Airdrop trong Crypto là gì? Một số tips săn airdrop hiệu quả
Airdrop là gì?
Airdrop là hành động các dự án crypto sử dụng để phân phối coin/token miễn phí cho cộng đồng, nhằm mục đích tăng mức độ nhận biết và khuyến khích sự tham gia của người dùng mới. Mặc dù được gọi là “miễn phí”, nhưng airdrop thường đi kèm với một số yêu cầu nhất định. Tùy thuộc vào mục đích của dự án, người tham gia cần phải đáp ứng những tiêu chí khác nhau mới đủ điều kiện nhận airdrop coin/token.
Có nhiều hình thức airdrop như trả thưởng qua cơ chế bounty, dành cho holder nắm giữ token dự án, tính điểm qua hệ thống point… Các hình thức airdrop này không ngừng thay đổi và trở nên phức tạp dần theo thời gian để phù hợp với tình hình thị trường tại thời điểm đó. Tuy nhiên về bản chất, chúng đều được thiết kế để đảm bảo hai yêu cầu: token/coin được phân bổ một cách hợp lý và đến đúng đối tượng mục tiêu.
Tình hình airdrop trong crypto qua từng chu kỳ thị trường
2014 - Khởi điểm của xu hướng airdrop
Đợt airdrop đầu tiên diễn ra trong crypto vào năm 2014, một dự án mang tên Auroracoin đã phân phối 50% tổng cung token AUR miễn phí đến những người dân ở đất nước Iceland. Yêu cầu duy nhất để nhận được airdrop token AUR là họ đăng ký thông tin và mỗi người sẽ nhận về 31.8 AUR, tương đương 385 USD lúc bấy giờ.
Mặc dù giá của token AUR đã giảm mạnh sau đợt airdrop trên, tuy nhiên xét về hiệu ứng mạng lưới, dự án đã thành công trong việc thu hút người dùng mới tham gia và quan tâm đến Auroracoin.
Theo nhiều báo cáo, đợt airdrop của Auroracoin cũng được xem là “phát súng” đầu tiên mở ra xu hướng airdrop trong crypto sau đó, giúp các dự án mới tiếp cận được lượng lớn người dùng.
Dịch chuyển sang giai đoạn hold to earn
Đối với giai đoạn đầu tiên, khi thị trường crypto còn non trẻ, việc phân phối token miễn phí giúp các dự án nhanh chóng thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, khi số lượng dự án tăng lên, việc cạnh tranh để thu hút người dùng cũng trở nên khốc liệt hơn.
Do đó, thay vì chỉ tập trung vào việc thu hút người dùng một cách nhanh chóng, các dự án bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng một hệ sinh thái bền vững, nơi mà token đóng vai trò chính trong hệ sinh thái. Việc nắm giữ token khuyến khích người dùng đầu tư dài hạn vào dự án, giúp dự án có đủ thời gian để phát triển và đạt được các mục tiêu đề ra. Đây cũng là thời điểm xu hướng airdrop chuyển đổi từ việc phân phối token miễn phí sang hình thức nhận coin/token bằng cách nắm giữ (hold to earn).
Theo đó, người dùng cần phải nắm giữ một lượng token trong khoảng thời gian nhất định để có thể nhận airdrop. Một ví dụ điển hình là trường hợp của Stellar, khi dự án này đã airdrop token XLM cho những người nắm giữ Bitcoin với tổng giá trị lên tới 120 triệu USD.
DeFi bùng nổ
Tiếp theo, vào năm 2019, khi xu hướng DeFi bùng nổ, các giao thức đã có những mô hình rõ ràng như AMM, lending & borrowing, farming… Chương trình airdrop cũng có những cải tiến để phù hợp với bối cảnh của thị trường. Thay vì chỉ đơn thuần nắm giữ để nhận token miễn phí, người dùng cần phải thực hiện các hoạt động giao dịch, swap… để được ghi nhận dữ liệu trên on-chain và kiếm thưởng từ giao thức.
