Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

EIP-4844 là gì? Yếu tố quan trọng trong cập nhật Dencun của Ethereum

Bản cập nhật Dencun ngày 13/03/2024 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lộ trình của Ethereum. Trong đó, cộng đồng đặc biệt chú ý đến EIP-4844 giúp cải thiện phí giao dịch trên mạng lưới Layer-2. Vậy EIP-4844 là gì và vì sao cần chú ý đến nó?
Avatar
Vy Bùi
Published Mar 13 2024
Updated Mar 14 2024
8 min read
thumbnail

EIP-4844 là gì?

EIP-4844 là đề xuất cải tiến Ethereum nằm trong bản cập nhật Dencun, nhằm thay đổi cách các dự án rollup đăng dữ liệu lên layer 1 dựa trên một loại giao dịch mới được gọi là “blob” (binary large object). Mục đích của EIP-4844 là giúp giảm chi phí dữ liệu cho rollup, nhờ đó giảm phí giao dịch cho người dùng layer 2 và tăng khả năng mở rộng cho mạng Ethereum.

EIP-4844 còn được gọi là Proto-Danksharding và cập nhật Cancun. Đây cũng là tiền đề quan trọng của Ethereum để tiến lên Danksharding.

eip 4844 là gì
EIP-4844 là đề xuất cải tiến Ethereum, giới thiệu loại giao dịch mới là “blob”.
advertising

Tại sao cần chú ý đến EIP-4844?

EIP-4844 là một trong những cập nhật quan trọng và đáng mong chờ nhất của bản nâng cấp Dencun. Bởi nó tạo ra thay đổi lớn trong quy trình hoạt động và kiến trúc hiện có của các layer 2 và mạng Ethereum.

Đầu tiên, mục tiêu của EIP-4844 là làm giảm chi phí giao dịch cho người dùng layer 2 và tăng khả năng mở rộng của rollup, từ đó nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án trong mảng này như Arbitrum, Optimism, Base… theo cách tích cực.

Các nhà phát triển có thể gửi nhiều dữ liệu trực tiếp lên blockchain với chi phí rẻ hơn. Sự gia tăng các hoạt động on-chain này có thể làm phong phú thêm hệ sinh thái với nhiều ứng dụng hơn, thúc đẩy sự tăng tưởng của cả hệ.

sau dencun phí l2 giảm
So sánh phí giao dịch trên Ethereum, các layer 2 trước và sau sự kiện Dencun. Nguồn: IntoTheBlock.

Về cơ bản, khi có nhiều tính năng và chức năng hơn trên blockchain, nó sẽ tạo ra hiệu ứng cấp số nhân. Nếu có một nền tảng hệ thống ngày càng mở rộng để các nhà phát triển xây dựng dựa trên đó, điều này nâng cao tính linh hoạt và tiện ích tổng thể của cơ sở hạ tầng blockchain.

Thứ hai, dữ liệu lịch sử đã cho thấy sau mỗi cập nhật quan trọng của Ethereum, giá ETH đều có sự biến động. Cụ thể:

  • Sau sự kiện The Merge (ngày 15/09/2022), giá ETH liên tục giảm trong 6 ngày, giảm 15.2% từ 1,653 USD về còn 1,217 USD vào ngày 21/09.
  • Sau nâng cấp Shanghai (ngày 12/04/2023), giá ETH tăng khoảng 10% trong 4 ngày, từ 1,900 USD lên trên 2,100 USD, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 5/2022.

Vì vậy, nhiều người cũng dự đoán rằng giá ETH sẽ có sự biến động đáng kể sau cập nhật Dencun và triển khai EIP-4844. Phần lớn các chuyên gia và báo cáo từ các tổ chức đều cho rằng giá ETH sẽ tăng sau Dencun. Ngoài ra, dựa trên dữ liệu phân tích thị trường options cũng cho thấy giá ETH sẽ biến động lớn từ ngày 13/03 đến một vài ngày sau đó.

Đọc thêm: Thị trường Options phản ứng thế nào với cập nhật Dencun?

EIP-4844 ở đâu trong lộ trình dài hạn của Ethereum?

Theo Vitalik Buterin cập nhật, lộ trình phát triển của Ethereum sẽ được phân chia thành sáu giai đoạn chính, bao gồm:

  • The Merge: Các nâng cấp liên quan đến việc chuyển đổi từ Proof-of-Work sang Proof-of-Stake.
  • The Surge: Các nâng cấp liên quan đến khả năng mở rộng thông qua rollup và sharding.
  • The Scourge: Các nâng cấp liên quan đến khả năng chống kiểm duyệt (censorship resistance), tính phân quyền (decentralization) và rủi ro giao thức từ MEV.
  • The Verge: Các nâng cấp liên quan đến việc khiến cho quy trình xác thực khối trở nên dễ dàng hơn.
  • The Purge: Các nâng cấp liên quan đến việc giảm chi phí tính toán khi chạy node và đơn giản hoá giao thức.
  • The Splurge: Các nâng cấp khác không được đề cập trong các giai đoạn trước.

Trong đó, EIP-4844 là một nâng cấp nằm trong giai đoạn The Surge của lộ trình, được triển khai vào ngày 13/03/2024.

Vì sao cần có EIP-4844?

