5 vụ mất tiền mã hóa 'lãng xẹt' nhất trong crypto
Bài viết này thuộc series “Sự Lạ Crypto” - những câu chuyện kể về sự thật bất ngờ và thú vị liên quan đến các KOLs, các tài sản kỹ thuật số hoặc bất kỳ điều gì có thể bạn chưa biết trong không gian tiền điện tử.
Từ trước đến nay, thua lỗ khi đầu tư tiền mã hóa không còn là chuyện gì mới lạ. Tuy nhiên, có những người thậm chí không đầu tư, không bị hacker “ghé thăm” cũng mất sạch hàng trăm triệu USD vì những lý do “trời ơi đất hỡi”. Đồng hành cùng chuyên mục “Sự Lạ Crypto” tuần này là những câu chuyện mất tiền “lãng xẹt” trong giới crypto.
Vứt nhầm ổ cứng
Trước hết, vụ mất tiền gây xôn xao dư luận nhất chắc chắn thuộc về James Howells. Năm 2013, chàng kỹ sư xứ Wales có 2 chiếc ổ cứng: một chiếc chứa 8,000 Bitcoin (BTC), chiếc còn lại không có dữ liệu. Theo tỷ giá hiện nay, số BTC đó trị giá khoảng 155 triệu USD.
Từ đây, bi kịch của chiếc ổ cứng bất ngờ ập đến. Khi dọn bàn làm việc, thay vì vứt ổ cứng trống, Howells lại bỏ nhầm 8,000 BTC vào sọt rác. Giờ đây, đã 9 năm trôi qua nhưng Howells chưa ngày nào thôi mong nhớ số tiền mã hóa kiếm được năm 2009.
Năm ngoái, Howells tuyên bố sẽ đào bới bãi rác thành phố để tìm lại ổ cứng. Theo đó, kỹ sư 36 tuổi sẽ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và máy quét tia X để thực hiện kế hoạch kéo dài 12 tháng.
Tuy nhiên, kế hoạch của Howells bị chính quyền thành phố Newport phản đối kịch liệt. Do lo ngại ảnh hưởng đến môi trường, hội đồng thành phố Newport kiên quyết không chấp nhận, ngay cả khi Howells hứa hẹn tặng cho thành phố số BTC trị giá 76 triệu USD.
Đến tháng 7/2022, Howells lại công bố kế hoạch mới. Lần này, anh cho hay có thể mất đến 3 năm và tiêu tốn khoảng 11 triệu USD để đào bới 110,000 tấn rác. Ngoài đội ngũ 8 chuyên gia, anh còn nhờ cậy đến 2 chú chó robot và máy phân loại tích hợp AI để tìm kiếm.
Bị mẹ vứt máy tính
Một người dùng ẩn danh đã chia sẻ câu chuyện đẫm nước mắt của mình trên Reddit. Năm 2010, người này mua 10,000 BTC với giá 50 bảng Anh (60 USD). Thời sinh viên, anh không mấy quan tâm đến BTC và chỉ đầu tư “cho vui” sau khi được người bạn cùng phòng thuyết phục. Bẵng đi một thời gian, anh hoàn toàn quên mất chuyện này.
Cho đến khi tiền mã hóa bắt đầu phát triển, anh mới sực nhớ mình từng mua 10,000 BTC từ nhiều năm trước. Bấy giờ, tức 4 năm sau, người dùng Reddit kinh ngạc khi giá trị của số BTC đã lên đến 300 triệu bảng (360 triệu USD).
Khi trở về nhà tìm lại chiếc máy tính cũ có lưu thông tin ví, anh tá hỏa nhận ra mẹ mình đã vứt nó đi từ lúc nào. Anh kể rằng anh đã bị “suy sụp tinh thần” và phải nếm trải nỗi đau đớn mỗi ngày. Người này thậm chí còn giận mẹ vì đã vứt bỏ chiếc máy tính, vốn đã “vùi mình dưới hàng đống rác” suốt bao nhiêu năm qua.
Khi được hỏi đã làm gì kế tiếp, “triệu phú hụt” chia sẻ anh đã bỏ việc vì cảm thấy mọi động lực bị rút cạn. Sau đó, anh tìm được công việc mới nhưng vẫn “vô sản” và cảm giác chán nản.
“Trái tim tôi tan vỡ mỗi khi nghĩ đến tôi từng phải làm việc trong một cửa hàng dù sở hữu hàng triệu USD. Tôi không thể diễn tả tôi đau khổ và sụp đổ như thế nào”, tài khoản Reddit viết.
Đi tù
Trong khoảng 2011-2012, Clifton Collins, tay buôn ma túy người Ireland, mua 6,000 BTC. Theo The Irish Times, đây là số tiền mà Collins “vất vả” tích cóp được sau nhiều năm trồng và bán cần sa. Lúc bấy giờ, giá BTC dao động ở mức 4-6 USD. Bây giờ, chúng ta phải bỏ ra hơn 19,000 USD mới mua được 1 BTC.
