Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Từ Pizza đến Vàng kỹ thuật số: Bitcoin và chặng đường 100,000 USD

Trải qua 15 năm tồn tại, Bitcoin từ một tài sản kỹ thuật số nhỏ đã trở thành một đế chế hàng nghìn tỷ USD. Vậy quá trình đó diễn ra như thế nào?
Hunt
Published Dec 05 2024
Updated Dec 06 2024
14 min read
btc 100k

Bitcoin đạt mốc 100,000 USD

Kể từ lần đầu xuất hiện trên BitcoinMarket.com vào năm 2010, Bitcoin (BTC) đã trải qua một hành trình hơn một thập kỷ đầy biến động để vươn tới cột mốc lịch sử 100,000 USD.

Cột mốc này không chỉ đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Bitcoin mà còn khẳng định vị thế của nó như một tài sản tài chính hàng đầu, vượt xa khởi điểm chỉ là một thí nghiệm công nghệ.

Trên hành trình đó, Bitcoin đã chứng kiến những đợt tăng trưởng bùng nổ, xen lẫn với các giai đoạn suy thoái sâu, khi giá trị có lúc sụt giảm đến 80% từ đỉnh. Dẫu vậy, sau mỗi chu kỳ điều chỉnh, Bitcoin bước vào giai đoạn tích lũy và hồi phục trước khi lập nên những đỉnh cao mới, phản ánh sự linh hoạt và sức hút mạnh mẽ của thị trường tiền mã hóa.

btc điều chỉnh
Các lần điều chỉnh của BTC trong quá khứ. Nguồn: Coinmarketcap
advertising

2009 - 2012: Sự khởi đầu khiêm tốn

Bitcoin (BTC) được giới thiệu vào ngày 3/1/2009 khi Satoshi Nakamoto tạo ra Genesis Block, đánh dấu sự ra đời của một hệ thống tiền tệ phi tập trung hoàn toàn mới. Ban đầu, Bitcoin chỉ là một thử nghiệm giới hạn trong cộng đồng nhỏ của những người đam mê mật mã và công nghệ.

pizza btc
Giao dịch mua Pizza bằng BTC đầu tiên trên thế giới. Nguồn: Businesstoday

Năm 2010, Bitcoin ghi nhận cột mốc quan trọng với giao dịch thực tế đầu tiên: 10,000 BTC được sử dụng để mua hai chiếc pizza. Sự kiện này, được biết đến với tên gọi "Bitcoin Pizza Day", đã khởi đầu cho việc sử dụng BTC trong giao dịch hàng hóa và dịch vụ thực tế.

sàn bitcoin đầu tiên
Bitcoinmarket.com là sàn giao dịch BTC đầu tiên trên thế giới. Nguồn: web.archive

Đến năm 2011, Bitcoin đạt mức giá 1 USD, đây được xem là bước chuyển mình từ một ý tưởng thử nghiệm sang một tài sản có giá trị thực tế. Trong năm đó, giá BTC tiếp tục tăng nhanh lên gần 30 USD vào tháng 6, nhưng cũng trải qua một đợt điều chỉnh sâu, giảm xuống chỉ còn 2 USD vào cuối năm.

Năm 2012, Bitcoin bước vào giai đoạn ổn định hơn. Sự kiện halving đầu tiên diễn ra vào tháng 11, giảm phần thưởng khối từ 50 BTC xuống còn 25 BTC, đã tác động tích cực đến nguồn cung và giá trị của BTC. Kết thúc năm, giá Bitcoin ổn định ở mức 13.50 USD, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp theo.

lịch sử bitcoin halving
Lịch sử các lần Bitcoin Halving. Nguồn: swyftx

2013 - 2017: Bitcoin tiếp cận công chúng

Năm 2013 đánh dấu một bước tiến lớn của Bitcoin khi lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 USD vào tháng 4 và tăng mạnh lên 1,200 USD vào tháng 11. Cột mốc này không chỉ thể hiện sự tăng trưởng vượt bậc mà còn thu hút sự chú ý rộng rãi từ công chúng và các nhà đầu tư trên toàn thế giới, đưa Bitcoin vào tâm điểm của thị trường tài chính.

