Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Top 10 thương vụ gọi vốn crypto lớn nhất nửa đầu năm 2021

Đâu là 10 dự án gọi vốn lớn nhất của thị trường Crypto trong nửa đầu năm 2021, thời điểm được xem là “hype” nhất của thị trường?
Avatar
alice
Published Jul 02 2021
Updated Jul 14 2022
14 min read
thumbnail

Nửa đầu năm 2021 có thể được gọi là thời điểm “hype” nhất của thị trường tiền điện tử từ trước đến nay. Tổng vốn hóa thị trường đã có thời điểm đạt đỉnh mới hơn 2,000 tỷ đô, con số lớn hơn vốn hóa công ty dẫn đầu như Amazon, Google và Microsoft.

Điều này đã kéo theo hàng loạt công ty, tổ chức và tay to đổ xô vào thị trường tiền điện tử. Điều đặc biệt là họ không đến với tay không mà mang theo nguồn vốn khổng lồ cho các công ty start up tiền điện tử cùng kỳ vọng sẽ tạo ra những con kỳ lân mới với tốc độ chóng mặt.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, đã có những dự án gọi được số vốn khổng lồ, ghi nhận kỷ lục gọi vốn lớn nhất trong lịch sử ngắn ngủi nhưng phong phú của tiền điện tử.

Trong bối cảnh đó, hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về top 10 dự án gọi vốn lớn nhất nửa đầu năm 2021 và cùng xem bạn đã biết về bao nhiêu dự án nhé.

Circle: 440 triệu đô la

  • Ngày hoàn thành gọi vốn: 28/05/2021.
  • Các nhà đầu tư đáng chú ý: Công ty Nghiên cứu và Quản lý Fidelity, Marshall Wace, Willett Advisors, Intersection Fintech Ventures, Atlas Merchant Capital, Digital Currency Group, FTX, Breyer Capital, Valor Capital Group và Pillar VC.

Tính tới thời điểm hiện tại, có lẽ Circle chính là dự án tiền điện tử gọi được số vốn lớn nhất trong lịch sử crypto. Được thành lập vào năm 2013 bởi Jeremy Allaire tại Boston, Circle ban đầu là một công ty thanh toán và dịch vụ tài chính tập trung vào blockchain, cung cấp giải pháp thanh toán P2P và ví lưu trữ & trao đổi tiền điện tử. Nhưng vào năm 2016, công ty đã ngừng cung cấp các dịch vụ ví thanh toán của mình để tập trung vào các ứng dụng blockchain cũng như tiền điện tử.

Vào năm 2018, Circle đã tung ra stablecoin USD Coin (USDC) được hỗ trợ bởi đồng Đô la thực tế với giá trị 1:1 so với đồng Đô la. Từ đó cho tới nay, USDC đã ngày càng khẳng định vị thế như một đồng stablecoin chủ lực trong ngành tài chính tiền điện tử.

Hồi cuối tháng 3/2021, công ty dịch vụ thanh toán hàng đầu Visa đã lựa chọn USDC như một phương thức thanh toán tiền điện tử mới. Điều này đã trở thành bước ngoặt mới cho thị trường tiền điện tử nói chung và USDC nói riêng. 

Ledger: 380 triệu đô la

  • Ngày hoàn thành gọi vốn: 10/06/2021.
  • Vòng: Series C.
  • Các nhà đầu tư đáng chú ý: Những cái tên cũ từ vòng Series B gồm 10T Holdings, Cathay Innovation, Draper Esprit, Draper Associates, Draper Dragon, DCG, Korelya Capital và Wicklow Capital và một số tên tuổi mới như Tekne Capital, Uphold Ventures, Felix Capital, Inherent, Financière Agache (Groupe Arnault), and iAngels Technologies.

Ledger là cổng bảo mật hàng đầu trên thị trường dành cho các nhà đầu tư muốn tiếp cận thế giới tài sản tiền điện tử một cách an toàn, được dẫn dắt bởi chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Pascal Gauthier. Các sản phẩm của Ledger bao gồm ví lạnh phổ biến nhất thế giới để lưu trữ tiền điện tử, nền tảng quản lý tiền điện tử thân thiện và an toàn nhất với người dùng Ledger Live, và giải pháp bảo mật tài sản kỹ thuật số tốt nhất cho các tổ chức tài chính, Ledger Enterprise Solutions.

