Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Tokenomics là gì? Hiểu rõ cuộc chơi để tăng tỷ lệ thắng trong Crypto

Tokenomics là thuật ngữ quan trọng phần tác động lớn đến quyết định đầu tư nhưng ít được quan tâm đến. Vậy Tokenomics là gì? Hiểu rõ ván bài Tokenomics tại đây.
Avatar
quangvo
Published Oct 31 2021
Updated Oct 04 2022
25 min read
thumbnail

Tokenomics - một thuật ngữ khá quen thuộc và không kém phần quan trọng tác động lớn đến các quyết định đầu tư nhưng điều này thường ít được các nhà đầu tư quan tâm. 

Chúng ta có thể liên tưởng rằng tài chính giống như một ván bài Poker, trong cuộc chơi này ông A luôn cố gắng đoán suy nghĩ của ông B, ông C và ông B, ông C cũng sẽ làm điều tương tự. Tokenomics giống như một bộ bài được chia ra cho từng lớp các nhà đầu tư. Nếu chúng ta hiểu luật chơi, đọc vị được đối phương thì chúng ta sẽ tăng được tỷ lệ thắng trong cuộc chơi money game này.

Trong bài viết, mình sẽ chỉ ra các thành phần tham gia vào cuộc chơi tài chính mà cụ thể là thị trường Crypto. Giúp bạn hiểu rõ Tokenomics là gì và các yếu tố cấu thành Tokenomics cũng như ý nghĩa của từng thành phần này. Ngoài ra một phần mà mình muốn nhấn mạnh đó là Token Float. Ở phần này mình sẽ đưa ra một số góc nhìn về tác động của việc có một số lượng lớn token tồn tại trên thị trường nhưng chưa được đưa vào lưu thông.

Tokenomics là gì?

Tokenomics là thuật ngữ kết hợp giữa token và economics. Nó thể hiện bản chất mô hình kinh tế học của các tài sản Crypto trong thế giới Blockchain. Cụ thể hơn, với mỗi dự án, đội ngũ phát triển sẽ thiết kế số lượng token sao cho phù hợp với cơ chế vận hành. 

Sau khi thiết kế các token sẽ được phân bổ đến các thành phần liên quan trong đó có khoản phân bổ cho đội ngũ phát triển, cho quỹ đầu tư,... như cổ phần ở một công ty, doanh nghiệp truyền thống. 

Để một dự án hoạt động tốt, ngoài bản chất công nghệ cốt lõi của sản phẩm, dự án cần phải quan tâm đến việc thiết kế tokenomics sao cho hợp lý. Các yếu tố mà dự án cần quan tâm để thiết kế ra một tokenomics có thể cân bằng lợi ích đôi bên là tỷ lệ phân bổ giữa các thành phần và thời gian trả token.

Tokenomics thường được thiết kế trong giai đoạn đầu của dự án và nó đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành một dự án hoạt động. Do đó, với những dự án chưa có kinh nghiệm thì việc tokenomics được thiết kế không hợp lý sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của dự án.

Tokenomnics - Sự kết hợp giữa Token và Economics

Tầm quan trọng của tokenomics

Vậy Tokenomics quan trọng đến mức nào? Tại sao chúng ta cần quan tâm đến Tokenomics?

Trước tiên mình sẽ giới thiệu đến các bạn về những thành phần tham gia vào cuộc chơi tài chính này. Một “cuộc chơi” thông thường sẽ bao gồm các thành phần sau:

  • Team & Advisors of Projects.
  • Seed Round Investors.
  • Private Sale Investors.
  • Exchanges.
  • Market Makers. (nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc điều khiển, điều tiết giá thị trường)
  • Retail Investors. (Hầu hết chúng ta - những nhà đầu tư nhỏ lẻ)
  • Airdrop & Bounty Hunters.
  • Miners.

Tất cả chúng ta (retail investors) thực chất đang tham gia vào cuộc chơi của 5 nhân tố đầu tiên. Chúng ta đầu tư vào những token - cái được tạo ra bởi dự án và đã được bán với giá rất thấp cho các nhà đầu tư ban đầu.

