Cơ hội đầu tư trong mảng DeSci
DeSci giúp phi tập trung hóa khoa học như thế nào?
DeSci (Decentralized Science - khoa học phi tập trung) là lĩnh vực mới trong thị trường, sử dụng công nghệ blockchain để tạo ra một hệ thống nghiên cứu khoa học minh bạch, hiệu quả và dễ tiếp cận.
Lĩnh vực khoa học truyền thống phải đối mặt với nhiều thách thức như làm sao để nhà khoa học nhận tài trợ, thiếu hỗ trợ cho thế hệ nhà khoa học trẻ và hạn chế quyền truy cập dữ liệu cho tất cả người dùng.
Và DeSci xuất hiện nhằm giải quyết những vấn đề trên, bằng cách phi tập trung hoá hầu hết các quy trình trong việc sản xuất khoa học bao gồm khâu gọi vốn (funding), thực thi nghiên cứu (execution) và xuất bản (publishing).
Phi tập trung nguồn huy động vốn: BioDAO
Một nghiên cứu khoa học cần huy động vốn để xây dựng mô hình và thực hiện các thử nghiệm. Các khoản này thường được tài trợ bởi các tổ chức hoặc chính phủ, nhưng mức độ cạnh tranh rất cao và phụ thuộc vào đánh giá chủ quan từ phía nhà cấp vốn.
Từ đó, DeSci sẽ phi tập trung hóa nguồn vốn bằng cách mở rộng tệp nhà đầu tư ra ngoài các tổ chức, với quy trình minh bạch được thực hiện trên blockchain.
Một trong những dự án nổi bật trong lĩnh vực này là BioDAO, cho phép những người nắm giữ BIO token có thể xét duyệt và góp vốn cho các DAO (tổ chức tự trị phi tập trung - decentralized autonomous organization) trong lĩnh vực khoa học.
Sau đó, mỗi DAO sẽ tiếp tục cấp vốn cho các nghiên cứu cụ thể, token hóa quyền sở hữu trí tuệ và thương mại chúng.
BioDAO cũng đã nhận được sự hậu thuẫn từ Binance Labs với mức đầu tư chưa được công bố. Hiện tại, đã có khoảng 8 DAO được thành lập thông qua BioDAO, hơn 16 triệu USD được đóng góp và tổng vốn hóa trên 270 triệu USD (tăng hơn 6 lần so với cuối năm 2022).
Trong số đó, VitaDAO (nghiên cứu về việc kéo dài tuổi thọ) và HairDAO (nghiên cứu cải thiện tình trạng hư tổn tóc) có vốn hóa lớn nhất, lần lượt là 109 triệu USD và 69 triệu USD tính đến ngày 20/11/2024.
Phi tập trung nguồn dữ liệu và hạ tầng vật lý: Aminochain, HippoCrat, Vitalia
Sau khi có được một khoản gọi vốn, bước tiếp theo là xây dựng các mô hình nghiên cứu. Một trong những vấn đề lớn nhất trong giai đoạn này là tính khả dụng của dữ liệu khi:
- Quyền truy cập dữ liệu bị hạn chế vì bị kiểm soát từ một số tổ chức.
- Không có động lực khi cung cấp dữ liệu vì không có lợi ích kinh tế.
- Việc thu thập dữ liệu theo cách tuyến tính sẽ không đủ tin cậy và tốn nhiều thời gian.
Từ đó, các dự án DeSci sẽ đóng vai trò là trung gian kết nối giữa các cá nhân, tổ chức cung cấp dữ liệu trên toàn cầu với bên muốn sử dụng dữ liệu thông qua hoạt động mua bán trên nền tảng.
Một dự án nổi bật trong lĩnh vực này là AminoChain, hoạt động trong ngành dữ liệu mẫu sinh học (DNA, máu…). Các cá nhân hoặc tổ chức y tế có thể cung cấp dữ liệu này bằng cách chạy Amino Node, sau đó nhận về token incentive cũng như doanh thu nếu có người mua mẫu dữ liệu đó.
Hiện dự án đã hoàn thành vòng gọi vốn 5 triệu USD từ chương trình ươm mầm CSX từ a16z tuy nhiên vẫn chưa mainnet.
Một dự án nổi bật khác là Hippocrat, nền tảng trao đổi dữ liệu giữa người cung cấp và người cần dữ liệu. Lợi nhuận từ việc mua bán sẽ được trả về cho người bán, trong khi một phần sẽ được gửi vào DAO để phục vụ cho mục đích phát triển hệ sinh thái và hoạt động quyên góp.
Ngoài dữ liệu, các công trình nghiên cứu còn cần đến cơ sở hạ tầng vật lý để triển khai thử nghiệm.
Vitalia giải quyết vấn đề này bằng cách tận dụng cơ sở hạ tầng vật lý của các thành phố mới như Próspera ở Honduras, một khu kinh tế đặc biệt với môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho việc nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng và quản lý các phương pháp điều trị mới.
