Phân tích gameplay và tokenomics của Lumiterra
Vấn đề thường gặp của các dự án GameFi
Hầu hết các dự án GameFi hiện nay đều phải đối mặt với vấn đề lớn: mô hình game của họ không tạo ra sự hứng thú thực sự cho người chơi đủ lâu. Người chơi tham gia chủ yếu để kiếm tiền và khi động lực này mất đi, họ nhanh chóng rời bỏ game.
Mô hình kiếm tiền với việc sử dụng token chính và token kiếm được (earn token) đã trở nên lỗi thời, gây ra lạm phát và mất giá trị của token trong game sau một thời gian ngắn. Khi không còn tạo ra giá trị kinh tế đáng kể, người chơi không có lý do gì để tiếp tục tham gia, dẫn đến sự sụp đổ của cả hệ sinh thái game.
Để duy trì và phát triển một cộng đồng người chơi gắn bó lâu dài, bản thân game web3 phải hấp dẫn và cơ chế gameplay thực sự thú vị. Đồng thời, lợi ích của các nhóm người chơi trong game phải được xây dựng một cách chặt chẽ, hạn chế phụ thuộc vào thị trường và token game. Qua đó cho dù khi thị trường có đi vào xu hướng giảm thì những người chơi vẫn ở lại chơi game vì game hay.
Tuy nhiên, đây vẫn là dự án game web3 nên người chơi vẫn sẽ kỳ vọng kiếm được lợi nhuận từ game nên mô hình kinh tế trong game cần phải vững chắc, tránh các vấn đề lạm phát thường thấy.
Qua đó Lumiterra đã đưa ra một cơ chế game kết hợp các nhóm người dùng lại với nhau để có thể giúp game tồn tại ổn định và lâu dài.
Cơ chế năng lượng trong Lumiterra
Hệ thống năng lượng trong Lumiterra là cơ chế quan trọng nhất trò chơi. Mỗi 24 giờ người chơi sẽ nhận được 12 điểm năng lượng, và đây chính là nguồn tài nguyên cần thiết để thực hiện mọi hành động trong game. Từ việc chiến đấu với quái vật, thu thập nguyên liệu, đến việc tham gia vào các nhiệm vụ và sự kiện, tất cả đều yêu cầu người chơi tiêu hao năng lượng.
Khi hết năng lượng, người chơi vẫn có thể tiếp tục tham gia vào các hoạt động trong game, nhưng họ sẽ không thể nhận được kinh nghiệm (EXP) hoặc các nguyên liệu rơi ra từ quái vật hay môi trường.
Điều này khuyến khích người chơi sử dụng năng lượng của mình một cách thông minh, đồng thời cũng ngăn chặn tình trạng người chơi cày game 24/7 gây mất cân bằng trong game.
Hệ thống năng lượng này còn được thiết kế với độ khó tăng dần theo từng bản đồ (map). Mỗi bản đồ có tỷ lệ rơi vật phẩm (drop rate) và tỷ lệ tiêu hao năng lượng khác nhau, điều này đòi hỏi người chơi phải có chiến lược cụ thể cho từng khu vực.
Mặc dù ban đầu hệ thống này có thể tạo ra một số thách thức cho người chơi mới nhưng nó cũng là một cách hiệu quả để giữ cho trò chơi luôn cân bằng và hấp dẫn về lâu dài.
Về cơ bản cơ chế năng lượng sẽ giúp tạo ra sự cân bằng cho tất cả người chơi, hạn chế các người chơi multi-account, treo máy 24/24 hoặc tool và bot. Qua đó luôn đảm bảo lợi ích cho toàn bộ người dùng.
Tokenomics và cách dự án chống lạm phát
Lumiterra có mục tiêu xây dựng một mô hình kinh tế token phức tạp nhưng hiệu quả, giúp giữ giá trị của token khi game ra mắt và trong suốt vòng đời của nó.
Một trong những yếu tố quan trọng trong mô hình này là việc không tập trung hoàn toàn vào tokenomics, mà thay vào đó là tối ưu hóa giá trị cho các nhóm người dùng khác nhau: người dùng DeFi, người dùng GameFi và người chơi.
Theo đó, dự án sẽ có hai loại token là LUA và LUAUSD. LUA sẽ là token chính trong game, còn LUAUSD sẽ là stablecoin của dự án. Stablecoin LUAUSD sẽ được tạo ra khi người dùng stake LUA, và số lượng LUAUSD tạo ra sẽ phụ thuộc vào giá trị của token LUA.
Đồng thời Lumiterra sử dụng một mô hình "flywheel" (vòng quay) để tạo ra và duy trì giá trị cho các token. Cụ thể, hệ sinh thái được chia thành ba vòng quay: Defi Flywheel, GameFi Flywheel và Player Flywheel. Mỗi vòng quay này hoạt động một cách độc lập nhưng lại có sự liên kết chặt chẽ, tạo nên một hệ thống tuần hoàn giá trị.
