Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Tương lai quỹ dự trữ Bitcoin tại Mỹ đầy thách thức sau khi FED từ chối

Kỳ vọng về dự trữ Bitcoin vào năm 2025 được thông qua vẫn còn rất nan giải khi FED từ chối hỗ trợ chính phủ Mỹ. Giải pháp thay thay thế để lập quỹ dự trữ Bitcoin là gì?
Hunt
Published Dec 25 2024
Updated Dec 25 2024
6 min read
fed ngăn chặn lập dự trữ bitcoin

FED sẽ không tham gia lập dự trữ BTC

Vào ngày 19/12, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đã khẳng định rõ ràng trong buổi họp báo sau cuộc họp chính sách tiền tệ rằng FED không có ý định tham gia bất kỳ kế hoạch nào của chính phủ nhằm tích lũy Bitcoin.

tỷ lệ dự trữ bitcoin trên polymarket giảm
Tỷ lệ lập dự trữ Bitcoin trên Polymarket đã giảm mạnh sau buổi họp báo FED. Nguồn: Polymarket

Ông nhấn mạnh rằng các vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền của Quốc hội, và FED không có kế hoạch tìm cách thay đổi luật hiện hành để sở hữu BTC. Tuyên bố của Powell ngay lập tức làm giá Bitcoin giảm mạnh khỏi mức ATH 108,000 USD.

Theo nền tảng dự đoán Polymarket, xác suất hình thành "Dự trữ Chiến lược Bitcoin" (Bitcoin Strategic Reserve - BSR) đã giảm từ đỉnh 40% vào ngày 18 xuống còn 34% sau bài phát biểu của Powell. Tổng giá trị vốn hóa thị trường crypto cũng giảm mạnh khoảng 7.5% vào ngày 19/12.

biểu đồ btc usdt
Biểu đồ BTC/USDT trên sàn Binance khung 4H. Nguồn: Tradingview
advertising

FED có đủ quyền lực ngăn chặn Trump trong việc lập quỹ dự trữ Bitcoin?

Đầu tiên, cần làm rõ vai trò của FED trong hệ thống tài chính Mỹ. FED trực thuộc Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền cao nhất đối với tất cả các tổ chức quản lý tài chính, chịu trách nhiệm ban hành các quy định và chính sách tài chính thông qua luật pháp, đồng thời ủy quyền cho các tổ chức tài chính khác như SEC và FED thực hiện chức năng của mình.

Trong nền kinh tế Mỹ, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là hai công cụ chính để quản lý kinh tế, với FED và Bộ Tài chính lần lượt chịu trách nhiệm. Hai cơ quan này duy trì mối quan hệ kiểm soát và cân bằng, đồng thời hoạt động độc lập để đảm bảo sự vận hành trơn tru của nền kinh tế và hệ thống tài chính Mỹ.

Mặc dù FED có mức độ độc lập cao trong việc điều hành chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế quốc gia, nhưng tổ chức này không có quyền "phủ quyết" đối với quyết định thành lập BSR.

đề xuất lập dự trữ bitcoin
Đề xuất lập dự trữ Bitcoin của ông Trump. Nguồn: Trump Truth Social

Nếu chính quyền Trump muốn nhanh chóng triển khai dự trữ BTC, cách trực tiếp nhất là ký một sắc lệnh hành pháp sau khi nhậm chức, chỉ đạo Bộ Tài chính sử dụng Quỹ Bình ổn Ngoại hối (Exchange Stabilization Fund - ESF) để mua Bitcoin trực tiếp.

ESF là một quỹ đặc biệt do Bộ Tài chính quản lý, chủ yếu được sử dụng để can thiệp vào thị trường ngoại hối, hỗ trợ ổn định giá trị đồng USD và đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế. Quỹ này bao gồm các tài sản như USD, Quyền rút vốn đặc biệt (Special Drawing Rights - SDR) và Vàng.

Về mặt lý thuyết, Tổng thống có thể ra lệnh hành pháp yêu cầu Bộ Tài chính điều chỉnh cơ cấu phân bổ quỹ ESF để mua hoặc dự trữ các tài sản cụ thể, qua đó tránh được quy trình phê duyệt trực tiếp của Quốc hội và giảm thiểu sự phản đối về chính trị. Sắc lệnh hành pháp do Viện Chính sách Bitcoin (Bitcoin Policy Institute) soạn thảo gần đây nhằm mục đích triển khai dự trữ BTC theo cách này.

Để xây dựng và duy trì một dự trữ BTC ổn định lâu dài thì cần phải thông qua lập pháp tại Quốc hội, đưa Bitcoin vào “Đạo luật Dự trữ Chiến lược” hoặc các luật tương tự để công nhận Bitcoin là một tài sản dự trữ chiến lược quốc gia. Phương pháp này có tính hợp pháp cao hơn và tạo ra một khuôn khổ lâu dài cho việc dự trữ Bitcoin.

Dự luật “Đạo luật Dự trữ Chiến lược Bitcoin Mỹ” do Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis đề xuất đi theo con đường này. Qua đó được chính thức đệ trình lên Quốc hội và đang được Ủy ban Ngân hàng Thượng viện xem xét.

cynthia lummis
Cynthia Lummis là chính trị gia có quan điểm rất tích cực với crypto. Nguồn: The Independent

Để trở thành luật, dự luật cần được Thượng viện và Hạ viện thông qua, sau đó được Tổng thống phê duyệt. Do đó, việc thành lập một BSR thông qua con đường này sẽ mất nhiều thời gian và có thể gặp nhiều trở ngại trên đường đi.

Bất kể thông qua sắc lệnh hành pháp của Tổng thống hay lập pháp của Quốc hội, từ các đề xuất hiện tại, có vẻ như việc triển khai dự trữ BTC cuối cùng sẽ yêu cầu Bộ Tài chính dẫn dắt, thay vì FED.

Ngoài các lựa chọn trên, về mặt lý thuyết, FED và Bộ Tài chính cũng có thể chọn một con đường trung gian để phân bổ Bitcoin. FED có thể mua Bitcoin thông qua các hoạt động thị trường mở và đưa vào bảng cân đối kế toán. Với sự độc lập tương đối của mình, FED không cần Quốc hội phê duyệt nhưng cần có một khuôn khổ chính sách rõ ràng để hỗ trợ việc mua Bitcoin.

Tuy nhiên, với những tuyên bố gần đây của FED, khả năng phương pháp này được thực hiện trong ngắn hạn là rất thấp. Trong khi đó, Bộ Tài chính có thể thành lập một quỹ đặc biệt để đầu tư vào Bitcoin như một phần của kế hoạch đầu tư tài khóa. Dù vậy, hình thức tài trợ này vẫn cần sự phê duyệt từ Quốc hội.

nợ liên bang
Nếu dự trữ được thông qua, BTC cần phải tăng giá hàng trăm lần để có thể trả được nợ liên bang. Nguồn: River

Dù chọn con đường nào, câu trả lời “không” của FED không hoàn toàn bác bỏ đề xuất về dự trữ BTC. Sự thực dụng của chính quyền Trump lại cho thấy tín hiệu ủng hộ thông qua hành động.

Câu trả lời về quỹ dự trữ BTC sẽ được giải đáp khi ông Trump chính thức nhậm chức vào đầu tháng 1/2025.

Đọc thêm: Người dùng đổ xô rút tiền khỏi Hyperliquid vì lo ngại hacker

RELEVANT SERIES