Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Vàng lại bước vào chu kỳ tăng giá mới?

Tăng điên cuồng, tăng dựng đứng, đỉnh chồng đỉnh… là những cụm từ đang được dùng để miêu tả thị trường vàng tuần qua. Nhưng điều gì đang chờ đón chúng ta sau “cơn cuồng vàng” này?
uyntran.web3
Published Mar 22 2025
Updated Mar 22 2025
15 min read
chu kỳ vàng

Vàng vượt 100 triệu đồng/lượng, tăng đến 85% chỉ trong hơn 2 năm. Từ trước đến nay, liệu có lúc nào mà vàng lại tăng “điên loạn” đến thế? Câu trả lời là có.

Nhìn lại lịch sử, giá vàng thường tuân theo chu kỳ 16 năm, với các điểm đáy quan trọng vào các năm 1968, 1984/1985, 1999/2000 và 2016. Thông thường, vàng sẽ tăng giá trong khoảng 11 đến 12 năm, rồi điều chỉnh trong khoảng 4 năm.

Chúng ta đang ở đâu trong chu kỳ vàng?

1971-1981: Tự do và bùng nổ  

Đầu thế kỷ 20, chế độ bản vị vàng được hầu hết quốc gia sử dụng để đảm bảo thương mại quốc tế ổn định. Một quốc gia sử dụng bản vị vàng sẽ ấn định giá vàng và mua và bán vàng ở mức giá đó, qua đó xác định giá trị đồng tiền của nó.

Mãi đến năm 1971, chế độ bản vị vàng kết thúc, thế giới bước vào kỷ nguyên tự do định giá vàng. Thế là 9 năm sau, giá vàng bắt đầu tăng vọt từ 35 USD lên hơn 800 USD/ounce.

richard nixon
Cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon tuyên bố chấm dứt chế độ bản vị vàng vào tháng 8/1971. Nguồn: Barron’s.

1981-2001: 2 thập kỷ "ngủ đông"

Đoạn trầm của vàng bắt đầu. Từ 1981 đến 2001, giá vàng chỉ dao động từ 250 đến 500 USD/ounce. Lý do là lạm phát đã được kiểm soát và nền kinh tế toàn cầu lúc này khá ổn định.

2001-2011: Hồi sinh 

Vàng có màn trở lại đầy ấn tượng. Từ mức 250 USD/ounce, giá vàng tăng vọt lên hơn 1,900 USD/ounce vào năm 2011. Những yếu tố như khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị và sự mất niềm tin vào tiền pháp định đã thúc đẩy sự trỗi dậy của vàng.

2011-2020: Rơi thẳng đứng 

Sau khi lên đỉnh 1,923 USD/ounce năm 2011, giá vàng trượt dốc thẳng đứng vào năm 2013. Nguyên nhân là FED thu hẹp quy mô gói nới lỏng định lượng trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ phục hồi, lạm phát toàn cầu thấp, thị trường chứng khoán leo dốc và đồng USD mạnh lên.

Khi khủng hoảng qua đi, vàng không còn được ưa chuộng vì lúc này chẳng ai cần an toàn nữa.

giá vàng 2020
Sau giai đoạn tích lũy, giá vàng lập đỉnh vào năm 2011 rồi sập mạnh. Nguồn: Bloomberg.

2020-2035: Khởi đầu chu kỳ mới 

Giá vàng bắt đầu tăng trở lại sau một thập kỷ điều chỉnh. Nhiều nhà phân tích cho rằng chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một chu kỳ tăng giá mới, kéo dài đến khoảng năm 2035.

Còn nhớ khi đại dịch COVID-19 ập đến, mọi thứ đều đóng cửa. Nhưng đây lại là lúc làn sóng đầu tư vàng mở ra. Năm 2020, giá vàng đã tăng vọt 27%, từ 1,575 USD lên hơn 2,000 USD/ounce. Qua đỉnh dịch, giá vàng lại giảm xuống mức 1,700 - 1,900 USD/ounce, trước khi tiếp tục tăng mạnh vào cuối năm 2023.

Có lẽ mỗi khi có nỗi sợ về một điều gì đó, chiến tranh hay lạm phát chẳng hạn, giá vàng lại tăng vì mọi người tin rằng vàng sẽ phòng vệ được lạm phát như những năm 80. Nhìn chung thì có khả năng vàng đang ở giai đoạn tích lũy hoặc điều chỉnh.