Trước đó, các rollup sắp xếp dữ liệu giao dịch thành các gói (transaction batch) và đăng chúng lên Ethereum thông qua hàm CALLDATA. Tuy nhiên, vấn đề là dữ liệu trong CALLDATA sẽ được xử lý và lưu trữ vĩnh viễn trên hệ thống của các node trong blockchain.

Khi người dùng rollup tăng lên, dữ liệu giao dịch ngày càng nhiều, làm cho trạng thái (state) của Ethereum tăng trưởng nhanh chóng. Điều này yêu cầu các node phải liên tục mở rộng không gian lưu trữ dữ liệu, làm tăng chi phí vận hành node và tăng phí giao dịch của người dùng.

Cuối cùng, nó làm cản trở khả năng mở rộng của cả rollup và mạng Ethereum, khi lượng người dùng và nhu cầu sử dụng ngày càng gia tăng. 

rollup trước sau eip4844
Cách gửi dữ liệu rollup trước và sau khi triển khai EIP-4844.

Đây là lúc EIP-4844 xuất hiện để giải quyết vấn đề về chi phí và khả năng mở rộng, bằng cách giới thiệu khái niệm “blob”. Theo đó, các rollup sẽ gom giao dịch thành từng blob (thay vì CALLDATA như trước) và đăng lên Ethereum. 

Điều đặc biệt là các dữ liệu blob này sẽ được lưu trữ ngoài chuỗi (off-chain), tạm thời trên lớp đồng thuận (consensus layer) và bị xoá tự động sau một thời gian cố định (khoảng 18 ngày, tương đương 4,096 epoch). Vì vậy, có thể xem blob như một đơn vị dữ liệu tạm thời được gắn liền với các khối (block) hiện có của Ethereum.

cách hoạt động eip4844
Theo thiết kế của EIP-4844, các giao dịch blob được lưu trữ tạm thời trên lớp đồng thuận.

Theo dự kiến của EIP-4844: 

  • Mỗi blob có thể chứa tối đa 128kb dữ liệu tạm thời.
  • Mỗi block có thể đính kèm từ 3-6 blob, trong đó tiêu chuẩn là 3 blob.

Theo tính toán sơ bộ, có thể dự đoán mức tăng tiêu chuẩn đối với không gian lưu trữ cần thiết của mỗi node sau khi triển khai EIP-4844:

  • Mục tiêu là 3 blob/block, mỗi blob 128kb: 384kb mỗi block.
  • Mỗi blob sẽ bị xoá sau 4,096 epoch, mỗi epoch tạo ra 32 block: 131,072 block có đính kèm blob.
  • Như vậy, không gian lưu trữ cần thiết là 384kb x 131,072 block = 48GB.

Lượng không gian lưu trữ này có thể được tái sử dụng sau mỗi 18 ngày, giúp giảm thiểu chi phí mở rộng phần cứng của các node để lưu trữ dữ liệu vĩnh viễn như trước kia. 

Lợi ích của EIP-4844

EIP-4844 là cập nhật quan trọng của Ethereum và mang lại lợi ích cho cả ba bên, bao gồm rollup, mạng Ethereum và người dùng.

Đối với dự án rollup, các node của họ có thể xoá bỏ dữ liệu blob sau mỗi 18 ngày. Như đã đề cập phía trên, điều này giúp họ giảm chi phí cho việc mở rộng phần cứng để tải toàn bộ dữ liệu giao dịch và phải lưu trữ vĩnh viễn. Nhờ đó, chi phí vận hành rollup cũng sẽ được giảm thiểu.

Ngoài ra, một block có thể chứa đến tối đa 6 blob tương đương 768kb dữ liệu, điều này có nghĩa là rollup có thể tăng lượng dữ liệu gửi lên Ethereum so với trước kia. Từ đó làm tăng thông lượng và khả năng mở rộng cho chính rollup.

Đối với Ethereum, EIP-4844 không chỉ giúp tăng băng thông và khả năng mở rộng cho mạng lưới, mà còn làm tăng khả năng xử lý dữ liệu của Ethereum dưới dạng DA layer* bởi:

  • Các blob được lưu trữ off-chain (ngoài chuỗi), thay vì lưu trữ trực tiếp trên blockchain của Ethereum như trước.
  • Chưa tính đến mức tối đa, mỗi block có thể chứa 384kb dữ liệu theo mức tiêu chuẩn, giới hạn này đã đủ để xử lý gặp 4-6 lần nhu cầu sử dụng dữ liệu trước đó trên Ethereum.

Đối với người dùng, EIP-4844 giúp giảm đáng kể chi phí giao dịch trên rollup, nhờ vào việc tối ưu hoá khả năng lưu trữ và xử lý dữ liệu thông qua giao dịch blob. 

Nhìn chung, mặc dù EIP-4844 chỉ mới được triển khai và chưa có số liệu cụ thể để đánh giá hiệu suất thực tế. Nhưng với những cải tiến này, Ethereum đã cho thấy nỗ lực của mình để gia tăng khả năng mở rộng cho mạng và cắt giảm chi phí giao dịch cho người dùng. Nhấn mạnh sự tập trung vào việc tối ưu hoá trải nghiệm người dùng, nhờ đó củng cố thêm vị thế của mình trong lĩnh vực crypto.