Ponzi là gì? 5 dấu hiệu nhận biết và phòng tránh mô hình lừa đảo Ponzi
Bạn có biết rằng mỗi năm, cứ 10 người Mỹ thì lại có 1 người trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo hoặc gian lận không? Theo Báo cáo tội phạm tiền điện tử năm 2021 của Chainalysis, những kẻ lừa đảo đã kiếm được gần $4,30 tỷ tiền điện tử trên khắp thế giới. 92% trong số đó được thực hiện thông qua các kế hoạch lừa đảo theo mô hình Ponzi.
Ponzi là một trong những hình thức lừa đảo lâu đời và phổ biến nhất hiện nay. Nếu bạn tò mò muốn biết mô hình Ponzi là gì, dấu hiệu và cách tự bảo vệ bản thân trước hình thức lừa đảo này thì xem ngay bài viết dưới đây nhé.
Ponzi là gì?
Ponzi hay mô hình Ponzi là một hình thức lừa đảo khá phổ biến trong giới đầu tư. Nó liên quan đến việc thu hút mọi người tham gia vào các kế hoạch của kẻ lừa đảo với lời hứa hẹn rằng họ sẽ nhận được một khoản lợi nhuận khổng lồ với rất ít hoặc không có rủi ro.
Về cơ bản, mô hình Ponzi tìm cách thu hút càng nhiều nhà đầu tư càng tốt, sau đó lấy tiền của nhà đầu tư mới trả lợi nhuận cho nhà đầu tư cũ để khuyến khích họ đầu tư thêm hoặc lôi kéo thêm nhiều người tham gia.
Mô hình Ponzi bắt nguồn từ đâu?
Thuật ngữ mô hình Ponzi được đặt theo tên của một kẻ lừa đảo sống vào thế kỷ 20 - Charles Ponzi. Trên thực tế, trường hợp đầu tiên được ghi nhận về loại hình lừa đảo đầu tư này có thể bắt nguồn từ giữa những năm 1800.
Ngoài ra, các phương pháp của cái được gọi là mô hình Ponzi đã được mô tả trong hai cuốn tiểu thuyết được viết bởi Charles Dickens là Martin Chuzzlewit năm 1844 và Little Dorrit năm 1857. Tuy nhiên, bởi vì sự thành công của hoạt động đầu tư bất hợp pháp của mình mà phương pháp này đã được đặt theo tên của Charles Ponzi.
Cụ thể, vào những năm 1920, dịch vụ bưu chính đã phát triển một hệ thống phiếu trả lời quốc tế cho phép người gửi bao gồm những phiếu đó trong bưu phí và sau đó người nhận đi đổi những phiếu đó lấy những con tem cần thiết để gửi thư trả lời lại.
Tất nhiên, tem ở các quốc gia khác nhau thì có sự chênh lệch về giá trị khác nhau. Vì vậy, Ponzi đã lập ra một kế hoạch. Anh ta thuê các đại lý mua phiếu trả lời quốc tế giá rẻ và gửi chúng cho Charles. Đổi lại, anh ta sẽ đổi những phiếu thưởng rẻ tiền đó để lấy những con tem đắt hơn nhiều. Sau đó, những con tem này được bán và lợi nhuận sẽ vào túi của Ponzi.
Tuy nhiên, điều này là hợp pháp và được gọi là kinh doanh chênh lệch giá. Nhưng Ponzi không dừng sự tham lam của mình lại ở đó mà còn đi xa hơn nữa.
Ponzi đã thành lập một công ty có tên là Công ty Giao dịch Chứng khoán và hứa hẹn lợi nhuận lần lượt là 50% trong vòng 45 ngày hoặc 100% trong 90 ngày. Tất nhiên, sau khi nhìn vào thành công mà anh ấy đạt được trong quá trình hoạt động bưu chính của mình, các nhà đầu tư ngay lập tức bị thu hút bởi ý tưởng làm việc với anh ấy.