Theo ước tính đến thời điểm viết bài, có khoảng 15% tổng số tài sản tiền điện tử trên toàn cầu được quản lý bởi Ledger thông qua các sản phẩm của mình. Là một người dẫn đầu lĩnh vực này, Ledger có vị thế độc quyền để tận dụng sự phát triển nhanh chóng từ crypto khi chúng ngày càng trở nên phổ biến. Vòng gọi vốn lần này cũng góp phần để Ledger thực hiện tham vọng của người đi đầu và nâng cấp các sản phẩm phù hợp với nhu cầu người dùng.

Cho đến nay, Ledger đã bán được hơn 3 triệu ví lạnh tại 190 quốc gia và có hơn 1.5 triệu người dùng hàng tháng trên Ledger Live. Mới đây, Ledger đã phát triển mối quan hệ hợp tác với Samsung nhằm phát triển ví lạnh lưu trữ tiền điện tử trở nên tiện lợi và an toàn hơn.

Đọc thêm: Samsung hợp tác với Ledger để phát triển ví tiền điện tử

BlockFi: 350 triệu đô la

  • Ngày hoàn thành gọi vốn: 11/03/2021.
  • Vòng gọi vốn: Dòng D.
  • Các nhà đầu tư đáng chú ý: Bain Capital Ventures (đối tác của DST Global), Pomp Investments, Tiger Global, Susquehanna Government Products.

Được thành lập vào năm 2017, BlockFi có trụ sở tại New-Jersey hiện là một trong những nhà cung cấp dịch vụ cho vay và đi vay hàng đầu trong thị trường tiền điện tử. Các sản phẩm của BlockFi bao gồm nhiều danh mục cùng các khoản vay được thế chấp bằng tiền điện tử và các khoản chịu lãi suất mà thông qua đó, các nhà đầu tư có thể kiếm được tiền lãi từ việc trở thành Holder của nền tảng.

Nói một cách dễ hiểu hơn, BlockFi hoạt động giống như ngân hàng truyền thống, bạn có thể gửi số tiền nhàn rỗi của mình và nhận về lãi suất hoặc có thể đi vay bằng các khoản thế chấp và mức phí phù hợp. Tuy nhiên thay vì sử dụng tiền mặt như ngân hàng truyền thống thì ở BlockFi bạn sẽ dùng Coin.

Đây cũng là lý do tại sao BlockFi được đánh giá là có thể phá vỡ hệ thống tài chính trị giá hàng nghìn tỷ đô la mà các ngân hàng đang nắm giữ. 

Solana Labs: hơn 314.15 triệu đô la

  • Ngày hoàn thành gọi vốn: 09/06/2021.
  • Vòng: Private Sale.
  • Các nhà đầu tư đáng chú ý: Andreessen Horowitz (a16z), Polychain Capital, Alameda Research, CMS Holdings, CoinShares, Jump Trading, Multicoin Capital, Sino Global Capital.

Ra mắt vào năm ngoái, Solana là dự án Layer 1 được coi là đối thủ cạnh tranh với Ethereum (nền tảng blockchain lớn nhất dành cho các dự án và ứng dụng phi tập trung). Solana được phát triển bởi đội ngũ nhân tài xuất chúng trong lĩnh vực tiền điện tử, trong đó có CEO là Anatoly Yakovenko, người từng đảm nhận vị trí phát triển sản phẩm tại Qualcomm.

Với vòng gọi vốn thành công cùng số vốn khủng này, Solana có kế hoạch tăng tốc độ phát triển mạng lưới và thiết lập nhánh đầu tư mạo hiểm cho hệ sinh thái.

Ở một bài viết gần đây mình có đề cập khá kỹ về lý do vì sao Solana được đánh giá đáng đầu tư như Ethereum, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm thông qua bài viết: Altcoin “mới nổi” nào đáng hold dài hạn như Ethereum?

Dapper Labs: 305 triệu đô la

  • Ngày hoàn thành gọi vốn: 30/03/2021.
  • Vòng VC: Vòng 5.
  • Các nhà đầu tư đáng chú ý: Coatue Management, Andreessen Horowitz (a16z), Michael Jordan, Kevin Durant.