Mô hình này phù hợp tại thời điểm 2019 vì đa phần người dùng vẫn đang thắc mắc DeFi là gì, tại sao AMM ra đời hay mô hình hoạt động của lending & borrowing trong thế giới tiền mã hoá… Từ đó, airdrop trở thành một công cụ hiệu quả không chỉ giúp dự án truyền thông mà còn là động lực khuyến khích người dùng tham gia trải nghiệm và đóng góp vào sự phát triển của DeFi với những hình thức như bounty, staker, retroactive…
Ví dụ: Tháng 12/2020, sàn DEX 1Inch đã airdrop 90 triệu token cho hơn 55,000 địa chỉ ví. Điều này áp dụng cho bất kỳ ai đã hoàn thành một giao dịch trước ngày 15/9, bốn giao dịch trước ngày 24/12 hoặc giao dịch từ 20 USD trở lên.
Hệ thống tính điểm (point system)
Tuy nhiên, khi ngày càng nhiều dự án áp dụng airdrop như một phần của chiến lược tiếp thị, họ bắt đầu thiết kế những chương trình airdrop phức tạp hơn, yêu cầu người dùng phải tham gia tương tác sâu vào hệ sinh thái thay vì chỉ dừng lại ở góc độ một hoặc hai giao thức cố định.
Sự đa dạng và phức tạp của hình thức airdrop đã tạo ra nhu cầu về một hệ thống phân phối token công bằng và minh bạch hơn. Từ đó, cuối năm 2023 đầu năm 2024, hình thức tính điểm (crypto point) ra đời và được nhiều dự án lựa chọn. Tại đây, người dùng sẽ nhận về điểm đại diện cho các hoạt động tương tác với dự án, như tham gia cộng đồng, cung cấp feedback... Số lượng điểm tích lũy phản ánh mức độ tham gia và đóng góp của người dùng.
Ví dụ: Puffer Finance airdrop đến người dùng dựa trên cơ chế tính điểm. Để tích lũy điểm từ Puffer Finance, người dùng phải thực hiện một trong hai cách: stake tài sản hoặc chạy node cho dự án.
Mặc dù yêu cầu thì ngày càng cao nhưng hiệu suất token của các dự án sau khi airdrop lại không đạt được kỳ vọng của người dùng.
Theo thống kê của CoinMarketCap, tính đến ngày 25/8/2024, trong 47 dự án đã airdrop trong năm 2023, chỉ có 11 dự án tăng giá tính từ TGE với mức lợi nhuận trung bình là 49.56%. Số dự án còn lại ghi nhận mức giảm hơn 62.15% kể từ TGE.
Thậm chí, hai dự án cùng yêu cầu người dùng chạy node như Aptos và Puffer Finance cũng có hiệu suất airdrop khác nhau. Trong khi trung bình một người chạy node trên Aptos nhận airdrop trị giá 2,000 USD - 3,000 USD, người dùng của Puffer Finance tham gia chạy node lại chỉ nhận về trung bình 70 PUFFER (khoảng 20 USD tại thời điểm airdrop). Chưa kể trừ đi phí gas để claim về thì người dùng chỉ nhận khoảng 8 - 10 USD.
Không chỉ hiệu suất của các dự án sau khi airdrop giảm dần, việc nhiều dự án áp dụng cơ chế chống sybill để hạn chế tình trạng airdrop hunter, airdrop farmer… cũng khiến cuộc chơi này trở nên khắc nghiệt hơn.
Trong trường hợp dự án thực hiện chống sybil một cách hiệu quả và công bằng, điều này sẽ giúp bảo vệ lợi ích của người dùng thật, loại bỏ những hành vi gian lận và tạo ra một cộng đồng lành mạnh. Ngược lại, nếu quá trình vận hành có những sai sót, chống sybill cũng trở thành “con dao hai lưỡi”, để lại những ảnh hưởng tiêu cực về uy tín của dự án.