Nếu bỏ ra 1 USD vào mỗi chu kỳ 16 năm, bạn sẽ có 5.2 USD sau khoảng 11-12 năm sau đó. Qua đến phía bên kia của chu kỳ, số tiền đó sẽ còn 2.7 USD. Nhưng nói đi vẫn phải nói lại, vàng vẫn là tài sản khó xác định giá trị chính xác bằng chu kỳ.

“Cú twist” đầu tiên không ở đâu xa. Cuối năm 2024, mọi người tin rằng thị trường vàng sẽ điều chỉnh sau khi tăng mạnh vào tháng 12. Nhưng cuối tháng 1, Trump công bố loạt chính sách mới, tình hình kinh tế chìm trong bất ổn. Và giá vàng bùng nổ sớm hơn dự kiến.

advertising

Vàng sẽ còn tăng tới bao giờ?

Để trả lời câu hỏi này, mình đã tìm đọc các khảo sát thị trường và tổng hợp ý kiến của nhiều chuyên gia tài chính, ngân hàng trên thế giới. Và kết quả là không ai có thể đưa ra dự đoán chính xác. Nhưng có 3 lý do khiến họ tin rằng giá vàng sẽ duy trì xu hướng tăng mạnh trong ngắn hạn 2025.

USD “hết thời”

Một trong những yếu tố quan trọng là đồng USD, thường được xem là rào cản đối với vàng, đang có dấu hiệu suy yếu, tạo điều kiện cho vàng tiếp tục tăng trưởng. Chỉ số USD Index đã giảm xuống 103,03 điểm do lo ngại về các biện pháp thuế quan và căng thẳng thương mại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế nhiều nước.

Vàng và USD có xu hướng tỷ lệ nghịch với nhau.

tương quan vàng và usd
Tương quan giữa vàng và USD. Nguồn: Seeking Alpha.

Khi lãi suất của đồng USD tăng giá, nhà đầu tư thường bỏ tiền vào USD. Như vậy, thay vì mua vàng, người ta sẽ bỏ tiền đầu tư USD. Lúc này lượng cầu USD sẽ tăng, kéo theo giá USD tăng. Ngày càng có ít người mua vàng thì giá vàng sẽ bị giảm xuống theo thời gian.

Dù vậy một số chuyên gia cho rằng việc giảm lãi suất USD trong bối cảnh hiện nay không còn quá quan trọng đối với diễn biến giá vàng. Cuối tháng 1 vừa qua, Cục dự trữ liên bang Mỹ duy trì mức lãi suất cơ bản sau 3 lần giảm liên tiếp trong năm ngoái.

1,000 tấn vàng đã được “gom hàng”

Theo nhà phân tích cấp cao tại Kitco Metals, giá vàng đang được “đẩy” do nhà đầu tư muốn tìm kiếm tài sản an toàn. Nếu các ngân hàng trung ương bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc nếu bất ổn gia tăng, vàng có thể ước vào một chu kỳ tăng giá mới.

Nhìn tình hình toàn cầu hiện tại thì rõ ràng là bất ổn. Mỹ tăng thuế với Trung Quốc lên 20%. Trung Quốc công bố áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ.

Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường của Ngân hàng UOB Singapore, lạc quan về giá vàng do nhu cầu trú ẩn an toàn vẫn mạnh mẽ trước rủi ro địa chính trị và kinh tế gia tăng.

“Các yếu tố địa chính trị như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hay sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến giá vàng. Nhà đầu tư đang tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn ngày càng đổ dồn vào vàng”

“Các yếu tố địa chính trị như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hay dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến giá vàng. Nhà đầu tư đang tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn ngày càng đổ dồn vào vàng”.
Heng Koon How nhận định.

Bên cạnh đó, yếu tố được kỳ vọng nhiều là sức mua vàng của các ngân hàng trung ương. Theo Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), đã có 30 lần giá vàng lập kỷ lục mới trong năm 2024.

Vàng nổi lên như một tài sản “miễn dịch” với các lệnh trừng phạt. Ngoài tránh rủi ro bị tịch thu, ngân hàng trung ương coi vàng là công cụ phòng ngừa lạm phát và giảm phụ thuộc vào USD.

