Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Blockchain là gì? Công nghệ Blockchain có phải xu hướng tương lai?

Blockchain là gì? Blockchain có những đặc điểm gì? Ứng dụng của công nghệ Blockchain trong thực tiễn như thế nào? Xem ngay tại đây nhé!
Avatar
quangvo
Published Jan 06 2022
Updated Aug 01 2022
22 min read
thumbnail

Chắc hẳn khi nhắc đến công nghệ Blockchain, anh em sẽ được nghe mô tả rằng Blockchain tương tự như một cuốn sổ cái ghi nhận và lưu trữ các giao dịch được thực hiện trên Blockchain đó.

Đây là một khái niệm đúng về Blockchain nhưng vẫn chưa đủ để thể hiện được những đặc điểm nổi bật của công nghệ Blockchain.

Để có cái nhìn rõ hơn về công nghệ Blockchain cũng như Blockchain ra đời để giải quyết những vấn đề nào? Hãy cùng mình tìm hiểu chi tiết hơn qua bài viết này nhé!

Blockchain là gì?

Blockchain là công nghệ được tạo ra với mục đích chính là lưu trữ dữ liệu một cách bền vững và đặc biệt dữ liệu khi được ghi nhận lên blockchain (có thể hiểu là ghi vào cuốn sổ cái) thì chúng sẽ không thể bị thay đổi.

Blockchain là sự kết hợp giữa hai từ Block và Chain. Trong đó:

  • Block mang ý nghĩa là một khối. Bạn có thể tưởng tượng nó như một cái hộp có nhiệm vụ chứa đựng các dữ liệu thông tin (Data).
  • Chain mang ý nghĩa là xâu chuỗi để chỉ đặc điểm các khối này được liên kết với nhau tạo thành một mắt xích không thể tách rời. Việc tạo thành chuỗi (chain) cũng chính là cách mà Blockchain có thể chống lại các sửa đổi thông tin dữ liệu chứa đựng trong các khối (Block).
Mô tả về Blockchain

Blockchain giải quyết vấn đề gì?

Blockchain vốn dĩ được tạo ra với mục đích chính là lưu trữ dữ liệu một cách minh bạch và bền vững với thời gian. Để hiểu rõ hơn tầm quan trọng của blockchain trong đời sống con người, chúng ta hãy cùng xem lại quá trình thay đổi trong hệ thống giao dịch đã diễn ra như thế nào nhé!

1. Thoả thuận và giấy tờ

Trong quá khứ khi công nghệ chưa phát triển, giao dịch giữa người A và người B là một thoả thuận được xác lập dựa trên giấy tờ. Giấy tờ này sau đó sẽ được người thứ 3 xác minh, nắm giữ làm bằng chứng.

Giao dịch trên giấy tờ

=> Hạn chế tồn tại rất lớn bởi:

  • Hoàn toàn có thể bị đổi thành một anh em giả.
  • Giấy tờ có thể bị hư mục qua thời gian.
  • Không ai có thể đảm bảo uy tín của bên thứ ba 100%.

Như vậy ở giai đoạn này, giao dịch giữa người A và B tồn đọng rất nhiều rủi ro đảm bảo quyền lợi cho đôi bên. Phụ thuộc hoàn toàn vào bên thứ 3.

2. Hệ thống ngân hàng làm trung gian

Trải qua thời gian, công nghệ đã giúp xã hội phát triển lên một bậc mới. 

Cụ thể hơn, công nghệ máy tính đã được ứng dụng trong hệ thống tài chính ngân hàng. Các giao dịch giờ đây sẽ không ghi chép ra giấy mà thay vào đó thông tin sẽ được đưa đến lưu trữ ở một máy chủ của ngân hàng.

Ở giai đoạn này, công nghệ đã giúp cho thông tin được lưu trữ một cách an toàn hơn và tính đảm bảo sẽ được bảo vệ bởi ngân hàng, chính phủ.

Tuy nhiên, một vấn đề lớn vẫn còn tồn tại trong các hệ thống ngân hàng này đó chính là tất cả dữ liệu đều được lưu trữ trên một máy chủ chính. Do đó, đây sẽ là một “miếng mồi ngon” mà các hackers có thể khai thác và chỉnh sửa dữ liệu.

