Top 5 cách quản lý vốn hiệu quả tránh thua lỗ khi đầu tư Crypto
Quản lý vốn là gì?
Quản lý vốn là một loạt các hành động của nhà đầu tư để quản lý dòng tiền một cách hiệu quả, cân bằng rủi ro, giảm thiểu thua lỗ, tối đa hóa lợi nhuận và tăng quy mô của tài khoản giao dịch.
Quản lý vốn thường dễ bị nhầm lẫn với quản trị rủi ro, vì đây là những khái niệm có nhiều nét tương đồng. Quản trị rủi ro liên quan nhiều đến việc xác định, phân tích và định lượng tất cả các rủi ro trong quá trình giao dịch để quản lý chúng một cách hiệu quả.
Mục tiêu cuối cùng của quản trị rủi ro là để bảo vệ nhà đầu tư khỏi những tình huống bất lợi có thể xảy ra khi giao dịch tài chính. Trong khi đó, quản lý vốn chỉ tập trung vào việc bảo vệ nguồn tiền của bạn tốt nhất.
Tỷ phú người Mỹ George Soros từng nói "Bạn đúng hay sai không quan trọng, quan trọng là bạn kiếm được bao nhiêu khi đúng và mất bao nhiêu khi sai". Vì vậy, mục tiêu cuối cùng trong đầu tư là kiếm tiền thì chúng ta nên tập trung vào quản lý vốn hơn.
Vì sao nên quản lý vốn?
Giúp nhà đầu tư có thể tồn tại lâu dài trên thị trường
Mục tiêu cuối cùng của mọi giao dịch tài chính là kiếm được lợi nhuận và tham gia dài hạn với một thị trường đầy tiềm năng như crypto. Do vậy, trước khi nghĩ tới việc sinh lời thì điều đầu tiên nhà đầu tư cần phải làm là bảo toàn nguồn vốn của mình không bị thất thoát.
Nếu bạn quản lý vốn không hợp lý và giao dịch thiếu cân nhắc, không kiểm soát thì rất dễ rơi vào tình trạng mất sạch tiền và quá trình đầu tư có thể phải tạm ngừng hoặc dừng lại vĩnh viễn.
Nói một cách đơn giản và dễ hiểu, nếu một nhà giao dịch muốn tồn tại lâu dài trên thị trường và không muốn bị loại do thua lỗ quá mức thì mọi người đều phải học các kỹ năng quản lý vốn tiền điện tử.
Đây là điều kiện tiên quyết mà người mới bắt đầu cần phải biết vì nếu không bảo toàn được vốn thì mọi người sẽ không còn cơ hội tiếp tục giao dịch coin nữa.
Tạo tâm lý giao dịch tốt hơn
Có thể nói, tâm lý là một trong những yếu tố then chốt quyết định các giao dịch của bạn có hiệu quả hay không. Nếu kiểm soát tốt yếu tố này thì xem như bạn đã nắm được 50% phần thắng trong tay.
Tâm lý chung của hầu hết các nhà đầu tư khi mới tham gia vào thị trường là dành phần lớn thời gian trong ngày ngồi trước màn hình theo dõi từng biến động nhỏ nhất của giá coin. Điều này khiến họ trở nên dễ hoang mang, sợ hãi và thoát khỏi thị trường nhanh chóng khi có các thông tin bất lợi xuất hiện.
Tuy nhiên nếu bạn đã có kế hoạch quản lý vốn chặt chẽ ngay từ đầu và có chiến lược giao dịch phù hợp, bạn sẽ không phải lo lắng vì đã nằm trong kế hoạch.
5 cách quản lý vốn hiệu quả
Luôn trung bình giá
Chiến lược trung bình giá DCA (Dollar Cost Averaging) là phương pháp phân bổ vốn khá phổ biến trong giao dịch tiền điện tử. Hiểu một cách đơn giản thì DCA là việc nhà đầu tư mua một tài sản nhiều lần ở nhiều mức giá khác nhau.
