Thị trường sẽ tan nát dưới tay Trump?

Năm 2016, khi Trump tuyên bố tranh cử, nhiều người từng mỉa mai và xem đó như trò đùa. Cựu Tổng thống Barack Obama châm biếm Trump rằng "trong cuộc đời này", ông không bao giờ có thể bước vào được Nhà Trắng. Cuối cùng, vị tỷ phú không chỉ vào Nhà Trắng, mà còn vào đến 2 lần.
Xuất thân tỷ phú, lại “trắng tay” kinh nghiệm chính trị, song chính điều này đã làm nên khác biệt trong phong cách lãnh đạo của Donald Trump. Các chính sách của ông dường như mang màu sắc của một doanh nhân hơn là chính trị gia thông thường.
Cứ dưới thời đảng Cộng hòa là suy thoái?
Hào quang trước bão
Không ngẫu nhiên mà 3 “cơn ác mộng” của thị trường chứng khoán đều diễn ra dưới thời các tổng thống Cộng hòa.
Herbert Hoover đắc cử năm 1928, ngay trước Cuộc Đại Khủng Hoảng. Richard Nixon, nhậm chức năm 1973, xóa sạch luôn 50% giá trị thị trường chứng khoán Mỹ. Tương tự, vào nhiệm kỳ Tổng thống George W. Bush, thị trường đón đầu Cuộc Khủng Hoảng Tài Chính 2008.

Như các đời tổng thống trước, chiến thắng của Donald Trump đã khởi động đợt tăng trưởng mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán.
Một số thay đổi lớn của Trump có thể kể đến chương trình nghị sự ủng hộ doanh nghiệp, chính sách cắt giảm thuế, bãi bỏ quy định và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Kết quả là doanh thu các công ty đều khởi sắc, chỉ số Dow Jones tăng mạnh vượt ngưỡng 26,000.
Sau 3 năm nhậm chức, Trump đã kéo chỉ số S&P 500 tăng 46%. Đây là mức tăng nổi trội hơn quãng thời gian cầm quyền tương ứng của bất kỳ tổng thống Mỹ nào trong hơn 64 năm. Tăng trưởng kinh tế đạt mức trên 4% vào giữa năm 2018 và tỷ lệ thất nghiệp giảm sâu xuống còn 3.7%.

Giới phân tích thường cho rằng thị trường chứng khoán sẽ hoạt động tốt hơn dưới thời chính quyền Cộng hòa. Các chính sách thân thiện với thị trường của họ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện lợi nhuận.
Song lịch sử chỉ ra điều ngược lại: Trong suốt 70 năm qua, thị trường chứng khoán có mức lợi nhuận cao hơn 9% dưới các chính quyền Dân chủ so với các nhiệm kỳ của tổng thống Cộng hòa.
“Chất men” cho cơn sốt đầu cơ
Kinh tế tăng trưởng nuôi dưỡng lòng tin tưởng, đồng thời cũng là chất men gây nên cơn sốt đầu cơ.
Lịch sử cho thấy hiệu suất kinh tế thường khác nhau dựa trên đảng phái chính trị nắm quyền. Ví dụ, trong giai đoạn trước Cuộc Khủng Hoảng Tài Chính 2008, các chính sách của George Bush, điển hình là cắt giảm thuế, đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng.
Giống như Bush, việc Trump cắt giảm thuế đi kèm với nợ công và chi tiêu quá mức khiến nền kinh tế có nguy cơ tăng trưởng nóng. Nói cách khác, khả năng sản xuất của nền kinh tế không theo kịp mức tăng trưởng quá nhanh. Và lạm phát trở thành nỗi lo chờ đón phía trước.
Cùng lúc đó, chiến tranh thương mại càng làm tình hình trầm trọng hơn. Thế là Cục Dự trữ Liên bang (FED) buộc phải can thiệp bằng cách tăng lãi suất. Năm 2018 đã trở thành năm tồi tệ nhất của chỉ số S&P 500 trong suốt một thập kỷ.
“Đưa nước Mỹ vĩ đại”... một lần nữa
Cơn bão thuế càn quét 5,000 tỷ USD
2 tháng đã trôi qua kể từ khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Thị trường ban đầu tăng mạnh nhờ vào kỳ vọng về việc giảm thuế và bãi bỏ các quy định. Tuy nhiên, tâm lý tích cực này nhanh chóng suy yếu khi chính quyền Trump thông báo áp đặt thuế quan và siết chặt các chính sách nhập cư.
Đặc biệt, ngày 3/3, chỉ số Dow Jones đã giảm hơn 600 điểm sau khi Trump tuyên bố rằng các mức thuế mà ông đã đe dọa trong suốt nhiều tuần sẽ được thực thi với Trung Quốc và sớm áp dụng với Canada và Mexico.