Tuy nhiên, thay vì thực hiện những gì đã hứa, Charles Ponzi chỉ phân phối lại tiền của các nhà đầu tư mới cho các nhà đầu tư ban đầu và nói với họ rằng đó là khoản lợi nhuận mà họ kiếm được. Toàn bộ sự việc chỉ bị bại lộ khi vào tháng 8/1920, tức là khoảng 1 năm sau, tờ Bưu điện Boston bắt đầu tìm hiểu về hoạt động của Công ty Giao dịch Chứng khoán này và tính hợp pháp của chúng.
Cho đến khi bị phát hiện, Charles Ponzi đã lừa được hơn $20 triệu từ các nhà đầu tư của mình.
Cách thức hoạt động của mô hình Ponzi
Bản chất cốt lõi của mô hình Ponzi là “lấy của A để trả cho B”. Ban đầu, kẻ lừa đảo hứa hẹn trả lợi nhuận cao để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào dự án. Chúng thường lợi dụng việc các nhà đầu tư thiếu kiến thức, thiếu năng lực để tung ra các chiêu bài như “chương trình đầu tư siêu lợi nhuận” hoặc “đầu tư ra nước ngoài” khi mô tả về kế hoạch của mình.
Đôi khi chúng cũng tuyên bố sử dụng chiến lược đầu tư bí mật, độc quyền để tránh phải đưa ra những thông tin chi tiết về dự án và có thể khiến các nhà đầu tư nghi ngờ. Tuy nhiên, để được tham gia, các nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra một khoản tiền vốn ban đầu.
Khi những người khác bắt đầu tham gia vào dự án, kẻ lừa đảo sẽ sử dụng tiền của nhà đầu tư mới để trả lợi nhuận cho nhà đầu tư cũ. Ở giai đoạn đầu, việc rút lợi nhuận thường rất dễ dàng để chiếm được lòng tin của các nhà đầu tư. Điều này khuyến khích họ bỏ thêm tiền vào dự án và gợi ý bạn bè, người thân của họ cùng tham gia vào cơ hội kiếm tiền có 1-0-2 này.
Ví dụ: Để tham gia vào một cơ hội đầu tư đang được quảng cáo, người tham gia sẽ phải đóng $10,000 (thường được gọi là khoản tiền cọc) với lời hứa sẽ được hoàn trả lại toàn bộ, kèm theo lợi nhuận 10% sau một chu kỳ đầu tư nhất định.
Một thời gian sau, nhà đầu tư này kêu gọi được thêm 2 nhà đầu tư mới tham gia. Khi đó, kẻ lừa đảo sẽ trích $11,000 từ khoản $20,000 thu được từ người thứ 2 và người thứ 3 để trả lại cho người đầu tiên. Lúc này, nhà đầu tư thứ nhất sẽ bị hấp dẫn và tái đầu tư tiếp $10,000.
Miễn là các nhà đầu tư mới tiếp tục tham gia và liên tục đóng góp, cũng như vẫn tin tưởng vào tài sản không tồn tại mà họ hy vọng có thể sinh lời trong tương lai thì mô hình này vẫn sẽ được duy trì.
Vấn đề là càng về sau, việc rút lợi nhuận sẽ càng khó khăn hơn. Trong trường hợp những kẻ lừa đảo nhận thấy khó có thể lôi kéo thêm nhà đầu tư mới, hoặc một số lượng lớn các nhà đầu tư yêu cầu trả lại tiền của họ ngay lập tức, thì dự án này sẽ ngừng hoạt động. Điều này dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống. Những kẻ lừa đảo sau đó thường biến mất với số tiền của các nhà đầu tư mà chúng đang nắm giữ.
Dấu hiệu nhận biết mô hình Ponzi
Hứa hẹn về lợi nhuận cao với rất ít hoặc không có rủi ro
Đây là dấu hiệu rõ ràng và phổ biến nhất của các mô hình Ponzi. Hãy luôn nhớ rằng bất kỳ khoản đầu tư nào cũng đi kèm với những rủi ro nhất định, “rủi ro càng cao, lợi nhuận càng lớn”.