Tuy nhiên, các dự án này hoạt động như 1 doanh nghiệp truyền thống và ít có liên hệ đến blockchain.
Phi tập trung quy trình bình duyệt xuất bản: ResearchHub
Sau khi hoàn thành các nghiên cứu, việc một bài báo được xuất bản cần phải trải qua quy trình bình duyệt (peer review)*.
*Bình duyệt là quá trình các nhà khoa học đánh giá chất lượng kết quả nghiên cứu của các đồng nghiệp khác trong cùng lĩnh vực. Mục đích của quá trình này nhằm đảm bảo các kết quả nghiên cứu phải chính xác, chặt chẽ, dựa trên nền tảng các nghiên cứu trong quá khứ và bổ sung thêm vào những gì chúng ta vốn đã biết.
Thông thường, quy trình bình duyệt sẽ được thực hiện tại các trung tâm xuất bản. Tuy nhiên, vấn đề hiện tại của quy trình này là không được diễn ra một cách công khai, thường tốn thời gian và mang tính chủ quan của người đánh giá.
Để khắc phục những vấn đề đó, dự án ResearchHub đã phi tập trung hóa quy trình peer review bằng cách trao thưởng token RSC, từ đó khuyến khích bất kỳ chuyên gia nào cũng có thể tham gia mà không bị phụ thuộc vào một tổ chức cụ thể nào. Đồng thời, tất cả hành động peer review đều sẽ được công khai ở trên nền tảng.
Dự án cũng đã ghi nhận mức peer review được hoàn thành theo tuần tăng vọt lên đến hơn 150 bản vào Q2/2024.
Thị trường DeSci đang ở giai đoạn đầu cơ mạnh
Mô hình gia tăng giá trị của các dự án DAO gọi vốn cho các phát triển khoa học thường có luồng như sau:
- Dùng token gốc để bỏ phiếu chọn lọc dự án.
- Dự án kêu gọi vốn và phát triển sáng chế.
- Thương mại hoá sáng chế và lợi nhuận kiếm được sẽ được dùng để mua lại token gốc, từ đó gia tăng vốn hoá và giá trị cho token holders.
Tuy nhiên, để một dự án khoa học được hoàn thành thường mất khoảng thời gian rất dài, vì vậy mô hình trên sẽ khó có thể phát triển dựa trên nội lực thật sự mà chỉ là sự thổi phồng về mặt đầu cơ.
Lấy ví dụ ở VitaDAO, dự án này đã đạt mức vốn hóa hơn 100 triệu USD. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, chỉ có khoảng hơn 4.2 triệu USD được đầu tư cho các dự án trong DAO, và hầu hết các dự án này đều chưa có khả năng sinh lợi nhuận.
Vì vậy, mô hình gia tăng giá trị cho đồng VITA thông qua việc sử dụng lợi nhuận từ các dự án để mua lại token VITA vẫn chưa được thực hiện. Do đó, việc tăng giá không xuất phát từ dòng tiền thật của dự án, mà chủ yếu là do sự đẩy giá từ tâm lý FOMO của cộng đồng vào một xu hướng mới mới.
Một ví dụ khác, pump.science là dự án đã ra mắt hai token liên quan đến nghiên cứu côn trùng, đó là URO và RIF.
Ngay sau khi ra mắt, hai dự án này đã có mức vốn hóa lần lượt lên đến hơn 200 triệu USD và 100 triệu USD, trong khi chỉ đang dừng lại ở mức thử nghiệm và vẫn chưa hoàn thành bất kỳ sáng chế nào có thể tạo ra doanh thu.
Cơ hội đầu tư trong mảng DeSci vẫn lớn
Như đã đề cập ở phần trước về một số dự án nổi bật trong từng nhánh, chỉ một số ít trong số đó đã phát hành token, bao gồm:
- Kêu gọi vốn: VitaDAO, HairDAO.
- Dữ liệu: HippoCrat.
- Xuất bản: ResearchHub.
Ngoài ra, còn có các memecoin thuộc mảng DeSci như RIF, URO và SCIHUB.
Tổng vốn hóa của thị trường DeSci hiện vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ hơn 800 triệu USD (đã trừ đi TRAC). Đồng thời, các dự án nổi bật nhất trong từng nhánh của DeSci cũng chỉ có vốn hóa khoảng 100 triệu USD, cho thấy rằng thị trường này còn khá non trẻ và chưa có dự án nào thực sự dẫn dắt thị trường.
Hơn nữa, DeSci đang trở thành một xu hướng được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, song song với AI.
Tuy nhiên, khi so sánh vốn hóa của các dự án có vốn hoá lớn nhất trong hai xu hướng này, ta có thể nhận thấy sự chênh lệch đáng kể, cho thấy DeSci vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Mặc dù vậy, việc đầu tư vào lĩnh vực này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, cũng như hiểu rõ tính chu kỳ của một xu hướng. Trong thời gian tới, nếu DeSci tiếp tục bùng nổ, liệu dự án nào sẽ trở thành dự án đầu tiên đạt vốn hóa tỷ USD?