Tuy nhiên, đầu năm 2014, sự kiện Mt. Gox, sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thời điểm đó, tuyên bố phá sản sau vụ mất cắp hơn 744,000 BTC, đã gây chấn động thị trường. Sự kiện này dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng của Bitcoin, kéo giá xuống còn 111 USD vào tháng 2/2014, làm dấy lên những nghi ngờ về tính an toàn và bền vững của tiền mã hóa.

tâm thư mt gox
Tâm thư sàn Mt.gox gửi cho người dùng vào thời điểm bị hack. Nguồn: Mt.gox

Từ năm 2015, Bitcoin bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định và bền vững hơn. Sự kiện halving thứ hai vào năm 2016, giảm phần thưởng khối từ 25 BTC xuống còn 12.5 BTC, đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế nguồn cung, tạo động lực cho sự tăng giá mạnh mẽ vào năm tiếp theo.

Năm 2017, Bitcoin trải qua một đợt tăng trưởng bùng nổ, khi giá tăng từ 1,000 USD đầu năm lên gần 20,000 USD vào tháng 12. Sự ra mắt hợp đồng tương lai Bitcoin trên sàn giao dịch Chicago Board Options Exchange (CBOE) đánh dấu cột mốc quan trọng, lần đầu tiên đưa Bitcoin vào hệ thống tài chính chính thống, củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào tiềm năng của đồng tiền mã hóa này.

2018 - 2020: Bitcoin phục hồi sau đợt điều chỉnh mạnh

Sau khi đạt mức đỉnh gần 20,000 USD vào cuối năm 2017, Bitcoin bước vào một đợt điều chỉnh sâu, giảm xuống dưới 4,000 USD vào cuối năm 2018, mất hơn 80% giá trị. Đây là một trong những chu kỳ giảm giá lớn nhất trong lịch sử Bitcoin, khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi về tính bền vững của thị trường tiền mã hóa.

Trong giai đoạn này, xu hướng ICO (Initial Coin Offering) bùng nổ, thu hút dòng vốn lớn vào các dự án blockchain. Mặc dù nhiều dự án thất bại, một số cái tên khởi nguồn từ thời kỳ này vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ, như Chainlink, Filecoin... đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái blockchain ngày nay.

xu hướng ico
Xu hướng ICO nở rộ vào 2018. Nguồn: Elementus

Năm 2019 đánh dấu sự phục hồi khi Bitcoin tăng lên mức 13,000 USD vào tháng 6, trước khi giảm về dưới 10,000 USD vào cuối năm. Dù không đạt được mức cao trước đó, đây là tín hiệu cho thấy Bitcoin đang dần lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư.

Đến năm 2020, Bitcoin đã bùng nổ trở lại, phần lớn nhờ tác động từ đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu đối với các tài sản phi tập trung tăng mạnh.

Trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu, giá Bitcoin vượt mức 20,000 USD vào tháng 11 và tiếp tục tăng lên gần 29,000 USD vào cuối năm. Sự gia nhập của các tổ chức lớn như MicroStrategy, Tesla đã thúc đẩy dòng vốn đổ vào Bitcoin, củng cố vị thế của BTC như một tài sản lưu trữ giá trị mới thay thế Vàng.

2021 - 2023: Mùa đông Crypto và sự trưởng thành của Bitcoin

Giai đoạn từ tháng 1/2021 đến tháng 12/2023 là một thời kỳ đầy biến động nhưng cũng chứng kiến sự trưởng thành đáng kể của Bitcoin, cả về giá trị lẫn vị thế trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Thời kỳ này chịu tác động sâu sắc từ nhiều yếu tố, bao gồm đại dịch COVID-19, chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương, và sự tham gia mạnh mẽ của các tổ chức tài chính lớn.

