Vì sao cơ chế phát hành Token cần phải thay đổi ngay lập tức?
Nguồn gốc của vấn đề Token có nguồn cung ban đầu thấp nhưng FDV cao
Trong bài phân tích mới nhất của Wu Blockchain về tình trạng các dự án có nguồn cung ban đầu thấp, đội ngũ đã nhấn mạnh vai trò của Bitcoin như một công cụ quan trọng giúp thị trường toàn cầu tránh khỏi những hệ lụy của việc in tiền không kiểm soát. Cũng như chỉ ra là lý do vì sao Bitcoin được xem như một biểu tượng của sự bền vững và minh bạch trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, nghịch lý lại xảy ra trong lĩnh vực web3/crypto. Thay vì giữ vững lý tưởng chống lại việc in tiền, nhiều dự án crypto lại áp dụng cơ chế phát hành token theo lịch trình cố định. Điều này dẫn đến những vấn đề lớn trong cách thức vận hành thị trường, điển hình là hiện tượng "low float, high FDV" (cung lưu hành thấp, vốn hóa hoàn toàn pha loãng cao).
Hiện tượng này tạo ra một sự chênh lệch lớn giữa giá trị vốn hóa thị trường (market cap) và giá trị FDV, khiến các nhà đầu tư dễ bị đánh lừa về giá trị thực tế của dự án.
Khi lượng token lưu hành (float) quá thấp so với tổng cung tối đa (total supply), FDV thường bị phóng đại, tạo cảm giác dự án có giá trị rất cao. Tuy nhiên, khi token được mở khóa theo thời gian mà không có sự gia tăng tương ứng về nhu cầu, giá token có xu hướng giảm mạnh do áp lực bán từ đội ngũ dự án hoặc quỹ đầu tư. Điều này không chỉ làm giảm niềm tin từ cộng đồng mà còn làm suy yếu tính bền vững của dự án trong dài hạn.
Trong tài chính truyền thống (TradFi), vốn hóa thị trường được tính dựa trên tất cả các cổ phiếu đang lưu hành, bao gồm cả những cổ phiếu bị khóa trong vòng 6–12 tháng sau IPO. Các yếu tố làm tăng tổng cung cổ phiếu, như quyền chọn hoặc cổ phiếu bị giới hạn, thường không ảnh hưởng nhiều. Do đó, giá trị FDV trong TradFi chỉ cao hơn vốn hóa thị trường (market cap) một chút hoặc không có sự chênh lệch đáng kể.
Khi các công ty phát hành thêm cổ phiếu, điều này thường diễn ra thông qua các đợt gọi vốn hoặc chia tách cổ phiếu, và những thay đổi này sẽ ngay lập tức được phản ánh trong giá thị trường.
Ngược lại, trong crypto, các dự án thường áp dụng mô hình tokenomics với tổng cung cố định và lượng cung ban đầu ban đầu thấp. Điều này tạo ra một FDV trong crypto hoàn toàn khác biệt so với TradFi, bởi FDV của crypto bao gồm tất cả các token có thể được phát hành trong tương lai, thay vì chỉ tập trung vào lượng token hiện đang lưu hành.
Nếu áp dụng định nghĩa FDV của crypto vào TradFi, giá trị này sẽ bao gồm toàn bộ số cổ phiếu tiềm năng có thể phát hành trong tương lai. Điều này làm cho FDV trong TradFi trở nên không giới hạn, vì các công ty có thể dễ dàng nâng trần cổ phiếu được phép phát hành thông qua sự phê duyệt của cổ đông.
Dù hầu hết các dự án crypto cố gắng mô phỏng Bitcoin với tổng cung cố định và lượng cung ban đầu thấp, nhưng họ lại bỏ qua một nguyên tắc quan trọng: phát hành token dựa trên nhu cầu thực tế thay vì theo lịch trình cố định. Đây chính là điểm mấu chốt dẫn đến sự mất cân đối trong tokenomics của nhiều dự án.