Lời đe dọa áp thuế nhập khẩu mạnh của ông, ban đầu được coi là một chiến thuật đàm phán để giành được sự nhượng bộ từ các quốc gia như Trung Quốc, Canada và Mexico. Nhưng hóa ra đó không chỉ là lời nói suông mà còn là mục tiêu chiến lược của tổng thống: sẵn sàng chấp nhận rủi ro ngay cả khi nền kinh tế Mỹ suy thoái.
Thị trường lập tức biến động mạnh, đặc biệt là những ngành dựa vào chuỗi cung ứng toàn cầu như công nghệ và sản xuất. Nếu Trump vẫn kiên trì với chính sách này, các công ty Mỹ phụ thuộc vào thương mại quốc tế sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn.
Ngày 10/3, thị trường chứng khoán Mỹ, với vốn hóa lên tới khoảng 50 nghìn tỷ USD, đã trải qua một cú sốc sau khi Tổng thống Trump đưa ra lời khuyên "không theo dõi thị trường chứng khoán". Phát biểu này gây lo ngại về khả năng nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang với Trung Quốc, EU và các nước láng giềng.
Mở cửa phiên đầu tuần, cả 3 chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều giảm mạnh. Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 350 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 1.8%, còn chỉ số công nghệ giảm 3%.
Chỉ trong vòng 3 tuần ngắn ngủi, cơn bão bán tháo đã càn quét Phố Wall, cuốn đi hơn 5,000 tỷ USD vốn hóa thị trường.
Bong bóng căng
Nỗi lo về một cuộc chiến thương mại toàn diện sẽ tái diễn đã khiến thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực. Các chính sách thuế quan sâu rộng và thường xuyên thay đổi có thể gây ra những xáo trộn không nhỏ cho chuỗi cung ứng toàn cầu, làm tổn hại đến lợi nhuận của doanh nghiệp và giảm nhu cầu tiêu dùng.
Đáng chú ý, không chỉ các chỉ số chứng khoán chính chịu áp lực. Nhiều cổ phiếu công nghệ lớn, vốn là trụ cột của thị trường trong những năm gần đây, cũng đang chứng kiến đà giảm mạnh.

Chỉ số công nghệ Nasdaq chính thức bước vào vùng điều chỉnh, giảm 12% so với đỉnh hồi tháng 2. Các ông lớn công nghệ như Nvidia và Tesla là những cái tên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cổ phiếu Nvidia đã giảm tổng cộng 21% kể từ ngày 19/2, trong khi Tesla thậm chí còn mất đến 33%.
Hiện tại, khi thị trường chứng khoán đạt lập đỉnh trong 150 năm qua, không quá xa vời khi nói rằng cơn sốt đầu cơ đang lặp lại. Và với các điều kiện thích hợp, thị trường có thể đạt đến các cực điểm và cuối cùng vỡ tung.
Tất nhiên, bong bóng tài sản tài chính bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố và không chỉ là kết quả của các chính sách của một chính quyền. Nhưng từ năm 1900, có đến 10 trong số 11 cuộc suy thoái kinh tế diễn ra dưới thời tổng thống Cộng hòa. Hơn nữa, tăng trưởng GDP thực tế và tăng trưởng việc làm thường thấp hơn dưới thời các tổng thống Cộng hòa so với Dân chủ kể từ năm 1949.