Bên cạnh đó, nếu một dự án kiểm soát không tốt số lượng và thời gian phân bổ token ra lưu thông trên thị trường thì giá trị sẽ có nguy cơ lạm phát cao. Từ đó, các tài sản token bị mất giá trị dẫn đến các nhà đầu tư thua lỗ và sẽ rời bỏ dự án trước khi dự án có thể phát triển thành công về mặt công nghệ sản phẩm.

Do đó, việc hiểu cách token của dự án được vận hành như thế nào, số lượng và thời gian phân bổ token ra sao là một điều hết sức quan trọng trong quá trình đưa ra quyết định đầu tư.

Các loại coin/token trong Tokenomics

Coin và token là hai thuật ngữ bạn thường thấy trong thị trường crypto nhưng khá nhiều người vẫn đang còn nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Mình sẽ giải thích ngắn gọn như sau:

  • Coin là thuật ngữ chỉ các tài sản thuộc lớp Layer 1. 
    Ví dụ: ETH của Ethereum, BNB của Binance Smart Chain, SOL của Solana,...
  • Trong khi đó, token được sử dụng để chỉ các tài sản được xây dựng trên một Blockchain Platform. 
    Ví dụ: CAKE là token BEP-20 của BSC, UNI là token ERC-20 của Ethereum,...

Để tìm hiểu thêm về Coin/token và sự khác nhau giữa chúng một cách chi tiết hơn, bạn có thể xem tại đây.

Các yếu tố tạo nên Tokenomics

Phần này có thể hơi nhàm chán vì nó mang nặng tính lý thuyết nhưng bạn không nên bỏ qua vì nó sẽ cung cấp một kiến thức nền tảng, giúp bạn nhận thấy được mối liên hệ cơ bản giữa các thành phần với nhau tạo nên một Tokenomics hoàn chỉnh. Các thành phần đó lần lượt gồm:

Coin/Token Supply

Nếu bạn đã từng check dự án trên CoinGecko hay CoinMarketCap thì có lẽ đều đã thấy 3 dạng Supply: Circulating Supply, Total Supply và Max Supply. Trong đó Max Supply và Total Supply là hai khái niệm rất thường hay bị nhầm lẫn.

Max Supply (Cung tối đa)

Max Supply là tổng số lượng token tối đa mà dự án có thể cung ra thị trường.

Ví dụ: Số lượng Bitcoin tối đa mà các thợ đào có thể khai thác là 21 triệu Bitcoin.

Bitcoin (BTC) | Nguồn: CoinMarketCap

Total Supply (Tổng cung)

Total Supply là khái niệm chỉ tổng số lượng token đã cung ra thị trường 

Total Supply = Circulating + Token đang bị lock - Số lượng Token đã đốt.

Cụ thể trong Total Supply còn có những dạng như sau:

Tổng cung không cố định: Số lượng token thay đổi dựa trên cơ chế hoạt động của dự án.

  • Tổng cung vô hạn: Số lượng Token sẽ được mint thêm dựa trên hiệu suất hoạt động của một dự án hoặc mạng lưới.
Ethereum (ETH) | Nguồn: Coingecko
  • Tổng cung giảm dần: Để tạo sự khan hiếm và giảm thiểu tình trạng lạm phát xảy ra dự án sẽ sử dụng hình thức burn token (gửi token vào địa chỉ dead). 
    Ví dụ như BNB: Tổng cung ban đầu là 200,000,000 BNB nhưng dự án thực hiện cơ chế đốt diễn ra mỗi quý nhằm tăng tính khan hiếm và giảm lạm phát nên hiện tại còn khoảng 168,137,035 BNB.
Binance Coin (BNB) | Nguồn: Coingekco
  • Tổng cung biến động thường xuyên: trường hợp này bạn sẽ thường thấy ở các đồng tiền ổn định (Stablecoin) vì cơ chế thế chấp một tài sản để phát hành ra tài sản stablecoin tương ứng khác.

