Telegram dự định phát triển sàn giao dịch phi tập trung
Nhà sáng lập Telegram muốn hướng tiền mã hóa trở lại mô hình không cần tin cậy (trustless), theo Decrypt.
Khi sự sụp đổ của FTX làm lung lay niềm tin vào sàn giao dịch tập trung, Telegram quyết định lên kế hoạch xây dựng các giải pháp phi tập trung và không cần tin cậy vào bên thứ 3. Trong kênh Telegram, Pavel Durov, nhà sáng lập Telegram cho biết công ty sẽ bắt đầu xây dựng ví không lưu ký (non-custodial) và sàn phi tập trung để hàng triệu người dùng có thể giao dịch tiền mã hóa một cách an toàn.
“Bằng cách này, chúng tôi có thể khắc phục những sai sót do tính tập trung hóa gây ra, khiến hàng trăm nghìn người dùng tiền mã hóa thất vọng", Durov nói.
Ông khẳng định dự án không hề nằm ngoài tầm với của Telegram. Durov viện dẫn việc phát triển Fragment, nền tảng đấu giá phi tập trung của Telegram chỉ mất 5 tuần và 5 người, bao gồm cả ông.
Ra mắt vào tháng trước, nền tảng đã thu về số Toncoin trị giá 50 triệu USD. Fragment bán đấu giá tên người dùng được mã hóa trên blockchain The Open Network (TON). Các giao dịch được thanh toán bằng Toncoin. Người mua có thể truy cập các tên miền này bằng @username trên Telegram hoặc bên ngoài Telegram qua các liên kết username.t.me và t.me/username.
Durov kêu gọi các nhà phát triển định hướng ngành trở lại các ứng dụng phi tập trung và tránh phải tin tưởng vào bên thứ 3. Ông cho rằng việc phụ thuộc vào các tổ chức tập trung đã khiến nhiều người mất tiền trong thảm họa FTX.
Charles Hoskinson, nhà sáng lập Cardano có quan điểm tương tự Durov. Tại Crypto and Digital Assets Summit của Financial Times ngày 30/11, Hoskinson khẳng định vấn đề không bắt nguồn từ lỗi của giao thức hay tài chính phi tập trung (DeFi).
“Chúng là sự thất bại của niềm tin, của quy định và của con người”, Hoskinson phát biểu
Thảm họa FTX đã gây ra hiệu ứng domino lên nhiều công ty cho vay tiền mã hóa tập trung. Như MarginATM đưa tin (tại đây), BlockFi đã nộp đơn xin phá sản, trong khi Genesis Trading đóng băng tính năng rút tiền và đang trên bờ vực phá sản.
Đọc thêm: Sam Bankman-Fried: Đáng lẽ tôi không nên nộp đơn phá sản.