Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Quan điểm diều hâu và bồ câu của ngân hàng trung ương là gì?

Các nhà kinh tế thường sử dụng thuật ngữ bồ câu và diều hâu để mô tả quan điểm về chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Thuật ngữ này bắt nguồn từ đâu và có ý nghĩa như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết.
Avatar
Luci
Published Jun 22 2024
Updated Jun 22 2024
5 min read
quan điểm diều hâu và bồ câu

Nguồn gốc và ý nghĩa của tên gọi

Hai thuật ngữ này chỉ các quan điểm đối lập của ngân hàng trung ương về chính sách tiền tệ. Thông qua nhiều công cụ khác nhau, ngân hàng trung ương của một quốc gia hoặc khu vực có thể điều chỉnh lượng tiền lưu thông trên thị trường từ đó tác động tới nền kinh tế.

tác động chính sách tiền tệ tới tổng cung tiền tệ
Biểu đồ biểu diễn tác động của chính sách tiền tệ (lãi suất) tới tổng cung tiền tệ

Ví dụ với biểu đồ kể trên, khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất (từ IR1 lên IR2) trong điều kiện đường cầu tiền không đổi (đường DM màu xanh) sẽ dẫn tới tổng cung tiền trong toàn bộ nền kinh tế giảm.

Quay trở lại với diều hâu và bồ câu, ý nghĩa của thuật ngữ này rất đơn giản:

  • Bồ câu (dove): Lúc này, mục tiêu của ngân hàng trung ương sẽ là nới lỏng tiền tệ. Cho phép cung tiền gia tăng. Từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng sẽ có các rủi ro về lạm phát.
  • Diều hâu (hawk): Ngược lại với bồ câu, ngân hàng trung ương với quan điểm diều hâu sẽ có mục tiêu kìm hãm lượng cung tiền trên thị trường thông qua các hoạt động làm suy giảm tổng cung tiền. Từ đó góp phần kìm hãm lạm phát tuy nhiên lại gây rủi ro suy thoái kinh tế.
quan điểm bồ câu và diều hâu
Bức ảnh minh hoạ dễ hiểu của quan điểm diều hâu và bồ câu

Giống như thị trường bò và thị trường gấu (bull & bear market), thuật ngữ này cũng bắt nguồn từ các hình ảnh về động vật trong tự nhiên. Theo đó:

  • Bồ câu là biểu tượng cho hoà bình và sự hiền hoà. Do đó, thuật ngữ này tỏ ra phù hợp khi ngân hàng trung ương gia tăng cung tiền để thúc đẩy sản xuất và tạo việc làm.
  • Diều hâu là loài chim săn mồi hung hăng. Trong hoạt động săn mồi, diều hâu thường thận trọng theo dõi con mồi trước khi hành động. Điều này thể hiện hình ảnh ngân hàng trung ương sẽ tỏ ra cẩn thận khi xem xét lợi ích giữa việc hy sinh tăng trưởng kinh tế để kìm hãm lạm phát.
advertising

Những công cụ để thực hiện chính sách tiền tệ

Ngân hàng trung ương có ba công cụ chính để thực hiện chính sách tiền tệ:

  • Lãi suất.
  • Nghiệp vụ thị trường mở.
  • Tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
nới lỏng tiền tệ
Cách ngân hàng trung ương sử dụng 3 công cụ trên trong trường hợp nới lỏng tiền tệ

Cả ba công cụ này sẽ được kết hợp một cách hiệu quả để điều tiết lượng cung và cầu tiền trong nền kinh tế.

Đối với lãi suất, khi quan điểm là diều hâu, lãi suất sẽ được tăng. Từ đó, chi phí vay vốn sẽ đắt đỏ hơn khiến cầu tiền trong nền kinh tế giảm từ đó giảm cung tiền. Trường hợp ngược lại với bồ câu, họ sẽ giảm lãi suất để tăng cung tiền.

Nghiệp vụ thị trường mở (OMO) là hoạt động mua bán chứng khoán của ngân hàng trung ương với mục tiêu tác động tới lãi suất trên trên thị trường mở.

Ví dụ trong trường hợp bồ câu, họ sẽ mua vào trái phiếu khiến lợi suất trái phiếu giảm, từ đó chính phủ có thể phát hành nợ với lãi suất thấp, và dòng tiền của các nhà đầu tư sẽ tìm đến các kênh khác với mức sinh lời cao hơn. Từ đó gia tăng cung tiền.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là tỷ lệ tiền gửi của khách hàng mà ngân hàng trung ương yêu cầu các ngân hàng thương mại luôn phải giữ trong kho của họ (không được mang đi cho vay). Thông qua việc tăng hoặc hạ tỷ lệ này, ngân hàng trung ương sẽ gián tiếp tác động tới cung tiền.

Ví dụ, trong trường hợp bồ câu, ngân hàng trung ương có thể hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Từ đó, các ngân hàng thương mại có thể cho vay nhiều hơn khiến cung tiền gia tăng.

Tác động của quan điểm diều hâu và bồ câu tới thị trường chứng khoán

Thông thường, trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, quan điểm diều hâu sẽ tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán.

Ví dụ với quan điểm diều hâu, ngân hàng trung ương sẽ gia tăng lãi suất, thực hiện hoạt động bán trái phiếu. Theo đó, chi phí doanh nghiệp gia tăng, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính trên thị trường cũng giảm đi từ đó tạo ra áp lực bán với cổ phiếu và trái phiếu.

Dẫn tới hệ quả thị trường sẽ có phản ứng tiêu cực trong ngắn hạn. Và ngược lại đối với quan điểm bồ câu, thị trường sẽ tăng trưởng trong điều kiện các yếu tố khác không đổi.

Đọc thêm: ZK Nation là gì? Cơ chế quản trị của ZkSync có gì đặc biệt?

RELEVANT SERIES