Năm 2022, việc các quốc gia phương Tây đóng băng 300 tỷ USD tài sản tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nga đã cho thấy mặt trái khi giữ ngoại tệ hoặc các loại tài sản khác trong các tổ chức nước ngoài. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nga không bị tịch thu vàng vì chúng được giữ trong lãnh thổ Nga.

ngân hàng nga bị trừng phạt
Vàng là số ít tài sản “bất khả xâm phạm” trong kho dự trữ của ngân hàng trung ương Nga. Nguồn: The Economist.

Các ngân hàng trung ương đã mua hơn 1,000 tấn vàng vào năm 2024. Đây là năm thứ 3 liên tiếp có mức mua đáng kể và gần gấp đôi so với mức mua trung bình hàng năm của thập kỷ trước. Đến 2025, ngân hàng trung ương của Uzbekistan, Trung Quốc, Kazakhstan, Ba Lan và Ấn Độ vẫn tiếp tục mua vàng dự trữ.

“Dù giá vàng đã đạt mức cao kỷ lục trong suốt năm 2024, các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục mua vàng với số lượng lớn”, Shaokai Fan nói.

Chứng khoán vàng bùng nổ

Nhu cầu vàng cũng có thể được thúc đẩy bởi những nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Chẳng hạn, Trung Quốc gần đây đã triển khai một chương trình thí điểm cho phép 10 công ty bảo hiểm lớn đầu tư lên đến 1% tài sản của họ vào vàng lần đầu tiên. Chương trình này có thể thêm 27 tỷ USD vào nhu cầu và giúp hỗ trợ giá vàng.

Trong dự báo thị trường ngày 11/3, Jeffrey Gundlach, CEO của DoubleLine, cho biết: "Tôi nghĩ giá vàng sẽ đạt đến 4,000 USD. Tôi không chắc điều đó sẽ xảy ra trong năm nay, nhưng tôi cảm thấy đó là mức tăng được dự đoán sau một giai đoạn tích lũy dài xung quanh mức 1,800 USD".

Thêm vào đó, Goldman Sachs gần đây đã điều chỉnh dự báo giá vàng lên mức 3,100 USD mỗi ounce vào cuối năm 2025.

Sự hào hứng với vàng đã lan sang cổ phiếu của các công ty khai thác vàng. GDX của VanEck, quỹ ETF khai thác vàng lớn nhất, đã tăng 28%, vượt trội đáng kể so với chỉ số S&P 500. GDX của các tập đoàn khai thác lớn như Newmont và Agnico Eagle Mines đã tăng 52.5% trong năm qua. Các công ty khai thác vàng có đòn bẩy mạnh với giá vàng, và dự báo giá vàng tăng sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận đáng kể cho ngành này trong năm nay.

“Hãy sợ hãi khi người khác tham lam”

Giá vàng đang diễn biến theo cách mà gần như không ai có thể ngăn cản được. Mỗi ngày, chúng ta thấy bài viết chia sẻ “giá vàng lại lập đỉnh mới”. Bên dưới bài viết là hàng loạt bình luận thể hiện sự tiếc nuối vì không mua vàng sớm hơn.

Khi mọi người đều đổ xô vào mua, đây là dấu hiệu của việc giá trị tài sản đang bị đẩy lên quá cao và bạn cần cẩn trọng.

Hãy sợ hãi khi người khác tham lam, và tham lam khi người khác sợ hãi.
Hãy sợ hãi khi người khác tham lam, và tham lam khi người khác sợ hãi.
Warren Buffett

Những chính sách áp thuế đối với Mexico, Canada và Trung Quốc làm cho dòng tiền đầu tư trở nên bất ổn, kể cả thị trường chứng khoán chứ không chỉ có vàng. Nếu căng thẳng thương mại giảm bớt, mọi người có thể chuyển hướng từ vàng sang cổ phiếu.

Ngoài ra, với mối lo ngại về lạm phát bắt đầu quay trở lại do giá nhập khẩu có thể tăng tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể không thể thực hiện 3 lần cắt giảm lãi suất 0.25%. Lãi suất cao hơn trong thời gian dài sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.

Nhu cầu vàng trang sức, chiếm khoảng 40% tổng mức tiêu thụ vàng toàn cầu, có thể giảm do giá vàng đạt mức cao kỷ lục. Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ, quốc gia đứng thứ 2 thế giới về nhu cầu vàng trang sức, đang tạm thời chậm lại. Ấn Độ có thể là tín hiệu cho thấy nhu cầu từ các nhà đầu tư và ngân hàng trung ương sẽ sớm chững lại.

