Hai trung tâm tài chính Việt Nam: Cơ hội, thách thức và triển vọng phát triển

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng, việc xây dựng các trung tâm tài chính hiện đại không chỉ là động lực thúc đẩy tăng trưởng mà còn khẳng định vị thế của quốc gia trên bản đồ kinh tế thế giới. Với nền kinh tế năng động, Việt Nam đang nắm bắt cơ hội để xây dựng hai trung tâm tài chính trọng điểm: Trung tâm Tài chính Quốc tế (IFC) tại TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Tài chính Khu vực tại Đà Nẵng. Đây là chiến lược quốc gia, được thúc đẩy bởi quyết tâm chính trị cao, nhằm thu hút đầu tư và phát triển thị trường tài chính Việt Nam trong kỷ nguyên số.
TP.HCM: Động lực trở thành Trung tâm Tài chính toàn cầu
TP. Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của Việt Nam, được “chọn mặt gửi vàng” để gánh vác trọng trách trở thành Trung tâm Tài chính Quốc tế (IFC). Phó chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết thành phố đang sở hữu nhiều lợi thế để phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế.
Tính đến hết tháng 11/2024, đã có 120 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TP.HCM với tổng số vốn hơn 58 tỷ USD. Thành phố đóng góp khoảng 20% GDP và hơn 25% tổng ngân sách quốc gia, đồng thời sở hữu hạ tầng giao thông đa dạng, đồng bộ gồm đường bộ, cảng biển và hàng không. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả năm 2024 ước tính tăng 7.17% so với năm 2023 (gần đạt kế hoạch đề ra, tăng từ 7.5 - 8%).

Để tạo đà phát triển cho trung tâm này, chính quyền thành phố cùng các khu vực liên quan đã và đang đẩy mạnh thực hiện các dự án hạ tầng then chốt như:
Đường Vành Đai 4: Tổng chiều dài 159.31 km với mức đầu tư giai đoạn đầu ước tính 122.77 nghìn tỷ đồng. Dự án này không chỉ kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận như Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An mà còn góp phần cải thiện giao thông đô thị, tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư.
Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ: Dự kiến xây dựng trên 571 ha với mức đầu tư lên đến 113.5 nghìn tỷ đồng. Dự án hạ tầng này nhằm biến Cần Giờ trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế, góp phần giảm tải cho các cảng biển hiện tại và mở rộng quy mô kinh tế vùng ven biển.
Liên kết giao thông giữa Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất và Sân bay Quốc tế Long Thành: Với dự án sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 336.63 nghìn tỷ đồng.
Hoàn thiện thủ tục xây dựng các tuyến cao tốc Bình Phước - Đắk Nông và TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh) trong quý I/2025, cũng như nghiên cứu các tuyến đường sắt mới nối TP.HCM với các khu công nghiệp và cảng biển.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh sự cấp thiết của việc triển khai giải pháp chống ngập và nâng cấp đô thị cho TP.HCM. Dự kiến hoạt động chống ngập phải được thực hiện từ đầu năm 2025 nhằm tạo ra môi trường đầu tư an toàn và chất lượng càng sớm càng tốt.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt ra mục tiêu cụ thể cho TP.HCM, yêu cầu trung tâm tài chính tại đây phải đặt được nền móng vào đầu năm 2025. Điều này cho thấy sự quyết tâm cao độ từ phía chính phủ Việt Nam trong việc hiện thực hóa kế hoạch.
Đà Nẵng: Tiềm năng Trung tâm Tài chính khu vực
Đà Nẵng đón hơn 4 triệu lượt khách quốc tế mỗi năm, có thể thấy tiềm năng du lịch và dịch vụ của thành phố tạo nên nền tảng vững chắc cho việc phát triển các dịch vụ tài chính hỗ trợ ngành du lịch, khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng cũng như các lĩnh vực kinh tế liên quan.
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, tính đến cuối năm 2024, thành phố Đà Nẵng đã thu hút được hơn 75 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Tăng 35.2% so với cùng kỳ năm trước (năm 2023 đạt 55,439 tỷ đồng). Về phương diện thu hút vốn FDI, Đà Nẵng đã ghi nhận con số 243 triệu USD, tăng 33.2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong chiến lược xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, Đà Nẵng được định hướng trở thành trung tâm tài chính khu vực, dựa trên tiềm năng kinh tế – du lịch và dịch vụ của thành phố. Đà Nẵng đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị tài chính quốc gia, bổ trợ và cộng hưởng sức mạnh với trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh.

