Vitalik Buterin là ai? “Bộ não” thiên tài của đế chế Ethereum
Trong thị trường tiền điện tử, chắc chắn đã không ít lần bạn nghe qua về Ethereum - một trong những nền tảng blockchain hàng đầu cùng với ETH, đồng tiền điện tử lớn thứ 2 thế giới chỉ đứng sau “anh cả” Bitcoin. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về Vitalik Buterin - nhà sáng lập thiên tài đằng sau sự thành công của blockchain Ethereum.
Vậy Vitalik Buterin là ai? Hôm nay, hãy cùng MarginATM tìm hiểu về tỷ phú tiền điện tử trẻ tuổi nhất ở bài viết dưới đây nhé!
Vitalik Buterin là ai?
Vitalik Buterin là một nhà văn và lập trình viên người Canada gốc Nga. “Thần đồng” và “thiên tài trẻ tuổi” là những gì mà người ta miêu tả về ông khi Buterin chính là “cha đẻ” của đồng tiền điện tử ETH cũng như là nhà đồng sáng lập Ethereum - một trong những blockchain được sử dụng tích cực nhất thế giới.
Hiện tại, Vitalik Buterin đã trở thành tỷ phú tiền điện tử trẻ nhất thế giới khi chỉ mới 27 tuổi. Ông cũng là gương mặt khá quen thuộc của cộng đồng tiền điện tử và có sức ảnh hưởng không nhỏ trong thị trường.
Quá khứ huy hoàng của Vitalik Buterin
Thành tích học tập đáng nể
Buterin được sinh ra vào ngày 31 tháng 1 năm 1994 ở Kolomna, Moscow Oblast, nước Nga. Ông sống ở đây đến năm 6 tuổi sau đó theo cha mẹ di cư đến Canada để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn.
Khi đang học lớp ba trường tiểu học ở Canada, Buterin được xếp vào một lớp dành cho trẻ em có năng khiếu. Không lâu sau đó, ông nhanh chóng nhận ra rằng bản thân sở hữu những kỹ năng và tài năng đặc biệt hơn hẳn so với các bạn bè cùng lứa và thậm chí cả giáo viên của mình.
Thậm chí, Buterin có thể cộng các số có ba chữ số trong đầu nhanh gấp đôi so với người bình thường cùng tuổi. Từ đây ông bị cuốn hút bởi toán học, lập trình và kinh tế.
Buterin sau đó theo học tại Trường Abelard, một trường trung học tư thục ở Toronto. Sau khi tốt nghiệp trung học, Buterin theo học tại Đại học Waterloo. Tại đây, ông tham gia các khóa học nâng cao và là trợ lý nghiên cứu cho nhà mật mã học Ian Goldberg, cựu chủ tịch hội đồng quản trị của Dự án Tor. Năm 2012, ông giành huy chương đồng Olympic Tin học Quốc tế.
Sau đó, vào ngày 30 tháng 11 năm 2018, Buterin đã nhận được bằng tiến sĩ danh dự từ Khoa Kinh doanh và Kinh tế của Đại học Basel.
Cậu sinh viên thiên tài với niềm đam mê crypto
Nhà đồng sáng lập của Bitcoin Magazine
Vào năm 2011, Buterin bắt đầu trở thành “cây bút” cho một ấn phẩm có tên là Bitcoin Weekly sau khi gặp một người trên diễn đàn Bitcoin để kiếm BTC. Chủ sở hữu ấn phẩm đã đề nghị 5 BTC tương đương 3.50 USD vào thời điểm đó như tiền nhuận bút. Buterin đã viết bài cho trang ấn phẩm này cho đến khi nó đóng cửa do không có đủ doanh thu để duy trì.
Vào tháng 9 năm 2011, một người tên Mihai Alise, cũng là thành viên trong đội ngũ cốt lõi thành lập nên Ethereum sau này, đã liên hệ với Buterin về việc bắt đầu một ấn phẩm in mới có tên là Bitcoin Magazine cùng với lời đề nghị cho vị trí là người đồng sáng lập đầu tiên và đóng góp với tư cách là một nhà văn hàng đầu.
Bitcoin Magazine đã bắt đầu xuất bản một ấn phẩm nghiêm túc đầu tiên dành riêng cho tiền điện tử vào năm 2012. Trong khi làm việc cho Bitcoin Magazine, Buterin đã liên hệ với Jed McCaleb để xin việc tại Ripple. Tuy nhiên, công việc được đề xuất cho Buterin đã thất bại sau khi Ripple không thể hỗ trợ các giấy tờ pháp lý tại Hoa Kỳ cho Buterin.
“Bộ não thiên tài” của blockchain Ethereum
Buterin lần đầu tiên mô tả về Ethereum trong sách trắng vào cuối năm 2013. Ông đã lập luận rằng Bitcoin cần có ngôn ngữ script để phát triển ứng dụng. Tuy nhiên, thỏa thuận đề ra đã không thành công và ông ấy đã đề xuất phát triển một nền tảng mới với ngôn ngữ script tổng quan hơn.
Về Dự án Ethereum, Buterin đã nói:
"Tôi thực sự biết ơn khi có cơ hội làm việc trong một lĩnh vực thú vị, nơi tôi có cơ hội tiếp xúc với các nhà mật mã học, toán học và kinh tế học nổi bật trong các lĩnh vực của họ, để giúp xây dựng phần mềm cũng như công cụ đã ảnh hưởng đến hàng chục nghìn người trên thế giới và giải quyết các vấn đề nâng cao trong khoa học máy tính, kinh tế học và triết học.”
