Fluid đang lật đổ các đế chế DeFi như thế nào?
Xuất phát điểm của Fluid
Fluid vốn là một nhánh sản phẩm riêng của dự án Instadapp, Instadapp phát triển bộ công cụ DeFi toàn diện từ sàn giao dịch, lending, đến chiến lược yield cho người dùng… Trong đó Fluid là sản phẩm thành công nhất với ý tưởng độc đáo.
Ở giai đoạn ban đầu, thị trường vay của Instadapp nói chung và sản phẩm Fluid nói riêng khá giống với các dự án DeFi đã xuất hiện từ lâu như Aave hay Kamino. Tuy nhiên, sự khác biệt xuất hiện khi Instadapp đổi định hướng Fluid trở thành một dự án DEX kết hợp với lending.
Hiện tại các dự án DeFi hoạt động riêng lẻ, người dùng gửi tài sản lên Aave để nhận phí lãi vay và cung cấp thanh khoản trên các sàn DEX để nhận lãi phí giao dịch, tất cả đều hoạt động độc lập, điều này dẫn tới các vấn đề:
- Nguồn vốn không được sử dụng tối ưu.
- Thanh khoản phân mảnh.
Ý tưởng độc đáo của Fluid
Fluid thay đổi góc nhìn về việc các dự án DEX chỉ được dùng để trading, sử dụng thêm các chức năng của thị trường tiền tệ (money market) giúp tối ưu nguồn vốn.
Hai cơ chế chính tạo nên sự thanh đổi này là tài sản thế chấp thông minh (smart collateral) và nợ thông minh (smart debt).
Tài sản thế chấp thông minh
Người dùng có thể cung cấp các cặp thanh khoản (như ETH/wstETH hoặc ETH/WBTC) làm tài sản thế chấp. Đồng thời sử dụng token LP đó làm tài sản thế chấp để vay ra tài sản khác và vẫn kiếm phí giao dịch từ DEX.
Trên hầu hết các nền tảng lending chỉ cho phép người dùng nạp một loại tài sản như ETH để vay ra token khác (như wstETH), nhưng Fluid sẽ cho phép người dùng nạp cả ETH và wstETH qua cặp LP này trên Uniswap. Người dùng khi đó vừa nhận lãi cho vay vừa nhận phí giao dịch.
Nợ thông minh
Đây là tính năng đặc biệt nhất của Fluid có tác động trực tiếp với người đi vay (borrower). Không giống như DeFi truyền thống, người dùng vay trả nợ và lãi, Fluid thay đổi các vị thế nợ thành thanh khoản dành cho việc giao dịch (trading liquidity).
Người dùng không vay một tài sản đơn thuần mà vay trên một vị thế LP, khác với LP truyền thống, hệ thống sẽ tự động điều chỉnh các thành phần nợ của người đi vay. Cơ chế này được gọi là tự động cân bằng nợ.
Giả sử, người dùng A nạp wstETH và vay ra nợ 100 USDT và 100 USDC (hoặc 200 USDT, 200 USDC tùy nhu cầu sử dụng). Khi ai đó có nhu cầu swap 50 USDC sang USDT trong smart collateral pool USDC-USDT:
- Khi pool không còn USDC, Fluid sẽ sử dụng nợ USDC của người dùng A.
- Fluid sử dụng nợ bằng cách hoàn trả một phần khoản nợ USDC của A (50 USD trên nợ 100 USD), lấy số USDC đó thực hiện lệnh swap. Sau đó, chuyển khoản nợ mới của A sang USDT.
- Khi đó, khoản vay của A chuyển thành 150 USDT và 50 USDC.
- Bù lại A hưởng lợi từ phí giao dịch. Đồng thời giá trị khoản nợ giữ nguyên nhưng thành khoản vay thay đổi.
Tổng kết lại:
- Vị thế vay vẫn nhận được lãi suất từ phí giao dịch.
- Vị thế vay tạo ra càng nhiều phí giao dịch thì lãi vay càng thấp, thậm chí trong một số trường hợp người đi vay còn được nhận thêm tiền do lãi vay thấp hơn phí giao dịch.
- Người dùng có thể vay USDC nhưng lại nợ USDT.
Mở rộng và tối ưu nguồn vốn
Cả 2 vị thế Smart Collateral và Smart Debt đều có thể nhận được phí giao dịch và tạo ra khả năng tối ưu nguồn vốn rất lớn. Fluid có thể tạo ra 39 USD thanh khoản chỉ từ 1 USD giá trị TVL, khả thi nhờ thiết kế đặc biệt:
- Giá tài sản trên tổng nợ (LTV): 95% cao hơn nhiều so với các nền tảng khác chỉ khoảng ~80%.
- Cơ chế phạt thanh lý rẻ: Chỉ 1% so với 5% đến 10% ở nền tảng khác.
- Sử dụng cả tài sản thế chất và nợ làm nguồn thanh khoản.
