Rủi ro đình lạm được bàn luận, liệu giá tài sản có giảm?
Tăng trưởng kinh tế Mỹ thấp hơn dự báo
Dữ liệu từ Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ cho thấy, tăng trưởng kinh tế Q1/2024 của nền kinh tế Mỹ đạt 1.6% (thấp hơn mức dự báo 2.5%).
Sự chênh lệch này là khá lớn nếu so với một vài dữ liệu quý gần đây. Sau khi tin tức được đưa ra, chỉ số S&P500 đã có 2 phiên giảm với mức biến động tổng cộng khoảng 1%, tuy nhiên sau đó đã quay trở lại mốc 5,100 điểm.
Trong khi đó, chỉ số PCE lõi (thường được FED sử đụng dể quyết định chính sách tiền tệ) vẫn chưa thế ổn định ở mức 2%. Hiện tại mục tiêu của FED vẫn ưu tiên hơn cho việc giảm lạm phát, do đó các kịch bản về giảm lãi suất nhanh trong năm 2024 càng trở nên ngoài tầm với.
Tuy tăng trưởng kinh tế giảm, chủ đề đình lạm được bàn luận trở lại, lãi suất cao nhưng xét trên khía cạnh tổng thể, từ khoá “suy thoái" lại chứng kiến xu hướng giảm.
Trong bối cảnh lãi suất cao, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm đang quay trở lại mức 5%, xu hướng tiêu dùng vẫn duy trì tăng trưởng là trụ cột đối với nền kinh tế Mỹ.
Đồng thời, việc chỉ số S&P500 vẫn duy trì đà tăng trong tuần cho thấy thị trường đang không quan tâm quá nhiều vào chỉ số tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn tới các yếu tố tác động tới chính sách tiền tệ, vốn đã được “price in" từ dữ liệu lạm phát, bên cạnh đó là dữ liệu kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Giá cả tài sản vẫn duy trì ổn định bất chấp dữ liệu vĩ mô
Lợi nhuận của các doanh nghiệp S&P500 được dự báo tăng 8% trong năm 2024 và 14% trong năm 2025 (nguồn: Bloomberg) là cơ sở để thị trường duy trì trạng thái giao dịch tích cực.
Theo Andrew Slimmon, quản lý danh mục đầu tư tại Morgan Stanley Investment Management, dự báo lợi nhuận thậm cho có thể cao hơn trong năm tiếp theo kể cả không có đợt cắt lãi suất trong 2024.
Trong khi đó, Citigroup đã điều chỉnh gia tăng số lượng công ty có lợi nhuận tích cực. Tuy vậy, các dự báo này hoàn toàn có thể điều chỉnh theo hướng tiêu cực trong điều kiện lạm phát tiếp tục diễn biến xấu hơn.
Do đó, rủi ro đối với thị trường cổ phiếu Mỹ hiện tại nằm ở biến số lạm phát. Rủi ro này hiện nay bị tác động nhiều bởi bối cảnh địa chính trị căng thẳng khiến chi phí hàng hoá và vận chuyển thương mại toàn cầu gia tăng.
Đối với tăng trưởng kinh tế, trong trường hợp chậm lại (tăng trưởng GDP quý 2 tiếp tục thấp), thì sẽ gây áp lực làm giảm lạm phát (do nhiều khả năng tiêu dùng sẽ giảm). Nhưng trong trường hợp các vấn đề quốc tế kể trên vẫn tiếp tục tiêu cực (gây áp lực tăng lạm phát), thị trường cổ phiếu sẽ khó có khả năng duy trì được động lực như hiện tại.
Đối với Bitcoin, hiện DXY vẫn duy trì xu hướng tăng khi lợi suất trái phiếu chính phủ ở mức cao. Đồng thời đây cũng là một loại tiền tệ trú ẩn trong thời kỳ bất ổn.
Hơn nữa, Nhật Bản tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ càng khiến đồng USD có thêm động lực tăng.
Vì vậy, Bitcoin sẽ chịu áp lực bán khi sự hưng phấn từ các chủ đề như Bitcoin ETF spot, halving hay Bitcoin Layer 2 và Runes sụt giảm.
Đọc thêm: Hệ sinh thái Runes sau Halving một tuần đang như thế nào?
Thực tế, BlackRock IBIT đã có 3 ngày liên tục không có dòng tiền đổ vào. Việc Hong Kong niêm yết ETF spot là một tin tức tích cực, nhưng nhu cầu được dự báo khá hạn chế, do đây là thị trường nhỏ hơn so với Mỹ, và người dân tại Trung Quốc sẽ không được trực tiếp tiếp xúc với sản phẩm này.
Đọc thêm: Lý do để đầu tư vào ETH trong thời gian tới là gì?