Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Gas Fee (Phí Gas) là gì? 5 Cách tiết kiệm Gas Fee khi giao dịch

Bạn có bao giờ thắc mắc thực hiện các giao dịch trong crypto có mất phí không? Các phí gas trong giao dịch ra sao? Tìm hiểu xem Gas Fee là gì tại đây.
Avatar
Sammie
Published Feb 03 2022
Updated Jul 20 2022
12 min read
thumbnail

Trong thị trường tài chính truyền thống, có lẽ bạn đã quá quen với việc trả phí cho hầu hết các giao dịch, cho dù đó là phí rút tiền từ ATM hay phí chuyển đổi ngoại tệ khi gửi tiền ra nước ngoài.

Vậy bạn có bao giờ thắc mắc, thực hiện các giao dịch trong thị trường crypto thì có mất phí không? Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về phí giao dịch trong thị trường tiền điện tử, hay còn gọi là Gas Fee, cũng như cách phân biệt Gas Limit, Gas Price và Gas Gwei - những thuật ngữ liên quan đến Gas Fee nhé.

Phí Gas là gì?

Gas Fee (phí gas) là khoản phí cần phải trả để thực hiện các giao dịch hay các hoạt động tương tác với smart contract trên một nền tảng blockchain cụ thể. Trong đó, Gas là một đơn vị đặc biệt được sử dụng để đo lường mức độ “công việc” - ở đây là tài nguyên tính toán mà một nhiệm vụ nhất định yêu cầu. 

Đương nhiên, các nhiệm vụ phức tạp và đòi hỏi nhiều tài nguyên tính toán hơn sẽ có phí gas cao hơn so với các hoạt động khác cần ít tài nguyên hơn. Có thể nói, gas là “nhiên liệu”của blockchain.

Khi giao dịch trên blockchain sẽ cần phải trả một khoản gas fee

Để dễ hiểu hơn, hãy thử tưởng tượng rằng các hoạt động bạn thực hiện trên blockchain cũng như khi bạn di chuyển bằng ô tô, bạn phải đổ xăng thì xe mới chạy được. Ở đây xăng chính là “gas”. 

Tóm lại, Gas Fee được sử dụng để thực hiện các giao dịch, thực hiện các hợp đồng thông minh, khởi chạy DApp, thanh toán cho việc lưu trữ dữ liệu trong không gian blockchain.

Sự khác biệt giữa các loại Gas fee

Gas Limit là gì?

Gas Limit đề cập đến lượng gas tối đa mà người dùng sẵn sàng chi trả khi thực hiện các giao dịch hoặc các chức năng blockchain. Nói một cách đơn giản hơn, Gas Limit xác định giá trị tối đa giao dịch hoặc chức năng có thể “tính phí” và lấy từ người dùng. Do đó, nó hoạt động như một cơ chế bảo vệ nhằm ngăn các khoản phí quá cao do bị tính sai hoặc lỗi smart contract, dẫn tới việc lãng phí tiền của bạn.

Giá trị của Gas Limit có thể thay đổi theo thời gian và hình thức giao dịch. Một số ví tiền điện tử và sàn giao dịch cung cấp tính năng thiết lập Gas Limit tự động. Nhưng trong một số trường hợp, người dùng cũng có thể điều chỉnh nó một cách thủ công, tùy theo nhu cầu của họ. 

Ví dụ: Một giao dịch thực hiện trên Ethereum thông thường sẽ có Gas Limit là 21,000 đơn vị gas.

Nếu bạn đặt Gas Limit quá thấp thì có thể xảy ra trường hợp lượng gas không đủ cho các validators/miners xác nhận giao dịch của bạn. Ban đầu, giao dịch vẫn sẽ được trình xác thực xử lý như bình thường. Nhưng đến khi không còn đủ gas để tiếp tục xác nhận giao dịch nữa thì họ sẽ ngừng hẳn lại. Đó gọi là tình trạng “Hết Gas”. 

Lúc này giao dịch sẽ bị coi là không hợp lệ và bị từ chối. Lượng Gas đã chi cho các tính toán cũng sẽ không được hoàn lại tài khoản. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ luôn phải trả Gas Fee cho các giao dịch bất kể giao dịch đó có thành công hay không.

Nếu bạn đặt Gas Limit quá cao thì sẽ kéo theo việc Gas Fee bạn phải trả cũng cao.

Gas Price là gì?

Gas Price là khoản phí mà người dùng sẵn sàng chi trả cho mỗi đơn vị gas. Tương tự như Gas Limit, Gas Price có thể điều chỉnh theo nhu cầu của người dùng. Hầu hết các blockchain hiện nay sử dụng cơ chế đấu giá để quản lý và ưu tiên giao dịch nào sẽ được xử lý trước trên mạng. 

