Có nên gửi tiền vào Market Maker Vault trên sàn phái sinh?
Cơ chế của Market Maker Vault và điều kiện sinh lời lý tưởng
Hiện tại, các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) phái sinh có hai cơ chế thiết kế market maker vault:
- Thu lời dựa trên phí giao dịch và tổng lỗ của các trader sử dụng thanh khoản từ vault đó (ví dụ điển hình là GMX và Jupiter Perpetual).
- Cơ chế còn lại tương tự như cách market maker truyền thống hoạt động là liên tục đặt lệnh mua/bán với tần suất cao, nhưng thay vì huy động tiền từ các nhà đầu tư lớn, các vault này huy động tiền từ nhiều nhà đầu tư nhỏ thông qua hợp đồng thông minh (ví dụ như vault trên HyperLiquid, Circuit hay dYdX).
Đối với loại thứ nhất, vault sẽ sinh lời khi:
- Khối lượng giao dịch lớn so với TVL (thanh khoản được sử dụng tối ưu như AMM thông thường).
- Tổng PnL của trader là âm.
Tuy nhiên, đối với các vault như GMX hay Jupiter Perpetual, các tài sản trong đó là token kèm stablecoin, nên mức độ sinh lời đôi khi còn phụ thuộc vào sự tăng giá của tài sản trong vault.
Do vậy, một loại vault tiếp theo được ra đời để giảm thiểu rủi ro ở trên với cơ chế:
- Chuyển tiền của người dùng vào vault market maker của GMX hay Jupiter.
- Đồng thời short các tài sản với tỷ lệ tương ứng trong vault.
Cơ chế này sẽ giảm được rủi ro giảm giá của token đồng thời nhận được funding rate (trong trường hợp funding rate dương) và ngược lại.
Trong điều kiện thông thường, các vault này hoàn toàn có thể đạt được mức lợi nhuận ổn (khoảng 30% - 60%) với rủi ro thấp. Vì khi có lượng TVL đủ lớn, thanh khoản được sử dụng hiệu quả, rủi ro tổng PnL của trader áp đảo phí giao dịch là thấp.
Đối với loại thứ hai, các vault áp dụng cơ chế market maker truyền thống và thu lợi nhuận trên sự chênh lệnh rất nhỏ giữa giá bid/ask, việc thiết kế và vận hành sẽ phức tạp hơn (đòi hỏi có thuật toán để vận hành và hệ thống blockchain riêng cho sàn để bảo đảm yêu cầu tốc độ).
Tuy nhiên, mức độ ổn định về lợi nhuận kỳ vọng sẽ cao hơn, vì không có các rủi ro về giảm giá tài sản và funding rate, chỉ còn rủi ro về khối lượng giao dịch thấp so với TVL.
Hiện tại, các sàn như HyperLiquid, dYdX, Drift (thông qua Circuit) đang cung cấp các vault này.
Nên chọn gửi tiền vào loại vault nào?
Trong xu hướng tăng trưởng mạnh của thị trường crypto, vault với chiến lược kết hợp giữa loại một ở trên và short tài sản sẽ có xu hướng sinh lời tốt hơn (trong điều kiện mức độ sử dụng vốn như nhau).
Lý do nằm ở hiện tượng funding rate thường có xu hướng tăng cao ở nhiều token trong bối cảnh trader liên tục mua vào token.
Trường hợp ngược lại, khi thị trường đi ngang hoặc có xu hướng giảm, các vault với cơ chế MM truyền thống nhiều khả năng sẽ có mức sinh lời tốt hơn (trong trường hợp khối lượng giao dịch so với TVL vẫn duy trì ổn định).
Tuy nhiên, khi lựa chọn vault, nhà đầu tư sẽ cần phải xác định được chính xác xu hướng tương lai trong khoảng vài tháng đến một năm sắp tới mới có thể tối ưu được lợi nhuận.
Ngoài ra, trong trường hợp nhà đầu tư muốn kiếm lời dựa trên việc thị trường biến động mạnh gây hệ quả tình trạng thanh lý hàng loạt diễn ra, các vault như HLP của HyperLiquid hay Liquidator vault của Paradex sẽ là lựa chọn lý tưởng.
Bên cạnh đó, một số vault sẽ có mức phí quản lý (ví dụ là 20% mức lợi nhuận nhà đầu tư thu được), mức phí này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận tuyệt đối nhận về. Vì vậy, đây cũng là điểm cần lưu ý khi lựa chọn sản phẩm đầu tư.
Đọc thêm: Cơ hội đầu tư mảng Liquid Staking Token (LST) trên Starknet