Tổng cung cố định: Dự án sẽ có một giới hạn nhất định về lượng token tối đa có thể lưu hành trên thị trường. 
Ví dụ: Bitcoin, YFI,...

Yearn.Finance (YFI) | Nguồn: Coingecko

Circulating Supply (Cung lưu thông)

Circulating Supply đề cập đến tổng số lượng token thực tế đang lưu hành trên thị trường.

Circulating Supply = Total Supply - Số Token đang bị Lock - Số lượng Token đã đốt

Market Cap & Fully Diluted Valuation

Market Cap là vốn hoá của một dự án hay nói cách khác là tổng giá trị thị trường của các token đang lưu thông thực tế trên thị trường.

Market Cap = Token Price x Circulating Supply

Fully Diluted Valuation (FDV) là vốn hoá được pha loãng hoàn toàn của một dự án. Cụ thể FDV được tính như sau:

FDV = Token Price x Max Supply 

Vốn hoá đóng vai trò xác định giá trị tài sản của một dự án. Chính vì thế, vốn hoá mới chính là yếu tố tác động đến tiềm năng trưởng của tài sản. Mình sẽ mình hoạ cụ thể qua ví dụ sau:

Tại thời điểm viết bài, DOGE đang có giá $0.246 và LUNA có giá $42.47. Nếu so sánh giá trên mỗi đơn vị token thì DOGE rõ ràng thấp hơn rất nhiều so với LUNA.

Tuy nhiên, nếu xét về tổng giá trị của hai dự án này thì Dogecoin lại lớn gần gấp đôi so với LUNA.

So sánh Market Cap giữa DOGE và LUNA | Nguồn: Coinmarketcap

Đây cũng là một trong những cách mà các dự án Meme coin đã làm “mờ mắt” các nhà đầu tư chưa hiểu rõ bản chất giữa giá trị và giá cả của một loại tài sản thông qua việc tạo ra một lượng cung lên đến hàng ngàn tỷ token khiến giá cả 1 đồng token trở nên rất rất nhỏ.

Token Governance

Token Governance là quyền đặc biệt dành riêng cho những holders token của dự án. Khi nắm giữ một số lượng token nhất định, holders sẽ có được chức năng quản trị, khả năng tham gia vào các quyết định liên quan đến sự phát triển của dự án.

Token Allocation

Token Allocation là lượng phân bổ token cho các thành phần tham gia vào dự án. Hiểu được token allocation giống như việc bạn có thể đoán được đối phương đang cầm những lá bài nào. Từ đó, bạn có thể lường trước và đưa ra những nước đi hợp lý hơn.

Thông thường, một dự án sẽ phân bổ số lượng token ra cho từng thành phần sau:

Team & Advisors

Đây là phần token được phân bổ đến các thành viên có đóng góp cho sự phát triển của dự án.

Nếu dự án nắm giữ quá nhiều số lượng token thì sẽ gây lo ngại cho các nhà đầu tư. Lo ngại ở đây là về khả năng chi phối giá của dự án, kiểm soát “ván bài” một cách dễ dàng.

Do đó, để cân bằng lợi ích đôi bên thì một dự án thường sẽ phân bổ trong khoảng 20% - 25% cho Team & Advisors. Đây là một lượng vừa phải, đủ để đội ngũ duy trì được động lực xây dựng dự án.

Minh hoạ C98 Token Allocation

Reserve

Thông thường dự án sẽ dành ra một khoản dự trữ để làm quỹ phát triển dự án. Khoản phân bổ này sẽ được linh động tuỳ từng dự án nhưng con số thông thường được các dự án sử dụng thường quanh 30%.

Liquidity Mining

Liquidity Mining là khoản reward phân bổ dành cho các nhà cung cấp thanh khoản, farming trên các giao thức DeFi

Do lượng token sẽ được cung ra liên tục khi các Liquidity Providers đi farm nên sẽ có thể dẫn đến tình trạng lạm phát. Để khắc phục tình trạng này, dự án thường sẽ giảm reward dần theo thời gian, một số dự án còn đồng thời thực hiện buy back token và burn chúng để giảm tính lạm phát cho chính các token này.