Cụ thể, các validators/miners sẽ tìm kiếm các giao dịch có Gas Price cao nhất, sau đó xử lý các giao dịch này theo thứ tự giảm dần.

Cơ chế này đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh và tăng độ bảo mật cho blockchain bằng cách ban hành cơ chế thị trường công bằng và khuyến khích nhiều thực thể hơn tham gia vào việc cung cấp sức mạnh tính toán cho mạng.

Vì vậy, nếu bạn muốn giao dịch của mình được xác thực nhanh chóng, bạn nên trả Gas Price cao hơn để các validators/miners được khuyến khích xác minh giao dịch của bạn trước những người khác. 

Mặt khác, nếu Gas Price quá thấp sẽ rất rủi ro vì các giao dịch có thể mất nhiều thời gian để được xác nhận, hoặc thậm chí là thất bại vì những người khai thác sẽ không có bất kỳ động cơ nào để xác thực nó.

Gas Gwei là gì?

Gas Gwei là một khái niệm chỉ tồn tại trong blockchain Ethereum. Nó là một thuật ngữ để chỉ một lượng rất nhỏ ETH và được sử dụng để thanh toán phí cho các giao dịch trên mạng Ethereum. Mỗi Gwei tương đương với 0,000000001 ETH (10^-9 ETH). Ngược lại, 1 ETH đại diện cho 1 tỷ Gwei.

Ví dụ: Thay vì nói rằng Gas Fee của bạn là 0,000000001 ETH, bạn có thể nói rằng Gas Fee của mình là 1 Gwei.

Phân biệt Gas Limit, Gas Price và Gas Gwei

Quay trở lại ví dụ ban đầu về việc thực hiện các giao dịch trên blockchain cũng giống như bạn di chuyển bằng xe ô tô. Lúc này, Gas Limit là số lít/đơn vị xăng bạn muốn đổ tối đa cho ô tô của mình và Gas Price là giá của mỗi lít/đơn vị xăng đó, được tính bằng Gwei:

  • Với một chiếc ô tô là $2,50 mỗi lít xăng.
  • Với Ethereum là 20 Gwei cho mỗi gas.

Để làm đầy "bình xăng" của bạn, cần:

  • 10 lít với giá $2,50 = $25
  • 21,000 đơn vị gas với giá 20 Gwei/gas = 420,000 Gwei

Cách tính phí Gas

Gas Fee được tính theo công thức sau:

Gas Fee = Gas Limit x Gas Price

Ở ví dụ trên, 21,000 đơn vị gas (Gas Limit) có giá 20 Gwei/gas (Gas Price).

=> Gas Fee = 21,000 × 20 = 420,000 Gwei = 0.00042 ETH.

Do đó, tổng phí gas bạn phải trả sẽ là 420,000 Gwei hay 0.00042 ETH.   

Sau khi giao dịch hoàn tất, lượng Gas chưa sử dụng sẽ được hoàn trả vào tài khoản của người dùng theo nguyên tắc: 

Lượng Gas được hoàn trả lại không được vượt quá ½ lượng Gas đã sử dụng hết trong quá trình tính toán cho giao dịch.”

Tại sao cần có Gas Fee?

Về cơ bản, Gas Fee là khoản phí bạn cần trả cho nền tảng blockchain khi thực hiện các giao dịch trên nền tảng đó, mà cụ thể hơn là trả cho các validators/miners - những người sẽ xác thực giao dịch của bạn. Nếu không có validators/miners, mạng lưới sẽ không thể tồn tại và hoạt động được. 

Thứ hai, phí gas giúp giữ an toàn và bảo mật cho nền tảng. Bằng cách yêu cầu một khoản phí cho mỗi phép tính được thực hiện trên mạng, các nhà phát triển có thể ngăn chặn kẻ xấu spam mạng lưới và gây ra tình trạng nghẽn mạng.

Thứ ba, các blockchain hiện nay đều có native token riêng và việc yêu cầu người dùng trả Gas Fee bằng native token sẽ giúp tạo động lực tăng giá cho token đó và duy trì sự ổn định cũng như phát triển blockchain trong dài hạn.

Cuối cùng, cơ chế định giá Gas Fee giúp đảm bảo rằng các khoản phí được tính theo cách hợp lý và công bằng nhất. Vì vậy, nó ngăn chặn việc lãng phí tài nguyên vào các hoạt động không có giá trị đối với mạng blockchain. 