Lượng phát thải (emission) của Bitcoin thường bị hiểu nhầm là hoàn toàn dựa trên thời gian, ví dụ như chu kỳ halving 4 năm, nhưng thực chất, cơ chế này được thiết kế dựa trên nhu cầu. Có ba điểm cốt lõi trong cơ chế này bao gồm:
- Lượng phát thải của Bitcoin (phần thưởng block) gắn liền với số lượng block được đào.
- Nếu phần thưởng không đủ cao để khuyến khích thợ đào, không có BTC mới nào được phát hành.
- Giá BTC cuối cùng vẫn phụ thuộc vào nhu cầu, vì cơ chế cung đã được cố định.
Ngược lại, hầu hết các dự án crypto hiện nay lại áp dụng cơ chế unlock token theo lịch trình cố định, điều này tạo ra sự bất cập lớn trong cân bằng cung và cầu. Lịch trình unlock cứng nhắc không thể đáp ứng được sự biến động của nhu cầu thị trường, dẫn đến việc token thường được phát hành vào những thời điểm nhu cầu không đủ hoặc thậm chí đang giảm. Kết quả là giá token liên tục sụt giảm.
Hơn nữa, cơ chế unlock theo lịch trình còn gây ra xung đột lợi ích giữa các bên liên quan, bao gồm đội ngũ dự án, nhà đầu tư, và cộng đồng. Điều này làm suy giảm lòng tin vào dự án và dẫn đến hiệu suất kém sau TGE của nhiều token có quỹ đầu tư đứng sau, gây tổn hại lớn đến uy tín và khả năng thu hút người dùng trong dài hạn.
Cách duy nhất để khắc phục vấn đề này là chuyển sang cơ chế phát hành token dựa trên nhu cầu. Điều này đảm bảo rằng token chỉ được phát hành khi có thêm nhu cầu từ cộng đồng hoặc thị trường. Cơ chế này mang lại hai lợi ích chính:
- Cân bằng cung-cầu: Token chỉ được phát hành khi có thêm nhu cầu, ngăn chặn tình trạng lạm phát theo lịch trình.
- Đồng bộ lợi ích: Chỉ khi cộng đồng hoặc thị trường tạo ra thêm nhu cầu, việc unlock token mới được kích hoạt. Điều này đưa đội ngũ dự án, nhà đầu tư và cộng đồng cùng “ngồi chung thuyền.”
Mặc dù cơ chế phát hành token dựa trên nhu cầu có thể làm tăng rủi ro cho đội ngũ dự án và các nhà đầu tư đặc biệt là nguy cơ không thể unlock token khi nhu cầu không đủ. Tuy nhiên, một phần rủi ro này cũng tạo động lực để các dự án tập trung vào việc xây dựng giá trị thực sự, thay vì chỉ đơn thuần tìm cách tối đa hóa lợi ích ngắn hạn.
Nếu không áp dụng những thay đổi cần thiết trong tokenomics, web3 sẽ mãi là một trò chơi có tổng bằng không, nơi các nhóm nội bộ hưởng lợi nhiều nhất trong khi cộng đồng chịu thiệt thòi. Trong trường hợp xấu nhất, mô hình này có thể biến crypto thành một hình thức lừa đảo tài chính được ngụy trang bởi những lời hứa phi tập trung hóa và công bằng.
Giải pháp giải quyết
Chỉ mint thêm token khi có nhu cầu từ thị trường
Fair Release 1.0 là một mô hình tokenomics hướng đến sự bền vững và công bằng, đảm bảo token chỉ được phát hành khi có thêm nhu cầu từ thị trường. Mô hình này mang lại nhiều ưu điểm nổi bật:
- Phân phối công bằng: Đảm bảo tất cả các bên liên quan, bao gồm đội ngũ, nhà đầu tư, và cộng đồng, đều được hưởng lợi trong mỗi đợt phát hành.
- Kiểm soát lạm phát: Ngăn chặn tình trạng phát hành token không kiểm soát, bảo vệ giá trị của token khỏi bị pha loãng.
- Xây dựng lòng tin lâu dài: Tạo điều kiện cho sự tham gia bền vững từ cộng đồng mà không làm suy giảm lòng tin.