Seed / Private / Public Sale

Đây là các suất bán dành cho các nhà đầu tư vòng sớm với một mức giá ưu đãi hơn so với giá khi listing lên các sàn giao dịch.

Một dự án kêu gọi được sự đầu tư từ các quỹ lớn không những nhận được hỗ trợ khá tốt về mặt tài chính, marketing mà còn có thể được hỗ trợ trong việc xây dựng phát triển sản phẩm cho dự án.

Tuy nhiên, không phải quỹ đầu tư nào cũng tốt mà cần phải có sự chọn lọc. Trong thị trường tính đến thời điểm hiện tại có một số quỹ đầu tư mà bạn nên quan tâm như: Binance Labs, Multicoin Capital, Alameda Research, Coinbase Ventures, Spartan, Spark, Three Arrows Capital, Coin98 Ventures, Huobi Ventures, Framework,...

Airdrop / Retroactive

Đây được xem là một cách marketing thường được các dự án sử dụng để tiếp cận đến các nhà đầu tư. 

Tìm hiểu thêm Cơ hội kiếm tiền từ vốn 0 đồng với Retroactive.

Token Release

Sau khi đọc đến phần Token Allocation, bạn đã nắm được một dự án thường sẽ phân bổ ra cho những thành phần nào và lượng nắm giữ đó trong khoảng bao nhiêu thì được xem là hợp lý.

Tuy nhiên, vẫn chưa đủ để bạn đánh giá được mức độ hiệu quả của Tokenomics. Yếu tố tiếp theo mà bạn cần quan tâm đó là Token Release hay hiểu đơn giản là Thời gian trả các token ra bên ngoài thị trường.

Đây là một phần thông tin rất quan trọng cho chúng ta biết được giai đoạn nào của dự án sẽ có nguy cơ tồn tại một áp lực xả lớn có thể đến từ Seed Round, Private Sale, Public Sale, Airdrop, Team,...

Thời gian trả dưới 1 năm

Một dự án có thời gian release token cho team và các nhà đầu tư presale ngắn dưới 1 năm thường sẽ khiến cho các nhà đầu tư có suy nghĩ thận trọng vì nhận thấy đội ngũ không có sự gắn bó lâu dài. Tốc độ phát triển của dự án có thể sẽ không theo kịp số lượng token được cung ra thị trường.

Dự án chưa tạo ra được buy demand cho token trong khi token trên thị trường “tràn lan” => Lạm phát xảy ra, tài sản mất giá trị. Dự án sẽ rơi vào tình trạng khó khăn trong việc kéo lại giá trị cho các tài sản token.

Thời gian trả trên 2 năm

Trong khi đó, những dự án có thời gian release trên 2 năm cho thấy đội ngũ có sự gắn bó với dự án và đây là thời gian hợp lý để dự án có thể kịp làm marketing dự án và build được một sản phẩm tương đối hoàn chỉnh ra cộng đồng.

Thời gian trả trên 5 năm

Tuy nhiên, những dự án có thời gian trả token kéo dài quá lâu có thể lên đến hơn 5 năm đôi khi lại không tốt vì dự án đang mang một tầm nhìn dài hạn. Trong khi đó, thị trường Crypto vẫn đang còn khá mới và có biến động lớn nên vẫn được xem là khoản đầu tư mạo hiểm. Điều này tạo ra cho các nhà đầu tư có tâm lý thận trọng hơn với các dự án có mô hình trả lâu như này.

Token Sale

Các dự án thường huy động vốn thông qua hình thức bán ra một lượng token của mình như những công ty cổ phần bán lại các cổ phiếu cho cổ đông và đi kèm với một thời gian lock nhất định.

Trong giai đoạn những năm 2017 - 2018, các dự án thường bán cho các quỹ đầu tư với số lượng token lớn và thời gian lock khá ngắn, nên ngay sau khi được unlock các quỹ đầu tư vốn mua được với mức giá rất hời đã thực hiện chốt lời với khối lượng lớn. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển của dự án.