Nhưng những kẻ lừa đảo có thể hứa với bạn lợi nhuận đầu tư cao với ít hoặc không có rủi ro. Điều này hoàn toàn vô lý và nghe có vẻ quá tốt để trở thành sự thực. Vì vậy, nếu bạn được đề xuất một điều gì đó tương tự thì hãy cảnh giác, có thể bạn đang được mời đầu tư vào một kế hoạch Ponzi.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần cẩn thận với những từ ngữ như “mọi người khác cũng đang làm việc đó và thu được lợi nhuận” vì chúng đánh vào tâm lý sợ bị bỏ lỡ của mọi người.
Lợi nhuận ổn định
Các biến động của thị trường là không thể đoán trước được và đây là lý do tại sao lợi nhuận đầu tư không phải lúc nào cũng ổn định, nhất quán. Hãy cẩn thận với những lời mời mọc, hứa hẹn vào một khoản đầu tư sẽ luôn mang lại cho bạn lợi nhuận dương.
Một trong những mô hình Ponzi nổi tiếng là công ty đầu tư của Bernie Madoff đã hứa sẽ mang lại lợi nhuận ổn định từ 8-10% mỗi năm cho các nhà đầu tư bất kể xu hướng thị trường. Điều này khiến nó giống như một khoản đầu tư thận trọng hơn là một mô hình Ponzi rõ ràng. Đây là một dấu hiệu thường bị nhiều nhà đầu tư bỏ qua ngay từ ban đầu.
Các chiến lược đầu tư bí mật và khó hiểu
Tất cả các thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường tiền điện tử, có quá nhiều kiến thức phức tạp khiến chúng ta cảm thấy bối rối và khó hiểu. Do vậy nhiều người thường bỏ qua việc tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp, dự án hay những chiến lược đầu tư nhằm mang lại lợi nhuận mà chỉ nhìn vào cái họ có thể có được. Những kẻ lừa đảo đã tận dụng điểm này để lôi kéo các nhà đầu tư vào một mô hình Ponzi.
Do vậy, khi bạn được mời tham gia vào các cơ hội đầu tư, tốt nhất là bạn nên tìm hiểu cách thức hoạt động của dự án hoặc doanh nghiệp đó.
Các vấn đề với việc nhận thanh toán
Hãy đặt ra nghi vấn nếu bạn gặp khó khăn khi rút tiền từ quỹ đầu tư của mình hoặc nếu bạn không nhận được khoản thanh toán cho lợi nhuận mà mình đã được hứa hẹn. Một số kẻ lừa đảo thường thuyết phục nạn nhân của họ đầu tư thêm tiền hoặc trì hoãn các khoản thanh toán, với lời hứa về lợi nhuận thậm chí còn cao hơn ban đầu.
Mô hình Ponzi trong thị trường crypto
Một nghiên cứu của YouGov cho thấy khoảng 81% người Mỹ quen thuộc với ít nhất một loại tiền điện tử và BTC chắc chắn là đồng coin phổ biến nhất. Gần 28% tổng số người Mỹ đã mua tiền điện tử vào năm 2021 và 35% trong số đó là thế hệ millennials.
Ngày nay, nhiều doanh nghiệp cũng đã bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử, khiến số lượng người dùng quan tâm đến loại tài sản số này trên toàn thế giới đang tăng lên theo cấp số nhân. Điều này lý giải vì sao những kẻ gian lận lại nhắm vào ngành công nghiệp đang phát triển này.
Ngoài ra, các tính năng phi tập trung, không bị kiểm soát bởi Chính phủ và các ngân hàng của tiền điện tử khiến việc theo dõi giao dịch khó hơn và ít để lại bằng chứng gian lận hơn. Cùng với việc tiền điện tử không bị giới hạn giao dịch ở một quốc gia cụ thể và có thể dễ dàng gửi, nhận, thu hút vốn từ khắp nơi trên thế giới khiến nó trở thành tài sản lý tưởng cho những kẻ lừa đảo theo mô hình Ponzi.
