Tại sao nên đặc biệt chú ý tới mảng phái sinh trên DeFi lúc này?
Khối lượng giao dịch các sàn phái sinh gia tăng
Theo thống kê từ The Block, tỷ lệ khối lượng giao dịch phái sinh trên sàn DEX so với CEX liên tục giảm. Tuy nhiên, có vẻ như dữ liệu này đang thiếu khá nhiều các sàn giao dịch mới như GMX, HyperLiquid, Drift… từ nhiều hệ sinh thái khác nhau.
Ví dụ theo thống kê từ DefiLlama, khối lượng giao dịch perpetual DeFi trong tháng 3/2024 khoảng hơn 300 tỷ USD.
Trong khi đó, khối lượng giao dịch perpetual trên các sàn CEX trong tháng khoảng 4.5 nghìn tỷ USD (ước tính tương đối dựa theo biểu đồ ở dưới bằng cách lấy trung bình ngày khoảng 150 tỷ USD nhân với 30, thực tế khối lượng giao dịch CEX tháng 03 có thể thấp hơn).
Số liệu thống kê khối lượng giao dịch trên Coingecko hay Coinmarketcap có thể tồn tại nhiều nhiễu do đôi khi có một vài sàn giao dịch chưa rõ nguồn gốc (hoặc không phổ biến) có khối lượng giao dịch cao một cách bất ngờ.
Do đó, số liệu trên Coinglass sẽ đáng tin cậy hơn, phải dùng ước lượng tương đối vì Coinglass không hỗ trợ xuất dữ liệu. Vì vậy, một cách tương đối, tỷ lệ này sẽ nên rơi vào khoảng 6% - 7% trong tháng 03/2024 thay vì thấp như The Block thống kê.
Nếu trước đây, mảng giao dịch phái sinh trên thị trường DeFi được chiếm lĩnh bởi hai hệ sinh thái đó là Arbitrum và Ethereum với những cái tên như dYdX, Synthetix, GMX...
Giờ đây, thị trường đã trở nên đa dạng hơn rất nhiều với sự vươn lên của Solana, Optimism hay các blockchain khác do chính dự án perpetual DEX phát triển (dYdX, HyperLiquid).
Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch tuyệt đối trên các sàn phái sinh DeFi cũng đang trong xu hướng tăng. Khối lượng giao dịch tháng từ khoảng 120 tỷ USD vào thời điểm đầu năm 2024 đã đạt mốc trên 300 tỷ USD cho tới hiện tại.
Sự dịch chuyển về mô hình hoạt động
Thị trường perpetual DEX đang chứng kiến sự chuyển dịch mô hình thiết kế dự án từ các pool thanh khoản (GMX hay Perpetuals) hay synthetic assets (như cách Synthetix áp dụng) sang mô hình sổ lệch (order-book) truyền thống như các sàn CEX.
Điều này góp phần nâng cao khối lượng giao dịch vì mô hình này sẽ đòi hỏi các tổ chức cung cấp dịch vụ market maker tham gia giao dịch token ngoài chỉ có các trader như các mô hình liquidity pool derivatives.
Với mô hình liquidity pool hoặc synthetic mint như GMX, điểm mạnh nằm ở việc không tốn chi phí cho các công ty MM để hoạt động và hoạt động rất tốt đối với các token thanh khoản cao (BTC, ETH). Tuy nhiên, người cung cấp thanh khoản (LP) sẽ đóng vai trò thay thế các công ty MM.
Điều này biến việc giao dịch trên các sàn phái sinh DEX trở thành cuộc PvP giữa trader và LP. Nếu trader có tổng lợi nhuận âm, LP sẽ nhận được phần lợi nhuận này và ngược lại.
Dù với v2, GMX đã thay đổi mô hình này, tuy nhiên việc để các nhà đầu tư không chuyên nghiệp đóng vai trò như những LP thụ động (thay vì chủ động như các công ty MM) mang lại cho họ những rủi ro nhất định.
Bên cạnh đó, khả năng mở rộng giao dịch các tài sản của mô hình perpetual DEX cũng hạn chế hơn so với order-book rất nhiều.
- Vì không giống như các DEX spot, thanh khoản phái sinh với một token mới thanh khoản chưa cao (theo mô hình liquidity pool) sẽ cần phải phụ thuộc vào một pool gồm tài sản khác (như ETH hay USDC).
- Các LP sẽ cần cung cấp các token này vào các pool để trader có thể giao dịch, tuy nhiên các rủi ro cho LP là rất lớn so với mức phí giao dịch họ nhận lại được (vì các token này có độ biến động rất cao).
- Do đó mô hình order-book, nơi dự án có nhu cầu sẽ thuê dịch vụ MM (với một mức phí, hợp đồng cho vay token…) sẽ có khả năng mở rộng cao hơn.
Vấn đề của mô hình order-book ngoài việc phải thuê các công ty MM (hoặc tự phát triển đội ngũ MM riêng) thì còn khả năng xử lý giao dịch trên blockchain. Sở dĩ đây là một vấn đề vì giao dịch của các MM yêu cầu tốc độ rất cao (lên tới hàng mili giây).
Hầu hết các blockchain với các thiết kế phục vụ mục đích tổng quan (Ethereum, Avalanche, Arbitrum…) hiện tại đều không thể đáp ứng được nhu cầu này. Đến Solana cũng khó có thể hoạt động mượt mà.
Tuy nhiên, các nhà phát triển đã có giải pháp là thiết kế các appchain (blockchain riêng của dự án) để phục vụ nhu cầu này. Ví dụ điển hình là HyperLiquid và dYdX. Điều này dù khắc phục được nhu cầu về tốc độ những sẽ tạo ra vấn đề xung quanh việc bảo mật và minh bạch.
Đọc thêm: Giao dịch tần suất lớn (HFT) là gì? Chúng ta có nên giao dịch HFT?
Tiềm năng tạo xu hướng nhờ ra mắt token
Một vài dự án có khối lượng giao dịch lớn chưa ra mắt token cũng sẽ là một trong những lý do cần chú ý tới dự án trong mảng này (đặc biệt là các dự án perpetual DEX có blockchain riêng).
Trong thời gian ngắn vừa qua, AEVO hay gần đây có Drift (trên Solana) ra mắt token và tiến hành airdrop cho người dùng.
Tóm lại, đối với mảng perpetual DEX, trong thời gian tới chúng ta nên tập trung vào các cơ hội săn airdrop, đầu tư token, hoặc tận dụng các chính sách ưu đãi (như thưởng token) khi giao dịch dựa trên các cơ sở:
- Khối lượng giao dịch đang có xu hướng gia tăng.
- Việc thay đổi mô hình tạo ra nhiều cơ hội mở rộng hơn đối với các dự án.
- Sẽ có các đợt airdrop cho người dùng và các chính sách thưởng token khác khi giao dịch.
Đọc thêm: Rủi ro đình lạm được bàn luận, liệu giá tài sản có giảm?