Vốn hóa thị trường là gì? Các điều nên biết về Market Cap khi đầu tư
Vốn hóa thị trường là gì?
Vốn hóa thị trường hay còn được gọi là Market Cap được dùng để chỉ tổng giá trị thị trường các coin/token của một dự án đang được lưu hành. Tổng giá trị này sẽ được tính như sau:
Vốn hóa thị trường = Giá thị trường x Cung lưu hành
Với Cung lưu hành (Circulating Supply) = Tổng cung - Số lượng đang lock - Số lượng đã đốt.
Trong thị trường Crypto, các nhà đầu tư thường phân các dự án ra thành từng nhóm như:
- Low cap - Market cap < $200M.
- Middle cap - $200M < Market cap < $1B.
- Top coin - Market cap > $1B.
Thông thường một tài sản khi có vốn hóa càng cao thì biên độ giao động của nó sẽ có xu hướng thấp dần ⇒ Khi thị trường tăng giá, tỷ lệ lợi nhuận của nhóm tài sản này sẽ thấp hơn.
Tại sao lại như vậy?
Để dễ hiểu hơn mình sẽ giải thích qua ví dụ sau:
- Bitcoin hiện tại có vốn hóa khoảng $898B nên khi BTC tăng 10% tức là giá trị vốn hóa của BTC tăng thêm $89.8B.
- Trong khi với JOE có vốn hóa khoảng $323M, thì nếu JOE tăng 10% tức giá trị vốn hóa cũng mới tăng thêm $32.3M.
Thông qua ví dụ trên mình hy vọng bạn có thể nhận ra được việc SHIB hoặc DOGE lên được $1.0 như nhiều người vẫn hay lan truyền là có thực tế hay không.
Bởi sở dĩ, để lên được $1.0 thì SHIB sẽ gấp khoảng 33,333 lần nữa.
Điều này tương đương vốn hóa SHIB sẽ bằng $18.68B x 33,333 > hơn rất rất nhiều so với vốn hóa BTC ($893B).
⇒ Như vậy, nếu chúng ta chỉ nhìn vào giá cả mà không nắm được về giá trị của tài sản đó thì sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận đầu tư rất nhiều, thậm chí là thua lỗ nặng vì tài sản đang được định giá quá giá trị (over value).
Còn đối với các dự án thuộc nhóm Middle và Low cap, lại có tiềm năng mang lại lợi nhuận cao hơn rất nhiều vì có thể chúng đang được định giá thấp hơn giá trị thật. Dự án mới nên thị trường sẽ có xu hướng đầu tư với niềm tin, kỳ vọng cao dựa theo các đối thủ đã thành công trên thị trường.
Định giá pha loãng hoàn toàn là gì?
Định giá pha loãng hoàn toàn - Fully Diluted Valuation (FDV) là tổng giá trị tất cả các token của một dự án kể cả các token đang bị lock, chưa cung ra thị trường. Công thức tính như sau:
FDV = Giá thị trường x Tổng cung
FDV sẽ giúp chúng ta xác định được tổng giá trị thực sự của một dự án trong trường hợp được unlock `100%.
Dễ hiểu hơn, một nhà đầu tư khi quyết định mua Token A tại mức giá $5 - tương đương vốn hóa lúc đó là $50M và định giá pha loãng hoàn toàn lúc đó là $1B thì khi số lượng token được unlock 100% trong điều kiện giá Token A không đổi, vốn hóa của dự án sẽ tăng lên nhưng xét về lợi nhuận thì nhà đầu tư không có lời.
⇒ FDV là dữ liệu rất quan trọng trong quá trình ra quyết định đầu tư một dự án.
Vai trò, ý nghĩa của vốn hóa đối với một dự án
Mức độ biến động
Phần này mình cũng đã chỉ ra thông qua ví dụ trên giữa sự khác biệt khi BTC tăng 10% so với JOE tăng 10%. Ở phần này mình sẽ chỉ ra thêm lý do để giải thích cho cơ sở Vốn hoá lớn thường sẽ biến động thấp hơn, thông qua minh hoạ sau:
- Một token X có giá là $5.0 tương đương FDV khoảng $500M. Khi FDV tăng thêm 100% - tức FDV = $1.0B thì để mua được 1 token X, nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra thêm $5.0 để mua (tức $10 = 1 token X).