Công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Vancouver, Dapper Labs được biết đến nhiều nhất với tư cách là nhà phát triển NBA Top Shot, một thị trường NFT dành cho các “khoảnh khắc” ấn tượng về bóng rổ. Dự án này cũng đóng vai trò quan trọng cho sự bùng nổ của phong trào NFT thời gian vừa qua. Điều đó đã thể hiện rõ hơn qua lần gọi vốn thành công này, diễn ra vào lúc NFT đang trở nên nóng hơn bao giờ hết và giúp định giá công ty lên tới 2.5 tỷ đô. 

Trước đó, Dapper Labs đã phát triển một trò chơi Ethereum phổ biến gồm các bộ sưu tập có thể sinh sản được gọi là CryptoKitties.

Không chỉ riêng vòng gọi vốn khủng tháng 3, ngày hôm qua (2/7) Dapper Labs đã thông báo rằng họ đang trong quá trình gọi vốn khác khủng hơn với mục tiêu nâng định giá công ty lên 7.5 tỷ đô. Con số này có thể đạt được hay không, chúng ta cùng chờ bài tổng hợp nửa cuối năm 2021 bạn nhé.

Blockchain.com: 300 triệu đô la

  • Ngày giao dịch: 24/03/2021.
  • Vòng: Series C.
  • Các nhà đầu tư đáng chú ý: đối tác của DST Global, Lightspeed Venture Partners, VY Capital.

Blockchain.com là công ty tiền điện tử có trụ sở tại London cung cấp nhiều dịch vụ tiền điện tử khác nhau cho khách hàng bán lẻ và các tổ chức lớn nhưng nổi tiếng nhất là ví tiền điện tử non-custodial.

Không giống như sản phẩm của các đối tác khác bị kiểm soát bởi bên thứ ba, những ví tiền điện tử của Blockchain.com cung cấp cho người dùng toàn quyền kiểm soát đối với tài sản của họ bằng private key.

Sau vòng gọi vốn thành công vào tháng 3 vừa qua, định giá công ty Blockchain.com đã được nâng lên thành 5.2 tỷ đô la.

Bitso: 250 triệu đô la

  • Ngày hoàn thành gọi vốn: ngày 05/05/2021.
  • Vòng: Series C.
  • Các nhà đầu tư đáng chú ý: Coatue, Tiger Global, Paradigm, Valor Capital Group, QED, Pantera Capital.

Được thành lập vào năm 2014, Bitso có trụ sở tại Thành phố Mexico và đồng thời là nền tảng tiền điện tử lớn nhất ở Mỹ Latinh, cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ tiền điện tử cho hơn 2 triệu khách hàng trên khắp Mexico, Argentina và Brazil.

Bitso bao gồm: Ứng dụng Bitso cho phép người dùng mua, bán, nhận và gửi Bitcoin cùng 8 loại tiền điện tử khác; Bitso Alpha là nền tảng giao dịch tiền điện tử chuyên nghiệp và Bitso Business, sản phẩm xuyên biên giới cho các doanh nghiệp địa phương.

Vòng gọi vốn Series C này đã đưa Bitso thành kỳ lân tiền điện tử đầu tiên tại khu vực Mỹ La Tinh. Trong tháng 12/2020, Bitso cũng đã gọi được số vốn lên tới 62 triệu đô ở vòng Series B.

Bitso tuyên bố họ có hơn 95% thị phần tiền điện tử ở Mexico và hơn 60% thị phần ở Argentina.

BitDAO: 230 triệu đô la

  • Ngày hoàn thành gọi vốn: 16/06/2021.
  • Vòng: Private Sale.
  • Các nhà đầu tư đáng chú ý: Dẫn đầu bởi Thiel, Pantera Capital, Dragonfly Capital và Founders Fund. Ngoài ra còn có các quỹ và cá nhân như Alan Howard, Spartan Group, Jump Capital, Fenbushi và Kain Warwick của giao thức DeFi Synthetix và 20 nhà đầu tư khác về tài chính phi tập trung.

BitDAO là một tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) mới được ra mắt ngay sau thông báo vòng gọi vốn trị giá 230 triệu đô la. BitDAO được ra đời với mục tiêu hỗ trợ các dự án blockchain thông qua các khoản đầu tư, tài sợ và hỗ trợ dự án hiện có, mới nổi thông qua việc hoán đổi token.