Điển hình như ngày 11/6/2024, ZKsync công bố danh sách địa chỉ ví đủ điều kiện trúng airdrop. Trong danh sách này, dự án thông báo đã mở đợt kiểm tra sybill để hạn chế tình trạng airdrop hunter, airdrop farmer…
Việc dự án lọc đi những người dùng “ảo” không có gì đáng nói cho đến khi cộng đồng phát hiện ra: Một nhà phát triển ZKsync nhận được 660,000 token thông qua 47 ví. Trong khi đó, những người dùng thật sự bỏ thời gian để đóng góp cho dự án, tốn hơn trăm USD làm phí gas thì lại thuộc danh sách sybill và không được nhận bất kỳ token nào.
Sự thiếu sót về chất lượng và tính ổn định của dự án sau khi airdrop không chỉ gây ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng mà còn làm giảm lòng tin của cộng đồng vào xu hướng này.
Tóm lại, theo thời gian, các thiết kế airdrop sẽ trở nên phức tạp và có những yêu cầu khắt khe hơn. Điều này cũng yêu cầu người dùng phải liên tục học hỏi và thích nghi để có thể nhận được airdrop từ dự án. Do đó, để tối ưu trải nghiệm, người dùng khi tham gia airdrop cần kiểm tra cẩn thận, lựa chọn kỹ lưỡng và tham gia với tâm thế trải nghiệm sản phẩm và “skin in the game” trên hệ sinh thái, loại bỏ việc kỳ vọng vào lợi nhuận ngắn hạn, vì thực ra về bản chất của chữ “airdrop” cũng chỉ là dựa trên “may mắn”.
Tại sao các dự án Crypto lại airdrop?
Đầu tiên, mục đích chính của airdrop là để quảng bá các dự án mới tham gia vào thị trường crypto. Theo báo cáo từ CoinGecko, chỉ trong năm 2024 đã có hơn 2.52 triệu dự án tiền mã hoá ra đời, con số này cao gấp 5.7 lần so với dữ liệu cuối năm 2021. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho các dự án mới trong việc thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.
Lúc này, airdrop trở thành chiến lược marketing phù hợp, không chỉ giúp dự án thu hút sự chú ý, mà còn tạo ra hiệu ứng lan truyền mạnh. Những yếu tố như nội tại dự án tốt, chiến lược airdrop công bằng có thể giúp dự án trở nên nổi bật giữa hàng ngàn đối thủ cạnh tranh.
Ví dụ: Aptos đã có một đợt airdrop lớn vào giữa năm 2022 cho người dùng sớm. Tại thời điểm này, trung bình một người dùng của Aptos nhận về 3,000 - 4,000 USD. Điều này không chỉ giúp Aptos tạo ra những thảo luận tích cực trong cộng đồng, mà còn khiến tất cả các chỉ số on-chain của dự án đạt ATH ngay khi có thông báo.
Thứ hai, một số dự án cũng sử dụng airdrop như một hình thức để “giữ chân” người dùng trung thành.
Trong thế giới crypto, việc một bộ phận người dùng tham gia airdrop với tâm thế “săn kèo” khi chuyển từ dự án này sang dự án khác để tìm kiếm cơ hội mới không phải là chuyện hiếm. Mặc dù xu hướng này có thể có ích cho người dùng khi họ trải nghiệm được nhiều hệ sinh thái khác nhau, khả năng nhận airdrop cũng cao hơn, tuy nhiên điều này cũng được xem là một thách thức mà khía cạnh dự án phải đối mặt.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều dự án đã airdrop miễn phí token/coin cho những người dùng trung thành, thường là những người nắm giữ một lượng token/coin/NFT của dự án hoặc đã trải nghiệm sản phẩm trong khoảng thời gian dài. Việc airdrop phần thưởng đến họ không chỉ là cách để giữ chân mà còn thúc đẩy người dùng tiếp tục trải nghiệm sản phẩm và đóng góp vào dự phát triển của dự án.
Ví dụ: Những người nắm giữ NFT của bộ sưu tập Mad Lads trên Solana liên tục nhận được các đợt airdrop token từ các dự án khác trong hệ sinh thái. Ví dụ như Pyth Network, Pike Finance, Wormhole hay Parcl.
Cuối cùng, nhiều dự án cũng áp dụng airdrop như một cơ chế để phân bổ nguồn cung token một cách đồng đều, góp phần tăng cường tính phi tập trung và đảm bảo tính công bằng cho nhà đầu tư.