- Nếu FDV của token X tăng tiếp 100% ⇔ FDV = $2.0B ⇒ Để sở hữu được 1 token X, nhà đầu tư phải bỏ ra thêm $10 (tức $20 = 1 token X).
Như vậy, có thể thấy vốn hoá đại diện cho giá trị của một loại tài sản nên khi vốn hoá tăng cũng đồng nghĩa với việc phải bỏ ra số tiền lớn hơn để có thể mua cùng một lượng tài sản trước đó.
Với những dự án khi đạt mức vốn hoá cao, thông thường có thể sẽ rơi vào những trường hợp như:
- Token/Coin của dự án chưa có nhiều mục đích sử dụng, điều khiến nhà đầu tư quyết định mua vào ngay cả khi FDV đang lớn là dựa trên cơ sở niềm tin lớn dành cho dự án trong tương lai ⇒ Sẽ khá khó để nhà đầu tư tiếp tục phải bỏ ra một lượng tiền lớn hơn để mua vào cùng một đơn vị tài sản khi công năng sử dụng lại đang thấp hơn so với giá trị thực tế của chúng.
- Với những gì dự án xây dựng & phát triển đến thời điểm đó, token/coin đã tăng trưởng gần đúng với giá trị thực tế của chúng nên việc nhà đầu tư chấp nhận bỏ ra số tiền lớn hơn nhiều lần để mua cùng một lượng token sẽ là rất khó.
Khả năng hấp thụ dòng tiền
Khả năng hấp thụ dòng tiền hay nói cách khác đó là khả năng vốn hóa dự án có thể đỡ được lực xả trên thị trường trong một thời điểm nhất định.
Nói một cách dễ hiểu hơn là giá trị vốn hoá của một dự án sẽ biến động giảm thấp trước áp lực bán mạnh xuất hiện trên thị trường có thể đến từ việc unlock token cho các nhà đầu tư Private Sale, Seed Round, Public Sale...
Chẳng hạn như khi nhìn vào lịch trả token của Solana, bắt đầu vào khoảng cuối tháng 12 2020 sẽ có một lượng lớn SOL được trả cho các vòng bán: Seed Sale, Founding Sale... Như vậy, vào thời điểm này SOL tồn tại một áp lực bán lớn trên thị trường và dự án có thể sẽ đối diện với biến động giảm giá lớn.
Do đó, để SOL hấp thụ được lực bán này thì đội ngũ sẽ cần thúc đẩy SOL đảm bảo phát triển thành công trước giai đoạn này để nâng vốn hoá thị trường lớn hơn và được nhiều người quan tâm.
Giả sử trong mảng DeFi, mức định giá pha loãng trung bình cho một dự án làm về lĩnh vực Lending & Borrowing đã có đầy đủ các sản phẩm cơ bản là $800M thì trong trường hợp lực bán lớn đột ngột xuất hiện trong cùng 1 thời điểm làm đẩy giá của token này xuống thấp hơn giá trị của nó thì sẽ nhanh chóng được thịt trường chú ý và đẩy giá phục hồi trở lại về tương đương với giá trị của chúng.
Khối lượng giao dịch và vốn hoá của một dự án
Khối lượng giao dịch và vốn hoá của dự án là hai dữ liệu độc lập không phục thuộc vào nhau nhưng lại mang ý nghĩa khá mật thiết để đánh giá một dự án.
Khối lượng giao dịch đại diện cho tính thanh khoản hay nói cách khác là mức độ quan tâm giao dịch trên thị trường đối với một loại tài sản.
Với một dự án khi có vốn hoá (market cap) cao nhưng khối lượng lại nhỏ hơn rất nhiều ⇒ Điều này mang ý nghĩa nhà đầu tư đang không quan tâm đến loại tài sản này ⇒ Khớp lệnh rất khó.
