Định giá token theo phương pháp so sánh
Cách hoạt động của phương pháp so sánh tương đương
Đối với các dự án trên thị trường crypto, việc có lợi nhuận trong thời gian đầu hoặc kể cả khi đi vào hoạt động một thời gian là khó khả thi. Hơn nữa, nhiều khi token của dự án (thứ phần lớn nhà đầu tư đổ tiền vào), không phải đại diện cho việc sở hữu công ty phát triển đằng sau.
Vì vậy, các phương pháp định giá token dựa trên khả năng sinh lời, dòng tiền, tổng tài sản…gần như không thể ứng dụng. Thay vào đó, nhà đầu tư có thể thực hiện so sánh tương đối với một vài dự án có token với mô hình hoạt động tương tự để tìm ra mức giá hợp lý.
Về tổng quan, ý tưởng này bao gồm việc so sánh tương đối công ty cần định giá với các công ty khác hoạt động trong cùng lĩnh vực hoặc có những đặc điểm tương đồng nhất định.
Sau khi lựa chọn được một bộ công ty với dữ liệu tài chính phù hợp, phân tích viên sẽ tiến hành liệt kê ra các bộ tiêu chí để tiến hành so sánh. Ví dụ như:
- P/E: Giá cổ phiếu trên thu nhập.
- P/B: Giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách của công ty.
- P/S: Giá cổ phiếu trên doanh thu.
- ...
Đối với thị trường crypto, trong trường hợp thiếu dữ liệu để tính toán các chỉ số tương tự thị trường truyền thống, chúng ta có thể sử dụng các tiêu chí như cung lưu thông trên tổng cung, số vốn gọi so với định giá, quy mô thị trường…
Sau khi thu thập và tính toán các chỉ số kể trên, bước tiếp theo đó là phân tích đặc điểm của dữ liệu (trung bình, trung vị, phân phối…). Tiếp theo là tiến hành ước lượng trọng số của từng tiêu chí với doanh nghiệp (trong trường hợp crypto là token) cần định giá.
Khâu này thường sẽ là khâu khó nhất do phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người. Ví dụ, chúng ta đang cần định giá A, sau khi ra được con số P/E trung bình của ngành là 20, quan điểm cá nhân chỉ ra rằng A có thể đạt được P/E cao hơn ngành 20%, do đó hệ số nhân 1.2 được áp dụng đối với tiêu chí P/E để đánh định giá A.
Làm tương tự với các tiêu chí khác. Cuối cùng, tính toán giá trị doanh nghiệp dựa trên dữ liệu của các doanh nghiệp tương đương với các tiêu chí đi kèm trọng số kể trên, ta sẽ ra được mức định giá.
Đây là phương pháp đơn giản và dễ áp dụng. Tuy nhiên, bản thân nó cũng có những điểm yếu nhất định.
Các doanh nghiệp trên thị trường thường không hoàn toàn giống nhau, hơn nữa phương pháp dựa trên giá trị trong một thời điểm nhất định vì vậy sẽ tạo ra những sai sót khi thị trường diễn biến quá tích cực hoặc tiêu cực.
Bên cạnh đó, việc thiết kế các tiêu chí đánh giá các doanh nghiệp với nhau và thiết lập hệ số nhân phụ thuộc hoàn toàn và kỹ năng của phân tích viên. Vì thế, sự thiên lệch có thể sẽ diễn ra khiến định giá không phù hợp.
Ứng dụng của phương pháp trong trading crypto
Phương pháp này tỏ ra hữu hiện khi định giá một token chưa hoặc sắp được niêm yết trong tương lai gần.
Thông thường trên thị trường crypto, các token mới được niêm yết trên sàn giao dịch lớn sẽ có mức biến động lớn.
Trong giai đoạn này, nếu nhà đầu tư có được mức định giá hợp lý theo phương pháp kể trên thì có thể thực hiện mua vào nếu giá niêm yết quá thấp hoặc bán khống token đó nếu giá quá cao.
Do mức biến động ban đầu cao nên việc tìm điểm để mở vị thế là dễ dàng trong thời gian này cũng như có thể chốt lời trong thời gian ngắn.
Ví dụ về cách triển khai phương pháp trong thị trường crypto
Ví dụ chi tiết dựa trên bài viết Dự đoán giá token W sau khi niêm yết trên sàn CEX.
Trong bài viết kể trên, tác giả đã định giá token W của dự án Wormhole dựa trên cơ sở so sánh với Axelar, LayerZero và Starknet. Các tiêu chí được sử dụng để so sánh là vốn hoá FDV trên định giá vòng gọi vốn gần nhất và cung token ban đầu so với tổng cung.
Các đặc điểm tương đồng của Womrhole với Axelar và LayerZero đó là đều là các dự án thuộc mảng message protocol, xây cơ sở hạ tầng để các dự án bridge hoạt động.
Đối với Starknet, điểm giống nhau đó là có cùng tổng cung cũng như có định giá hàng tỷ USD trong các vòng gọi vốn private.
Theo đó, bảng excel để ước lượng ra mức giá khoảng 0.6 USD của W khi niêm yết trong bài viết được thể hiện trong bảng excel dưới đây.
Theo đó, mức FDV hợp lý của W khi niêm yết sẽ được tính dựa trên bình quân có trọng số của tỷ lệ FDV/valuation của Starknet và Axelar. Ví dụ trong bảng trên tỷ lệ FDV/valuation của W sẽ được tính bằng công thức (2.75 * 0.39 + 2.3 * 2.9) / (0.39 + 2.9) = 2.353.
Trọng số 0.39 và 2.9 được tính bằng cách lấy circulating/FDV (tỷ lệ cung ban đầu với tổng cung token) của Starknet và Axelar chia cho Wormhole. Phép tính này dựa trên ý tưởng lượng cung lưu thông càng thấp sẽ càng dễ gây ra biến động giá khiến FDV cao hơn.
Từ đó, nếu tỷ lệ tương đối này thấp thì trọng số nên thấp để ước lượng FDV/valuation của W được thấp hơn khi sử dụng dự án có cung lưu thông thấp.
Lấy 2.353 nhân với 2.5 tỷ USD (định giá tại vòng gọi vốn gần nhất trước niêm yết của Wormhole) ta ra được khoảng 5.9 tỷ USD FDV. Suy ra, giá hợp lý của W là 0.59 USD.
Với mức định giá này, vào thời điểm niêm yết, chúng ta hoàn toàn có thể short W và thu về được lợi nhuận đáng kể (do giá W vào thời điểm mới niêm yết nằm trong khoảng 1 - 1.3 USD).
Đọc thêm: Phương pháp đầu cơ token mới niêm yết trên sàn giao dịch