Do đó, trong giai đoạn gần đây các dự án thường có xu hướng lock trong thời gian đủ lâu. Unlock nhỏ giọt để lượng token được unlock không khiến giá dump mạnh, bảo đảm được sự ổn định để dự án có thể phát triển song song.

Tuy nhiên, có một số dự án sẽ chọn hình thức Fair-launch tức mở bán công khai và không có suất ưu tiên cho bất kỳ nhà đầu tư nào.

  • Ưu điểm: Giống như tên gọi, hình thức này đề cao tính công bằng cho các nhà đầu tư, giảm tình trạng chốt lời lớn, khiến giá rơi quá mạnh.
  • Hạn chế: Dự án không nhận được sự hỗ trợ về mặt tài chính, marketing,… từ phía quỹ đầu tư thay vào đó, dự án sẽ phải tự build hoàn toàn.

Token Use Case

Token use case ở đây chỉ các trường hợp mà token được sử dụng. Đây cũng là một yếu tố quan trọng để bạn có thể đánh giá được giá trị nội tại của một token.

Các token thường được sử dụng với những mục đích như:

1. Trả phí giao dịch

Đối với các layer 1 hay layer 2, sẽ có các validator (người xác thực) là người chạy dữ liệu để giúp bạn xác thực dữ liệu và đưa kết quả lên quyển sổ cái. Do đó, bạn sẽ phải trả một phần phí như một khoản tiền công cho các validator này. Chẳng hạn như các giao dịch trên mạng lưới Ether sẽ cần phải thanh toán ETH.

Đối với các sàn DEX, số tiền phí giao dịch bạn trả sẽ tuỳ theo dự án sử dụng để chia lại một phần cho các Liquidity Providers và một phần giữ lại để burn hoặc cho vào treasury của dự án.

    2. Staking

Staking bạn có thể hiểu tương tự như việc bạn gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất thả nổi. Điều này cũng giúp dự án điều tiết được số lượng token lưu thông trên thị trường, giảm đi mức độ lạm phát cho tài sản token của dự án.

    3. Farming

Trường hợp này chúng ta thường thấy ở các giao thức DeFi. Đây là một cách tạo ra thêm được demand cho token. Các nhà đầu tư thay vì chỉ hold tài sản nằm yên một chỗ mà không tạo ra được giá trị thặng dư thì với việc cung cấp thanh khoản bạn sẽ được nhận lại reward. Phần thưởng có thể là chính token của giao thức hoặc một token khác có giá trị.

Ví dụ: Cung cấp thanh khoản cho Pancake để nhận CAKE, BETA, CHESS,…

     4. Governance

Các dự án phát triển với tầm nhìn trở thành giao thức phi tập trung đều cho phép holders của mình tham gia vào quá trình biểu quyết trước các quyết định đề xuất thay đổi, phát triển của dự án.

     5. Các tiện ích khác

Các tiện ích khác thường gặp là giảm phí giao dịch trên giao thức như Cyclos hay hold token để phân chia thành các Tiers, tham gia vào các vòng bán presale như Solanium, BSCPAD,... 

Các loại mô hình Tokenomics

Có hai loại tokenomics là mô hình lạm phát và mô hình giảm phát. Ở mỗi mô hình đều có những ưu, nhược điểm riêng. Cụ thể như sau:

Mô hình Tokenomics lạm phát

Các mô hình lạm phát này gần giống như tiền tệ trong thị trường truyền thống khi không có tổng cung giới hạn. Điều này sẽ phát huy hiệu quả trong việc duy trì giá trị và khuyến khích sự tham gia của các validators cho quá trình xác thực các giao dịch như Ethereum hay reward cho các nhà cung cấp thanh khoản như PancakeSwap.

Tuy nhiên, nếu dự án không kiểm soát tốt lượng cung lưu hành và chưa tạo ra được nhiều demand cho tài sản token thì token sẽ đứng trước nguy cơ lạm phát, suy thoái rất cao.

Mô hình Tokenomics giảm phát

Ở mô hình này, lượng cung lưu hành được kiểm soát, loại bỏ khỏi lưu thông thông qua cơ chế burn token (dự án sẽ trích một phần lợi từ dự án để buy back lại token và gửi vào địa chỉ death). 

