Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Margin là gì? Hiểu đúng về giao dịch ký quỹ trong Crypto

Margin là gì? Ưu nhược điểm của Margin như thế nào? Khi nào thì nên sử dụng Margin? Xem tất tần tật thông tin về giao dịch ký quỹ Margin tại đây.
Avatar
Sammie
Published Aug 31 2021
Updated Jul 20 2022
13 min read
thumbnail

Xin chào bạn đọc! Để tiếp tục với những bài học tập của đội ngũ MarginATM, hôm nay chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu về một trong những phương pháp giao dịch hấp dẫn nhất trong thị trường tài chính nói chung và tiền điện tử nói riêng, đó chính là Margin. 

Vậy Margin là gì? Các ưu và nhược điểm của Margin và những lưu ý gì cần nắm khi bắt đầu với con đường Margin là gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết nhé!

Margin là gì?

Margin là một hình thức giao dịch có ký quỹ, hay còn gọi là giao dịch có sử dụng đòn bẩy tài chính, giúp nhà giao dịch mở rộng khối lượng giao dịch cho các hoạt động đầu tư diễn ra trên thị trường tài chính.

Đối với thị trường chứng khoán thì có thể gọi Margin là việc bạn vay thêm tiền từ sàn để nâng mức giao dịch lên và thế chấp mức giao dịch bằng chính lượng cổ phiếu mà bạn mua. Còn đối với thị trường crypto, Margin là việc bạn vay thêm tiền từ sàn để nâng mức giao dịch và thế chấp bằng chính token bạn mua.

Mình sẽ lấy một ví dụ về Margin cho dễ hiểu như sau: Hiện tại bạn có 1 tỷ đồng, bạn đi vay ngân hàng thêm 1 tỷ nữa để mua căn nhà trị giá 2 tỷ. Lúc đó là bạn đã sử dụng đòn bẩy tài chính để nâng khả năng mua nhà lên 2 tỷ. 

Sau một thời gian giá trị căn nhà tăng lên 4 tỷ, bạn bán căn nhà đó đi, trả nợ ngân hàng 1 tỷ tiền vốn, số tiền còn lại của bạn sẽ là 3 tỷ, trong đó 1 tỷ vốn gốc và 2 tỷ tiền lời.

Như vậy nhờ việc sử dụng đòn bẩy mà bạn đã mua được căn nhà với giá trị gấp đôi vốn gốc. Đó là một hình thức giao dịch Margin hiệu quả.

Margin là một hình thức giao dịch có ký quỹ

Vai trò của Margin

Margin có ý nghĩa nhất định đối với cả trader và sàn giao dịch. 

Đối với các trader: 

Margin cho phép họ vay thêm một khoản tiền từ sàn giao dịch để gia tăng vốn của mình. Điều này đặc biệt hữu ích với các trader có số vốn nhỏ nhưng muốn tối ưu hóa lợi nhuận. 

Đầu tư margin có thể thu về lợi nhuận rất cao trong trường hợp trader dự đoán chính xác xu hướng thị trường. Chắc chắn nó cao hơn mức lãi suất và phí sàn mà trader phải trả cho khoản vay ký quỹ của mình.

Đối với các sàn giao dịch 

Margin không chỉ giúp họ thu hút thêm một lượng trader quan tâm sử dụng sàn mà còn mang về lợi nhuận từ lãi suất cho vay ký quỹ. Bạn hãy thử tưởng tượng, dùng margin vay tài sản cũng tương tự như việc bạn đi vay tiền mặt. Khoản vay cần có thế chấp đi kèm và lãi suất định kỳ bạn phải trả. Dù khoản vay của bạn lãi hay lỗ, sàn sẽ vẫn nhận về lại số tiền gốc ban đầu của mình kèm thêm lãi suất vay và các loại thuế, phí khác liên quan đến lệnh margin bạn mở.

Ưu - Nhược điểm của Margin

Ưu điểm

  • Giao dịch với số vốn hạn chế và cơ hội lợi nhuận cao: Những trader với số vốn hạn chế có cơ hội kiếm lợi nhuận giống như những trader có vốn lớn. Bên cạnh đó, nếu vị thế đóng thành công, trader sẽ có cơ hội kiếm được mức lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với bình thường. 
    Ví dụ: Một trader với số vốn $1,000 có thể mở vị thế $100,000 với đòn bẩy 100x. Nếu thị trường biến động tích cực chỉ 5% thì tài khoản đó sẽ lãi $5,000. Nếu tài khoản giao dịch $1,000 không sử dụng đòn bẩy, nó sẽ chỉ kiếm được $50.
  • Kiếm lợi nhuận ngay cả khi thị trường downtrend: Giao dịch margin cũng cho phép các trader tạo ra lợi nhuận khi thị trường có xu hướng giảm bằng cách mở các vị thế short. 
    Ví dụ: Một trader mong đợi một đợt giảm giá lớn có thể cam kết một phần danh mục đầu tư của họ vào một vị thế short để thu được lợi nhuận bù đắp cho khoản lỗ tiềm năng phát sinh do một đợt giảm giá mang lại.