DeFi Flywheel
Người dùng DeFi đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định của giá token LUA. Họ tham gia vào các hoạt động như staking và cung cấp thanh khoản cho các pool, điều này không chỉ giúp bảo đảm giá LUA không bị biến động quá lớn mà còn mang lại cho họ lợi ích từ việc nhận lãi suất (APY) cao.
LUAUSD sẽ giúp duy trì giá cả ổn định trong game, cho phép giá các vật phẩm biến động dựa trên nhu cầu mà không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi sự biến động của token chính của dự án là LUA. Khi người dùng sử dụng LUA để cung cấp thanh khoản, họ sẽ nhận được thêm phần thưởng là token LUAOP.
Lumiterra còn áp dụng một giao thức để hỗ trợ giá sàn của LUAUSD và thưởng cho người nắm giữ LUA nhằm giúp stablecoin của Lumiterra luôn ổn định.
Mỗi khi có giao dịch diễn ra trên AMM DEX của dự án, một phần phí giao dịch sẽ được chuyển vào một pool thưởng dành cho những người nắm giữ LUA. Ngoài ra, dự án cũng có một pool thanh khoản bình thường giữa LUA và các stablecoin khác như USDT hoặc USDC.
Điều này tạo động lực cho người dùng DeFi tiếp tục duy trì và gia tăng giá trị cho hệ sinh thái, vì họ được hưởng lợi trực tiếp từ việc giữ giá token ổn định.
GameFi Flywheel và Player Flywheel
Trong khi đó, GameFi Flywheel và PlayerFlywheel nhắm đến việc kích hoạt và duy trì một nền kinh tế trong game luôn hoạt động mạnh và ổn định. Người dùng GameFi tham gia vào các giao dịch NFT và các hoạt động kinh tế trong game, không chỉ mang lại lợi ích tài chính cho họ mà còn góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm chơi game cho tất cả người tham gia.
Những người chơi game này vừa mang lại thanh khoản cho cả dự án Lumiterra và khi token của dự án giảm giá, vẫn có rất nhiều cơ chế đằng sau giúp cho thị trường tài sản in-game luôn ổn định và không ảnh hưởng quá mạnh. Qua đó người chơi luôn luôn có trải nghiệm chơi game tách biệt khỏi giá trị token của dự án.
Những hoạt động này tạo ra một chu kỳ tích cực, nơi mà càng có nhiều giao dịch diễn ra, hệ sinh thái càng thu hút thêm người chơi, từ đó gia tăng lượng giao dịch và thúc đẩy nền kinh tế trong game.
Dù mục đích tham gia của người chơi là kiếm tiền hay chỉ đơn thuần là tận hưởng game, Lumiterra đảm bảo rằng tất cả các nhóm người chơi đều có thể được thỏa mãn. Hệ thống kinh tế trong game, giống như các dự án MMORPG truyền thống trong thế giới Web 2.0, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì động lực cho người chơi.
Những game như MapleStory đã tồn tại hơn 10 năm vẫn giữ được sức hút nhờ hệ thống gameplay liên tục được cập nhật và nền kinh tế trong game rất phát triển. Tại đó người chơi có thể giao dịch với nhau và tạo ra một môi trường kinh tế tự hoạt động và không cần chính dự án phải can thiệp.
Mặc dù Lumiterra hiện tại chỉ đang ở giai đoạn Closed Beta và chưa thực hiện TGE (Token Generation Event) cho LUA token, nhưng hệ thống chợ trao đổi nguyên liệu trong game ngay lập tức đi vào hoạt động trong giai đoạn thử nghiệm.
Điều này cho thấy khả năng xây dựng một nền kinh tế tự vận hành trong game đã hoàn toàn có thể hoạt động trên Lumiterra, tương tự như các tựa game MMORPG khác. Nhờ có các hệ thống tương tự như các game truyền thống, người chơi luôn có lý do để quay lại và tiếp tục tham gia bất kể mục đích của họ là gì.
Tổng kết
Như vậy về cơ bản Lumiterra đã tạm giải quyết vấn đề lạm phát token trong game và có các kế hoạch để giữ người chơi ở lại trong thời gian dài. Qua đó xây dựng hệ sinh thái với mỗi nhóm người chơi đều có cho mình lợi ích riêng giúp họ giữ động lực chơi game liên tục.
Dù mới chỉ là kế hoạch nhưng dự án cũng đã có một trong những thành công đầu tiên khi đã tạo ra chợ trao đổi nguyên liệu. Liệu Lumiterra sẽ tiếp tục hoàn thành các mục tiêu còn lại để tạo ra một trò chơi với hệ sinh thái kinh tế trong game hoạt động bền vững?
Đọc thêm: Cuộc chơi Memecoin trên Pump.fun: Ai là người được lợi?