Cho đến nay, đã có khá nhiều các vụ lừa đảo theo mô hình Ponzi xảy ra trong thị trường crypto.
Onecoin
Onecoin có lẽ là mô hình Ponzi tồn tại lâu nhất trong thị trường tiền điện tử. Được thành lập bởi một kẻ lừa đảo khét tiếng người Bulgaria có tên Ruja Ignatova, hay còn gọi là Cryptoqueen, Onecoin đã thu hút được một số lượng lớn các nhà đầu tư thiếu kiến thức, nhẹ dạ cả tin từ năm 2014 đến năm 2019.
Cách thức hoạt động của dự án này cũng vô cùng tinh vi, trong đó các nhà đầu tư thành viên sẽ phải bỏ tiền ra để mua các khóa học online với nhiều mức phí khác nhau. Với mỗi mức phí, nhà đầu tư sẽ nhận được 1 số lượng Onecoin tương ứng để đào coin. Mức quy đổi sẽ là 0,1 EUR = 1 token.
Càng nhiều người tham gia vào dự án thì quá trình khai thác Onecoin sẽ càng khó khăn hơn. Muốn đào được nhiều Onecoin thì bạn phải có nhiều token. Và đương nhiên điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải bỏ tiền ra để mua thêm khóa học. Từ đó vô hình chung đẩy giá Onecoin lên cao hơn.
Tuy nhiên vấn đề ở đây là Onecoin hoàn toàn không có nền tảng blockchain riêng mà chỉ được phát hành thông qua nền tảng Github. Vì vậy, khi các nhà đầu tư mua hay đào Onecoin, thực chất họ đang nắm giữ một đồng coin vô giá trị không được hỗ trợ bởi bất kỳ nền tảng công nghệ nào.
Sau nhiều năm cảnh báo các nhà đầu tư không nên đầu tư vào Onecoin, chính phủ Hoa Kỳ cuối cùng đã đàn áp các hoạt động của dự án và buộc tội các nhà lãnh đạo của nó. Tuy nhiên, lúc này, bản thân Ignatova đã biến mất cùng với số tiền lên tới $5,8 tỷ của các nhà đầu tư.
BitConnect
Một mô hình Ponzi khét tiếng khác, Bitconnect, ra đời vào năm 2016 như một giải pháp cho vay và đầu tư tiền điện tử với mức lợi nhuận cam kết trả cho nhà đầu tư hàng tháng là 40%. Đội ngũ phát triển đứng sau nó là một nhóm ẩn danh, do một cá nhân tên là Satao Nakamoto - một cái tên giả, đứng đầu.
Để tham gia, các nhà đầu tư phải mua token BCC, khóa chúng trên nền tảng và chờ đợi trong khi các bot giao dịch sử dụng số tiền bị khóa của họ để đầu tư.
Một số người nổi tiếng trong giới đầu tư tiền điện tử như Vitalik Buterin - đồng sáng lập Ethereum, Mike Novogratz và Charlie Lee là những người đầu tiên chỉ trích lợi nhuận đầu tư không bền vững mà Bitconnect hứa hẹn. Không lâu sau đó, kế hoạch này thu hút sự chú ý của chính phủ Vương quốc Anh.
Cuối cùng, các nhà chức trách Hoa Kỳ đã tuyên bố Bitconnect là một mô hình Ponzi và yêu cầu nó ngừng hoạt động vào năm 2018. Sau đó, giá của BCC đã giảm 90%, khiến các nhà đầu tư mất tổng cộng hơn $3,5 tỷ.
Plustoken
Plustoken là một trong những vụ lừa đảo theo mô hình Ponzi lớn nhất năm 2019.
