Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Buyback & Burn: Hiệu quả hay đốt tiền?

Trong giới crypto, Buyback and Burn (BnB) đã là một khái niệm quen thuộc đối với các nhà đầu tư. Bài viết này sẽ phân tích sâu hơn về cơ chế cũng như độ hiệu quả của BnB, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường đầy biến động.
Dyan
Published Jul 16 2024
Updated Jul 16 2024
10 min read
buyback and burn hiệu quả hay đốt tiền

Cơ chế Buyback and Burn - BnB, không phải là khái niệm mới mà là sự kế thừa từ các chiến lược tài chính truyền thống. Bài viết này nhằm khám phá các lợi ích mà BnB mang lại cho thị trường tiền điện tử, bao gồm các dự án có phát hành token lẫn nhà đầu tư crypto. Đồng thời phân tích ảnh hưởng thực tiễn của cơ chế này trong việc điều chỉnh giá trị token và đối phó với những biến động thị trường.

Các phân tích và dữ liệu trong bài viết được trích từ nghiên cứu "Burning for Profit: Analysing the Impact of Buy and Burn Mechanics" của tổ chức đầu tư mạo hiểm Fisher8 Capital.

Buyback and Burn (BnB) là gì?

Định nghĩa

Buyback and Burn (BnB), có thể hiểu nôm na là “mua lại và đốt". BnB là hoạt động mua lại token và “đốt" lượng token đó của các dự án. Các dự án thường trích một phần doanh thu (revenue) hoặc quỹ kho bạc (treasury) để thực hiện BnB.

Việc mua lại token sẽ giúp tăng thanh khoản của token, qua đó thúc đẩy hoạt động mua bán của token. Trong khi đó, “đốt" token sẽ giúp dự án kiểm soát nguồn cung token, hạn chế lạm phát (từ việc airdrop hoặc unlock token).

Có thể nói, các dự án và giao thức sử dụng cơ chế BnB để gián tiếp chia sẻ doanh thu đến các holder.

bnb auto burn
Sự kiện BNB Auto Burn của Binance lần thứ 26 đã đốt hơn 2 triệu token BNB. Nguồn: Binance

Ví dụ điển hình của việc triển khai cơ chế BnB là chương trình BNB Auto Burn của Binance. Qua đó, Binance sẽ đốt một lượng BNB hàng quý. Số token BNB được đốt sẽ dựa vào tổng số block giao dịch trên mạng Binance Smart Chain (BSC) và giá BNB trung bình trong quý đó.

Burn token diễn ra như thế nào?

Hoạt động Burn token trên các blockchain thường đồng nghĩa với việc các token sẽ được gửi tới địa chỉ đốt (Dead Address). Một khi token đã được gửi tới địa chỉ này sẽ không thể rút ra được.

Các địa chỉ này thường có dạng 0x00000…0000dEaD

địa chỉ đốt token
Địa chỉ đốt token thường thấy trên các blockchain. Nguồn: Etherscan

Yếu tố quyết định tính hiệu quả của BnB

Hiệu quả của BnB phụ thuộc vào tỷ lệ vốn hóa token so với doanh thu (Market Cap / Revenue). Tỷ lệ này giúp các nhà đầu tư hiểu được họ đang trả bao nhiêu tiền cho mỗi USD doanh thu của dự án:

  • Tỷ lệ thấp: Ngụ ý giá token đang được định giá thấp so với khả năng sinh lời.
  • Tỷ lệ cao: Ngụ ý thị trường đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng sinh lời trong tương lai của dự án hoặc giá token đang được định giá quá cao so với khả năng sinh lời hiện tại.

Đối với cơ chế BnB, khi tỷ lệ Market Cap / Revenue thấp (vốn hóa thấp nhưng doanh thu cao), đồng nghĩa với việc dự án đó có nhiều vốn để thực hiện BnB hơn. Từ đó, nhiều token sẽ burn hơn trên mỗi USD dùng để buyback. Kết quả là, dự án đốt được nhiều token hơn, hạn chế độ “pha loãng" của token đang lưu hành.