⇒ Vấn đề quan trọng nhất vẫn chưa được giải quyết.

Giao dịch với hệ thống Ngân hàng làm trung tâm

3. Blockchain ra đời - Bài toán khó được giải quyết

Thông tin được xem là mấu chốt để giải quyết các vấn đề phát sinh. Vậy câu hỏi được đặt ra là:

  • Làm sao để có thể lưu trữ thông tin đó bền vững nhất?
  • Làm sao để các thông tin được bảo vệ an toàn, không ai có thể tác động?

Thông qua quá trình thay đổi về hệ thống giao dịch trên, có thể thấy với sự hỗ trợ bởi công nghệ nhưng hệ thống giao dịch của ngân hàng vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Đây chính là lý do cho sự phát triển tiếp theo - Blockchain.

Như ở phần định nghĩa, mình đã có giải thích rằng Blockchain là một cơ sở dữ liệu được lưu trữ phân tán trên các máy tính. Các dữ liệu sẽ được lưu trữ ở các khối và các khối này sẽ được liên kết lại với nhau, tồn tại mãi mãi. Đặc biệt, không ai có thể sửa đổi chúng. 

(Lý do tại sao lại không thể sửa đổi dữ liệu, mình sẽ giải thích chi tiết ở mục tiếp theo)

Với những đặc điểm nổi bật này, Blockchain có thể giúp cho hệ thống thanh toán giải quyết được hầu hết các bài toán khó trên như:

  • Dữ liệu sẽ được lưu trữ phân tán trên nhiều máy tính ⇒ Lưu giữ được thông tin và việc bị hack là cực kì khó xảy ra.
  • Thông tin giao dịch được công khai minh bạch.
  • Đặc biệt, Blockchain loại bỏ vai trò kiểm soát của người thứ 3 trong giao dịch.

⇒ Với những ưu điểm được xem là vượt trội mà Blockchain mang lại, điều này giúp chúng ta hiểu được lý do tại sao Blockchain được kỳ vọng rất nhiều trong tương lai.

Các đặc điểm quan trọng của Blockchain

Sau khi đọc qua phần “Blockchain giải quyết vấn đề gì?” chắc hẳn anh em cũng đã nắm được những đặc điểm quan trọng mà Blockchain có thể mang lại phải không nào?

Trong phần này, chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu sâu hơn về các đặc điểm nổi bật của Blockchain nhé! 

Minh bạch trong giao dịch

Đây có thể xem là một trong những đặc điểm hay nhất của một Blockchain. Tại sao mình lại nói như vậy?

Đó là bởi vì các hành vi gian lận, thao túng vốn dĩ luôn luôn tồn tại trong đời sống của chúng ta và nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với những người có liên quan.

Thử tưởng tượng, sẽ ra sao nếu tài sản của chúng ta khi gửi ở một nơi khác nhưng lại không được công khai minh bạch các chi tiêu hay một vấn đề nhức nhối hơn đó là các công ty gian lận Báo cáo tài chính để điều tiết lợi tức trả cổ đông hay thao túng giá cổ phiếu và trốn thuế?

Nổi bật nhất trong quá khứ đã từng có WorldCom - Công ty viễn thông được xem là biểu tượng của Mỹ ở thế kỷ 21 đã thực hiện hành vi gian lận trong báo cáo tài chính để che giấu tình trạng tài chính suy yếu, tạo sự tăng trưởng giả nhằm nâng giá cổ phiếu trên thị trường.

Đến hiện tại, các đơn vị kiểm toán trung lập vẫn đang tiếp tục thực hiện công việc xác thực tính chính xác cho các báo cáo tài chính của các công ty. 

Nhưng có một vấn đề được đặt ra là: Lòng tham con người luôn tồn tại ⇒ Vậy làm sao để chắc chắn các công ty kiểm toán thuộc bên thứ 3 này có thể đảm bảo uy tín 100%?