Mục đích chính của chiến lược này nhằm giảm thiểu rủi ro khi đầu tư, tối ưu chi phí và hạn chế giao dịch theo cảm tính. Và quan trọng rằng, giá cuối cùng của chiến lược DCA thường tốt hơn nếu bạn mua hết ở một mức giá, vì khả năng bắt đúng đáy của chúng ta thường rất thấp.
Tuy nhiên bạn cần lưu ý rằng DCA là chiến lược chỉ dành cho các holder xác định giữ một đồng coin trong dài hạn. Còn đối với các trader giao dịch lướt sóng trong một thời gian ngắn thì chiến lược này không phù hợp.
Ngoài ra, do bản chất của DCA hướng đến việc nắm giữ một đồng coin trong thời gian dài, có thể lên tới hàng năm. Vậy nên, việc lựa chọn một đồng coin phù hợp để DCA là cực kỳ quan trọng, tránh đồng coin mất giá trị hoặc thậm chí không còn tồn tại theo thời gian.
Vậy một đồng coin như thế nào là phù hợp và có tiềm năng để DCA? Có nhiều yếu tố để đánh giá, tuy nhiên bạn có thể lưu ý đến một vài chỉ số như vốn hoá thị trường lớn, đội ngũ phát triển được công khai và có nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng trong thị trường crypto, được các quỹ đầu tư lớn quan tâm, có lộ trình phát triển dài hạn,…
Phân bổ dựa theo khẩu vị rủi ro
Khẩu vị rủi ro phản ánh mức độ rủi ro mà một nhà đầu tư có thể chấp nhận được khi tham gia đầu tư tiền điện tử, đồng thời là thước đo lường sự thoải mái cá nhân của nhà đầu tư đối với những biến động của thị trường.
Xác định được khẩu vị rủi ro và phân bổ vốn dựa theo nó sẽ giúp nhà đầu tư lựa chọn được chiến lược phù hợp với mình để không phải chịu khoản lỗ lớn hoặc đạt mức lợi nhuận thấp hơn kỳ vọng ban đầu.
Với những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp thường không đề cao lợi nhuận mà chỉ muốn bảo toàn tài sản. Do đó, có thể lựa chọn đầu tư các tài sản có biến động giá thấp như Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH) hoặc stablecoin.
Với những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro trung bình thường khá thận trọng, nên ưu tiên các loại tài sản có biến động giá thấp hoặc rủi ro trung bình. Tỷ lệ phù hợp có thể là 80% BTC và 20% vào altcoin.
Với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao thường tìm kiếm mọi cơ hội sinh lời từ số vốn bỏ ra. Do đó, họ có thể đầu tư vào các loại altcoin có vốn hoá nhỏ, tiềm năng mang lại lợi nhuận cao trong thời gian ngắn hoặc đầu tư theo trend.
Không bỏ tất cả trứng vào một giỏ
Hầu hết các nhà đầu tư crypto chuyên nghiệp đều phân bổ nguồn vốn của mình ra để đầu tư vào nhiều loại tài sản với mức độ rủi ro khác nhau thay vì chỉ đầu tư vào một hoặc một số tài sản duy nhất. Việc này nhằm giảm thiểu rủi ro thua lỗ mà không làm ảnh hưởng đến khả năng đạt lợi nhuận của cả danh mục đầu tư.
Ví dụ không bỏ trứng vào một giỏ vì khoản đầu tư của chúng ta cũng đều có rủi ro, mỏng manh như những quả trứng, nếu bỏ chung với nhau rất dễ gây thua lỗ, đổ vỡ.
Tùy thuộc vào số vốn nhiều hay ít, bạn có thể phân bổ đều hoặc tập trung vào một vài lĩnh vực. Đặc biệt, bạn nên chọn những dự án điển hình của từng lĩnh vực và phân bổ vốn vào đó.
Ví dụ về cách thức phân bổ vốn như sau:
- 30% vốn đầu tư vào các dự án chất lượng đã có sản phẩm, có lượng người dùng nhất định nhưng chưa nhiều và có tiềm năng phát triển trong tương lai.
