Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Tác động của chính sách tài khoá tới kinh tế và thị trường Crypto

Chính sách tài khóa là một công cụ hữu ích giúp nhà nước tác động lên nền kinh tế theo ý muốn. Vậy nó tác động lên thị trường tài chính, Crypto như thế nào?
Avatar
kaylin
Published Jul 06 2023
Updated Jul 27 2023
5 min read
thumbnail

Chính sách tài khóa là một trong những công cụ hữu ích giúp nhà nước tác động lên nền kinh tế, điều chỉnh nó theo hướng họ mong muốn. Chính sách này là gì và tác động của nó lên thị trường crypto như thế nào?

Tổng quan về Chính sách tài khóa

Chính sách tài khóa là hệ thống các chính sách về tài chính của Chính phủ, được hoạch định và thực hiện trong một niên khóa nhằm tác động đến định hướng phát triển của nền kinh tế thông qua những thay đổi trong các khoản chi tiêu công và thuế, phí Nhà nước.

Trong điều kiện bình thường, chính sách tài khoá được sử dụng để tác động vào tăng trưởng kinh tế. Trong điều kiện nền kinh tế có dấu hiệu của suy thoái hay phát triển quá mức (còn gọi là phát triển nóng) thì chính sách tài khoá lại được sử dụng như là một công cụ để giúp đưa nền kinh tế về trạng thái cân bằng.

image
Chính sách tài khoá.
advertising

Công cụ của chính sách tài khoá

Chính sách tài khoá có hai công cụ chủ yếu là chi tiêu của chính phủ và thuế.

Chi tiêu chính phủ

Chi tiêu chính phủ bao gồm hai loại: chi mua sắm hàng hoá dịch vụ và chi chuyển nhượng.

    Chi mua sắm hàng hoá dịch vụ là việc chính phủ dùng ngân sách nhà nước để xây dựng đường xá, cầu cống, trường học, bệnh viện và các công trình hạ tầng cơ sở, trả lương cho đội ngũ cán bộ nhà nước,... Khi chính phủ tăng hay giảm chi mua sắm hàng hóa sẽ tác động đến tổng cầu theo cấp số nhân. Cụ thể, nếu chi mua sắm của chính phủ tăng lên một đồng sẽ làm tổng cầu sẽ tăng nhiều hơn một đồng và ngược lại, nếu chi mua sắm của chính phủ giảm sẽ làm tổng cầu bị thu hẹp với tốc độ nhanh hơn. Chính nhờ hiệu ứng này mà chính phủ có thể sử dụng chi tiêu như một công cụ để điều tiết tổng cầu.
    Chi chuyển nhượng là các khoản chi trợ cấp của chính phủ cho các đối tượng chính sách như người nghèo hay các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khác trong xã hội. Khác với chi mua sắm hàng hoá dịch vụ, chi chuyển nhượng có tác động gián tiếp đến tổng cầu thông qua việc ảnh hưởng đến thu nhập và tiêu dùng cá nhân. Khi chính phủ tăng chi chuyển nhượng sẽ làm tiêu dùng cá nhân tăng lên và làm gia tăng tổng cầu.
image
Chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ từ 2022 đến nay. Nguồn : Tradingeconomics.

Thuế

Khía cạnh thứ hai của chính sách tài khoá là thuế cũng có ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung theo hai cách.

Một mặt, trái với chi chuyển nhượng, thuế làm giảm thu nhập khả dụng của cá nhân, dẫn đến việc chi cho tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ giảm xuống, kéo theo tổng cầu và GDP giảm.

Mặt khác, thuế tác động lên giá hàng hoá và dịch vụ nên có ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng.

image
Tỷ lệ thặng dư/thâm hụt ngân sách Chính phủ Mỹ so với GDP tính đến 2020. Nguồn: Bloomberg.

Tác động của chính sách tài khóa lên nền kinh tế

Chính sách tài khóa có khả năng tác động lên nền kinh tế thông qua 4 yếu tố sau:

    Là công cụ của Chính phủ để tác động lên nền kinh tế thông qua tác động vào tổng cầu. Trong điều kiện bình thường, chính sách tài khóa giúp tăng trưởng kinh tế ổn định. Trong trường hợp kinh tế bị suy thoái hoặc tăng trưởng quá nóng, chính sách tài khóa sẽ giúp đưa nền kinh tế trở lại trạng thái cân bằng.
    Giúp Chính phủ phân bổ hiệu quả các nguồn lực kinh tế, qua đó, nhà nước có thể tập trung vào phát triển những lĩnh vực trọng tâm.
    Thực hiện chức năng phân phối và tái phân phối tổng sản phẩm quốc dân. Chính sách tài khóa giúp điều chỉnh phân phối thu nhập, cơ hội, tài sản, hay các rủi ro từ thị trường, từ đó tạo lập một sự ổn định về mặt xã hội để tạo ra môi trường an toàn cho đầu tư và tăng trưởng.
    Thực hiện mục tiêu tăng trưởng của đất nước (trực tiếp hoặc gián tiếp) và phát triển nền kinh tế.