Việc này sẽ tạo ra tính khan hiếm đối với lượng cung lưu hành. Nếu demand tăng trong khi một tài sản trở nên khan hiếm dần thì điều hiển nhiên giá trị của tài sản sẽ tăng.

Tuy nhiên, vẫn có điểm hạn chế ở mô hình này đó là lượng cung khan hiếm sẽ khiến các nhà đầu tư có xu hướng tích trữ thay vì sử dụng chúng nếu như mục đích sử dụng không xứng đáng. Điều này vô tình có thể khiến token giảm giá trị.

Token Float - Áp lực bán vô hình

Token Float hay còn gọi là Tỷ lệ token trôi nổi trên thị trường, nói một cách dễ hiểu hơn đó là số lượng token đang được lưu thông trên thị trường.

Trong giai đoạn 2017 - 2018 các dự ít khi lock số lượng token bán cho các quỹ đầu tư. Do đó, ngay khi token ra mắt công chúng, họ đã nhanh chóng chốt lời phần lớn số token đã mua với giá rất thấp trước khiến dự án rớt giá mạnh.  

Nhận thấy được điểm yếu này, trong thời gian gần đây, thông thường các dự án sẽ không unlock toàn bộ số lượng token của mình ra trong cùng 1 thời điểm mà token sẽ được trả dần qua từng tuần/tháng/quý/năm. Sự thay đổi này tạo ra một số ưu điểm như:

  • Ngăn cản được áp lực bán lớn đột ngột từ các Ventures/Capitals.
  • Việc nguồn cung ban đầu thấp sẽ làm cho Market Cap của dự án trông khá nhỏ. Yếu tố này sẽ thu hút cộng đồng hơn vì tin vào tiềm năng tăng trưởng vốn hoá của dự án.

Song song với lợi ích đạt được, dự án khi thực hiện cơ chế này sẽ tạo ra những nhược điểm với cộng đồng như sau:

  • Thứ nhất:

Chúng ta thường hay bị lầm tưởng khi cho rằng giá trị dự án đang được định giá thấp khi thấy con số Market Cap còn rất nhỏ. Trong khi đó, nguyên nhân chính của điều này lại là do số lượng token trong lưu thông thị trường. Chúng ta hãy quay trở lại công thức tính Market Cap.

Market Cap = Price x Circulating Supply

Giả sử một dự án có giá thị trường là $5.0, Circulating Supply đang là 100,000 Tokens. Suy ra, Market Cap = $500,000. Trong trường hợp dự án tiếp tục cung ra 50,000 Tokens nhưng giá chỉ điều chỉnh nhẹ về $4.0 vậy lúc này thay đổi thành:

Market Cap = $4.0 x 150,000 = $600,000

Như vậy chúng ta có thể thấy, Market Cap đã tăng nhưng nguyên nhân chính của sự tăng trưởng này là nằm ở số lượng token được cung ra thêm trên thị trường. Do đó, nếu bạn chỉ quan tâm đến Market Cap thì yếu tố này có thể sẽ ăn mòn tài khoản của bạn ngay cả khi Market Cap có sự tăng trưởng.

  • Thứ hai:

Sẽ ra sao nếu một dự án có Market Cap chỉ $50,000,000 nhưng FDV lên đến gần 1 tỷ đô. Lượng token đang bị khoá chủ yếu đến từ đội ngũ và các quỹ đầu tư ban đầu hay sẽ được unlock dưới hình thức là reward cho quá trình cung cấp thanh khoản trên giao thức DeFi? 

Điều này rõ ràng đang tạo ra một áp lực bán vô hình ngay khi token của các “tay chơi” mua được ở các vòng bán Seed Round, Private Sale, Public Sale hay cả team dự án được unlock. Sự mất giá trị của token khi các Liquidity Providers nhận thấy rủi ro về lạm phát có thể xảy ra nên không ngừng thanh khoản, bán ra thị trường (do buy demand lúc này chưa nhiều đồng thời là tâm lý lo ngại về rủi ro lạm phát).

