều công ty gặp khó khăn.
Avatar
quynhnguyen
Published Aug 25 2022
Updated Aug 26 2022
6 min read
thumbnail

Khác với thời kỳ bùng nổ mạnh mẽ trong 2021, thị trường crypto 2022 suy thoái kéo theo nhiều dự án sụp đổ. Trong bối cảnh đó, vị tỷ phú 30 tuổi, cũng là CEO FTX, Sam Bankman-Fried đã chi mạnh 1 tỷ USD để “vực dậy” nhiều công ty trong không gian này. 

Người đàn ông 30 tuổi và những động thái “bất ngờ”

Trong xu hướng downtrend của thị trường crypto, Sam được cộng đồng ví như “vị cứu tinh” của không gian này. Anh đã có động thái “cứu trợ” nhiều công ty gặp khó khăn đồng thời mở rộng hoạt động của sàn giao dịch FTX. Cùng với đó là một số thương vụ mua lại các nền tảng giao dịch có trụ sở lại Canada và Nhật Bản.

Hành động của CEO FTX nhằm giữ chân các nhà đầu tư truyền thống trong không gian crypto. Điều này giúp Sam xuất hiện trên nhiều mặt báo nổi tiếng trên thế giới như Fortune.  

sam xuất hiện trên fortune
Sam Bankman-Fried xuất hiện trên tạp chí Fortune. Nguồn: Fortune.

Tất cả đều cho thấy nỗ lực lớn của một tỷ phú trẻ tuổi với mái tóc xoăn và chỉ ngủ vài giờ mỗi đêm. Sam cho biết mục tiêu cuối cùng mà anh hướng đến là đưa crypto đến gần hơn với công chúng. Đồng thời anh muốn biến FTX trở thành cái tên quen thuộc mỗi khi nhắc đến công nghệ blockchain. Từ đó có thể tái tạo lại nền tài chính truyền thống bao gồm thị trường chứng khoán và các khoản thanh toán tiêu dùng thông thường.

Tuy nhiên, không gian crypto trong 2022 có một khởi đầu không mấy thuận lợi. Hiện tại, Bitcoin đã chia hơn 3 lần từ đỉnh 69,000 USD. Thị trường tiền điện tử cũng bốc hơi 2 nghìn tỷ USD, khiến hàng triệu nhà đầu tư thua lỗ. 

thị trường crypto
Toàn cảnh thị trường crypto ngày 25/8. Nguồn: quantifycrypto.

Sự khắc nghiệt và biến động của thị trường là nguyên nhân khiến một số khoản hỗ trợ đầu tư của Sam không mang lại nhiều hiệu quả. Điển hình là thương vụ với nền tảng Voyager Digital. Quỹ đầu tư Sam đứng sau - Alameda Research đã thua lỗ khi cho Voyager vay 75 triệu USD đổi lại 9.5% cổ phần. Nhưng sau đó chưa đầy 2 tuần, Voyager đã nộp đơn phá sản. 

“Chúng tôi muốn làm những gì có thể để ngăn chặn sự lây lan. Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ cố gắng giúp đỡ những công ty không đủ khả năng chống đỡ với sự khắc nghiệt của thị trường," Sam chia sẻ.

Mặc dù mùa đông tiền điện tử kéo dài khiến nhiều dự án sụp đổ nhưng FTX vẫn thu về lợi nhuận ròng từ doanh số. Như MarginATM đưa tin (tại đây), theo báo cáo mới nhất từ CNBC, sàn giao dịch tiền điện tử FTX đã chứng kiến sự bùng nổ vào năm ngoái sau khi đạt được doanh thu hơn 1 tỷ USD, tăng hơn 1,000%. Sam cũng tiết lộ ngay cả khi thị trường suy thoái trong 2022, sàn vẫn kiếm về lợi nhuận.