Ví dụ: Ngày 5/9/2024, Grass thông báo airdrop token cho những người tham gia trải nghiệm sớm. Đây không chỉ là cách để dự án quảng bá đến cộng đồng mà còn tạo ra sự cân bằng trong việc phân bổ tỷ lệ token, hạn chế tình trạng một số ít cá nhân nắm giữ quá nhiều token.
Cần bao nhiêu vốn để “săn Airdrop” hiệu quả?
Airdrop với số vốn ít
Nếu bạn sở hữu một số vốn dành cho crypto ít, nhưng vẫn muốn thử sức với airdrop thì nên cố gắng bỏ ra nhiều thời gian và công sức để trải nghiệm. Ngoài ra, những nhà đầu tư có số vốn ít thường sẽ lựa chọn dự án đang trong giai đoạn testnet để có thể faucet token testnet miễn phí, thay vì đầu tư bằng chính tiền của mình.
Ví dụ như: Ngày 19/10/2022, Aptos airdrop cho những ai tham gia Aptos Incentivized Testnet hoặc sở hữu Aptos:Zero NFT. Tại thời điểm này, trung bình một người dùng tham gia sự kiện trên nhận được vài nghìn USD trên mỗi ví. Trong khi đó, số vốn bỏ ra gần như bằng 0.
Để tham gia các dự án testnet, người dùng có thể tìm kiếm những như từ khóa "incentivized testnet", "testnet", "testnet live" trên các kênh như X, Discord, Telegram… và chọn lọc dự án.
Airdrop với số vốn trung bình
Với những người có số vốn trung bình thì nên tập trung làm 1 hoặc 2 dự án có tiềm năng với những tiêu chí như: đội ngũ đứng sau là ai, đã thực hiện gọi vốn chưa, quỹ đầu tư có uy tín không, tỷ lệ phân bổ tokenomics… Đặc biệt nên chọn các dự án yêu cầu mức vốn đầu tư thấp để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.
Ví dụ: Trong đợt airdrop tháng 3/2023 của Arbtrium, giao thức yêu cầu một số tiêu chí như: người dùng thực hiện giao dịch trong hai tháng, sáu tháng, thực hiện trên 10 giao dịch… Để thực hiện những giao dịch này yêu cầu người dùng phải có số vốn tối thiểu từ 100 - 1,000 USD.
Airdrop với số vốn lớn
Với những nhà đầu tư có số vốn lớn, việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư ổn định và an toàn là ưu tiên hàng đầu. Các chiến lược như liquid staking, staking và liquid restaking trên các hệ sinh thái như Ethereum hoặc Bitcoin thường là lựa chọn phổ biến vì những đặc điểm như: bảo mật, an toàn và là những mạng lưới hàng đầu.
Nhóm hệ sinh thái này không chỉ mang lại lợi nhuận ổn định từ việc stakin/restaking mà còn có tính thanh khoản cao, hỗ trợ người tham gia có thể rút vốn bất cứ lúc nào.
Một ví dụ điển hình là trường hợp của Justin Sun - Founder của Tron. Anh đã tham gia restake trên EigenLayer và nhận airdrop 5.24 triệu token EIGEN từ dự án, trị giá khoảng 8,75 triệu USD. Bên cạnh Justin Sun, những quỹ đầu tư như Blockchain Capital, Polychain Capital cũng được nhận airdrop EIGEN sau khi tham gia restake trên nền tảng này.
Một số tips săn airdrop hiệu quả
Có thể thấy, cuộc chơi airdrop đã không còn đơn giản như trước. Các thiết kế dần trở nên phức tạp hơn, dự án cũng có những tiêu chí khắt khe và yêu cầu người dùng phải tương tác và tham gia dự án ở mức độ sâu hơn.
Do đó, để tăng khả năng nhận airdrop, người dùng nên chú ý một số thông tin sau:
- Tham gia trải nghiệm càng nhiều dự án thì bạn càng nên sở hữu tầm 2 - 3 ví hoặc nhiều hơn và phải trải nghiệm thật bởi vì giờ làm airdrop rất khó khăn do tình trạng cheat air quá nhiều.