Lợi thế lớn nhất của Đà Nẵng chính là vị trí địa lý chiến lược, cửa ngõ kết nối miền Trung với cả nước và quốc tế. Thành phố nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây, có tiềm năng phát triển mạnh mẽ về giao thương, logistics và du lịch. Sân bay quốc tế Đà Nẵng đang vươn mình trở thành một trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực, cảng biển Liên Chiểu được quy hoạch thành cảng biển nước sâu hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối kinh tế với thế giới.
Ngày 16/01/2025 vừa qua, Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo “Phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế Việt Nam” quy tụ các lãnh đạo chính phủ, các nhà đầu tư chiến lược và chuyên gia tài chính trên thế giới. "Hiện các nhà đầu tư, quỹ đầu tư tài chính quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Singapore, Trung Đông, Thụy Sĩ rất quan tâm đến việc phát triển trung tâm tài chính Đà Nẵng theo hướng gắn với đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính, tài chính thương mại" - Ông Hồ Kỳ Minh - phó chủ tịch UBND Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo.
Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng đối diện với những thách thức không nhỏ trên con đường trở thành trung tâm tài chính khu vực. Quy mô kinh tế của Đà Nẵng và khu vực miền Trung vẫn còn nhỏ hơn so với TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Vì vậy, Đà Nẵng cần phải tận dụng tiềm năng du lịch vượt trội để phát triển các dịch vụ tài chính chuyên biệt phục vụ ngành du lịch, khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng và các ngành liên quan. Song song đó, việc hoàn thiện môi trường pháp lý và chính sách đầu tư, các cải cách về thủ tục hành chính, chính sách ưu đãi thuế và quản trị rủi ro sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch và cạnh tranh cho Đà Nẵng.

Chính sách ưu đãi thuế và thu hút đầu tư nước ngoài
Theo dự thảo mới nhất (dự thảo 12), Nghị quyết về việc thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất:
Các cán bộ quản lý, nhà khoa học và chuyên gia làm việc tại trung tâm tài chính sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân. Những đối tượng khác có thu nhập chịu thuế sẽ được miễn đến hết năm 2035 và giảm 50% thuế các năm sau.
Các doanh nghiệp đầu tư vào dự án ngành nghề ưu tiên tại trung tâm tài chính được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm đầu, giảm 50% thuế 9 năm tiếp theo và áp dụng mức thuế 10% suốt vòng đời dự án.
Đặc biệt, các doanh nghiệp thuộc danh sách Forbes 500 cùng các tổ chức tín dụng và công ty tài chính sẽ được miễn thuế doanh nghiệp 2 năm đầu và giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo.
Các chính sách ưu đãi thuế dành sẽ tạo ra nhiều tác động tích cực cho việc xây dựng hai trung tâm tài chính. Việc hạ mức thuế doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực, qua đó thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ các tập đoàn đa quốc gia.
Những ưu đãi này cũng giúp giảm chi phí vận hành, rút ngắn thời gian thu hồi vốn cho các dự án trọng điểm như các dự án hạ tầng tại TP.HCM với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4.83 tỷ USD và dự án cảng quốc tế với mức đầu tư khoảng 5.5 tỷ USD.
Thông qua các ưu đãi thuế, doanh nghiệp sẽ có điều kiện tốt hơn trong việc chuyển giao công nghệ tiên tiến, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, củng cố an ninh tài chính. Những yếu tố này được xem là then chốt để TP.HCM và Đà Nẵng nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng, trở thành các trung tâm tài chính đẳng cấp quốc tế và khu vực.
Hơn nữa, khi kết hợp với các biện pháp cải thiện pháp lý và quản trị rủi ro, những ưu đãi thuế này sẽ góp phần tạo ra một môi trường đầu tư ổn định, minh bạch và cạnh tranh, thu hút được sự quan tâm của cả các doanh nghiệp trong nước lẫn các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là những doanh nghiệp thuộc danh sách Forbes 500, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực.
Vai trò của Fintech trong xây dựng trung tâm tài chính
Fintech đang trở thành nền tảng quan trọng trong chiến lược phát triển của hai trung tâm tài chính tại Việt Nam. Sự bùng nổ của các ứng dụng thanh toán không tiền mặt, blockchain và trí tuệ nhân tạo không chỉ thúc đẩy giao dịch mà còn mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, góp phần xây dựng một hệ sinh thái tài chính toàn diện.

