Mô hình kinh doanh của quỹ đầu tư qua thương vụ bán số SOL 7.4 tỷ USD của FTX
Thương vụ mua bán SOL từ FTX
Sau khi phá sản, FTX đang thực hiện việc thanh lý tài sản để hoàn thành nghĩa vụ với các chủ nợ. Dưới đây là 10 tài sản có giá trị cao nhất còn lại (theo thông tin đơn phá sản từ FTX) giá trị cập nhật tới ngày 31/08/2023.
Nếu tính theo giá trị hiện tại, số lượng tài sản kể trên có thể đã tăng nhiều lần do thị trường đã có sự tăng trưởng. Ví dụ, theo tài liệu từ Pantera (nguồn Bloomberg), FTX đang nắm giữ 41.1 triệu token SOL có giá trị khoảng 7.4 tỷ USD (với mức giá 180 USD/SOL).
Tuy nhiên, khi thanh lý một số lượng lớn tài sản như vậy, họ sẽ không thể bán trực tiếp trên sàn giao dịch tập trung. Thay vào đó, các giao dịch OTC với mức giá chiết khấu (discount) mạnh đã được thiết lập.
Và đây là cơ hội sinh lời lớn đối với các quỹ đầu tư. Cụ thể, Pantera đang trong quá trình thành lập quỹ Pantera Solana Fund với mục tiêu mua lại một phần SOL kể trên.
Mức giá được quỹ đề xuất là 59.95 USD (chiết khấu 39% so với trung bình giá 30 ngày). Cộng thêm điều kiện số lượng SOL này sẽ bị khoá và mở dần để giao dịch trong vòng 4 năm.
Ngoài Pantera, các quỹ khác cũng không đứng ngoài “cuộc chơi này". Galaxy cũng đã thành lập quỹ trị giá 620 triệu USD để mua lại SOL. Mức giá đề nghị của Galaxy là 64 USD.
Đọc thêm: Quỹ đầu tư Pantera Capital tăng 66% lợi nhuận nhờ token Solana (SOL)
Một góc nhìn khác về mô hình kinh doanh của quỹ đầu tư
Mô hình kinh doanh quỹ đầu tư
Thông thường, một quỹ đầu tư sẽ có mô hình kinh doanh như hình minh hoạ dưới đây.
Cụ thể, thành viên sáng lập quỹ sẽ đi kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư để thành lập quỹ. Họ sẽ lấy số tiền đó để phân bổ vào các loại tài sản khác nhau để thu về lợi nhuận.
Công ty quản lý quỹ sẽ thu một số loại phí nhất định từ nhà đầu tư (có thể là phí quản lý tài sản hoặc phí hiệu suất đầu tư), thường sẽ theo phần trăm số lượng tài sản quản lý. Đây là nguồn thu chính của mô hình kinh doanh này.
Quay trở lại với trường hợp mua bán SOL kể trên, chúng ta có thể thấy các quỹ như Pantera hay Galaxy đang hoạt động theo mô hình này. Tuy nhiên, nếu xét theo một góc nhìn khác, các quỹ này cũng đang giống như một đơn vị môi giới với mức hoa hồng siêu cao.
Tại sao lại có thể nói như vậy?
Theo đó, Pantera hay Galaxy không lấy tiền trực tiếp từ các quỹ hiện có của họ để đàm phán mua SOL với giá chiết khấu. Thay vào đó, các quỹ riêng biệt được thành lập chỉ để phục vụ mục đích này.
Và sau đó họ mới tìm kiếm các nhà đầu tư hứng thú để đầu tư vào quỹ này. Do vậy, trong thương vụ này, các quỹ không khác gì các đơn vị môi giới.
Tuy nhiên, tại sao các nhà đầu tư không tự thực hiện thương vụ này thay vì phải trả rất nhiều các khoản phí cho Pantera hay Galaxy.
Có thể, nếu họ tự thực hiện mức chi phí sẽ lớn hơn rất nhiều do họ không có sức mạnh đàm phán (do quỹ gom rất nhiều tiền từ nhiều nhà đầu tư) và các quy trình và đội ngũ quen với việc mua bán.
Bên cạnh đó, mức giá chiết khấu cũng sẽ có thể không cạnh tranh như trên. Kèm theo rất nhiều vấn đề liên quan tới quản lý tài sản (custody) trên môi trường blockchain.
Đổi lại, mức phí nhận được của quỹ từ thương vụ kể trên sẽ là rất lớn. Ví dụ, Patera thu phí 0.75% phí quản lý và 10% phí hiệu suất đầu tư.
Do đó với 250 triệu USD mua SOL với mức giá 60 USD, quỹ sở hữu khoảng 4.17 triệu token SOL. Giả định mức giá trung bình trong 4 năm là 100 USD và mức giá trung bình nhà đầu tư bán được là 150 USD, thì quỹ sẽ thu về:
• Khoảng hơn 12 triệu USD phí quản lý trong 4 năm.
• Hơn 37 triệu USD phí theo lợi nhuận đầu tư.
Tương tự, Galaxy thu 1% phí quản lý với khối lượng tài sản lớn gấp hơn 2 lần so với Pantera.
Tóm lại, đôi khi quỹ đầu tư có thể tận dụng mô hình công ty quản lý quỹ truyền thống để đóng vai như một nhà môi giới tài sản với mức hoa hồng khổng lồ. Điểm hấp dẫn đó là họ sẽ không gia tăng rủi ro với các quỹ hiện hữu.
Đọc thêm: Thị trường gọi vốn sôi động, dòng tiền đang quay trở lại?