Dự án này đã thực hiện hầu hết các chiến dịch tiếp thị của mình trên ứng dụng nhắn tin WeChat, lôi kéo các nhà đầu tư trao đổi BTC hoặc ETH để lấy Plus Coin - token riêng của Plustoken và kích hoạt tính năng đầu tư tự động bằng AI. Họ cũng được hứa hẹn sẽ nhận được khoản lợi tức đầu tư hàng tháng từ 10 - 30%.
Ngoài ra, người dùng có thể tăng thêm thu nhập bằng cách giới thiệu người mới tham gia đầu tư vào dự án. Với mỗi người được giới thiệu, người giới thiệu sẽ nhận được một số phần trăm hoa hồng từ hệ thống.
Nhờ các chiêu bài đó, Plustoken đã thu hút được hơn 3 triệu nhà đầu tư, phần lớn đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Sau 1 năm vơ vét tiền của các nhà đầu tư, những người đứng sau Plustoken đã rút ra số BTC trị giá $185 triệu, dừng toàn bộ dịch vụ và bỏ trốn. Chúng thậm chí còn cố gắng che giấu dấu vết của mình bằng cách thực hiện 24,000 lần chuyển tiền sử dụng 71,000 địa chỉ ví BTC khác nhau.
Chính phủ Trung Quốc sau đó đã bắt giữ được một vài lãnh đạo cấp cao của dự án này và tịch thu số tiền điện tử trị giá $4 tỷ có liên quan đến vụ lừa đảo. Tuy nhiên, có vẻ như không phải tất cả các cá nhân liên quan đều bị bắt, vì một số thực thể không xác định đã rút thành công một số khoản tiền bị đánh cắp vào năm 2020.
GainBitcoin
Vào năm 2016, GainBitcoin nổi lên như một giải pháp khai thác tiền điện tử trên nền tảng đám mây (cloud mining) có trụ sở tại Ấn Độ với lời hứa tạo ra lợi nhuận hàng tháng là 10% trong vòng 18 tháng. Dự án đã thu hút được không dưới $300 triệu vốn đầu tư từ các nhà đầu tư Ấn Độ. Tuy nhiên trên thực tế, không có thiết bị khai thác vật lý hay bất kỳ hoạt động khai thác nào diễn ra.
May mắn thay, người đứng sau GainBitcoin, Amit Bhardwaj đã bị bắt vào năm 2018 và bị buộc tội lừa đảo hơn 8,000 nhà đầu tư. Tuy nhiên, có vẻ như khả năng các nhà đầu tư sẽ thu hồi lại được số tiền đã mất khá là mong manh.
Mining Max
Giống như GainBitcoin, Mining Max cũng sử dụng công nghệ cloud mining để che giấu bản chất bất hợp pháp của các hoạt động của nó.
Mining Max đưa ra ý tưởng phát triển hệ thống máy đào Ethereum - đồng coin lớn thứ 2 trên thị trường tiền điện tử sau Bitcoin và cam kết các nhà đầu tư khi bỏ vốn vào dự án chắc chắn sẽ có lợi nhuận. Tuy nhiên, cũng giống như mọi kế hoạch Ponzi khác, dự án hoạt động chủ yếu dựa trên các chiến dịch tiếp thị liên kết nhằm thu hút thêm các khoản đầu tư mới.
Cho đến khi bị phát giác, Mining Max đã thu hút được hơn 18,000 nhà đầu tư đến từ khắp nơi trên thế giới với số tiền huy động được lên tới $250 triệu. Trong số đó, chỉ có $70 triệu được dùng để mua phần cứng khai thác. Số tiền còn lại được sử dụng để tài trợ cho chiến dịch tiếp thị liên kết của Mining Max, cũng như lối sống xa hoa của các thành viên dự án.