Ngược lại, khi giá token cao nhưng doanh thu của dự án không tăng tương xứng, lượng vốn buyback sẽ mua được ít token hơn. Qua đó, giảm độ hiệu quả đối với tổng cung và giá trị token.

advertising

Tiềm năng mà BnB mang lại cho các giao thức

Trên lý thuyết, cơ chế BnB tạo ra sự khan hiếm bền vững đối với một token.

Tạo ra “độ lồi” (Convexity) dương

“Độ lồi" ám chỉ mối quan hệ giữa tốc độ đốt token và nguồn cung còn lại của token đó. Khi đó, “độ lồi" dương sẽ đồng nghĩa với việc, càng đốt nhiều token thì giá trị token càng tăng. Dựa trên việc đốt token sẽ làm giảm nguồn cung, qua đó token tăng giá vì định giá của dự án (FDV) không đổi.

Độ khan hiếm của token gia tăng theo hàm mũ

Ý tưởng ở đây là khi dự án quán triệt sẽ luôn đốt cố định một lượng token, dẫn đến việc lần đốt tiếp theo sẽ chiếm % nguồn cung token cao hơn lần đốt trước. Khi đó, % nguồn cung của token sẽ giảm theo hàm mũ mà không phải tuyến tính.

lực buyback dẫn đến độ khan hiếm token cao
Khi dự án Buyback token đều đặn trên % tổng cung, độ khan hiếm token sẽ tăng theo hàm mũ. Nguồn: Fisher8

Tóm lại, chiến lược BnB thường được áp dụng nhằm duy trì xu hướng tăng về mặt dài hạn của token. Việc giảm nguồn cung được kỳ vọng sẽ làm tăng giá trị của các token còn lại, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Trên thực tế, giá token còn phụ thuộc vào vô vàn các yếu tố khác mà dự án không thể kiểm soát được. Cùng đi vào phần tiếp theo để tìm hiểu sức ảnh hưởng thực tiễn mà cơ chế BnB mang lại.

Các vấn đề của BnB

BnB thường không đạt hiệu quả như mong đợi

Trong tài chính truyền thống (TradFi), BnB có thể là một chiến lược hợp lý vì nó giúp tăng giá trị cổ phiếu bằng cách giảm lượng cổ phiếu lưu hành, do đó tăng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu.

Tuy nhiên, trong thị trường tiền điện tử, cơ chế này không nhất thiết mang lại kết quả tương tự do tính chất đặc thù của thị trường cũng như sự khác nhau cố hữu giữa 2 trường phái.

buy back and burn kế thừa tradfi
Kế thừa từ chiến lược giao dịch trong TradFi, liệu BnB có đạt hiệu quả tương tự như ở crypto?

Phụ thuộc vào sự mở rộng bội số

Trong tiền điện tử, giá trị của các altcoin thường phụ thuộc vào sự kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng trong tương lai của dự án chứ không chỉ dựa vào doanh thu hiện tại.

Điều này có nghĩa là những dự án có dòng tiền tích cực (doanh thu thực) có thể không đủ sức hấp dẫn so với những dự án khác mà được thổi phồng bởi sự kỳ vọng hoặc tiềm năng phát triển chưa được chứng minh.

Khoảng thời gian và lợi nhuận mong đợi 

Nhà đầu tư tiền điện tử thường có kỳ vọng về thời gian và lợi nhuận nhanh hơn so với TradFi. Lợi nhuận mà BnB thường không mang lại kết quả ngay lập tức hoặc đáng kể, làm giảm sức hấp dẫn của các dự án dựa trên doanh thu thực sự.

