Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Nguyên nhân khiến thị trường crypto tiếp tục giảm vào cuối 2022

Năm 2022, thị trường crypto liên tục đổ máu, các đồng coin đều lao dốc. Trong bối cảnh suy thoái kéo dài, giới phân tích cho rằng tài sản kỹ thuật số có thể tiếp tục giảm vì nhiều lý do. Câu hỏi đặt ra lúc này đó là liệu thị trường đã chạm đáy hay chưa?
Avatar
quynhnguyen
Published Oct 14 2022
Updated Jan 16 2024
8 min read
thumbnail

Năm 2022, thị trường crypto liên tục đổ máu, các đồng coin đều lao dốc. Trong bối cảnh suy thoái kéo dài, giới phân tích cho rằng tài sản kỹ thuật số có thể tiếp tục giảm vì nhiều lý do. Câu hỏi đặt ra lúc này đó là liệu thị trường đã chạm đáy hay chưa? 

Ngày 13/10, toàn bộ thị trường crypto đỏ máu khi Bitcoin giảm mạnh xuống 18,200 USD,  mức thấp nhất trong ba tuần trở lại đây. Hầu hết các đồng coin đều biến động dữ dội sau khi Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9 là 8.2%, hơn mức dự kiến 8.1%.

Như MarginATM đưa tin (tại đây), chỉ số CPI trong tháng 9 đã giảm đáng kể từ mức đỉnh vào tháng 6 (9.1%) nhưng vẫn dao động gần mức cao nhất kể từ đầu những năm 1980. Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng biến động, CPI lõi tăng 0.6%. Lạm phát cơ bản đã tăng 6,6% so với năm 2021. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm xuống còn 3.5% trong tháng 9. 

Sau tin tức này, thị trường crypto lao dốc không phanh. Bitcoin giảm gần 5% về ngưỡng 18,200 USD, Ethereum giảm về 1,200 USD, tương đương 6.5% (theo TradingView).

Tuy nhiên, sáng ngày 14/10, Bitcoin đóng nến D1 hình thành nến pin bar tăng và phục hồi lên vùng 19,800 USD, kéo theo thị trường xanh.

Dù phản ứng giá khi chạm 18,000 USD tốt nhưng không thể xoá bỏ suy nghĩ Bitcoin tiếp tục giảm do tin tức vĩ mô sắp tới. 

Theo coinglass, trong 24h qua, khối lượng tài sản thanh lý trên thị trường tiền mã hóa đạt gần 360 triệu USD với tổng số 129,000 trader bị thanh lý. Trong đó lệnh long chiếm ưu thế với tỷ lệ 55.6%.

Trước thông tin chỉ số CPI tháng 9 cao hơn kỳ vọng, khoảng 96.4% nhà giao dịch dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất 0.75% để kìm hãm lạm phát.

Bối cảnh chung của nền kinh tế toàn cầu ảm đạm, trong khi đó mối tương quan giữa Bitcoin và chứng khoán ngày càng gia tăng. Nhiều nhà phân tích dự đoán rằng Bitcoin có thể tiếp tục giảm nếu Fed tăng tỷ lệ lãi suất lên cao hơn. 

Ngoài ra, một số sự kiện quan trọng trong tháng 10 sắp diễn ra có khả năng gây thêm sức ép cho thị trường tiền mã hóa. 

  • Ngày 17/10: các công ty bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý 3/2022.
  • Ngày 28/10: Mỹ công bố chỉ số giá chi tiêu cho tiêu dùng Cá nhân (PCE).

Trước thềm các sự kiện này, giới phân tích đã đưa ra 3 lý do chính khiến thị trường crypto tiếp tục giảm trong 2022, bao gồm: 

  • Fed tăng lãi suất.
  • Sức ép của quy định pháp lý.
  • Các vụ lừa đảo và mô hình ponzi. 

Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất

Tăng lãi suất làm tăng chi phí vay tiền của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Điều này có tác động trực tiếp đến chi phí hoạt động kinh doanh, chi phí hàng hóa và dịch vụ, chi phí sản xuất, tiền lương và hầu như mọi thứ.

Lạm phát tăng cao là nguyên nhân kiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ liên tục tăng lãi suất để cứu vớt nền kinh tế khỏi suy thoái. Từ tháng 3/2022, Fed bắt đầu tăng lãi suất khiến thị trường crypto liên tục lao đao. 