Mặc dù một số nghi phạm liên quan đến vụ lừa đảo này đã bị bắt và bị buộc tội, thì chủ tịch, phó chủ tịch công ty và nhiều đồng phạm khác vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Cách tự bảo vệ bản thân tránh những vụ lừa đảo Ponzi
Tìm hiểu kỹ tất cả các thông tin liên quan đến dự án
Dù bạn có phải là người mới hay không, hãy luôn đảm bảo rằng bạn đã thực hiện các nghiên cứu của mình trước khi đầu tư vào bất kỳ dự án nào. Công nghệ đằng sau dự án là gì? Đội ngũ phát triển và cố vấn có tên tuổi và đáng tin cậy hay không? Dự án có công khai các thông tin liên quan không?....
Một dự án có đội ngũ phát triển ẩn danh hoặc từng có tiền án lừa đảo, mập mờ hay giữ bí mật các thông tin về công nghệ, chiến lược kinh doanh và phát triển, roadmap,... thường là những tín hiệu cảnh báo. Cái gì càng rõ ràng thì càng đáng tin cậy. Hãy nhớ, đừng đầu tư vào những thứ mà bạn không hiểu rõ.
Cẩn trọng trước những cơ hội đầu tư từ trên trời rơi xuống
Hãy luôn cẩn trọng và cảnh giác, đặc biệt là trước những lời mời tham gia vào các cơ hội đầu tư có tiềm năng mang lại lợi nhuận dễ dàng, rất ít hoặc không có rủi ro, đặc biệt là trong thị trường tiền điện tử. Nguyên tắc high risk - high return hầu như chưa bao giờ sai trong lĩnh vực đầu tư.
Chú ý đến các số liệu
“Đàn ông nói dối, đàn bà nói dối, nhưng những con số thì không nói dối!”
Những kẻ lừa đảo thường có khả năng lôi cuốn, thu hút mọi người khiến họ tin tưởng và đầu tư vào chúng thay vì quan tâm tới sổ sách hay số liệu đầu tư thực tế - những thứ phản ánh rất rõ ràng bản chất của một dự án.
Hãy nhìn vào vụ lừa đảo Ponzi của Bernie Madoff. Ông ta luôn được coi là người đáng tin cậy nhất - một người mà bạn luôn có thể liên lạc qua điện thoại khi cần. Các nhà đầu tư thậm chí còn nói rằng ông đã tham dự lễ tang khi một trong những người thân của họ qua đời như một dấu hiệu của sự ủng hộ. Điều này mang lại cho Bernie sự tin tưởng của các nhà đầu tư tiềm năng tại các nơi mà ông tham gia.
Nhưng kế toán Harry M. Markopolos - người đầu tiên phát giác ra chiêu trò lừa đảo của công ty Bernie Madoff, nói rằng khi anh ta được xem dữ liệu của công ty đầu tư này, chỉ mất 5 phút để nhận ra đó là một trò gian lận. Thật không may, khi đó không ai để ý đến lời nói của anh do tầm ảnh hưởng và uy tín của Bernie Madoff trong giới đầu tư.
Do vậy, đừng đầu tư chỉ vì tin vào uy tín, sự nổi tiếng hay sức ảnh hưởng của một ai đó. Hãy luôn kiểm tra thật kỹ thông tin, các số liệu đầu tư, sổ sách công khai, whitepaper,... để đảm bảo dự án đó không phải là một mô hình Ponzi khác.
Tìm hiểu thêm Cách đọc và phân tích cơ bản một dự án qua Whitepaper.
Kết luận
Tất cả mọi người đều muốn kiếm tiền mà không phải mạo hiểm quá nhiều. Đó là lý do tại sao nhiều nhà đầu tư vẫn bị thu hút bởi lời hứa phi thực tế “làm giàu nhanh chóng” và sập bẫy mô hình Ponzi. Cách duy nhất để đảm bảo rằng bạn sẽ không trở thành con mồi của những kẻ lừa đảo ngoài kia là trang bị cho mình một nền tảng kiến thức vững chắc và thận trọng trước mọi quyết định đầu tư của mình.