Nhược điểm

  • Rủi ro từ biến động giá tiền điện tử: Tiền điện tử có biên độ biến động giá khá lớn và khó lường. Trường hợp giá coin tăng trader sẽ có nhiều lợi nhuận, nhưng nếu giá đi theo chiều ngược lại, trader sẽ thua lỗ nhiều hơn so với không sử dụng margin.
  • Rủi ro từ chính các nhà đầu tư: Kỹ năng phân tích thị trường, dự đoán xu hướng giá tiền điện tử không chính xác, đồng thời trader sử dụng đòn bẩy có tỷ lệ cao. Khi diễn biến thị trường đi ngược lại với dự đoán, việc thua lỗ sẽ càng nặng nề hơn.
  • Rủi ro bị thanh lý vị thế: Khi thị trường đi ngược lại dự đoán của bạn mà số dư trong tài khoản ký quỹ không đủ duy trì vị thế, lệnh của bạn có thể bị buộc thanh lý và bạn sẽ mất khoản tiền ký quỹ ban đầu của mình. Chưa kể đến các khoản phí có thể phát sinh khi thực hiện lệnh margin khiến bạn có thể mất nhiều hơn.

Một số thuật ngữ cần biết khi tham gia Margin

  • Position (Vị thế/lệnh): Giao dịch margin có 2 vị thế là Long và Short. Vị thế Long được mở khi bạn dự đoán rằng giá trị tiền điện tử sẽ tăng. Vị thế Short thì ngược lại, bạn đang dự đoán rằng giá tiền điện tử sẽ giảm xuống.
  • Initial Margin (mức ký quỹ ban đầu): Số tiền tối thiểu bạn cần ký quỹ để mở 1 vị thế. Ví dụ bạn mượn 10 BTC và mức ký quỹ ban đầu là 60%, bạn cần có ít nhất 6 BTC (60% x 10 BTC) để được mượn.
  • Maintenance Margin (mức ký quỹ duy trì): Số tiền bạn cần giữ trong tài khoản để duy trì vị thế nếu không muốn bị thanh lý/cháy tài khoản.
  • Leverage/đòn bẩy: Khi sử dụng đòn bẩy, bạn có thể giao dịch với số tiền gấp x lần số vốn bạn đang có.
  • Liquidation/Cháy tài khoản: xảy ra khi số tiền lỗ vượt quá hạn mức cho phép. Nếu bạn đang Long, sàn sẽ bán đủ số coin bạn đã mua vào trước đó theo giá thị trường (lúc này đang rất thấp) và trả lại tiền dư cho bạn. Nếu bạn đang Short, sàn sẽ mua đủ số coin bạn đã vay trước đó theo giá thị trường (đang rất cao), sau đó tiền dư sẽ trả về tài khoản của bạn.
  • Margin Call: Là thông báo khi tài khoản bạn sắp đến ngưỡng thanh lý, được gửi về email/SMS để bạn quyết định: cắt lỗ 1 phần hay bơm thêm tiền vào tài khoản để duy trì.
  • LIQ Price: Ước tính khi giá đạt mốc này tài khoản của bạn bị thanh lý.
  • P/L: Ước tính số lãi, lỗ của bạn theo các lệnh của thị trường hiện tại. P/L % là số lãi lỗ tính theo %.
  • P/L fee/Funding Cost: Phí vay của bạn.

Cách hoạt động của Margin

Một giao dịch margin sẽ luôn có hai vị thế là Long và Short. Vị thế Long phản ánh giả định rằng giá của tài sản sẽ tăng lên, trong khi vị thế Short giả định giá tài sản sẽ giảm xuống. Hiểu một cách đơn giản, nếu bạn cho rằng giá một đồng coin sẽ tăng, bạn hãy mở một vị thế Long và ngược lại.

Khi bắt đầu giao dịch margin, bạn sẽ được yêu cầu phải cung cấp một khoản tiền ký quỹ ban đầu để mở một vị thế. Khoản ký quỹ ban đầu này có liên quan chặt chẽ đến đòn bẩy. Nói cách khác, tài khoản giao dịch margin được sử dụng để tạo giao dịch có đòn bẩy và đòn bẩy mô tả tỷ lệ số tiền đi vay trên số tiền ký quỹ. 

Ví dụ: Để mở một giao dịch $100,000 với đòn bẩy 10x, bạn sẽ cần ký quỹ $10,000 vốn của mình.

