Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Blockchain Layer 1 đang mất dần vị thế vào tay các dApp?

Tương lai của các đồng coin nền tảng sẽ ra sao khi các ứng dụng ngày càng chi phối thị trường mạnh mẽ? Liệu các blockchain layer 1 có đang dần mất vị thế vào tay các dApp?
Avatar
Dyan
Published Oct 17 2024
Updated Oct 17 2024
8 min read
blockchain layer 1 đánh mất vị thế

Ryan Watkins, đồng sáng lập của Syncracy - quỹ phòng hộ chuyên về lĩnh vực crypto, đã đưa ra nhiều góc nhìn quan trọng về giá trị token của ứng dụng phi tập trung (dApp) so với các native token trên blockchain layer 1.

Theo Ryan Watkins, rất nhiều người cho rằng ngoài Bitcoin và stablecoin thì không có ứng dụng nào của ngành thực sự tạo ra giá trị. Ryan dẫn chứng rằng vào chu kỳ trước, toàn bộ thị trường đã được bơm thổi nhờ hành vi đầu cơ. Kể từ sau cú sập vào đầu năm 2022, cả thị trường đều không có nhiều tiến bộ nào đáng kể về công nghệ lẫn giá trị.

Các dự án blockchain layer 1 đang bị định giá quá cao

Nhiều người cho rằng ngành công nghiệp này đang ngày càng trở nên bão hòa với việc hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng (infrastructure), điển hình là các blockchain layer 1, vắng bóng người dùng. Thậm chí một số còn cho rằng việc các quỹ đầu tư mạo hiểm đổ tiền vào các dự án này là một bước đi sai lầm.

thống kê phí giao dịch blockchain lớn
Thống kê phí giao dịch của các blockchain lớn trong 5 năm gần đây. Nguồn: Artermis

Nhận định này có phần đúng khi một bộ phận những dự án blockchain layer 1 như Vega, EOS không thể sống sót qua mùa đông crypto. Ngược lại, những dự án nền tảng với các yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ từ nhân lực, tài nguyên đến cộng đồng như Ethereum, Solana đã vươn lên dẫn đầu thị trường.

blockchain vega ngừng hoạt động
Blockchain Vega ngừng hoạt động do không thu hút được người dùng

Tuy nhiên, ý kiến cho rằng số lượng ứng dụng đang lép vế hơn so với các dự án cơ sở hạ tầng, hay thị trường không có bất kỳ sự tiến bộ nào kể từ chu kỳ trước, là hoàn toàn không có cơ sở.

Trái ngược với nhận định chung của đa số nhà đầu tư, thời kỳ của các ứng dụng blockchain đã thực sự bắt đầu, trong đó có nhiều ứng dụng thậm chí đã vượt mặt các dự án cơ sở hạ tầng về yếu tố doanh thu.

Theo Ryan Watkins, các mạng lưới hàng đầu thị trường là Ethereum và Solana đều đang sở hữu nhiều siêu ứng dụng (super app) có khả năng tạo ra mức doanh thu 8 đến 9 chữ số, cùng tốc độ tăng trưởng vài trăm phần trăm mỗi năm.

top dự án doanh thu cao nhất
Top 10 dự án có doanh thu cao nhất trong 1 năm. Nguồn: DefiLlama

Nhà sáng lập Quỹ đầu tư Syncracy cho biết các dự án cơ sở hạ tầng đang có mức vốn hóa trung bình cao gấp 300 lần doanh thu hàng năm.

Điều này đồng nghĩa với việc các dự án cơ sở hạ tầng như Ethereum, Solana, BNB Chain hay TON đều đang có mức định giá quá cao so với giá trị mà các nền tảng này thực sự tạo ra.

tỷ lệ vốn hóa trên doanh thu
Tỷ lệ vốn hóa trên doanh thu nền tảng của các dự án Infrastructure và ứng dụng. Nguồn: Syncracy

Trong khi đó, các ứng dụng lại đang tạo ra được nhiều phí giao dịch hơn, có mức doanh thu tốt hơn nhiều so với các dự án nền tảng. Dữ liệu từ Ethereum và Solana đều cho thấy các ứng dụng của hai mạng lưới này đều đang trên đà vượt mặt blockchain mẹ về mặt doanh thu.

phân bổ doanh thu cơ sở hạ tầng và ứng dụng
Phân bổ doanh thu giữa cơ sở hạ tầng và ứng dụng trên Ethereum và Solana. Nguồn: Syncracy

Ryan Watkins cho rằng xu hướng này sẽ gia tăng chỉ khi các ứng dụng có thể mở rộng quy mô phát triển theo chiều dọc, nhằm mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.

