Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Những lời cuối của Sam trước ngày hầu tòa

Trước khi bị chính quyền Bahamas bắt giữ ngày 12/12, Sam Bankman-Fried đã tiết lộ nhiều chi tiết bất ngờ xoay quanh sự sụp đổ của FTX.
quynhnguyen
Published Dec 13 2022
Updated Dec 18 2022
4 min read
thumbnail

Trước khi bị chính quyền Bahamas bắt giữ ngày 12/12, Sam Bankman-Fried đã tiết lộ nhiều chi tiết bất ngờ xoay quanh sự sụp đổ của FTX.  

Chỉ vài giờ trước khi bị cảnh sát Bahamas bắt giữ, Sam Bankman-Fried lên tiếng phủ nhận liên quan đến nhóm trò chuyện bí mật Wirefraud trên Twitter. Nhóm chat này dính líu đến các cựu Giám đốc Điều hành của FTX và Alameda Research. 

Phản hồi bài báo (tại đây) của Tạp chí Tài chính Úc (AFR), Bankman-Fried phủ nhận việc tham gia vào nhóm chat bí mật Wirefraud trên ứng dụng nhắn tin Signal. Theo AFR, nhóm chat này bao gồm các thành viên chủ chốt của FTX và Alameda như đồng sáng lập FTX Zixiao Gary Wang, nhà phát triển Nishad Singh và cựu Giám đốc Điều hành Alameda, Caroline Ellison. 

Đáng chú ý, những thông tin tiết lộ trong cuộc trò chuyện giữa các nhân vật này liên quan đến vụ sụp đổ của FTX. 

Tuy nhiên, cựu CEO FTX đã nhanh chóng lên tiếng phản pháo trước tin đồn thất thiệt từ AFR. Sam khẳng định rằng anh không phải là thành viên của nhóm chat và chưa bao giờ nghe đến cái tên Wirefraud. 

Ngoài ra, trong cuộc phỏng vấn với Steven Ehrlich, Giám đốc Nghiên cứu của Forbes Digital Asset, Sam Bankman-Fried cho rằng người khơi mào mọi chuyện dẫn đến sự sụp đổ của FTX là CZ, cha đẻ của Binance.

“Tôi nghĩ CZ đã làm tốt hơn những gì ông ta dự tính. Tôi đoán rằng CZ chưa từng tưởng tượng đến bối cảnh hiện tại. Ông ta có thể có ý xấu, nhưng có lẽ không nghĩ đến tác động nghiêm trọng như vậy,”

Cuộc khủng hoảng ập đến với FTX từ động thái rao bán token FTT của CZ ngày 6/11. Tuyên bố của CEO Binance nhanh chóng đẩy FTT lâm vào cơn bão thanh khoản và bốc hơi gần như toàn bộ giá trị vào thời điểm đó. 

Điều đó đã đẩy sức khỏe tài chính của FTX ngày càng lâm nguy. Không lâu sau đó, FTX nộp đơn phá sản theo Chương 11, Sam Bankman-Fried cũng tuyên bố từ chức CEO. Sam chia sẻ rằng anh đã đối mặt với áp lực phải từ chức từ các luật sư. Tuy nhiên, anh không tiết lộ cụ thể danh tính của bất kỳ người nào trong số họ. 

Đồng thời, cựu tỷ phú crypto cũng bày tỏ sự hối hận vì đã vội vàng từ chức và nộp đơn xin bảo hộ phá sản cho FTX. Trong các cuộc phỏng vấn trước đó, Bankman-Fried thừa nhận rằng sàn giao dịch đã sử dụng tiền của người dùng sai mục đích. Đây cũng là nguồn cơn dẫn đến cuộc khủng hoảng thanh khoản của FTX, khiến sàn phải dừng hoạt động rút tiền.

Ngày 12/12, nhà sáng lập FTX cho biết sẽ tham gia phiên điều trần của Hạ viện qua hình thức trực tuyến do lịch trình bận rộn và không thể đến Washington DC kịp thời. Tuy nhiên, mọi chuyện đã diễn biến theo chiều hướng khác vào hôm nay (13/12).

sam bankman-fried
Cựu CEO FTX bị chính quyền Bahamas bắt giữ.

Như MarginATM đưa tin (tại đây), chính quyền Bahamas đã bắt giữ Bankman-Fried và cam kết dẫn độ Bankman-Fried về Mỹ ngay khi có yêu cầu chính thức.Việc cựu CEO FTX tiếp tục tham gia điều trần trước cơ quan lập pháp có lẽ là điều không thể. 

Bên cạnh đó, theo CNBC, Sam Bankman-Fried có thể lãnh mức án cao nhất là chung thân nếu bị kết đủ tội danh. Mặt khác, Bộ Tư pháp đã nộp đơn tố cáo hình sự đối với Bankman-Fried. Tờ New York Times cho biết công tố viên tòa án liên bang New York đã cáo buộc Bankman-Fried tội gian lận ngân hàng, gian lận chứng khoán, âm mưu lừa đảo chứng khoán và rửa tiền.

Đọc thêm: Sam Bankman-Fried có thể bị kết án chung thân.

RELEVANT SERIES