Lợi nhuận của bạn sẽ phụ thuộc vào khoản tiền gửi ban đầumức đòn bẩy bạn chọn. Tất nhiên, các nền tảng giao dịch khác nhau sẽ cung cấp những mức đòn bẩy khác nhau. Một số nền tảng cung cấp đòn bẩy khá thấp, khoảng 2x, 5x, 10x. Trong khi một số nền tảng khác có thể cung cấp đòn bẩy lên tới 100x. 

Khi bạn mở một vị thế và vay tiền từ sàn để giao dịch, sàn sẽ thực hiện các biện pháp để giảm nguy cơ thua lỗ của họ. Vì vậy, khi thị trường đi ngược lại với dự đoán của bạn, sàn có thể yêu cầu bạn tăng tài sản thế chấp để vị thế của bạn được đảm bảo.

Nếu số dư không đủ, sàn sẽ phát lệnh đóng vị thế giao dịch của bạn. Nó được gọi là margin call và nó xảy ra khi khoản lỗ của bạn giảm xuống dưới một mức nhất định. Hầu hết các sàn giao dịch sẽ thông báo cho bạn, nhưng vì lệnh này thường được thực thi rất nhanh nên bạn cũng cần theo dõi mức ký quỹ thường xuyên.

Khi giá chạm mức giá thanh lý, sàn sẽ tự động thanh lý lệnh để thu hồi lại số vốn bạn đã vay trước đó. Số tiền lỗ khi vay dùng để giao dịch sẽ trừ thẳng vào số vốn gốc của bạn.

Ví dụ về giao dịch margin

Giao dịch Margin

Giả sử, số vốn mình đang có là $10,000. Giá BTC hiện đang ở mức $1,000 và mình dự đoán BTC sẽ tăng lên $1,100.

Nếu giao dịch Spot Trading, khi giá tăng lên $1,100 mình sẽ kiếm được lợi nhuận là $1,000. Nhưng mình muốn tối ưu lợi nhuận nên mình sẽ mở một lệnh Long với mức đòn bẩy là 10x.

=> Điều đó có nghĩa là mình đã tạo một lệnh mua BTC ở mức giá $1,000 với khối lượng $100,000. Về bản chất, mình đã vay thêm của sàn $90,000. Lúc này số BTC mình có là 100 BTC. Nếu BTC tăng lên $1,100 và mình đóng lệnh Long, mình sẽ có lợi nhuận là $10,000 so với $1,000 nếu giao dịch bình thường sau khi đã trả lại khoản vay cho sàn (chưa trừ lãi).

Trong trường hợp ngược lại, giá BTC giảm xuống $900 và chạm mức giá thanh lý. Lúc này sàn sẽ bán hết 100 BTC của mình ở giá $900 và mình phải trả lại toàn bộ $90,000 đã vay cho sàn. Tài khoản của mình khi này chẳng còn đồng nào cả. Đấy là còn chưa kể đến lãi phải trả. Trường hợp này gọi là cháy tài khoản.

Khi nào nên sử dụng Margin?

Margin mang đến cho bạn cơ hội kiếm được một mức lợi nhuận khổng lồ. Khi được thực hiện một cách thông minh, bạn có thể kiếm được lợi nhuận lên tới 100 lần so với giao dịch spot thông thường, cả khi thị trường đang trong xu hướng tăng hay giảm. Tuy nhiên, lợi nhuận lớn thì đi kèm với nó cũng là rủi ro cao. Do vậy, bạn chỉ nên sử dụng margin khi đáp ứng được các yêu cầu sau:

  • Bạn là một trader có kinh nghiệm, nắm rõ nguyên tắc phân tích kỹ thuật, đọc biểu đồ, hiểu về cơ chế và xu hướng tác động của thị trường. Với các trader mới, còn chưa hiểu rõ cách vận hành của margin nói riêng và thị trường tiền điện tử nói chung thì tuyệt đối không nên ham lợi lớn mà sử dụng Margin.
  • Khi thị trường cho thấy các dấu hiệu tăng hoặc giảm rõ ràng, ổn định. Tuyệt đối không sử dụng Margin trong thời điểm thị trường đi ngang hay có các tín hiệu không rõ ràng.
  • Margin sẽ là công cụ đắc lực trong các giao dịch ngắn hạn. Việc sử dụng Margin trong dài hạn có thể sẽ không mang lại hiệu quả và tiềm ẩn nhiều rủi ro thua lỗ.
  • Bạn chỉ nên giao dịch margin với các đồng coin có thanh khoản cao.

Tìm hiểu thêm Hướng dẫn cách chơi Margin trên Binance.

Tổng kết

Như vậy là chúng ta đã tìm hiểu về Margin Trading, các ưu và nhược điểm của nó. Đồng thời cũng tìm hiểu tổng quan về các sản phẩm tài chính trong thị trường Crypto hiện nay.

RELEVANT SERIES