Mô hình Fair Release có ba phiên bản phù hợp với các dự án khác nhau:
- Ponzi Version (không có doanh thu): Phát hành token mới tương đương với lượng đã bị đốt.
- HODL Version (có doanh thu): Phát hành token mới và sử dụng doanh thu để bù đắp lạm phát, giữ giá token ổn định.
- Moonshot Version (có doanh thu): Sử dụng một phần doanh thu để tăng giá token, tạo hiệu ứng "up-only".
Đối với các dự án không tạo ra doanh thu tương tự các dự án Ponzinomics, mô hình Fair Release vẫn có thể hoạt động ở mức cơ bản để đảm bảo việc unlock token công bằng và không gây lạm phát. Cách thức hoạt động như sau:
- Tại thời điểm T₀: Liquidity pool ban đầu chứa TOKEN và USDT, định giá TOKEN ở mức giá khởi đầu.
- Giữa T₀ và T₁: Một lượng TOKEN được tiêu thụ (ví dụ: qua tương tác cộng đồng) và bị đốt, giảm cung lưu hành và đẩy giá TOKEN lên cao.
- Tại thời điểm T₂: Một lượng TOKEN tương đương được phát hành lại để khôi phục số token đã bị đốt, đưa giá TOKEN trở lại mức ban đầu. Số token mới được phân phối công bằng cho các bên liên quan (đội ngũ, VCs, cộng đồng...).
Tác động:
- Tổng cung lưu hành không thay đổi sau mỗi vòng phát hành, và giá TOKEN quay về mức cũ.
- Việc phát hành token được thực hiện một cách minh bạch và công bằng giữa các bên liên quan.
Dù vậy, phiên bản 1.0 vẫn có những hạn chế như gây pha loãng quyền sở hữu của cộng đồng. Vì lượng token bị đốt chủ yếu xuất phát từ cộng đồng, nhưng chỉ một phần token được phát hành lại thuộc về họ. Mặc dù cơ chế này hợp lý hơn unlock theo lịch trình, nhưng lợi ích vẫn nghiêng về phía các bên nội bộ.
Tạo thêm nhiều doanh thu cho dự án
Fair Release 2.0 cải tiến mô hình Ponzi bằng cách thêm khả năng tạo doanh thu cho dự án, giúp bảo vệ giá token một cách bền vững hơn. Các bước thực hiện như sau:
- Tại thời điểm T1: Liquidity pool ban đầu chứa TOKEN và USDT, định giá TOKEN ở mức giá khởi đầu.
- Giữa T₀ và T₁: Một lượng TOKEN được tiêu thụ và bị đốt, giảm cung lưu hành và tăng giá TOKEN. Đồng thời, dự án tạo ra doanh thu bằng USDT.
- Tại thời điểm T₂: Một lượng token mới được phát hành vượt quá số lượng đã đốt — gồm cả phần lạm phát — phân phối cho các bên liên quan, khiến giá TOKEN giảm xuống dưới mức khởi đầu.
- Tại thời điểm T₃: Doanh thu được sử dụng để mua lại và đốt lượng token thừa, đưa giá và cung lưu hành của TOKEN trở lại mức ban đầu.
Tác động:
- Không có sự pha loãng quyền sở hữu của cộng đồng.
- Giá token được bảo vệ thông qua cơ chế buyback và burn, đảm bảo sự ổn định.
Fair Release 2.0 giải quyết hoàn toàn vấn đề pha loãng cộng đồng của phiên bản Ponzi, đồng thời tạo động lực lâu dài để cộng đồng tiếp tục tham gia.
Cách tối ưu nhất thời điểm hiện tại
Fair Release 3.0 là phiên bản nâng cấp của mô hình HODL, kết hợp thêm cơ chế sử dụng doanh thu để tăng giá token. Phiên bản này không chỉ bảo vệ giá token mà còn tạo ra hiệu ứng tăng trưởng giá liên tục ("up-only"). Các bước thực hiện như sau:
- Tại thời điểm T₀: Liquidity pool ban đầu chứa TOKEN và USDT, định giá TOKEN ở mức khởi đầu (giống với các phiên bản trước).