Bên cạnh đó, những đợt điều chỉnh mạnh mẽ điển hình của thị trường crypto cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tái định hình niềm tin của nhà đầu tư và củng cố vị thế của Bitcoin như một tài sản lâu dài.

mối quan hệ giữa btc và covid
Mối quan hệ giữa giá Bitcoin và số ca nhiễm(a), giá Bitcoin và số ca tử vong(b) do COVID-19. Nguồn: ResearchGate

2021: Cú lao dốc từ đỉnh 69,000 USD của BTC

Năm 2021 khởi đầu với đợt tăng giá mạnh, khi Bitcoin đạt đỉnh mới 64,000 USD vào tháng 3 và tiếp tục tăng lên 69,000 USD vào tháng 11.

Đợt tăng trưởng này được thúc đẩy bởi các gói kích thích kinh tế quy mô lớn từ các chính phủ, đặc biệt là Mỹ, nhằm đối phó với tác động kinh tế của đại dịch COVID-19. Lo ngại về lạm phát do việc in tiền hàng loạt khiến nhiều nhà đầu tư, bao gồm Tesla, MicroStrategy và Square, chuyển sang Bitcoin như một tài sản lưu trữ giá trị.

Tuy nhiên, vào tháng 5/2021, thị trường trải qua một đợt điều chỉnh mạnh khi Trung Quốc siết chặt quy định, bao gồm lệnh cấm khai thác và giao dịch tiền mã hóa.

Điều này khiến Bitcoin giảm hơn 50% giá trị, xuống còn khoảng 28,000 USD. Dù sau đó Bitcoin phục hồi và đạt đỉnh mới, xu hướng tăng không được duy trì, đánh dấu sự bắt đầu của mùa đông crypto.

những công ty tư nhân hold bitcoin
Những công ty tư nhân sở hữu nhiều BTC nhất vào năm 2023. Nguồn: Coingecko

2022: Thách thức kinh tế & niềm tin lung lay

Đầu năm 2022, Bitcoin tiếp tục chịu áp lực lớn từ các yếu tố kinh tế vĩ mô. FED bắt đầu tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, làm giảm tính thanh khoản trên thị trường tài chính và ảnh hưởng tiêu cực đến các tài sản rủi ro như crypto.

Cuối năm 2022, thị trường hứng chịu hàng loạt cú sốc từ sự sụp đổ của các công ty lớn như Terra, FTX và Celsius, khiến giá Bitcoin giảm mạnh xuống dưới 20,000 USD. Chu kỳ giảm giá này khiến Bitcoin mất tới 75% giá trị so với mức đỉnh, tạo ra một trong những giai đoạn bear market nghiêm trọng nhất.

sụp đổ dây chuyền
Cú sụp đổ dây chuyền của hàng loạt dự án crypto trong năm 2022. Nguồn: fintechnews.org

Mặc dù vậy, các sự kiện này cũng thúc đẩy nhu cầu về quy định rõ ràng hơn trong ngành, với các cơ quan quản lý tại Mỹ và châu Âu bắt đầu xây dựng khung pháp lý minh bạch hơn cho Bitcoin và thị trường tiền mã hóa.

2023: Dấu hiệu phục hồi và chấp nhật quy mô lớn

COVID-19 tiếp tục có ảnh hưởng gián tiếp lên Bitcoin trong suốt giai đoạn này. Đại dịch đã thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về tài sản kỹ thuật số, khi ngày càng nhiều người sử dụng Bitcoin như một phương tiện phòng ngừa rủi ro tài chính.

Đồng thời, sự kiện này cũng thúc đẩy sự phát triển của cơ sở hạ tầng crypto, từ các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) đến các giải pháp lưu ký an toàn hơn. Nhiều yếu tố kết hợp lại đã giúp Bitcoin củng cố vị thế như một dạng tài sản an toàn (safe haven) và là "Vàng kỹ thuật số" trong mắt nhiều nhà đầu tư.

Dù vậy, Bitcoin đã phục hồi ấn tượng từ giữa năm 2023, khi các tổ chức lớn như BlackRock và Fidelity nộp hồ sơ mở quỹ Bitcoin ETF giao ngay, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc chấp nhận crypto ở quy mô tổ chức.