Chúng ta sẽ thường bắt gặp trường hợp tokenomics này với phần lớn các dự án trên hệ sinh thái Solana, đơn cử như Saber.

AMM Saber | Nguồn: CoinGecko

Do đó, một cuộc chơi sẽ trở nên fair hơn khi dự án phân bổ số lượng token cho những hoạt động như:

  • Tăng reward cho chương trình Retroactive hay Airdrop cho những người tham gia sử dụng sản phẩm của dự án => Việc này vừa tạo thêm động lực cho người dùng tham gia trải nghiệm sản phẩm hoặc tương tác với dự án hơn và đồng thời tăng tỷ lệ trôi nổi một cách an toàn.
  • Tăng số lượng token bán trong vòng Public Sale => Giá sẽ được giao dịch một cách khách quan hơn bởi có sự tham gia đông hơn từ cộng đồng.
  • Tăng tỷ lệ lock token đối với các Quỹ đầu tư.

Case study về Tokenomics

Token CAKE - PancakeSwap

CAKE là token Utility và Governance của PancakeSwap có tổng cung tăng đến vô hạn. Mỗi ngày sẽ có khoảng 530,000 CAKE được cung liên tục ra thị trường dưới hình thức làm reward cho các Liquidity Providers. 

Nếu nhìn qua tokenomics bạn cũng có thể thấy được CAKE tồn đọng rủi ro về lạm phát cao và thực sự đúng như vậy. Trong những ngày đầu của dự án, khi team chưa tạo ra được nhu cầu sử dụng cho token, các nhà cung cấp thanh khoản sau khi farm nhận CAKE reward không có động lực hold đã khiến CAKE mất giá trị rất nhiều.

Nhưng sau đó, dự án đã tạo ra được nhiều use case cho CAKE token. Điều này khuyến khích các holders có động lực nắm giữ nhiều hơn và đồng thời thực hiện cơ chế đốt thường xuyên khi người dùng sử dụng các sản phẩm của PancakeSwap. Bạn có thể check số lượng CAKE đã được đốt tại đây.

Tính đến thời điểm viết bài, CAKE được dùng cho các hoạt động như:

  • Staking CAKE để kiếm CAKE hoặc token khác.
  • Staking cặp thanh khoản CAKE để tham gia IFO.
  • Trả phí để tham gia các sản phẩm Lottery và Prediction.
  • Tham gia đóng góp biểu quyết cho sự phát triển của dự án cũng như chính quyền lợi của các nhà đầu tư CAKE.

=> Theo như mình nhận thấy, tokenomics của Pancake là khá tốt. Pancake mang tầm nhìn trở thành trung tâm thanh khoản cho một hệ sinh thái lớn thứ hai của thị trường. 

Với việc sử dụng tổng cung vô hạn đã giúp PancakeSwap có thể duy trì được giá trị của tài sản CAKE, khuyến khích được sự tham gia cung cấp thanh khoản và nhu cầu nắm giữ để tham gia các sản phẩm khác của nền tảng. Cốt lõi sự thành công của PancakeSwap trong thiết kế tokenomics đó là tạo ra Buy Demand lớn hơn tốc độ cung token CAKE ra thị trường.

Tìm hiểu thêm Tất tần tật những điều cần biết về Lending trong Crypto.

Tổng kết

Như vậy, mình đã giới thiệu đến các bạn về thuật ngữ Tokenomics là gì và những thành phần cơ bản cũng như những insight quan trọng khi quan sát Tokenomics một dự án nào đó. 

Qua bài viết này, mình hy vọng cung cấp được nhiều thông tin bổ ích phục vụ cho quá trình đầu tư của anh em trở nên tốt hơn. Hiểu ván bài và đọc vị tâm lý đối phương sẽ là một phương pháp đầu tư rất tuyệt vời mà bạn không nên bỏ qua.

Nếu anh em có thắc mắc nào có thể đóng góp ý kiến cho MarginATM hoặc bình luận bên dưới nhé! Chúc anh em thành công! 

RELEVANT SERIES