Theo OpenGov Asia (20/1/2025), chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đưa đất nước trở thành trung tâm Fintech hàng đầu khu vực vào năm 2030. Để hiện thực hóa mục tiêu này, các kế hoạch phát triển Fintech đang tập trung vào việc mở rộng phạm vi dịch vụ, bao gồm tích hợp ngân hàng số, quản lý tài sản kỹ thuật số và nâng cao các giải pháp bảo mật thông tin.
Tại TP. Hồ Chí Minh, các công ty Fintech như MoMo và ZaloPay đang đóng vai trò quan trọng trong việc định hình hệ sinh thái tài chính số. Những nền tảng này không chỉ cung cấp giải pháp thanh toán tiện lợi cho người dân mà còn góp phần thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp truyền thống, công ty công nghệ và các tập đoàn toàn cầu vào thị trường tài chính số của Việt Nam.
Triển vọng và lợi thế cạnh tranh
Việt Nam sở hữu một lợi thế chiến lược độc đáo về múi giờ so với các trung tâm tài chính lớn như New York, London và Tokyo. Việc nằm ở vị trí lệch múi giờ cho phép Việt Nam tận dụng khoảng thời gian "trống" giữa các phiên giao dịch của các thị trường lớn, từ đó thu hút dòng vốn "nhàn rỗi" khi các thị trường toàn cầu đang tạm ngừng giao dịch. Điều này tạo điều kiện cho các trung tâm tài chính trong nước hoạt động liên tục 24/7, cung cấp dịch vụ giao dịch và thu hút nhà đầu tư cùng nguồn vốn toàn cầu – một lợi thế cạnh tranh độc nhất.
Bên cạnh đó, việc xây dựng một hành lang pháp lý vững chắc và đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững của các trung tâm tài chính. Điều này đòi hỏi hoàn thiện dự thảo luật công nghệ số, học hỏi mô hình vận hành của các trung tâm tài chính tiên tiến như tại Anh, đồng thời lắng nghe mong muốn của thị trường và đề xuất các chính sách phù hợp. Vì cách vận hành của các trung tâm tài chính quốc tế có sự khác biệt tùy thuộc vào vị trí, lợi thế và nguồn lực sẵn có, nên sự linh hoạt trong chính sách là rất cần thiết.
Với định hướng xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh, hướng tới kinh tế tuần hoàn và ứng dụng công nghệ cao, Việt Nam đang tập trung huy động nguồn lực tài chính lớn thông qua các trung tâm tài chính, đóng vai trò như kênh huy động vốn chính. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định rằng Việt Nam hiện đang có đủ năm yếu tố cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành các trung tâm tài chính quốc tế và khu vực, từ đó nâng tầm vị thế của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế.
Đọc thêm: Đằng sau mức tăng trưởng vượt bậc của hệ sinh thái Sonic