Nhưng giấc mơ triệu phú của Collins không bao giờ thành hiện thực. Năm 2017, Collins lãnh án 5 năm tù giam với tội danh buôn lậu cần sa. Trước khi bị bắt, tay buôn ma túy có một nỗi băn khoăn: làm sao để cảnh sát không phát hiện ra số BTC trị giá hơn 130 triệu USD.
Thế là, Collins nảy ra một sáng kiến. Ông tạo 12 ví tiền mã hóa, sau đó chia đều 6,000 BTC ra tất cả các ví. Phải nói Collins đã vô cùng cẩn thận. Sợ không nhớ nổi mật khẩu và private key của 12 ví, tay buôn in thông tin tài khoản và mật khẩu ra một tờ giấy A4. Nếu tờ giấy bị người khác phát hiện thì sao? Chuyện nhỏ. Collins giấu luôn tờ giấy vào hộp đựng cần câu cá tại căn nhà thuê ở Galway (Ireland).
Đến đây, ông chắc mẩm số tiền của mình đã tuyệt đối an toàn. Điều ông không ngờ đến là chủ thuê quyết định “tiễn” sạch đồ của ông ra bãi rác, bao gồm chiếc hộp cần câu. Rác thải từ bãi chứa đã lưu lạc tới Đức và Trung Quốc để đốt. Không ai biết về tung tích của chiếc hộp ấy.
Lập trình viên “lỡ tay” tạo lỗ hổng
Số Ethereum (ETH) trị giá 300 triệu USD của người dùng dịch vụ ví tiền mã hóa Parity đã mất vĩnh viễn sau một sai lầm tai hại của chính đội ngũ phát triển.
Tháng 11/2017, Parity tiết lộ nền tảng xuất hiện một lỗ hổng, khiến hacker đánh cắp 32 triệu USD từ một vài ví multisig. Điều đáng nói là trong khi cố vá lại lỗ hổng này, lập trình viên lại vô tình để lại một lỗ hổng thứ 2 trong hệ thống.
Qua đó, một người dùng mang tên “devops199” đã trở thành chủ sở hữu duy nhất của toàn bộ ví multisig trên nền tảng. Trong lúc hoảng loạn, devops199 lại khóa toàn bộ 300 triệu USD trong các ví multisig thay vì gửi trả lại chúng.
Parity cho biết họ không thể xác định con số thiệt hại chính xác và 300 triệu USD chỉ là dữ liệu ước tính. Bên cạnh đó, tiền của các nạn nhân không hề bị mất mà chỉ bị “đóng băng”. Nhưng dù đóng băng hay bị mất, người dùng không bao giờ có thể lấy lại số tài sản đó nữa.
1 triệu Bitcoin rơi vào dĩ vãng
1 triệu BTC của Satoshi Nakamoto, người sáng lập BTC, đã mãi mãi chìm vào dĩ vãng. Đến tận bây giờ, không ai biết được ông thực sự là ai và vì sao ông nhất định không chịu “xuất đầu lộ diện”. Chúng ta chỉ chắc chắn 1 điều: số gia tài 1.1 triệu BTC đã biến mất cùng với ông.
Danh tính Satoshi Nakamoto, người khai sinh ra BTC, là một trong những bí ẩn lớn nhất của ngành tiền mã hóa. Ngày 31/10/2008, Satoshi Nakamoto gửi white paper (sách trắng) dài 9 trang lên diễn đàn Metzdow. White paper là bản mô tả chi tiết về dự án, bao gồm tính năng, lộ trình và đội ngũ phát triển.
Vài tháng sau, blockchain Bitcoin đi vào hoạt động. Nakamoto đã tạo ra khoảng 1.1 triệu BTC trong năm đầu tiên. Bất chấp ảnh hưởng mạnh mẽ của BTC, người góp phần kiến tạo nên ngành tiền mã hóa chưa bao giờ lộ mặt.
Đến năm 2016, Craig Wright, một lập trình viên người Úc, tự xưng là thành viên chính của đội ngũ BTC và đứng sau biệt hiệu Satoshi Nakamoto. Wright khẳng định với giới truyền thông ông sẽ cung cấp bằng chứng “trong những ngày tới”.
Trong lĩnh vực tiền mã hóa, bằng chứng thuyết phục nhất cho điều này là private key kiểm soát ví lưu trữ 1 triệu BTC của Nakamoto. Chỉ cần có thể chuyển một phần rất nhỏ BTC ra khỏi những địa chỉ ví trên, họ sẽ nghiễm nhiên được công nhận là nhà sáng lập giấu mặt.
Không rõ “những ngày tới” của Wright bao giờ mới đến. Năm 2021, lập trình viên lại tiếp tục làm dậy sóng dư luận. Tất nhiên, lần này Wright vẫn thất bại. Điều này đồng nghĩa khoảng 1.1 triệu BTC sẽ mãi mãi biến mất cùng với chủ nhân của chúng.
Đọc thêm: 5 món đồ trả lời cho câu hỏi: Bitcoin mua được gì?