Trong khi thực tế các giao dịch và con số vẫn chưa được công khai một cách minh bạch thì với Blockchain, tất cả thông tin dữ liệu đều sẽ được cập nhật lên các khối của blockchain.

Tính phi tập trung 

Không giống như các hệ thống lưu trữ khác, dữ liệu không chỉ được lưu trên một máy tính mà được phân tán trên các máy tính khác nhau. 

Do đó, khi một máy tính tham gia xác thực trên mạng bị hư hỏng, dữ liệu vẫn còn tồn tại trên Blockchain và dữ liệu trên Blockchain sẽ không bị phụ thuộc hay tập trung quyền lực vào bất kỳ một ai.

Không thể thay đổi 

Đối với Blockchain, dữ liệu sau khi được đưa vào các khối trong mạng lưới sẽ không thể bị thay đổi bởi thuật toán đồng thuận và sự liên kết chặt chẽ của các khối trong Blockchain.

Thuật toán đồng thuận là sự đồng thuận về tính hợp lệ của các giao dịch bởi phần lớn các node (máy tính) trong mạng để thực hiện ghi chép thông tin vào các khối trong Blockchain. Quá trình này được thiết kế nhằm đảm bảo sự cậy.

Giả sử xuất hiện trường hợp có một khối được đề xuất thay đổi, quá trình ngăn chặn sự thay đổi đó trong Blockchain sẽ diễn ra như sau:

  • Khi một block có đề xuất thay đổi dữ liệu, điều này tương đương mã Hash đại diện cho khối đó sẽ bị thay đổi.
  • Khối liền sau sẽ đối chiếu Previous Hash của nó với Hash của khối liền trước nó.
  • Nếu hai mã Hash này khác nhau, dữ liệu này sẽ được trả lại về như ban đầu theo Previous Hash.
Cơ chế chống thay đổi dữ liệu trong Blockchain

Tuy nhiên, thực chất cơ chế này vẫn còn khá đơn giản đối với hệ thống máy tính hiện nay. Với tốc độ xử lý hàng nghìn mã Hash mỗi giấy, các máy tính có thể dễ dàng can thiệp vào quá trình sửa đổi để tính toán lại các mã Hash sao cho phù hợp để các khối có thể tiếp tục liên kết lại được với nhau.

Do đó, Blockchain đã được bổ sung thuật toán đồng thuận để tăng sự an toàn lên cho các dữ liệu trong một khối. Các thuật toán đồng thuận chính mà chúng ta thường bắt gặp trong thị trường đó là:

Proof of Work (POW)

Với Proof of Work - Tham gia đào bằng các máy tính chạy liên tục 24/24, quá trình khởi tạo các khối mới sẽ chậm hơn so với Blockchain. Để can thiệp sửa đổi dữ liệu trên một khối đối với cơ chế này, hacker sẽ cần phải tính toán lại toàn bộ dữ liệu cho các khối tiếp theo. 

Theo tính toán, mỗi 10 phút một khối Bitcoin được hình thành. Vậy để sửa đổi lại các khối tiếp theo, thì sẽ mất rất nhiều thời gian để thực hiện thậm chí chưa kể đến trường hợp khi mã hoá được khối n thì khối n+1 được hình thành. 

⇒ Việc sửa đổi trên Blockchain với cơ chế Proof of Work là dường như không thể. 

Proof of Stake (POS)

Khác với POW, thuật toán Proof of Stake sẽ lựa chọn người đứng ra xác thực giao dịch dựa trên số lượng Coin mà họ Stake (Có thể hiểu là ký quỹ hoặc đóng cọc thế chân). Do đó, hình thức này được gọi là bằng chứng cổ phần.

Để tránh tình trạng gian lận và sửa đổi trong các khối, POS được thiết kế thêm cơ chế trừng phạt. Các node khi tham gia vào xác thực có hành vi gian lận sẽ bị mất đi số lượng Coin đã Stake.

Số tiền thưởng mà người xác thực nhận được thấp hơn rất nhiều hơn số tiền mà học Stake ⇒ Rất khó để họ chấp nhận đánh đổi mạo hiểm và hack mạng lưới.

