Chính phủ Việt Nam ban hành Chiến lược Blockchain Quốc gia
Theo báo Đảng Cộng Sản Việt Nam đưa tin vào ngày 22/10/2024, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký ban hành Chiến lược Quốc gia về Ứng dụng và Phát triển công nghệ Blockchain đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, công nghệ blockchain được nhận định là một trong những xu hướng công nghệ hàng đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hạ tầng số tiên tiến, bảo đảm độ tin cậy và an toàn dữ liệu, đồng thời tạo nền tảng phát triển cho công nghiệp công nghệ số.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và có vị thế quốc tế về nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và khai thác công nghệ Blockchain.
Cụ thể, Chính phủ hướng tới xây dựng 20 thương hiệu blockchain uy tín về nền tảng, sản phẩm và dịch vụ trên nền tảng công nghệ chuỗi khối. Đồng thời, duy trì vận hành ít nhất 3 trung tâm hoặc đặc khu thử nghiệm về blockchain tại các thành phố lớn để tạo thành mạng lưới blockchain quốc gia.
Chính phủ cũng đặt mục tiêu có đại diện Việt Nam lọt vào nhóm 10 cơ sở đào tạo và nghiên cứu blockchain hàng đầu trong khu vực châu Á.
Cũng theo báo Đảng Cộng Sản Việt Nam, để thực hiện mục tiêu này, Chương trình Hành động giai đoạn 2024 - 2030 đã được ban hành kèm theo Quyết định 1236/QĐ-TTg, trong đó Chính phủ đưa ra năm hành động cụ thể bao gồm:
- Hoàn thiện môi trường pháp lý.
- Phát triển hạ tầng và hình thành hệ sinh thái công nghiệp blockchain.
- Phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực blockchain.
- Thúc đẩy phát triển và ứng dụng blockchain.
- Thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế.
Trong đó, những nhiệm vụ trên sẽ được giao cho các Bộ và ngành như sau:
- Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Ban Cơ yếu Chính phủ.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Bộ Khoa học và Công nghệ.
Một điểm nổi bật của chiến lược là vai trò của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) trong việc thúc đẩy thương hiệu Blockchain "Make in Việt Nam".
VBA sẽ chịu trách nhiệm phát triển các nền tảng blockchain nội địa, xây dựng cơ chế vận hành và khai thác liên thông giữa các loại hình mạng blockchain trên Hạ tầng blockchain Việt Nam.
VBA cũng được giao nhiệm vụ tập hợp các doanh nghiệp công nghệ số trong nước để xây dựng các nền tảng blockchain, chia sẻ thông tin và nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nhận định rằng Chiến lược Blockchain Quốc gia là một dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực blockchain.
Qua đó thể hiện sự cam kết của Chính phủ và những hành động quyết liệt từ các cơ quan soạn thảo như Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng như nỗ lực của cộng đồng trong việc phát triển nền kinh tế số minh bạch và bền vững.
Ông Trung cho biết VBA sẽ chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao, tập trung vào nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn công nghệ blockchain, đồng thời tin rằng việc phổ cập công nghệ này sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho nền kinh tế số mà Chính phủ định hướng.
Chiến lược Blockchain Quốc gia được xem là văn bản pháp lý có tính chất quan trọng nhất hiện nay trong lĩnh vực blockchain tại Việt Nam, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ này nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế số và xã hội số.
Trước đó, vào ngày 8/10/2024, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó lần đầu tiên tài sản số được chính thức định nghĩa là một loại tài sản vô hình được pháp luật bảo hộ.
Định nghĩa này là một phần trong cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với việc chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, với mục tiêu đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) trước tháng 5/2025.
Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản số tại Việt Nam, thông qua các hội thảo và văn bản góp ý gửi đến các cơ quan quản lý. Những nỗ lực này nhằm xây dựng một khung pháp lý phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam, đồng thời tương đồng với thông lệ quốc tế.
Đọc thêm: Founder Notcoin: Mọi công ty đều đang chạy theo Miniapp trên Telegram