Bên cạnh vòng gọi vốn lớn, BitDAO còn nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ Bybit, một trong những sàn giao dịch phái sinh tiền điện tử lớn nhất thế giới.

Mercado Bitcoin: 200 triệu đô la

  • Ngày hoàn thành vòng gọi vốn: 30/06/2021.
  • Vòng: Series B.
  • Các nhà đầu tư đáng chú ý: Quỹ Softbank Mỹ La Tinh thuộc tập đoàn Ngân hàng Softbank có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản.

Mercado Bitcoin là nền tảng giao dịch tiền điện tử có trụ sở tại Brazil thuộc tập đoàn 2TM Group. Như MarginATM đã đưa tin, việc Softbank rót $200M vào Mercado Bitcoin đã đưa công ty này lọt danh sách có vòng gọi vốn Series B lớn nhất Mỹ La Tinh thời điểm hiện tại cùng định giá lên tới 2.1 tỷ đô la.

Mercado Bitcoin hướng tới mục đích tận dụng nguồn tài chính để có thể tiếp tục mở rộng hoạt động và đầu tư vào cơ sở hạ tầng sàn giao dịch.

Animoca Brands: 88 triệu đô la

  • Ngày hoàn thành gọi vốn: 14/05/2021.
  • Vòng: Strategic Round.
  • Các nhà đầu tư đáng chú ý: Kingsway Capital, RIT Capital Partners (trước đây là Rothschild Investment Trust), HashKey Fintech Investment Fund, AppWorks Fund, LCV Fund, Huobi, Octava, Ellerston Capital, Perennial, Axia Infinity Ventures, SNZ, Liberty City Ventures, Metapurse, và các nhà đầu tư khác.

Animoca Brands có trụ sở tại Hồng Kông là dự án đã tập hợp một số công ty về trò chơi như The Sandbox, Quidd, Gamee, nWay, Pixowl và Lympo. Dự án đã trở thành người đi tiên phong trong việc sử dụng NFT để xác thực tính độc đáo của vật phẩm kỹ thuật số trong một số trò chơi.

Với số vốn huy động 88 triệu đô, Animoca đã nâng định giá công ty lên chạm mốc 1 tỷ đô và tập trung phát triển các sản phẩm về NFT.

Ngoài vòng gọi vốn tháng 5 kể trên, Animoca Brands đã tiếp tục thành công với lần gọi vốn thứ hai kết thúc vào ngày hôm qua (2/7) cùng số tiền 50 triệu đô, nâng tổng số vốn huy động vòng Strategic Round lên con số 138 triệu đô.

Tổng kết

Trong thời kỳ hoàng kim của ICO năm 2018, các dự án đã huy động được hàng tỷ USD nhưng sự cường điệu chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Các dự án chất lượng thấp, nhiều trò gian lận và thiếu sự giám sát của thể chế và quy định đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tiền điện tử năm 2018. 

Vậy bước sang năm 2021, mọi chuyện như thế nào? Những nhà đầu tư và quỹ mạo hiểm đang hy vọng lần này mọi thứ sẽ đi theo một kịch bản khác biệt, bởi thị trường năm 2021 đã ghi nhận sự phổ biến của crypto hơn bao giờ hết. Hàng loạt tín hiệu chấp nhận tiền điện tử và công nhận đây là một phần của hệ thống tài chính.

Trong các dự án gọi vốn trên, có thể thấy nguồn vốn vẫn tập trung vào các nền tảng dẫn đầu trong mỗi lĩnh vực, bao gồm Stablecoin, ví tiền điện tử, nền tảng blockchain và sàn giao dịch... Đặc biệt có sự góp mặt của các dự án làm về NFT khi xu hướng này đã vô cùng nở rộ trong 6 tháng đầu năm qua.

Bạn nghĩ gì về các dự án gọi vốn khủng này? Hãy để lại bình luận bên dưới chia sẻ suy nghĩ của bạn để MarginATM biết nhé.

Đọc thêm: Coin DeFi là gì? 10 dự án DeFi nên quan tâm năm 2021

RELEVANT SERIES