Tin tức vĩ mô: Lạm phát Mỹ trở lại, thị trường cổ phiếu và cơn sốt AI
Trong tuần vừa qua, tình hình kinh tế tài chính vĩ mô có những điểm gì nổi bật? Cùng MarginATM tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Chỉ số CPI cao hơn dự báo tại Mỹ
Chỉ số CPI tháng 1/2024 được công bố ở mốc 3.1% cao hơn con số dự báo 2.9%. Trong tháng trước đó, chỉ số CPI tại Mỹ cũng ghi nhận mức tăng 3.4% (cao hơn mức dự báo tại 3.2%).
Trong phiên giao dịch ngày 13/02/2024, thị trường cổ phiếu Mỹ ghi nhận sự sụt giảm trước thông tin kể trên. Chỉ số S&P500 mất mốc 5,000 tuy nhiên lại cho thấy dấu hiệu hồi phục trong các phiên giao dịch sau đó.
Trên thị trường hợp đồng tương lai, các nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng lãi suất sẽ thấp hơn mức lãi suất trung vị (median) từ cuộc bỏ phiếu của các thành viên FED.
Mức chênh lệch kỳ vọng này tương ứng với khoảng 0.25% - 0.5%. Tuy nhiên với diễn biến của chỉ số S&P500 kể trên thì có vẻ như các nhà đầu tư đang dần không quan tâm nhiều tới vấn đề lạm phát và lãi suất nữa.
Bên cạnh đó, các chủ đề lớn ảnh hưởng tới doanh nghiệp trong năm 2024 có thể là rủi ro bầu cử và địa chính trị.
Tuy cổ phiếu đang tiếp tục hướng tới các vùng cao mới, nhưng các lãnh đạo doanh nghiệp đang tỏ ra thận trọng hơn (theo Bloomberg).
Các doanh nghiệp đang kỳ vọng lợi nhuận thấp hơn dự báo từ các phân tích viên. Nguồn: Bloomberg.
Theo đó, chỉ 21% doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận vượt mốc bình quân dự báo từ các công ty phân tích. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 03/2020.
AI vẫn đang là chủ đề được bàn luận nhiều
AI tiếp tục là chủ đề nóng của thị trường chứng khoán. Trong báo cáo của khoảng 360 công ty trong S&P500 (đại diện cho khoảng 80% giá trị chỉ số), sự xuất hiện của từ khoá AI đã tăng 36% (từ 31% trong quý trước đó).
Các công ty sản xuất chip bán dẫn tiếp tục là điểm sáng của thị trường trong trào lưu này. Bên cạnh đó, các công ty công nghệ cũng được hưởng lợi theo.
Tuy nhiên, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của khối công nghệ (đại diện bởi 7 cổ phiếu Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft, NVIDIA và Tesla) được dự báo giảm dần từ Q2 năm 2024.
Do các cổ phiếu này đóng vai trò rất lớn trong trọng số của thị trường cổ phiếu, do đó có thể trong thời gian tới, tốc độ tăng trưởng của S&P500 sẽ giảm dần.
Rủi ro địa chính trị
Rủi ro địa chính trị vẫn tiếp tục diễn biến khó lường. Theo tổng hợp từ Bloomberg, các nhà đầu tư và doanh nghiệp đang lo lắng về các hoạt động trên biển Đỏ và Trung Đông dẫn tới gia tăng chi phí logistics cùng các chi phí khác.
Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của các công ty đa quốc gia. Đặc biệt là những công ty sản xuất.
Theo Rajeev De Mello (Bloomberg), quản lý danh mục đầu tư toàn cầu tại GAMA, rủi ro địa chính trị là yếu tố có tác động lớn nhất tới thị trường trong ngắn hạn.