Việc khớp lệnh khó sẽ dẫn đến trường hợp như sau:
Khi nhà đầu tư muốn thực hiện chốt lời nhanh số lượng token của mình nhưng vì thị trường ít người quan tâm giao dịch nên để khớp lệnh nhanh thì nhà đầu tư này phải bán với giá thấp
⇒ Ảnh hưởng đến lợi nhuận chốt lời.
Yếu tố ảnh hưởng tới Market Cap
Một lầm tưởng lớn có thể nhiều người thường mắc phải khi mới tìm hiểu về thị trường Crypto cũng như lĩnh vực tài chính nói chung đó là vốn hoá của BNB tăng từ $80B lên $88B không có nghĩa là có thêm $8B được đổ vào BNB.
Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy cùng quay lại công thức tính vốn hoá thị trường của một dự án:
Vốn hoá thị trường = Cung lưu hành x Giá thị trường của Token/Coin
Như vậy trong công thức trên, Vốn hoá thị trường sẽ dựa trên hai biến số:
- Cung lưu hành: Trong trường hợp giá của Token/Coin giữ nguyên nhưng số lượng token cung ra thị trường tăng thêm ⇒ Vốn hoá thị trường của dự án vẫn tăng.
- Giá thị trường: Là giá trong lần khớp lệnh gần nhất của một dự án.
Giả sử một token A có giá thị trường là $1.0, cung lưu hành là 1B token A, tương đương vốn hoá tại thời điểm này là $1B.
Ngay sau đó, thị trường ghi nhận lần khớp lệnh tiếp theo là ở mức giá $1.2 với khối lượng khớp là 50K token A ⇒ Lệnh này có giá trị $1.2 x 50K = $60K ⇔ Tức là nhà đầu tư này đã bỏ ra số tiền $60K để mua 50K token A.
Lúc này vốn hoá thị trường = 1B x $1.2 = $1.2B
⇒ Như vậy nhà đầu tư đó chỉ bỏ ra $60K để mua token A ở mức $1.2 nhưng đã kéo vốn hoá thị trường của dự án lên thêm $200M.
Cũng tương tự như vốn hoá thị trường, FDV cũng chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thị trường nhưng khác một điểm đó là FDV chỉ có một biến số đó là Giá thị trường của đồng Token/Coin đó.
Chiến lược đầu tư với Market Cap
Thông qua những thông tin trên, có lẽ bạn cũng đã nắm được vốn hoá chính là thước đo giá trị của một dự án nên vốn hoá có thể xem như là một cơ sở để phân tích cơ bản một dự án.
Cụ thể chúng ta sẽ vận dụng vốn hoá trong việc phân tích cơ bản như thế nào?
Như mình cũng đã nhắc lại ở phía trên, vốn hoá là thước đo giá trị của một dự án
⇒ Do đó, chúng ta sẽ dùng chúng để so sánh với các dự án cùng lĩnh vực đã đi trước, phát triển tốt hiện tại đang được thị trường định giá bao nhiêu để làm chuẩn so sánh với các dự án khác.
Sau đó, xem xét dự án mà bạn đang muốn đầu tư và xem xét những yếu tố sau:
- Dự án đã có những sản phẩm gì?
- Doanh thu của dự án trung bình hoặc đang là bao nhiêu?
- Định giá pha loãng hoàn toàn của dự án (FDV) là bao nhiêu?
- Vốn hoá thị trường (Market Cap) là bao nhiêu?
- …
Nếu một dự án này đã có sản phẩm chỉnh chu, doanh thu tương đương hoặc gần bằng nhưng có FDV thấp hơn so với dự án tiêu chuẩn dùng để so sánh thì rõ ràng dự án này đang bị định giá dưới giá trị so với dự án đã thành công đó ⇒ Cơ hội đầu tư.
Tìm hiểu thêm: Phân tích cơ bản là gì? Cách phân tích cơ bản dự án tiềm năng.
Tổng kết
Qua bài viết này mình hy vọng có thể giúp anh em hiểu được rõ bản chất của vốn hoá thị trường (market cap) và định giá pha loãng hoàn toàn (FDV) của một dự án. Bên cạnh đó là những insight quan trọng khi nhìn nhận đánh giá về vốn hoá của một dự án.