Đầu tư vàng trong ngắn hạn vẫn có xu hướng tăng trong bối cảnh nhu cầu trú ẩn an toàn trước những bất ổn kinh tế, địa chính trị. Tuy nhiên trong quá khứ, vàng từng biến động nhanh và rất mạnh.

Năm 2009-2011, vàng từng tăng tới hơn 150%. Trong vòng 3 năm, giá vàng trong nước đã tăng từ 19 triệu đồng/lượng lên 50 triệu đồng. Đây cũng được xem là giai đoạn "cơn sốt vàng" khi nhu cầu mua vàng của người Việt bị đẩy lên đỉnh điểm.

sốt vàng
Cuộc “săn vàng” năm 2011 đang lặp lại ở các tiệm vàng. Nguồn: VnExpress.

Năm 2011, thế giới chứng kiến hàng loạt biến động: khủng hoảng nợ công châu Âu, lạm phát leo thang và đồng USD mất giá. Trong bối cảnh đó, vàng trở thành "bến đỗ an toàn" được nhiều người săn đón. Ai cũng nghĩ rằng vàng sẽ tiếp tục tăng, và thế là một cơn sốt vàng bùng nổ.

Nhưng rồi, mọi chuyện không như mong đợi. Khi các ngân hàng trung ương bắt đầu can thiệp và nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi, giá vàng bắt đầu đảo chiều.

Trải qua các đợt tăng giảm đan xen trong suốt năm 2012-2013. Đến năm 2014, giá vàng chỉ còn khoảng 35 triệu đồng/lượng, tức giảm 30% so với đỉnh năm 2011. Suốt 5 năm sau đó, vàng chỉ còn loanh quanh 34-36 triệu đồng/lượng.

Theo Kitco News, một số chuyên gia đã cảnh báo rằng đợt tăng của vàng lên 3,000 USD lần này có nét tương đồng với đợt tăng lên mức cao kỷ lục 1,900 USD vào năm 2011, sau đó thị trường lao dốc do áp lực chốt lời. Tuy nhiên, điểm khác biệt quan trọng giữa hiện tại và năm 2011 là tình trạng bất ổn kinh tế chỉ mới bắt đầu.

Học gì từ biến động của vàng?

Dù tài sản có tiềm năng dài hạn, không có tài sản nào tăng trưởng liên tục mà không chịu tác động của các yếu tố thị trường trong ngắn hạn. Các tài sản như Bitcoin hay cổ phiếu, cũng có thể trải qua những đợt giảm mạnh trong ngắn hạn. Đây là một thực tế mà bất kỳ ai cũng phải chấp nhận khi bước vào con đường đầu tư.

Crypto còn có mức độ biến động lớn hơn, vì thị trường này mới và chưa ổn định như vàng. Các yếu tố như chính sách mới, sự tham gia của các tổ chức lớn hoặc những thay đổi trong tâm lý đầu tư có thể khiến giá crypto dao động mạnh trong thời gian ngắn.

chu kỳ bitcoin
Giá Bitcoin từ 2011 đến 2024. Các màu sắc tương ứng với 4 giai đoạn: tích lũy, tăng trưởng, bong bóng căng, bong bóng vỡ. Nguồn: Caleb & Brown.

Tiếp đến là quản lý rủi ro. Đầu tư không phải là trò chơi may rủi. Những người thành công lâu dài trong thị trường thường biết cách giữ được cái đầu lạnh và không để cảm xúc chi phối quyết định của mình. Việc phân bổ vốn hợp lý, không "all-in" là điều rất quan trọng. Khi bạn đặt tất cả số tiền mình có vào một tài sản mà không đa dạng hóa, bạn đang đánh cược vào một canh bạc. Và khi thị trường có biến, bạn trắng tay.

Thị trường luôn có những chu kỳ lên xuống, đầu tư không bao giờ là một đường thẳng. Những biến động này có thể đến từ nhiều yếu tố, chẳng hạn như tình hình kinh tế toàn cầu, chính trị hoặc sự thay đổi trong tâm lý thị trường. Crypto cũng vậy. Sau những đợt tăng trưởng mạnh mẽ (năm 2017 hay 2020-2021), crypto thường phải trải qua những đợt điều chỉnh mạnh.

Đầu tư thành công không phải là tìm kiếm tài sản tăng giá liên tục mà là khả năng quản lý rủi ro và kiên nhẫn trong suốt quá trình dài hạn.

Đọc thêm: Thị trường sẽ tan nát dưới tay Trump?

RELEVANT SERIES