Kết thúc năm 2023, Bitcoin không chỉ được biết đến như một công cụ đầu cơ mà còn trở thành một phần không thể thiếu trong danh mục đầu tư của các tổ chức lớn. Mặc dù vẫn còn nhiều biến động, Bitcoin đã chứng minh khả năng tồn tại lâu dài của mình, khẳng định vai trò quan trọng trong hệ sinh thái tài chính toàn cầu.

2024: Bitcoin tăng trưởng mạnh & cột mốc đột phá 100,000 USD

Bước ngoặt đầu năm: Phê duyệt Bitcoin ETF giao ngay

Trong suốt 2024, Bitcoin đã trải qua một đợt tăng trưởng mạnh với nhiều sự kiện mang tính thúc đẩy. Khởi đầu từ sự kiện Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) chính thức phê duyệt và ra mắt các quỹ Bitcoin ETF giao ngay vào tháng 1/2024.

Động thái này đã mở đường cho dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư tổ chức đổ vào crypto, tăng cường tính thanh khoản và củng cố niềm tin với Bitcoin.

Đến tháng 3, giá Bitcoin vượt ngưỡng 73,000 USD, minh chứng cho sự gia tăng nhu cầu từ cả tổ chức tài chính và nhà đầu tư cá nhân.

khối lượng giao dịch btc etf
Khối lượng giao dịch BTC ETF spot vào ngày đầu tiên được mở giao dịch. Nguồn: Grayscale

Donald Trump: Từ chỉ trích đến ủng hộ mạnh mẽ

Trong quá khứ, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng chỉ trích crypto nặng nề, cho rằng chúng không phải là tiền tệ và giá trị dựa trên "không khí mỏng". Ông cũng bày tỏ lo ngại về việc crypto có thể được sử dụng cho các hoạt động phi pháp.

Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ông Trump đã thay đổi hoàn toàn quan điểm và thể hiện sự ủng hộ to lớn đối với crypto.

Tại Hội nghị Bitcoin 2024 ở Nashville, ông cam kết biến Mỹ thành "cường quốc Bitcoin" và hứa sẽ chấm dứt các hành động chống lại crypto của chính quyền tiền nhiệm. Ông cũng đề xuất thành lập một hội đồng cố vấn tổng thống về Bitcoin và crypto để cung cấp hướng dẫn quy định rõ ràng cho lĩnh vực này.

trump đắc cử
Trump đắc cử Tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11. Nguồn: KKCO

Đầu tháng 11/2024, thông tin về việc Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ đã tạo ra một cú hích mạnh mẽ cho thị trường. Trong vòng chưa đầy ba tuần, giá Bitcoin tăng từ 69,000 USD lên 96,000 USD, phản ánh sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào các chính sách kinh tế và tài chính dưới thời chính quyền mới.

MicroStrategy: Cam kết kế hoạch dài hạn với Bitcoin

Tính đến tháng 12/2024, MicroStrategy sở hữu 402,100 BTC (tương đương 1.91% tổng cung), với tổng chi phí đầu tư khoảng 23.4 tỷ USD và giá mua trung bình 58,263 USD/BTC. Với giá Bitcoin đạt 100,000 USD, giá trị số Bitcoin này tăng lên 40.2 tỷ USD, mang lại lợi nhuận chưa thực hiện gần 16.8 tỷ USD (tương đương 70%).

Hành động cam kết dài hạn của MicroStrategy không chỉ mang lại lợi nhuận lớn mà còn đóng góp vào sự ổn định và phát triển của thị trường crypto trong giai đoạn này.

Sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024 đã củng cố vai trò của Bitcoin như một tài sản toàn cầu và công cụ lưu trữ giá trị hàng đầu. Câu hỏi đặt ra là: Liệu kỳ vọng tiếp theo về Bitcoin là gì?

Những yếu tố như khả năng mở rộng chấp nhận, áp dụng công nghệ và chính sách thân thiện có thể sẽ tiếp tục đưa Bitcoin đến những cột mốc mới trong tương lai.

RELEVANT SERIES