Thực tế cho thấy điều này hoàn toàn đúng khi một số ứng dụng nổi bật của Solana đã bắt đầu tách biệt hoạt động của mình so với blockchain nền tảng, bằng cách xây dựng layer 2 hoặc sidechain riêng nhằm đáp ứng nhu cầu về mở rộng quy mô dự án.

advertising

Sự trỗi dậy của các siêu ứng dụng (super dApp)

Khi các ứng dụng phải đối mặt với những giới hạn cố hữu của mạng lưới, việc tách rời hoạt động qua các blockchain khác là điều không thể tránh khỏi. Solana, vốn nổi tiếng với mức hiệu suất mạng lưới ấn tượng, cũng phải chật vật hơn nửa năm nay khi hàng triệu người dùng tìm đến blockchain này chỉ để giao dịch memecoin.

Câu hỏi quan trọng là có bao nhiêu ứng dụng sẽ tách biệt hoạt động kinh doanh ra ngoài blockchain layer 1? Xu hướng này đã bắt đầu trên Ethereum khi các ứng dụng như Aave, Maker và Uniswap đang tự mình phát triển các giải pháp rollup riêng để phục vụ các nhu cầu đặc biệt.

Hành động này không chỉ nhằm thúc đẩy khả năng mở rộng mà còn cho phép các dự án có quyền tùy chỉnh hiệu suất mạng lưới để tăng cường giá trị cho người dùng, giảm chi phí hoạt động.

lợi thế rollapps so với ứng dụng
Lợi thế của các RollApps so với ứng dụng thông thường. Nguồn: Syncracy

Trong tương lai gần, các nhà cung cấp ứng dụng tập trung vào tính khả dụng dữ liệu (data availability - DA) như Celestia hay EigenLayer đều sẽ đóng vai trò quan trọng đối với sự bùng nổ của xu hướng này.

Các dự án DA được kỳ vọng sẽ cung cấp khả năng mở rộng mạnh mẽ, với mức độ linh hoạt và tương tác cao trong khi vẫn giữ được mức phí rẻ như hiện tại.

so sánh giao thức data availability
So sánh các giao thức Data Availability nổi bật trên thị trường. Nguồn: Celestia

Liệu các blockchain layer 1 sẽ mất đi giá trị?

Câu hỏi tiếp theo cần được đặt ra là giá trị của các ứng dụng và cơ sở hạ tầng sẽ thay đổi như thế nào, khi những ứng dụng sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế tiền điện tử ở những năm tới.

Theo Syncracy, việc các ứng dụng sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị phần phí giao dịch blockchain là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng, các dự án cơ sở hạ tầng cơ bản như layer 1 vẫn hoàn toàn có thể bảo toàn giá trị, kể cả khi phải hy sinh số lượng người dùng vào tay các mạng lưới con.

vốn hóa vàng và blockchain
So sánh vốn hóa giữa vàng và các nền tảng blockchain hàng đầu. Nguồn: Syncracy

Lý do chính để củng cố quan điểm này là vì về lâu dài, đồng native token của các nền tảng này (như ETH hay SOL) sẽ liên tục cạnh tranh để trở thành phương tiện lưu giữ giá trị của thị trường crypto, thống lĩnh nền kinh tế số toàn cầu.

Sự khác biệt lớn nhất nằm ở chiến lược của từng hệ sinh thái trong việc thu hút người dùng.

Cụ thể, Bitcoin trực tiếp thách thức các ngân hàng trung ương bằng cách thay thế các loại tiền tệ fiat và trở thành phương tiện lưu giữ giá trị trên toàn cầu.

Ngược lại, các layer 1 như Ethereum và Solana đều hướng đến mục tiêu xây dựng một nền kinh tế song song với hệ thống tài chính truyền thống, tạo ra nhu cầu tự nhiên đối với ETH và SOL khi các hệ sinh thái này ngày càng phát triển.

Trên thực tế, cách tiếp cận của Ethereum và Solana có phần tương tự với các quốc gia trong lịch sử khi cạnh tranh để giành sự thống trị về mặt kinh tế.

Các quốc gia hùng mạnh sẽ có xu hướng gia tăng mức độ ảnh hưởng của đồng tiền quốc gia, từ đó ép buộc các nước khác chấp nhận sử dụng đồng tiền này để giao dịch và đầu tư (USD là một ví dụ).

yếu tố định giá tài sản vật chất và crypto
Các yếu tố định giá của tài sản vật chất và tiền điện tử. Nguồn: Syncracy

Nhìn chung, nền kinh tế tiền điện tử đang trải qua một sự chuyển dịch lớn, từ các bong bóng đầu cơ đơn thuần đến sự bùng nổ của hàng loạt doanh nghiệp, ứng dụng tạo ra doanh thu và giá trị thực sự cho người dùng lẫn hệ sinh thái.

Kỷ nguyên của các ứng dụng giá trị đang đến gần, cùng với đó, blockchain sẽ trở thành kho lưu giữ giá trị kỹ thuật số phi chủ quyền mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Đọc thêm: Vitalik nhắm tới mục tiêu 100,000 TPS trong giai đoạn The Surge của Ethereum

RELEVANT SERIES