- 30% vào các dự án an toàn, chất lượng tốt, có vốn hoá thị trường lớn và có khả năng phục hồi nhanh trong trường hợp xảy ra biến động mạnh.
- 20% vào các dự án mới, vốn hóa thấp, có khả năng tăng trưởng mạnh trong thời gian ngắn.
- 20% đầu tư vào việc lưu trữ stablecoin để hạn chế rủi ro và DCA khi thị trường giá xuống.
Định lượng rủi ro trên mỗi giao dịch
Định lượng rủi ro trên mỗi giao dịch không vượt quá 2% tổng số vốn. Đây là một trong những nguyên tắc quản trị vốn trong giao dịch được rất nhiều nhà đầu tư nổi tiếng lựa chọn. Theo đó, số tiền mà bạn có thể mất cho một giao dịch bất kỳ không được vượt quá 2% tổng vốn đầu tư của bạn.
Ví dụ: nếu bạn có tổng nguồn vốn là 30,000 USD, bạn không được mất hơn 600 USD cho một giao dịch. Tuy nhiên nhiều nhà đầu tư mới thường bỏ qua tầm quan trọng của nguyên tắc này nên dẫn đến cháy tài khoản ngay từ khi mới đặt chân vào thị trường.
Đối với một số người thì con số 2% có thể hơi thấp. Việc định mức quá chặt chẽ như vậy sẽ rất khó mang lại lợi nhuận đột phá. Tuy nhiên, mức lỗ 2%/lệnh đã được chứng minh là hoàn toàn hợp lý để đảm bảo tổng nguồn vốn đầu tư của bạn được an toàn trước những biến động của thị trường.
Chia phần trăm để chốt lời
Lợi nhuận là mục tiêu cuối cùng của bất kỳ nhà đầu tư nào, vì vậy việc chốt lời là vô cùng quan trọng và cần thiết trong quá trình giao dịch.
Một sai lầm phổ biến của nhiều nhà đầu tư là muốn chốt lời đúng đỉnh khi thị trường tăng giá. Do vậy họ chần chừ chưa muốn chốt lời ngay với kỳ vọng giá sẽ tăng cao hơn nữa hoặc bán xong mà thấy giá token đó vẫn tiếp tục tăng thì lại muốn mua vào để có lợi nhuận cao hơn. Vòng lặp này khiến các nhà đầu tư cạn kiệt vốn và “đu đỉnh”.
Trên thực tế, không ai có thể dự đoán trước được những biến động của thị trường. Kỷ luật là yếu tố quan trọng hàng đầu trong đầu tư tiền điện tử.
Tùy vào mức kỳ vọng mà chúng ta có cách chốt lời khác nhau:
- Chốt lời ở 1 điểm: Khi xác định trước tỷ lệ lợi nhuận mà bạn mong muốn trên tổng số vốn ban đầu thì hãy chốt lời ngay khi mục tiêu kỳ vọng đã đạt được. Chẳng hạn, nếu bạn muốn có lợi nhuận 25% so với số vốn ban đầu, khi đạt được mức này thì bạn nên chốt lời luôn.
- Chia từng mốc chốt lời để không bỏ lỡ sóng: Nếu còn kỳ vọng giá tiếp tục tăng thì bạn nên chia từng điểm chốt lời cụ thể: Chốt lời phần vốn ra khi giá tăng 1 mức nhất định (giả sử là x2), tiếp tục hold tới khi giá tăng tiếp để đảm bảo phần gốc. Sau đó, khi giá tiếp tục tăng lên khiến bạn thấy hài lòng thì chốt 30% để đảm bảo có lời. Phần còn lại sẽ giữ tới một mốc xa hơn.
Có thể đặt giá Limit, nâng stoploss lên nếu không muốn chốt quá sớm (kể cả với tài khoản spot). Một số trường hợp kì vọng và phân tích giá có khả năng tăng cao hơn thì có thể đặt lệnh chốt hòa ngay tại giá mua vào, và liên tục nâng lên khi giá tăng với khoảng cách đủ xa để không bị quét cắt lỗ rồi lại tiếp tục tăng.