Nhìn vào chu kỳ kinh tế, các tổng thống Cộng hòa thường nhậm chức gần với đỉnh chu kỳ. Trong khi đó, đảng Dân chủ thường nắm quyền vào những lúc suy thoái hoặc khi bắt đầu các đợt phục hồi, nhờ vào sự tăng trưởng tự nhiên của chu kỳ kinh doanh. Với việc Trump nhậm chức gần đỉnh chu kỳ hiện tại, nhiều người lo ngại rằng một cuộc suy thoái có thể xảy ra trong nhiệm kỳ của ông.
Mặt khác, thị trường vẫn có những ý kiến lạc quan. Các nhà chiến lược của Morgan Stanley vẫn duy trì mục tiêu 6,500 cho chỉ số S&P 500 vào cuối năm 2025. Họ kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi khi lãi suất hạ nhiệt và các chính sách thân thiện với doanh nghiệp sẽ được triển khai sau giai đoạn đầu năm. Theo Morgan Stanley, các chính sách của Trump có thể gây ra tác động tiêu cực ban đầu, nhưng sau đó sẽ mang lại lợi ích cho thị trường.
Vậy với câu hỏi: "Nếu có tới 10 trong số 11 cuộc suy thoái kinh tế diễn ra dưới thời tổng thống đảng Cộng hòa. Lần này dưới thời của Trump, liệu mọi thứ sẽ khác?"
Đây là câu hỏi đáng giá hàng tỷ đô và thật khó để kết luận ngay được. Tuy nhiên, có một thứ chắc chắn đã và đang khác đi đó là "tình yêu" mà tổng thống Trump nói riêng và Chính phủ Hoa Kỳ nói chung dành cho lớp tài sản Crypto.
Thị trường crypto trong tay Trump
Từ ghét đến yêu
Năm 2019, ở nhiệm kỳ đầu tiên, Trump đã thẳng thắn chỉ trích Bitcoin là tài sản đầy rủi ro và không có giá trị thực. Ông cho rằng đồng USD là biểu tượng của sức mạnh và sự ổn định, đồng thời là đồng tiền duy nhất nước Mỹ cần.
“Tôi không ủng hộ Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác. Chúng không phải tiền tệ, giá trị bất ổn và chỉ dựa vào hư vô”.
Ngay cả khi rời Nhà Trắng vào cuối năm 2021, Trump vẫn giữ quan điểm này. Tháng 12, Đệ nhất phu nhân Melania ra mắt bộ sưu tập NFT đầu tiên. Ông vẫn gọi tiền mã hóa là “mối nguy hiểm” và khẳng định sự ưu việt của USD.
Bước ngoặt đến vào năm 2022, khi chính Trump bước vào cuộc đua NFT với bộ sưu tập “Trump Digital Trading Cards”. Chất lượng hình ảnh của bộ sưu tập bị chỉ trích là quá kém, cho thấy sự hời hợt của đội ngũ phát hành. Ngoài gương mặt Trump, các trang phục bên dưới được lấy từ những thương hiệu thời trang kém nổi hay thậm chí là các ảnh stock trôi nổi trên Google.