Theo lý thuyết, POS vẫn có thể bị tất công bằng cách kiểm soát 51% tổng lượng cung của token trên thị trường để chiếm quyền kiểm soát mạng lưới. Tuy nhiên, điều này sẽ trở nên rất khó để xảy ra nếu đồng Coin này có giá trị lớn ⇒ Hacker sẽ phải tốt rất rất nhiều chi phí để có thể tấn công vào mạng lưới.

Đặt trường hợp người này hoàn toàn có thể mua được 51% tổng cung của đồng Coin đó thì họ có thực sự muốn hack mạng lưới hay không?

Câu trả lời gần như chắc chắn là không. Vì sao lại như vậy?

Đó là vì khi họ nắm giữ đến 51% mạng lưới và thực hiện hack mạng lưới Blockchain đó ⇒ Một điều chắc chắn rằng giá trị tài sản mà họ đang nắm giữ đến 51% sẽ không còn giá trị bởi sẽ không còn ai sử dụng Blockchain này nữa.

⇒ Như vậy là có lợi hay có hại cho hacker?

Cơ chế hoạt động của Blockchain

Đọc đến đây chắc hẳn chúng ta cũng đã nắm được Blockchain là gì và Các đặc điểm quan trọng giúp cho Blockchain được kỳ vọng là sự thay đổi thiết yếu cho tương lai.

Trong phần tiếp theo này, chúng ta hãy cùng tiếp tục tìm hiểu một Blockchain sẽ được hoạt động như thế nào nhé!

Giai đoạn 1: Người A thực hiện giao dịch trên một Blockchain đến người B. Thông tin sẽ được ghi nhận trên hệ thống dưới dạng bản ghi (Record).

Dữ liệu được đưa lên Blockchain

Giai đoạn 2: Bản ghi này sẽ được các Node tham gia mã hoá, xác thực. Để đưa dữ liệu lên khối. Cụ thể, các node sẽ xác thực số lượng tài sản mà người A chuyển đến người B đưa lên mạng lưới chờ xử lý và đối chiếu với số dư trong ví có hợp lý hay không và tiến hành thực hiện phê duyệt giao dịch.

Các node xác thực dữ liệu

Giai đoạn 3: Giao dịch được xác thực, dữ liệu được mã hoá và đưa vào khối.

Dữ liệu được đưa lên Block 

Giai đoạn 4: Sau khi chứa đầy dữ liệu (giao dịch của người A và B cùng những giao dịch của người khác), khối mới được tạo thành và liên kết vào chuỗi khối Blockchain.

Dữ liệu đưa vào các khối và liên kết thành chuỗi

Các loại Blockchain trên thị trường

Khi tham gia vào thị trường Crypto, thông thường bạn sẽ bắt gặp những loại Blockchain sau đây:

1.Public Blockchain - Blockchain công khai

Public Blockchain là các Blockchain được thiết kế để bất kỳ ai cũng có thể tham gia tương tác, ghi lại dữ liệu trên Blockchain đó. 

Chẳng hạn như: Bitcoin, Ethereum, Binance Smart Chain,... và có thể khá bất ngờ đối với những người mới tham gia thị trường đó là Dogecoin cũng chính là một Blockchain. Trong đó DOGE là đồng tiền được sử dụng trong mạng lưới Dogecoin.

2.Private Blockchain - Blockchain riêng tư

Trái ngược hoàn toàn với các Public Blockchain, các Private Blockchain không cho phép tất cả mọi người có thể tham gia tương tác và ghi chép dữ liệu trên mạng.

Các Blockchain này sẽ đặt ra những quy tắc và chỉ những người được cấp quyền mới có thể tham gia các hoạt động trên Blockchain này.

Mục đích sử dụng của Private Blockchain sẽ phù hợp với các tổ chức, chính phủ, doanh nghiệp,... với mục đích lưu trữ các thông tin cá nhân, nội bộ.

3.Hybrid Blockchain - Blockchain kết hợp

Hybrid Blockchain là sự kết hợp giữa tính Public và Private. Nó cho phép người dùng có thể tận dụng được cả hai tính năng của hai Blockchain này.

