Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Giao dịch miễn phí gas: Liệu có phải là "miễn phí" thật sự?

Mặc dù thuật ngữ "miễn phí gas" nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng thực tế không có bữa trưa nào là miễn phí. Vậy ai là người thực sự trả phí gas thay cho bạn khi bạn thực hiện giao dịch "miễn phí gas"?
Michael
Published Jul 11 2024
Updated Jul 11 2024
8 min read
miễn phí gas

Miễn phí gas là gì?

Miễn phí gas (gas-free, zero-gas fee, gasless) là thuật ngữ được sử dụng để mô tả các giao dịch trên blockchain không yêu cầu người dùng trả phí gas trực tiếp.

Phí gas là khoản phí bắt buộc, được sử dụng để thưởng cho các thợ đào (miner) hoặc trình xác nhận (validator) thực hiện các giao dịch trên mạng lưới, đặc biệt là trên các nền tảng như Ethereum, nơi phí gas có thể tăng cao trong thời gian tắc nghẽn mạng lưới.

advertising

Các dự án nổi bật triển khai tính năng miễn phí gas

  • Tron: Tron đang phát triển giải pháp stablecoin không phí gas. Thay vì sử dụng token gốc của blockchain để trả phí gas, tính năng mới này sẽ cho phép người dùng thanh toán phí gas trực tiếp bằng stablecoin.
  • Viction: Viction Zero Gas cho phép các dự án trả phí gas thay cho người dùng bằng cách nạp token VIC vào một hợp đồng thông minh.
  • PancakeSwap: Người dùng PancakeSwap có thể thanh toán phí gas bằng hơn 10 token ERC-20, không cần phải giữ token gas chính.
  • Arcana Network: Giao dịch không gas của Arcana là giao dịch mà phí gas được thanh toán bởi bên thứ ba, thường là nhà phát triển hoặc nhà tài trợ bên ngoài, thay vì người gửi.
viction miễn phí gas
Viction với tính năng miễn phí gas. Nguồn: Viction

Thoạt nhìn các dự án bên trên, giao dịch miễn phí gas có vẻ như một món hời. Người dùng không cần phải trả phí gas, tiết kiệm chi phí đáng kể, đặc biệt là trong bối cảnh phí gas trên các mạng lưới tăng cao. Tuy nhiên, "miễn phí" không đồng nghĩa với "không có chi phí".

Câu hỏi đặt ra là: Ai là người trả tiền cho những giao dịch "miễn phí" này? Câu trả lời có thể khác nhau tùy theo từng dự án.

Các mô hình miễn phí gas thường gặp

Trả phí bằng token khác: Mô hình Gas token

Một số dự án sử dụng mô hình Gas token, yêu cầu người dùng trả phí giao dịch bằng một loại token khác, thường là stablecoin (ví dụ: USDT, USDC).

Mặc dù không trực tiếp trả phí gas bằng native token của blockchain, nhưng bạn vẫn phải chi trả khoản phí tương đương bằng tiền điện tử khác.

Ví dụ, trên nền tảng Immutable X, người dùng trả phí bằng IMX - token tiện ích của nền tảng - để thực hiện giao dịch. Tương tự, trên Biconomy, người dùng trả phí bằng token BICO để sử dụng dịch vụ chuyển tiếp giao dịch (transaction relaying) của họ.

dự án biconomy
Trang chủ dự án Biconomy

Trợ giá từ dự án: Mô hình Sponsored transactions

Một số dự án sử dụng mô hình Sponsored transactions (tài trợ giao dịch), trong đó dự án sẽ trả phí gas thay cho người dùng. Điều này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng một phần doanh thu của dự án, các khoản tài trợ hoặc thông qua các chương trình khuyến mãi đặc biệt.

Mục đích của việc này là thu hút người dùng mới và khuyến khích họ sử dụng nền tảng. Tuy nhiên, mô hình này có thể không bền vững về lâu dài nếu dự án không có đủ nguồn lực để duy trì.

Một ví dụ có thể kể đến là Slake. Khác biệt với hầu hết blockchain khác yêu cầu người dùng cuối trả phí giao dịch/gas, Slake cho phép các ứng dụng trả trực tiếp phí xác thực cho người dùng.

slake miễn phí gas
Trang chủ dự án Slake

Yêu cầu nắm giữ token: Mô hình Membership

Một số dự án yêu cầu người dùng nắm giữ một lượng token nhất định của dự án để được hưởng ưu đãi miễn phí gas. Mô hình này thường được gọi là membership hoặc premium membership.