- Giữa T₀ và T₁: Một lượng TOKEN được tiêu thụ và đốt, giảm cung lưu hành và tăng giá TOKEN. Đồng thời, dự án tạo doanh thu bằng USDT.
- Tại thời điểm T₂: Một lượng token mới được phát hành vượt quá số lượng đã đốt, với phần lạm phát được phân phối cho các bên liên quan. Điều này khiến giá TOKEN giảm xuống dưới mức khởi đầu (giống phiên bản HODL).
- Một phần doanh thu được sử dụng để mua lại và đốt lượng token thừa, đưa giá và cung lưu hành về mức ban đầu. Phần doanh thu còn lại được bơm trực tiếp vào liquidity pool để tăng giá TOKEN.
Tác động đến nguồn cung của các dự án sẽ như sau:
- Sau mỗi vòng phát hành token, giá TOKEN không chỉ được bảo vệ mà còn tăng lên.
- Tạo động lực mạnh mẽ cho cộng đồng tiếp tục nắm giữ và tham gia vào dự án, đồng thời thu hút thêm nhà đầu tư mới.
- Đội ngũ dự án và VCs có lợi ích gắn liền với sự tăng trưởng của token, thay vì chỉ tìm cách thoát vốn nhanh chóng.
Đặc điểm nổi bật của phiên bản Moonshot: Phiên bản này yêu cầu tính toán chính xác hơn để tối ưu hóa.
- Tỷ lệ lạm phát: Đảm bảo lượng token phát hành vừa đủ để kích thích nhu cầu nhưng không gây áp lực giảm giá lớn.
- Phân bổ doanh thu: Xác định tỷ lệ phù hợp giữa phần dùng để buyback và phần dùng để tăng giá token.
Khi được triển khai cẩn thận, mô hình này tạo ra một chu kỳ phát triển bền vững: càng nhiều người tham gia, giá token càng tăng, thúc đẩy một vòng phản hồi tích cực.
Nhiều người quy kết sự kém hiệu quả của thị trường crypto hiện nay cho các yếu tố như thiếu thanh khoản, sự đình trệ trong đổi mới hoặc sự cạn kiệt của các câu chuyện hấp dẫn. Tuy nhiên, ít ai nhận ra rằng vấn đề thực sự nằm ở sự phân phối tài sản không công bằng, làm gia tăng sự chia rẽ giữa các nhà đầu tư nhỏ lẻ và các tổ chức lớn như VCs hoặc đội ngũ dự án.
Web3 được xây dựng dựa trên tư tưởng phi tập trung, hướng đến việc phân phối quyền lực và tài sản công bằng hơn. Nhưng nếu không cải thiện cách phân phối tài sản và lợi ích, crypto sẽ không thể vượt qua các mô hình tài chính truyền thống , ngay cả khi có đủ thanh khoản, đột phá kỹ thuật, hay những câu chuyện hấp dẫn.
Fair Release không chỉ là một giải pháp cho vấn đề "low float high FDV" mà còn đặt nền móng cho sự công bằng và bền vững trong phát hành token. Mô hình này tuân thủ các nguyên tắc kinh tế cơ bản, giải quyết tận gốc các vấn đề về cung-cầu, đồng thời tạo động lực dài hạn cho tất cả các bên liên quan.
Fair Release 3.0, phiên bản Moonshot, đưa ý tưởng này lên một tầm cao mới , với khả năng không chỉ giữ ổn định giá token mà còn tăng giá trị của nó theo thời gian.
Mô hình này dự kiến sẽ tạo ra một "flywheel effect" (hiệu ứng bánh đà), thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và thu hút các nhà đầu tư mới, đồng thời đưa lợi ích của đội ngũ dự án và cộng đồng vào cùng một mục tiêu.
Đọc thêm: Hacker Crypto khét tiếng tái xuất sau 5 năm, chuyển tiền vào ví mới