Ứng dụng của công nghệ Blockchain

Công nghệ blockchain được ứng dụng nhiều trong thực tiễn đời sống. Dưới đây là các công dụng của blockchain:

  • Chuỗi cung ứng: Sử dụng công nghệ blockchain, một hệ sinh thái có thể tương tác được xây dựng trên cơ sở dữ liệu bất biến có thể mang lại mức độ minh bạch mới cho vô số ngành công nghiệp.
ứng dụng blockchain
Ứng dụng blockchain vào các chuỗi cung ứng
  • Trò chơi điện tử: Bằng cách chọn cách tiếp cận dựa trên blockchain, người dùng sẽ sở hữu tài sản của họ (dưới dạng các token có thể trao đổi/không thể trao đổi) và có thể trao đổi chúng giữa các trò chơi hoặc thị trường.
  • Chăm sóc sức khỏe: Bằng cách mã hóa bảo mật hồ sơ của họ trên blockchain, bệnh nhân duy trì quyền riêng tư của họ, trong khi có thể chia sẻ các thông tin của họ với bất kỳ tổ chức nào có thể truy cập cơ sở dữ liệu toàn cầu.
  • Chuyển tiền: Tiền điện tử và blockchain loại bỏ người trung gian. Đó là lý do một loạt các dự án hiện đang khai thác công nghệ để cho phép chuyển tiền nhanh chóng, giá rẻ.
ứng dụng blockchain
Công nghệ cho phép chuyển tiền nhanh chóng
  • Nhận dạng kỹ thuật số: Hiện tại danh tính vật lý của mọi vật dễ bị làm giả và không có sẵn cho nhiều cá nhân. Nhờ ứng dụng blockchain, cái gọi là “quyền sở hữu” sẽ được neo vào một sổ cái blockchain và gắn với chủ sở hữu của nó.
ứng dụng blockchain
Công nghệ nhận dạng kỹ thuật số
  • Internet of Things (IoT): Một số người cho rằng số lượng các thiết bị vật lý được kết nối internet có thể ngày càng tăng với công nghệ blockchain, cả trong các bối cảnh gia đình và công nghiệp. Người ta cho rằng sự phổ biến của các thiết bị này sẽ đòi hỏi một nền kinh tế mới về thanh toán, yêu cầu một hệ thống có khả năng thông lượng cao cho các khoản thanh toán nhỏ.
ứng dụng blockchain
Ứng dụng trong IoT
  • Quản trị: Quản trị blockchain đảm bảo rằng tất cả những người tham gia có thể tham gia vào việc ra quyết định và cung cấp một cái nhìn tổng quan minh bạch về chính sách nào đang được thực hiện.
  • Từ thiện: Dựa vào các đặc tính vốn có của công nghệ để đảm bảo tính minh bạch cao hơn, sự tham gia toàn cầu và giảm chi phí, đẩy nhanh tốc độ. Như vậy tiền từ tiện dễ dàng đến với người cần nó một cách nhanh chóng.

Có nên đầu tư vào Blockchain?

Hiện nay, Blockchain đã trở thành một từ khoá rất hot không chỉ ở Việt Nam mà còn trở nên ngày càng phổ biến trên toàn thế giới.

Song song với sự phổ biến, Blockchain cũng đang dần được hoàn thiện hơn. Các phiên bản Blockchain khác nhau được ra mắt với mục tiêu tối ưu hoá tính năng cho mạng lưới Blockchain của họ về: tốc độ giao dịch, phí giao dịch và độ bảo mật cao.

Thị trường Cryptocurrency có độ biến động rất lớn và rủi ro luôn đi kèm với lợi nhuận tương ứng. Bên cạnh đó, một số cá nhân và đội nhóm đã lợi dụng độ hot của Blockchain để tạo ra những dự án rác không có tiềm năng phát triển và sử dụng.

Có thể xem Blockchain là một nền kinh tế tương tự ở mỗi quốc gia. Các dự án phi tập trung (Dapps) xây dựng trên Blockchain cũng tương đương với các công ty doanh nghiệp trong một nền kinh tế.

