Điều gì ẩn chứa sâu trong lời phát biểu của Fed

Ngày 20/3, Cuộc họp FOMC một trong những sự kiện được giới tài chính trên thế giới quan tâm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khép lại. Ông Powell tuyên bố duy trì mức lãi suất hiện tại và tiếp tục tâm thế quan sát, chờ thêm tín hiệu từ nền kinh tế trước khi quyết định các nước đi tiếp theo.
Cụ thể, lãi suất tham chiếu sẽ được giữ nguyên ở mức 4.25-4.5%. Động thái này cho thấy ngân hàng trung ương muốn đánh giá thêm về xu hướng lạm phát cũng như sức khỏe của nền kinh tế Mỹ trước khi thực hiện bất kỳ điều chỉnh nào.

Theo ông Powell, tình hình kinh tế hiện tại vẫn còn nhiều bất ổn, đặc biệt khi chính sách thương mại và thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tạo ra những tác động khó lường.
Các kế hoạch áp thuế nhập khẩu có thể gây áp lực lên giá cả, khiến lạm phát tăng cao trong ngắn hạn, đồng thời làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, các biện pháp siết chặt nhập cư và tái cơ cấu bộ máy hành chính cũng có nguy cơ làm gián đoạn thị trường lao động, trong khi những nỗ lực cải cách thủ tục kinh doanh và gia hạn chính sách cắt giảm thuế có thể mang lại động lực tăng trưởng.
Dự báo mới nhất của Fed đang chỉ ra rằng GDP Mỹ năm nay có thể chỉ tăng 1.7%, thấp hơn mức 2.1% trước đó. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ tăng lên 4.4%, trong khi lạm phát có thể lên tới 2.7% vào cuối năm do tác động từ các chính sách thuế quan.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed vẫn kỳ vọng có hai lần giảm lãi suất trong năm nay, tổng cộng 50 điểm cơ bản (0.5%), nhằm hỗ trợ nền kinh tế nếu như tăng trưởng tiếp tục chậm lại. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng ngân hàng trung ương sẽ linh hoạt điều chỉnh theo tình hình thực tế, có thể thắt chặt hoặc nới lỏng chính sách tùy vào diễn biến vĩ mô.
Hiện tại, Fed giữ lập trường trung lập, sẵn sàng can thiệp nếu lạm phát tiếp tục cao hoặc tỷ lệ thất nghiệp có dấu hiệu gia tăng. Powell khẳng định mục tiêu của Fed là duy trì sự cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng, đảm bảo nền kinh tế không rơi vào suy thoái sâu.
Đây có thể là lý do khiến cả thị trường vẫn “chưa vội” có một cú bật tăng nào vì chính sự thận trọng trong từng lời nói của ông Powell cũng khiến hầu hết nhà đầu tư giữ vững tâm thế dè chừng.
Các bài đăng từ The Kobeissi Letter và Reef Insights phản ánh sự lo ngại ngày càng tăng về tình trạng stagflation (tăng trưởng trì trệ đi kèm lạm phát cao) tại Mỹ, đặc biệt khi Fed vừa nâng dự báo lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cho năm 2025 trong khi cắt giảm triển vọng GDP.

The Kobeissi Letter chỉ ra rằng Jerome Powell đã bác bỏ khả năng stagflation gần một năm trước, khi ông nói rằng không thấy dấu hiệu của "stag" (tăng trưởng trì trệ) hay "flation" (lạm phát cao). Tuy nhiên, diễn biến hiện tại lại cho thấy chính cả hai yếu tố này đang xuất hiện đồng thời, dẫn đến những nghi ngại về độ chính xác trong đánh giá của Fed trước đây. Trang này cũng liên hệ nhận định của Powell với phát biểu cũ về "lạm phát chỉ là tạm thời" – một tuyên bố từng bị phản bác khi lạm phát kéo dài hơn dự đoán.
Trong khi đó, Reef Insights nhận định Powell sẽ phải đối mặt với một năm đầy thách thức, bởi trong các giai đoạn stagflation, Fed thường ưu tiên bảo vệ đồng USD hơn là hỗ trợ nền kinh tế Mỹ. Điều này hàm ý rằng Fed có thể tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thận trọng, thay vì nhanh chóng cắt giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng, ngay cả khi nền kinh tế đang chậm lại.

Sau quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed, BTC đã có một nhịp bật mạnh mẽ từ vùng đáy 81,500 USD vào ngày 18, tiến sát mốc 86,000 USD tại thời điểm hiện tại. Động thái này không chỉ củng cố đà phục hồi của BTC mà còn kéo theo sự khởi sắc trên toàn thị trường, khi các altcoin thuộc nhóm top vốn hóa 1-200 cũng đồng loạt xanh nhẹ, với mức tăng trung bình từ 5-10%.
Sự lạc quan ngắn hạn đang lan tỏa, phản ánh kỳ vọng rằng chính sách tiền tệ ổn định có thể tiếp tục tạo động lực cho dòng tiền đổ vào crypto.
Đọc thêm: Thị trường sẽ tan nát dưới tay Trump?