- Thường xuyên theo dõi X hoặc Telegram của các dự án tiềm năng để kịp thời cập nhật thông tin airdrop. Điển hình như trường hợp dự án Drift trên Solana khi dự án thực hiện việc chống sybill. Mặc dù nhiều người dùng đã đáp ứng đủ các yêu cầu và nhận được thông báo xác nhận đủ điều kiện nhận airdrop, nhưng sau khi dự án thực hiện quá trình kiểm tra chống Sybil, một số tài khoản đã bị loại bỏ và không nhận được bất kỳ đồng token nào.
- Đối với các dự án chạy trên ETH thì nên tránh lúc nhiều người FOMO vì phí gas cao sẽ làm tăng khả năng lỗ của bạn.
- Nên dùng ví rác và mail rác khi tham gia các dự án kiếm token miễn phí.
- Không chuyển tài sản crypto từ một nguồn đến nhiều ví săn airdrop, không chuyển tài sản qua lại giữa các ví, trải nghiệm dự án trong thời gian dài và sử dụng các công cụ hỗ trợ bảo mật IP để hạn chế trường hợp sybill attack.
- Luôn lưu trữ và bảo mật ví khi tham gia airdrop. Mặc dù chúng có thể không thường xuyên sử dụng đến, nhưng khi dự án trả thưởng sẽ trả vào ví đó, mất ví là mất luôn phần thưởng mà các dự án sẽ trả trong tương lai.
Đọc thêm: Airdrop 2024: 89% dự án đều giảm giá mạnh sau Airdrop
Quản lý ví khi săn airdrop
Một yếu tố cực kỳ quan trọng khác mà người dùng cần hiểu và nắm rõ: Quản lý ví cẩn thận khi săn airdrop. Do phải tương tác với nhiều dự án khác nhau, người dùng nên thường xuyên revoke (huỷ quyền) các token trong ví và hủy quyền tự động approve contract giữa ví của họ với các dApp. Điều này giúp giảm nguy cơ bị tấn công và bảo vệ tài sản trong ví một cách an toàn hơn.
Ngoài ra, người dùng nên sử dụng ví dành riêng cho việc săn airdrop và ví dành riêng cho việc lưu trữ tài sản crypto quan trọng, không nên sử dụng chung để tránh rủi ro về bảo mật.
Bên cạnh đó, tuyệt đối không để lộ private key của ví cho bất kỳ ai. Nếu dự án yêu cầu bạn gửi tiền cho họ trước thì chắc chắn đó là dự án lừa đảo.
Cuối cùng, không phải dự án airdrop nào cũng sẽ thành công và mang lại lợi nhuận cho bạn. Hãy tham gia airdrop của một tâm lý thoải mái, nếu không nhận được airdrop thì cũng có kiến thức khi “skin in the game”.
Tìm kiếm "kèo" airdrop ở đâu?
Hiện nay, nhiều dự án crypto thường thông báo kế hoạch airdrop cùng các điều kiện tham gia trên các kênh mạng xã hội phổ biến như X, Discord, Telegram… Việc người dùng cần làm là thường xuyên cập nhật và theo dõi dự án để không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào.
Bên cạnh đó, để tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả tìm kiếm, bạn có thể tận dụng các công cụ và trang thông tin chuyên biệt về airdrop. Những nền tảng này tập trung vào việc tổng hợp, phân tích và đánh giá các dự án có kế hoạch airdrop, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận thông tin và lựa chọn những dự án tiềm năng. Một số công cụ phổ biến hiện nay bao gồm: DappRadar, Airdrops.io, CryptoRank, CoinMarketCap…
Tuy nhiên, các công cụ tổng hợp airdrop chỉ cung cấp danh sách các dự án, nhưng không đưa ra những đánh giá hoặc tìm hiểu về chúng. Do đó, người dùng cần chủ động tìm hiểu thật cẩn thận trước khi tham gia bất kỳ dự án nào.
Đọc thêm: Retroactive là gì? 5 Cách săn retroactive kiếm tiền với vốn 0 đồng