Sau ba năm ra mắt, với khoảng 300 nhân viên, FTX đã trở thành sàn giao dịch crypto lớn thứ 3 thế giới tính theo khối lượng giao dịch. Theo dữ liệu từ CoinGecko, khối lượng giao dịch mỗi ngày trên FTX là khoảng 9.4 tỷ USD. 

volume các sàn giao dịch
FTX trở thành sàn giao dịch lớn thứ 3 thế giới tính theo volume giao dịch. Nguồn: CoinGecko

Hành trình mở rộng “đế chế” của FTX trong 2022

Trong “cơn bão thanh khoản” khiến hàng loạt công ty đứng bên bờ vực phá sản, nhiều nền tảng đã tìm đến FTX để “cầu cứu”. Được biết, khoảng 15 công ty crypto đã liên hệ với FTX để nhờ giúp đỡ chỉ trong 2 tuần đầu tháng 6. 

Sau đó, vào ngày 1/7, FTX đã công bố thỏa thuận với BlockFi thông qua khoản vay tín dụng 400 triệu USD và tùy chọn mua lại với giá 240 triệu USD. Đây cũng là cách mà Sam nắm bắt cơ hội để mở rộng đế chế của mình. Nếu FTX mua lại thành công BlockFi, công ty này sẽ mở rộng sang thị trường cho vay và bổ sung thêm các dịch vụ tiền điện tử. 

Điều này hoàn toàn phù hợp với tuyên bố của Sam trước đây là biến FTX thành một “siêu thị tài chính”, cung cấp mọi thứ từ cho vay, mua bán cổ phiếu cho đến thanh toán.

sam cứu giúp thị trường
Sam và hành trình cứu giúp thị trường crypto. Nguồn: wsj.com

Vào đầu năm nay, FTX đã mua lại sàn giao dịch tiền điện tử Liquid của Nhật Bản. Sau khi chứng kiến vụ hack thiệt hại 97 triệu USD vào tháng 8/2021, sàn Liquid phải đối mặt với tình cảnh vỡ nợ. Trước tình hình đó, Seth Melamed - Giám đốc Điều hành của Liquid đã tìm đến Sam và cầu cứu. Sau đó, FTX đã chấp nhận và cho sàn giao dịch Nhật Bản vay 120 triệu USD. 

Đến tháng 6/2022, FTX tiếp tục đồng ý mua lại sàn giao dịch có trụ sở tại Canada, Bitvo Inc. Ngoài ra, gã khổng lồ này đã nhận được giấy phép hoạt động hợp pháp tại nhiều quốc gia trên thế giới như Úc, Dubai và Liên minh Châu Âu. Đây được xem là một phần trong nỗ lực mở rộng phạm vi hoạt động toàn cầu của FTX.  

Không chỉ lĩnh vực crypto, FTX còn “lấn sân” cả thị trường tài chính truyền thống. Vào tháng 5, Sam đã chi 648 triệu USD tiền túi của mình để mua mua 7.6% cổ phần của Robinhood Markets Inc., công ty phát hành ứng dụng giao dịch phổ biến. Anh tiết lộ thương vụ này diễn ra khi cổ phiếu của Robinhood giảm gần 80% so với ngày đầu ra mắt. 

Ngoài ra, FTX đã huy động được khoảng 2 tỷ USD trong một loạt các vòng gọi vốn vào năm 2021 và đầu 2022. Trong đó, các nhà đầu tư lớn rót vốn vào FTX bao gồm các công ty quản lý tài sản lâu đời như Temasek Holdings Pte. Ltd. và Quỹ hưu trí Ontario. Nguồn vốn này cho phép FTX thực hiện các thương vụ mua lại sau khi thị trường tiền điện tử lâm vào đà suy thoái cho đến hiện tại. Hơn nữa, Sam cũng từng tiết lộ rằng FTX đã chuẩn bị vài tỷ USD cho các thỏa thuận khác trong thời gian tới. 

RELEVANT SERIES