Sự ưu tiên của thị trường 

Thị trường tiền điện tử thường ưa chuộng các tài sản đầu cơ được dẫn dắt bởi câu chuyện hấp dẫn hoặc sự chú ý của cộng đồng, thay vì các token có cơ sở vững chắc. Điều này làm cho BnB kém hiệu quả hơn vì cơ chế này nặng về cung cấp giá trị thực dài hạn hơn.

token burning
Buyback and Burn thường không đạt hiệu quả như mong đợi

Vấn đề trong chính cơ chế BnB

Sự không đồng nhất giữa việc tăng mức định giá và doanh thu thực tế

Trong hầu hết các giao thức, vốn hóa token thường không có mối tương quan chặt chẽ với doanh thu của dự án. Điều này có nghĩa là, khi giá token tăng, không nhất thiết doanh thu từ hoạt động kinh doanh của dự án cũng tăng tương ứng.

Ví dụ, sự tăng giá có thể do sự kỳ vọng của thị trường hoặc do các yếu tố đầu cơ, không phải do dự án đang tạo ra nhiều doanh thu hơn. Kết quả là, tỷ lệ Market Cap / Revenue giảm, ảnh hưởng đến khả năng thực hiện BnB một cách hiệu quả.

Điều này thể hiện rõ ràng nhất qua token KCS của sàn giao dịch KuCoin. Mặc dù có mức vốn hóa thị trường khá cao, 864.9 triệu USD, sàn giao dịch này chỉ tạo ra mức lợi nhuận trung bình 155.4 triệu USD hàng năm.

Sự phân bổ dòng tiền

Trên góc nhìn của giao thức, việc thu hút thêm nhiều khách hàng mới thường sẽ mang lại lợi nhuận to lớn hơn cho dự án. Trong khi đó, việc thực hiện BnB sẽ chỉ tập trung vào các holder của dự án.

binance mở rộng hệ sinh thái dịch vụ
Binance đẩy mạnh việc phát triển các sản phẩm dịch vụ mới tới người dùng. Nguồn: Binance

Đối với các dự án có doanh thu tốt, họ có thể chọn cách sử dụng lợi nhuận để phát triển quy mô, tầm ảnh hưởng hoặc hệ sinh thái của dự án, thay vì chỉ tập trung vào BnB. Qua đó, đa dạng hóa nguồn lực tài chính của dự án và có thể là giải pháp tốt hơn BnB về mặt dài hạn, nhất là khi thị trường suy thoái.

Các yếu tố này càng được chứng minh rõ ràng hơn thông qua chương trình Buyback and Burn của Binance. Trung bình mỗi quý, Binance burn một lượng token BNB trị giá khoảng 1 tỷ USD, sàn giao dịch quyết tâm thực hiện cam kết burn token nhằm giảm nguồn cung giúp tăng giá trị token.

Mặc dù vậy, Binance không chỉ tập trung vào mỗi việc này để thúc đẩy hệ sinh thái.

binance burn hơn 25 phần trăm tổng token BNB
Hơn 25% tổng nguồn cung của token BNB đã được BnB. Nguồn: BNBBurn.info

Trong suốt thời gian qua, Binance liên tục đa dạng hóa các danh mục sản phẩm cũng như công bố nhiều chương trình khuyến khích, ưu đãi nhằm thu hút người dùng và nhà phát triển và thúc đẩy hệ sinh thái. Có thể thấy, Buyback and Burn không phải là “nam châm” Binance sử dụng để thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.

Lời kết

Mặc dù cơ chế Buyback and Burn (BnB) có thể gia tăng giá trị token thông qua việc làm giảm nguồn cung, hiệu quả của nó không phải lúc nào cũng đảm bảo.

Trước khi đầu tư vào các dự án có áp dụng cơ chế BnB, nhà đầu tư cần cẩn thận đánh giá mức độ minh bạch của dự án, cách thức thực hiện BnB của dự án và độ phù hợp với các yếu tố thị trường hiện hành.

Đọc thêm: Giao dịch miễn phí gas: Liệu có phải là "miễn phí" thật sự?

RELEVANT SERIES