Bằng cách nắm giữ token, người dùng có thể được miễn phí gas cho một số lượng giao dịch nhất định hoặc được giảm phí gas đáng kể. Đây là một cách để dự án khuyến khích người dùng đầu tư vào token của họ và tạo ra một cộng đồng trung thành.

Ví dụ, trên nền tảng QuickSwap, người dùng nắm giữ QUICK token sẽ được giảm phí giao dịch. Tương tự, trên nền tảng PoolTogether, người dùng cần nắm giữ POOL token để tham gia vào các trò chơi xổ số không mất phí.

trang chủ dự án quickswap
Trang chủ dự án Quickswap

Kết hợp nhiều mô hình

Trong thực tế, nhiều dự án kết hợp nhiều mô hình khác nhau để cung cấp tính năng miễn phí gas. Ví dụ, họ có thể sử dụng mô hình Gas token cho một số loại giao dịch và mô hình Sponsored transactions cho các giao dịch khác.

Hoặc họ có thể yêu cầu người dùng nắm giữ một lượng token nhất định để được miễn phí gas cho một số giao dịch và phải trả phí bằng token khác cho các giao dịch khác.

Một số mô hình khác

Lazy Mint là một mô hình cho phép các nghệ sĩ tạo NFT mà không phải trả phí gas. Thay vì đúc NFT trước, tác giả bộ sưu tập chỉ tạo siêu dữ liệu (meta data) và list NFT lên trên marketplace.

NFT chỉ được mint khi có người mua, và người mua sẽ trả phí gas. Điều này giúp giảm rào cản gia nhập cho các nghệ sĩ mới và giảm tác động của phí gas cao.

Tác động đến hệ sinh thái blockchain

Tính năng miễn phí gas tuy mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng không tránh khỏi việc gây ra những tranh cãi về tác động lâu dài của nó đối với hệ sinh thái blockchain. Dưới đây là ưu nhược điểm của tính năng miễn phí gas.

Ưu điểm

  • Thu hút người dùng mới: Miễn phí gas giúp giảm bớt rào cản gia nhập, đặc biệt là đối với những người mới tham gia thị trường tiền điện tử.
  • Tăng tính thanh khoản: Giao dịch miễn phí gas có thể khuyến khích người dùng thực hiện nhiều giao dịch hơn, từ đó tăng tính thanh khoản cho thị trường.
  • Thúc đẩy đổi mới: Các dự án phải tìm ra những cách sáng tạo để tài trợ cho phí gas, điều này có thể dẫn đến những mô hình kinh doanh mới và những cải tiến công nghệ.

Nhược điểm

Nhược điểm của mô hình miễn phí gas là nó thể bị lạm dụng bởi các bot hoặc người dùng tạo ra nhiều giao dịch không cần thiết, khiến mạng lưới bị tắc nghẽn.

Tuy nhiên, điều này có thể được khắc phục hoặc giảm thiểu bằng các giải pháp kỹ thuật và quản lý phù hợp. Ví dụ, các nhà phát triển blockchain có thể sử dụng các cơ chế chống spam, giới hạn giao dịch, hoặc các mô hình phí gas linh hoạt để giải quyết các vấn đề liên quan đến lạm dụng.

Một lưu ý nhỏ là thực chất mô hình miễn phí gas sẽ không làm ảnh hưởng đến giá trị của native token. Lý do bởi vì khi áp dụng mô hình free gas thì hầu hết các giao thức đều phải quy đổi từ token mà người dùng trả thành native token để trả phí gas cho blockchain.

Kết luận

Giao dịch "miễn phí gas" không thực sự miễn phí, mà là một chiến lược thông minh để thu hút người dùng, tăng tính thanh khoản và thúc đẩy đổi mới trong thị trường tiền điện tử. Tuy nhiên, mô hình này cũng tiềm ẩn những rủi ro như nguy cơ lạm dụng và spam giao dịch.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ sinh thái blockchain, cần có sự cân bằng giữa việc cung cấp các ưu đãi hấp dẫn cho người dùng và duy trì một cơ chế phí gas hợp lý để đảm bảo tính bảo mật và ổn định của mạng lưới.

Người dùng cũng cần tỉnh táo, hiểu rõ bản chất của các giao dịch "miễn phí gas" và lựa chọn các dự án uy tín để tránh những rủi ro không đáng có.

Đọc thêm: Top 5 cách quản lý vốn hiệu quả tránh thua lỗ khi đầu tư Crypto

RELEVANT SERIES