Hạn chế của chính sách tài khoá

    Sau một khoảng thời gian nhất định, chính phủ mới có thể nhận biết được sự thay đổi của tổng cầu, có thể phải mất đến sáu tháng mới có thể thu thập được những số liệu thống kê đáng tin cậy về nền kinh tế vĩ mô. Và sau đó, việc ra những quyết định về chính sách cũng phải mất một thời gian. Khi các quyết định về chính sách được thực hiện thì cũng cần phải có thời gian để tác động đến cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp nhằm thay đổi hành vi của họ, từ đó làm thay đổi các biến số kinh tế vĩ mô như đã dự tính.
    Trong khi quyết định về chính sách tài khoá, chính phủ không biết được quy mô tác động cụ thể của việc điều chỉnh chi tiêu lên các biến số kinh tế vĩ mô dự tính. Sau nữa, nếu có thể ước tính được về quy mô tác động, thì sự ước tính đó cũng chỉ dựa trên cơ sở số liệu quá khứ. Những sai sót trong việc ước tính quy mô tác động cụ thể nêu trên sẽ khiến chính sách tài khoá không được hữu hiệu như lí thuyết đã phân tích.
    Khi kinh tế suy thoái, tức là sản lượng thực tế thấp xa so với sản lượng tiềm năng và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, thì thâm hụt ngân sách thường lớn. Trong trường hợp này, tăng thêm chi tiêu của chính phủ sẽ làm cho thâm hụt ngân sách trở nên lớn hơn. Điều này đến lượt nó, không chỉ dẫn đến nguy cơ gia tăng lạm phát mà còn làm gia tăng thêm nợ của chính phủ và gây ra những tác động không thuận lợi đối với ổn định kinh tế vĩ mô nói chung.
    Việc tăng hay giảm chi tiêu ngân sách luôn là một nhiệm vụ khó khăn đối với tất cả các chính phủ. Bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các tầng lớp dân cư và điều đó có thể gây nên làn sóng phản đối chính phủ. Rõ ràng, việc tăng hay giảm các loại thuế nào hay khoản chi nào trong các khoản chi của chính phủ là những cân nhắc dựa trên các yếu tố kinh tế, chính trị và xã hội... chứ không thể hoàn toàn dựa trên các lí do kinh tế thuần tuý.
image
Nợ công Mỹ  chạm đỉnh khi chính sách tài khoá sai. Nguồn: US Treasury.

Chính sách tài khoá và thị trường crypto

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay đã được hơn 3 năm, các chính sách tài khóa được coi là một trong những động lực thúc đẩy biến động giá của tài sản rủi ro. Giá Bitcoin gần như đã sụp đổ vào tháng 03/2020 do nền kinh tế đột ngột ngừng hoạt động, nhưng sau đó đã phục hồi bởi nhiều nguyên do, một trong số đó là các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các gói kích thích tài khóa, được xem là lớn nhất kể từ Đại suy thoái (tính theo phần trăm GDP), đến nay được các nhà lập pháp phê duyệt.

Như có thể thấy trong biểu đồ bên dưới về các chính sách tài khoá lớn ở Hoa Kỳ trong suốt lịch sử giá của Bitcoin. Sự bùng nổ của các gói kích thích tài khóa đã khiến giá Bitcoin tăng lên và các chính sách tài khóa thắt chặt khiến giá giảm trở lại.

image
Chính sách tài  khoá và Bitcoin. Nguồn: nydig.com.

Lạm phát đã trở thành câu chuyện kinh tế trong hơn một năm rưỡi qua. Trong khi một số mặt hàng và giá đầu vào trở nên trầm trọng hơn do xung đột giữa Nga và Ukraine bắt đầu vào tháng 02/2022, thì nguồn gốc và sự gia tăng nhanh chóng của lạm phát dường như bắt nguồn từ đại dịch COVID-19.

Những người ủng hộ đồng Bitcoin mạnh mẽ nhất luôn lập luận rằng các đồng tiền kỹ thuật số chính là công cụ tốt nhất giúp phòng vệ trước lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Logic ở đây là: không giống như USD hay bất kỳ loại tiền tệ thông thường nào khác, Bitcoin được thiết kế để có nguồn cung hạn chế, vì thế không thể bị bất kỳ chính phủ hay ngân hàng trung ương của nước nào chi phối quá nhiều.

image
Mối liên hệ giữa Bitcoin và chính sách tiền tệ ngày càng nhiều. Nguồn: nydig.com.

Kể từ khi có vắc-xin, các doanh nghiệp đã mở cửa trở lại và nhiều lĩnh vực thương mại cũng dần phục hồi. Theo đà đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã bắt đầu cho thấy những dấu hiệu giảm tốc đầu tiên kể từ khi lạm phát bắt đầu tăng vào cuối năm 2020. Các thị trường rủi ro đã cổ vũ tin tức này khi cả cổ phiếu và Bitcoin đều tăng giá. Kỳ vọng của thị trường là khi lạm phát được kiểm soát, chính sách tài khoá thắt chặt cũng có thể giảm bớt.

Trong tình hình hiện nay, chính phủ các nước vẫn đang nỗ lực để thực hiện hiệu quả các chính sách tài khóa và giảm lạm phát. Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ về chính sách tài khóa và tác động của nó lên thị trường crypto, từ đó nhận ra những cơ hội cho riêng mình.

Đọc thêm: Lịch sử khủng hoảng kinh tế thế giới và tác động đến Crypto.

RELEVANT SERIES