- Quản lý rủi ro tự động bằng cách điều chỉnh vị thế dựa theo tình hình thị trường.
Quy trình tối ưu thanh khoản với 1 USD TVL diễn ra như sau:
- Nạp 1 USD vào pool USDT - USDC làm tài sản thế chấp.
- Vay ra 0.95 USDT/USDC.
- Tiếp tục nạp 0.95 USDT/USDC vào pool, vay ra 0.90 USDT/USDC.
- Tiếp tục nạp tạo vòng lặp.
- LTV 95% cho phép người dùng lặp lại hoạt động vay, tạo ra đòn bẩy 20x.
Sau khi kết thúc vòng lặp, người dùng có:
- 20 USDT-USDC Smart Collateral.
- 19 USDT-USDC Smart Debt.
- Đồng nghĩa 39 USD trong pool thanh khoản USDC-USDT.
Thị trường crypto với số lượng nguồn vốn vẫn còn hạn chế, việc tối ưu nguồn vốn sẽ đem lại trải nghiệm và lợi ích tốt hơn cho cả người dùng, dự án và toàn bộ thị trường.
Trong tài chính truyền thống, các tổ chức có giá trị nhất không phải là những tổ chức có nhiều tài sản nhất mà là những tổ chức sử dụng tài sản của mình hiệu quả nhất.
Thành quả tính tới hiện tại
Chỉ sau 9 tháng hoạt động, Fluid tạo ra thị trường với tổng giá trị khóa TVL hơn 1.38 tỷ USD, tạo ra tổng cộng hơn 4 tỷ USD khối lượng giao dịch. Điều này đưa Fluid trở thành dự án DEX có thị phần khối lượng giao dịch lớn thứ 3 trên Ethereum:
- Top 1: Uniswap với 53.7%
- Top 2: Curve với 26.6%
- Top 3: Fluid với 5.7%
Không chỉ giữ vững đà tăng trưởng ở giá trị khóa, Fluid còn tăng mạnh doanh thu từ phí giao dịch trong thời gian gần đây. Hiện tổng phí thu được đã đạt 21 triệu USD. Tháng 12 này dự án tạo ra 3.37 triệu USD doanh thu phí, cao gấp 3 lần tháng 10 với 1.19 triệu USD.
Fluid hiện là đối thủ nặng kí của các DEX khác, đặc biệt là trong các pool ổn định và liên quan tới ETH như wstETH-ETH, weETH-ETH, WBTC-cbBTC, USDC-USDT hay ETH-USDC.
Đặc biệt là pool weETH-ETH, Fluid đã chiếm tới 66.4% khối lượng giao dịch, vượt qua Curve Finance.
Có nên đầu tư Fluid?
Fluid đã thực sự phát triển hết cỡ? Còn có thể kỳ vọng về khả năng lật đổ các dự án DeFi vốn đã rất mạnh khác? Câu trả lời là có thể. Một số điểm có thể giúp Fluid tăng sự cạnh tranh với các dự án khác:
- Rebrand token gốc INST thành FLUID với tỷ lệ 1:1 (tức là không bị pha loãng giá trị).
- Triển khai chương trình mua lại khi doanh thu đạt 10 triệu USD hàng năm, có thể sử dụng tới 100% doanh thu.
- Hợp tác chiến lược với Lido.
- Đề xuất của Aave DAO nhằm mua lại 1% tổng nguồn cung INST ở định giá 350 triệu
- Mở rộng ra nhiều tài sản mới, tài sản phái sinh, RWA.
- Có thể tung ra các chương trình incentive để đạt quy mô thị trường 10 tỷ USD trong năm 2025.
- Phân bổ 12% FLUID cho niêm yết trên CEX, tạo lập thị trường và gây quỹ.
- Wintermute đã đề xuất khoản vay INST/FLUID trị giá 700,000 USD trong vòng 1 năm, nhằm cung cấp thanh khoản trên các nền tảng DeFi và CEX lớn. Đề xuất có đi kèm điều khoản cho phép quyền chọn mua lại token đã vay với giá 10 USD tại thời điểm trả nợ.
Không giống với các dự án DeFi khác, cần mở rộng nhờ các chương trình incentive, Fluid tạo ra một vòng quay phát triển bền vững:
- Sự tối ưu vốn giúp cho người đi vay giảm bớt lãi vay.
- Chi phí rẻ hơn thu hút nhiều giá trị khóa hơn, nhiều thanh khoản DEX hơn.
- Thanh khoản cao hơn thu hút nhiều phí giao dịch hơn.
- Phí cao hơn đồng nghĩa yield cao hơn, cũng giúp chi phí vay giảm.
Fluid là một trong những ý tưởng đáng chú ý nhất trong mảng DeFi hiện tại, mới đây dự án đã được listing trên Bybit, cũng không loại trừ khả năng trong tương lai sẽ là những sàn giao dịch khác như Binance, Coinbase…
Đọc thêm: Tìm kiếm cơ hội trên hệ sinh thái mới nổi HyperLiquid