Nhưng bất chấp loạt tranh cãi, bộ sưu tập đã thu về tổng khối lượng giao dịch 15,013 ETH (35.4 triệu USD) trên marketplace OpenSea. Đến tháng 4, Trump tiếp tục phát hành bộ sưu tập NFT thứ 2 cũng với giá 99 USD/NFT. Bộ sưu tập mùa 2 bao gồm 47,000 NFT và nhanh chóng cháy hàng sau vài giờ.
Tháng 8/2024, Trump cho ra mắt bộ sưu tập thứ 4 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Theo nền tảng phân tích blockchain Arkham Intelligence, ví của Trump đã nhận về hàng triệu USD tiền bản quyền từ các bộ sưu tập này. Nhiều memecoin mang tên ông cũng được phát hiện trong ví, có khả năng được gửi vào mà không có sự đồng ý của ông.
“Kỷ nguyên mới cho crypto”
Nhìn lại giai đoạn 2017-2019, một trong những yếu tố lớn tác động đến thị trường tiền mã hóa dưới thời Trump là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các biện pháp thuế quan ông áp dụng đối với Trung Quốc và các quốc gia khác khiến nhiều nhà đầu tư tìm kiếm những "nơi trú ẩn" an toàn cho tài sản của mình.
Khi chiến tranh thương mại leo thang, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tìm đến Bitcoin và các tài sản kỹ thuật số để bảo vệ tài sản khỏi biến động của thị trường chứng khoán và đồng USD. Kết quả là, giá Bitcoin đã tăng trưởng đáng kể trong thời gian này, đặc biệt là vào cuối năm 2017 và giữa năm 2019.
Giờ đây, khi cuộc chiến thương mại châm ngòi, nhà đầu tư mong đợi kịch bản đẹp cho Bitcoin. Nhưng năm 2025 còn đặc biệt hơn vì tổng thống Mỹ đã có những tuyên bố thể hiện bước tiến lớn trong quan điểm về crypto, mở đường cho chính sách crypto tại Mỹ.

Tháng 5/2024, tại sự kiện dành cho các holder NFT của mình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, ông đã công khai chỉ trích Biden và đảng Dân chủ "chống lại crypto."
Trump tuyên bố sẽ biến Mỹ thành "thủ phủ crypto" và "siêu cường Bitcoin" của thế giới. Và nếu tiền mã hóa thực sự là tương lai, thì nơi sinh ra và phát triển của nó phải là đất Mỹ.
Theo sau những lời hứa, đầu tháng 3, Trump thành lập Quỹ Dự trữ Bitcoin Quốc gia (Strategic Bitcoin Reserve) cùng các altcoin khác như Ethereum, Ripple, Solana và Cardano. Giống như kho vàng quốc gia, số tiền mã hóa này sẽ là một trong những “tài sản cốt lõi” của nền kinh tế Mỹ. Sau thông báo, giá Bitcoin tăng từ khoảng 40,000 USD lên hơn 60,000 USD trong vài ngày, thể hiện sự lạc quan của nhà đầu tư.
Trump cũng tiết lộ dự án DeFi World Liberty Financial, cung cấp dịch vụ cho vay crypto trên Ethereum. Dù đợt bán token đầu tiên vào tháng 10 không thành công như mong đợi, nhóm dự án vẫn tiếp tục phát triển và dự kiến phát hành stablecoin riêng sắp tới.
Trump đã ghi dấu ấn khi trở thành tổng thống đầu tiên sử dụng Bitcoin để thanh toán. Tại PubKey, một quán bar nổi tiếng với chủ đề Bitcoin ở New York, ông đã trả bữa ăn của những người ủng hộ bằng Bitcoin. “Đây là khởi đầu của một kỷ nguyên mới”, Trump tuyên bố.
Với những tín hiệu trên, không khó hiểu khi cộng đồng crypto tràn ngập hy vọng trước tin Donald Trump quay lại Nhà Trắng. Một trong những người ủng hộ ông tích cực nhất là cộng đồng crypto trên X. Ngay khi ông đắc cử, Bitcoin đã lập đỉnh mới 76,000 USD.
Câu hỏi còn lại là: liệu Trump có thực sự cam kết với crypto như một phần quan trọng trong chính sách kinh tế quốc gia, hay chỉ đang lợi dụng loại tài sản này để thu hút sự chú ý từ công chúng và cộng đồng đầu tư?
Đọc thêm: Bong bóng Dotcom, từ cơn sốt công nghệ đến khủng hoảng
Tham gia thảo luận cùng cộng đồng MarginATM tại:
- Telegram: t.me/marginatm