Chính sách tiền tệ và các chỉ số đo lường sức mạnh của nền kinh tế thay đổi đã tác động tiêu cực đến thị trường tài sản rủi ro như crypto. Ngược lại, nếu lạm phát được kìm hãm, sức khỏe của nền kinh tế được cải thiện và Fed bắt đầu thay đổi chính sách tiền tệ của mình, Bitcoin và altcoin có thể bật tăng trở lại. 

Mối đe dọa dai dẳng của quy định

Từ lâu quy định pháp lý là một trong những rào cản kìm hãm sự tăng trưởng của ngành công nghiệp tiền mã hóa. Bên cạnh các chính phủ thân thiện và ủng hộ crypto, nhiều cơ quan pháp lý trên thế giới vẫn giữ quan điểm sai lệch và không có niềm tin về tiềm năng của crypto trong tương lai.

Nhiều quốc gia trên toàn cầu vẫn chưa xây dựng được khuôn khổ quy định rõ ràng đối với tài sản kỹ thuật số. Trong khi đó, một số khác lại đưa ra các chính sách mâu thuẫn giữa crypto với phương thức thanh toán hợp pháp. 

Việc thiếu rõ ràng trong quy định là rào cản tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng và đổi mới của lĩnh vực này. Thị trường tài sản rủi ro thường bị ảnh hưởng bởi tâm lý của nhà đầu tư. Vì vậy, các lệnh cấm crypto hay việc thắt chặt quy định dễ khiến tâm lý nhà đầu tư sợ hãi tột độ. Từ đó đẩy giá tiền mã hóa lao dốc xuống mức thấp. 

Các hình thức lừa đảo và mô hình Ponzi

Hình thức lừa đảo, Ponzi là yếu tố tác động mạnh đến thị trường crypto trong 2022. Các tin tức xấu gây ảnh hưởng xấu đến tính thanh khoản của tài sản kỹ thuật số. Thị trường crypto còn non trẻ liên tục chứng kiến các tác động nặng nề khiến giá tài sản lao dốc không phanh.

Sự sụp đổ của hệ sinh thái Terra, stablecoin UST mất peg dẫn đến nhiều hệ lụy cho ngành công nghiệp tiền mã hóa. Sự việc này kéo theo hàng loạt công ty phá sản và quỹ đầu tư điêu đứng. Điển hình là quỹ đầu tư mạo hiểm Three Arrows Capital (3AC), nền tảng cho vay Celsius, Voyager. Các nền tảng này đều lần lượt nộp đơn phá sản khiến “cơn bão” thanh khoản một lần nữa dậy sóng. 

Những sự kiện tiêu cực diễn ra khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên hoang mang lo sợ. Nếu những tin xấu tiếp tục xuất hiện, thị trường crypto có thể sẽ hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề hơn. 

Điều gì sẽ xảy vào cuối năm 2022 đến 2023? 

Không ai có thể phủ nhận rằng các tin tức từ Mỹ là yếu tố quan trọng tác động đến thị trường tiền mã hóa. Đó là bởi nền kinh tế Mỹ chi phối và ảnh hưởng nhiều đến toàn bộ kinh tế toàn cầu. Do đó, các tin tức về quốc gia này dường như luôn chiếm sóng trong cộng đồng.

Trở lại với chính sách tăng lãi suất của Fed, các quyết định đưa ra đều tác động trực tiếp đến giá Bitcoin và altcoin. Việc tăng hay giảm lãi suất sẽ chi phối nhiều đến tâm lý nhà đầu tư và sự điều chỉnh của tài sản kỹ thuật số. 

Vì vậy, nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất lên mức cao hơn vào những tháng còn lại của năm 2022, thị trường crypto sẽ không thể tránh khỏi đổ máu. Trong khi đó, bối cảnh nền kinh tế toàn cầu dường như không mấy khả quan. 

Tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn chưa được giải quyết triệt để. Mỹ và các nước đồng minh tiếp tục động thái trừng phạt Nga. Trong khi đó, ngày 5/10, OPEC+ đã công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày, tương đương với 2% nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu nhằm ngăn dầu giảm giá. Điều này khiến các ngân hàng trung ương phải đau đầu vì nỗi lo lạm phát.

Đọc thêm: Thêm một công ty crypto sa thải 80 nhân viên

RELEVANT SERIES