Người dùng đổ xô rút tiền khỏi Hyperliquid vì lo ngại hacker
Cộng đồng DeFi dậy sóng trước thông tin các hacker Triều Tiên đang hoạt động trên Hyperliquid, dẫn đến lượng rút vốn khổng lồ và sự biến động mạnh của token HYPE.
Hyperliquid, sàn giao dịch DEX phái sinh, đang trải qua một giai đoạn đầy sóng gió khi đối mặt với làn sóng rút vốn kỷ lục, bắt nguồn từ những cáo buộc về sự hiện diện của các hacker Triều Tiên trên nền tảng.
Sự việc này được bắt đầu bởi Taylor Monahan, nhà nghiên cứu bảo mật của Metamask, khi cô công bố danh sách 12 địa chỉ blockchain đáng ngờ có liên quan đến các nhóm hacker do Triều Tiên hậu thuẫn đang hoạt động trên Hyperliquid.
Điều này ngay lập tức gây ra sự hoang mang trong cộng đồng người dùng, dẫn đến lượng rút vốn ồ ạt lên đến 249.1 triệu USD chỉ trong ngày 23/12, và con số này tiếp tục tăng thêm 22.2 triệu USD vào 24/12.
Tham khảo thêm: Hyperliquid đang đứng trước nguy cơ bị hack?
Không chỉ dừng lại ở việc chỉ ra sự hiện diện của các hacker, Monahan còn cảnh báo về nguy cơ Hyperliquid trở thành mục tiêu tấn công trong tương lai. Cô cho rằng các nhóm hacker này đang tích cực tìm hiểu và làm quen với nền tảng để chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn.
Trước đó, Monahan đã chủ động liên hệ với Hyperliquid và đề nghị hỗ trợ để tăng cường an ninh, nhưng dường như đề nghị này đã không được hồi đáp.
Giữa những lo ngại về an ninh, native token của Hyperliquid, HYPE, cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng. Giá trị của HYPE đã giảm mạnh từ mức cao nhất ngày 22/12 là 34.5 USD xuống còn khoảng 26 USD vào ngày 23/12, cho thấy sự dao động mạnh trước những thông tin tiêu cực.
Trước làn sóng chỉ trích và sự hoảng loạn của người dùng, Hyperliquid đã chính thức lên tiếng phản hồi. Nền tảng này khẳng định không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của việc bị tấn công khai thác và đảm bảo rằng tất cả tiền của người dùng đều an toàn.
Tuy nhiên, tuyên bố này vẫn chưa đủ sức thuyết phục cộng đồng, đặc biệt là khi lịch sử tấn công tiền điện tử của các nhóm hacker Triều Tiên, bao gồm vụ hack 600 triệu USD của sidechain Ronin Ethereum vào năm 2022, vẫn còn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người.
Sự việc này một lần khiến cộng đồng phải nhìn nhận lại về tầm quan trọng của an ninh trong lĩnh vực DeFi. Các nền tảng cũng cần phải nghiêm túc đầu tư vào việc củng cố hệ thống bảo mật, chủ động phòng ngừa và có phương án ứng phó hiệu quả trước các mối đe dọa ngày càng tinh vi từ các nhóm hacker.
Đọc thêm: Messari nói gì về tương lai của Blockchain & DeFi trong 2025?