Phí gas trên các blockchain hiện nay

Thông thường, Gas Fee sẽ được thanh toán bằng native token của blockchain mà bạn chọn để thực hiện giao dịch. Điều đó có nghĩa là tùy thuộc vào nền tảng blockchain, Gas Fee cũng sẽ được thanh toán bằng những đồng coin khác nhau. Ví dụ:

  • Để giao dịch trên blockchain Bitcoin => Bạn cần trả Gas Fee bằng BTC.
  • Để giao dịch trên blockchain Ethereum => Bạn cần trả Gas Fee bằng ETH.
  • Để giao dịch trên Binance Smart Chain => Bạn cần trả Gas Fee bằng BNB.

Dưới đây là một số blockchain phổ biến hiện nay và đồng coin được sử dụng làm Gas Fee của chúng để bạn tham khảo:

Bảng phí gas trên các blockchain hiện nay

Tips tiết kiệm phí Gas khi giao dịch trên blockchain

Tối giản các bước giao dịch

Như chúng ta đã biết, các giao dịch phức tạp, nhiều bước thì thường đòi hỏi nhiều tài nguyên tính toán hơn. Điều đó có nghĩa là các validators/miners sẽ phải làm việc nhiều hơn để xác thực các giao dịch của bạn. Do đó Gas Fee tính cho các giao dịch này sẽ cao hơn so với các giao dịch đơn giản, cần ít tài nguyên hơn.

Vậy nên cách đơn giản nhất để tiết kiệm Gas Fee là bạn cần tối giản hóa các bước giao dịch của mình. Càng ít bước, Gas Fee của bạn càng thấp.

Ước tính mức Gas Limit cần thiết tại thời điểm giao dịch và điều chỉnh Gas Fee sao cho phù hợp

Việc đặt Gas Price cao sẽ giúp giao dịch của bạn được ưu tiên xác thực nhanh hơn trong không gian blockchain. Còn Gas Limit thường được để cao hơn mức ước tính với mục đích đảm bảo giao dịch không bị thất bại vì hết gas.

Tuy nhiên việc để Gas Limit và Gas Price quá cao là hoàn toàn không cần thiết vì nó có thể khiến mức Gas Fee bạn phải trả cao hơn bình thường rất nhiều. 

Do vậy, bạn có thể sử dụng các website scan như EtherScan cho Ethereum, BSCscan cho Binance Smart Chain,.... để ước tính mức Gas Limit và Gas Price vào thời điểm giao dịch để điều chỉnh sao cho hợp lý. Mức Gas Limit chỉ cần để cao hơn 1 chút so với mức trung bình ước tính là được.

Các mức Gas fee

Tránh thực hiện giao dịch vào thời điểm Gas Price đang quá cao

Gas Price không phải là một con số cố định mà thường biến động theo thời gian và nhu cầu giao dịch của mạng lưới. Thường thì Gas Price sẽ cao hơn trong thời gian mạng lưới có mức độ hoạt động cao và thấp hơn trong thời gian mạng lưới hoạt động kém hiệu quả.  

Do vậy, hãy tránh xa các thời điểm mà Gas Price lên quá cao so với bình thường nếu bạn muốn tiết kiệm phí giao dịch của mình.

Hầu hết các ví tiền điện tử, sàn giao dịch và các ứng dụng hỗ trợ hiện nay đều cung cấp thông tin tham khảo chung về Gas Price với các so sánh về thời gian xử lý để bạn tham khảo.

Đừng nhầm lẫn Gas Price/Gas Limit với số token mà bạn muốn giao dịch

Do Gas Price và Gas Limit có thể tùy chỉnh theo nhu cầu của người dùng nên bạn có thể sẽ mất một số tiền đáng kể nếu không may nhầm lẫn giữa Gas Price/Gas Limit với số lượng token bạn muốn giao dịch.

Do vậy hãy luôn kiểm tra thật cẩn thận các chi tiết giao dịch của mình trước khi bấm nút thực hiện giao dịch. Sau khi giao dịch được xác nhận thực hiện, bạn sẽ không thể đảo ngược nó được nữa.

Tìm hiểu thêm Trade coin là gì? Hướng dẫn trade coin hiệu quả chỉ với 5 phút.

Kết luận

Hiểu về phí Gas là gì cũng như biết cách phân biệt giữa Gas Price, Gas Limit và Gas Gwei là điều rất quan trọng khi tham gia vào thị trường tiền điện tử. Nó sẽ giúp bạn biết cách tiết kiệm phí gas và sử dụng nó một cách tốt nhất để tối ưu lợi nhuận đồng thời tránh việc lãng phí coin không đáng có.

RELEVANT SERIES