Một điều quan trọng đáng lưu ý đó là đặc tính của nền kinh tế ở mỗi quốc gia có tác động rất lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế, sự thành công của các doanh nghiệp, công ty,... và thị trường Crypto hay cụ thể là các nền kinh tế Blockchain cũng sẽ tương tự như vậy. ⇒ Do đó, các đặc tính của mỗi Blockchain sẽ là nền tảng cho sự phát triển của các Dapps được xây dựng trên các hệ sinh thái này.

Trong nền kinh tế truyền thống, mỗi quốc gia sẽ phải đối mặt với Bộ ba bất khả thi. Nghĩa là một nền kinh tế không thể áp dụng được đồng thời cả 3 chính sách này mà chỉ có thể chọn 1 hoặc 2.

  • Tỷ giá hối đoái.
  • Dòng vốn tự do.
  • Chính sách tiền tệ độc lập.

Tương tự như vậy, Blockchain cũng có Bộ ba bất khả thi bao gồm:

  • Tốc độ giao dịch.
  • Bảo mật.
  • Tính phi tập trung.

Ví dụ: Nếu một Blockchain tập trung về tốc độ giao dịch và tính phi tập trung thì tính bảo mật có thể sẽ không được tối ưu. Bởi tốc độ giao dịch nhanh đồng nghĩa với việc thời gian tạo khối nhanh ⇒ Nguy cơ bị tấn công sửa đổi dữ liệu các mã Hash (đã có phân tích ở trên).

Do đó, một Blockchain được xem là tiềm năng khi các tính chất của nó phải phù hợp với mục tiêu phát triển của hệ sinh thái mà nó muốn xây dựng.

Ngoài ra, để có thể tìm ra được cơ hội đầu tư vào Blockchain hay các Dapps trong hệ sinh thái của các Blockchain, chúng ta cần quan tâm đến những vấn đề khác như: 

  • Hệ sinh thái hiện tại của Blockchain đó đang ra sao?
  • Tốc độ phát triển, triển khai các Dapps đó như thế nào?
  • Có khả năng tương tác với các Blockchain khác hay không?
  • Lượng người dùng hiện tại đang như thế nào?

Tóm lại, để tham gia và đầu tư hiệu quả trong thị trường Crypto cũng như đầu tư vào các công nghệ Blockchain, bạn cần phải trang bị kiến thức thật tốt và không ngừng nâng cấp mỗi ngày vì thị trường vẫn còn khá mới nên các mảnh ghép trong thị trường có tốc độ thay đổi rất nhanh qua từng ngày.

Tìm hiểu thêm Tiềm năng & cơ hội đầu tư của hệ sinh thái bậc nhất DeFi.

Kết luận

Blockchain là hệ thống không cần đến sự cho phép, bạn sẽ không cần trải qua quy trình xác thực nào để trở thành người tham gia. Với Bitcoin và các loại tiền điện tử khác, người dùng chỉ cần tải xuống phần mềm nguồn mở để tham gia mạng.

Với khả năng truy cập nhanh chóng và dễ dàng, việc cấm tham gia là vô cùng khó khăn và gần như không thể khiến toàn bộ mạng trở nên ngoại tuyến. Khả năng tiếp cận như vậy làm cho chúng trở thành một công cụ hấp dẫn cho tất cả người dùng.

Trong khi các ứng dụng phổ biến nhất của chúng nằm trong các giao dịch tài chính, có nhiều lĩnh vực khác mà chúng có thể được triển khai để trở thành các công cụ hữu ích trong tương lai. Có thể kể tới các lĩnh vực như: Công nghệ ô tô Automotive; Chế tạo; Công nghệ, truyền thông và viễn thông; Nghệ thuật & Giải trí; Bảo hiểm; Khai thác; Công trình hạ tầng kỹ thuật,...

Nếu bạn còn có ý tưởng nào khác về công nghệ này thì hãy bình luận bên dưới bài viết để anh em cùng tham khảo và học hỏi nhé.

RELEVANT SERIES