Nhân duyên của Buterin với tiền điện tử
Bén duyên tiền điện tử từ năm 17 tuổi
Vitalik Buterin bắt đầu học về Bitcoin khi mới 17 tuổi từ cha của mình. Sau đó, lập trình viên người Canada gốc Nga trở nên tò mò về hệ thống thanh toán phi tập trung của tiền điện tử. Buterin khi ấy muốn mua Bitcoin nhưng không có tiền nên cuối cùng đã viết các bài đăng trên blog để đổi lấy khoản thanh toán bằng tiền điện tử. Sau đó, Buterin đồng sáng lập nên Bitcoin Magazine khi chỉ mới 18 tuổi.
Vào năm 2013, Buterin đã đến thăm các nhà phát triển ở các quốc gia khác nhau. Sau đó, ông đã trở lại Toronto vào cuối năm đó và xuất bản một sách trắng đề xuất Ethereum.
Một năm sau đó, ông đã bỏ học đại học khi anh ấy được nhận khoản trợ cấp 100,000 USD từ Thiel Fellowship, một học bổng do nhà đầu tư mạo hiểm Peter Thiel tạo ra và bắt đầu làm việc toàn thời gian trên Ethereum. Năm 2015, đồng tiền điện tử Ether (ETH) được ra mắt lần đầu khi ông chỉ mới 21 tuổi.
Sự ra đời của một đế chế Ethereum
Buterin mô tả ý tưởng của mình trong một cuốn sách trắng vào cuối năm 2013. Sau đó anh ấy đã gửi cho một vài người bạn của mình. Kết quả là, khoảng 30 người đã liên hệ với Vitalik để thảo luận về khái niệm này. Ban đầu, ý tưởng đằng sau Ethereum vẫn chỉ đơn giản là về tiền kỹ thuật số.
Theo thời gian, tầm nhìn của nhóm phát triển đã thay đổi và vào cuối tháng 1 năm 2014, họ đã nhận ra rằng không khó để tạo ra một bộ lưu trữ các tệp dữ liệu phi tập trung và tạo ra một nền tảng blockchain có thể trở thành hiện thực chỉ với một vài dòng mã.
Dự án được công bố rộng rãi vào tháng 1 năm 2014 với đội ngũ cốt lõi gồm Vitalik Buterin, Mihai Alise, Anthony Di Iorio, Charles Hoskinson, Joe Lubin và Gavin Wood. Buterin cũng đã trình bày Ethereum trên sân khấu tại một hội nghị Bitcoin ở Miami. Một vài tháng sau, nhóm đã quyết định tổ chức một đợt ICO của ETH, coin gốc của mạng Ethereum, để gọi vốn tài trợ cho sự phát triển của nền tảng.
Nhóm đã huy động được hơn 31,000 BTC từ việc bán ETH tương đương khoảng 18 triệu USD vào thời điểm đó. Nhóm Ethereum cũng đã thành lập Ethereum Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thụy Sĩ, được giao nhiệm vụ giám sát sự phát triển phần mềm mã nguồn mở của Ethereum. Bất chấp một số sóng gió, chiến dịch huy động vốn từ cộng đồng của Ethereum đã thành công.
Mạng Ethereum thường xuyên trải qua các đợt nâng cấp để cải thiện cấu trúc cơ bản của nó, chẳng hạn như nâng cấp ở London, Berlin và đợt hard fork sắp tới ở Thượng Hải. Những nâng cấp này mang lại một số thay đổi mạng để tiếp tục tiến trình phát triển tự nhiên của Ethereum đối với Ethereum 2.0 (ETH2), còn được gọi là Serenity.
Thời điểm năm 2016, khi Ethereum đang bắt đầu phát triển lớn mạnh và trở thành nền tảng blockchain được ưa thích cho các tổ chức tự quản (DAO) thì một sự cố đã xảy ra. Một trong những người xây dựng nên The DAO đã phát hiện ra một ”lỗi đệ quy” nhưng lại tuyên bố nó sẽ “không gây nguy hại cho quỹ DAO”. Tuy nhiên, trong khi các lập trình viên cố gắng sửa lỗi, một kẻ tấn công đã khai thác lỗ hổng và bắt đầu bòn rút Ether từ The DAO.
Để giải quyết sự việc trên, ban đầu Vitalik Buterin, đã đề xuất một soft fork của mạng Ethereum, thêm một đoạn mã có thể đưa kẻ tấn công vào danh sách đen và ngăn chúng di chuyển số tiền bị đánh cắp. Thế nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Sau nhiều cuộc tranh luận, đội ngũ phát triển đi đến giải pháp hard fork và đó là lý do hard fork Ethereum Classic ra đời. Chính Buterin cũng phải thừa nhận rằng, vụ hack DAO là điều tồi tệ nhất.
Kể từ khi Bitcoin ra đời, không có dự án tiền điện tử nào có tầm ảnh hưởng đến crypto như Ethereum. Nhiều công nghệ của Ethereum như hợp đồng thông minh, ERC20 token và giao thức sharding đóng góp vai trò quan trọng trong hệ sinh thái tiền điện tử.
Tìm hiểu thêm về Đồng tiền điện tử lớn thứ 2 thế giới Ethereum.
Buterin và Shiba Inu (SHIB)
Tháng 5 năm 2021, cộng đồng tiền điện tử được phen dậy sóng khi thông tin Vitalik Buterin sở hữu 505 tỷ token SHIB tức khoảng 50% tổng nguồn cung của đồng tiền điện tử được mệnh danh là “Dogecoin Killer” này.
Có thể nói, số SHIB này của Buterin dường như là “từ trên trời rơi xuống” khi mà các nhà phát triển ẩn danh của Shiba Inu đã nói trong sách trắng rằng việc gửi 50% tổng cung đến địa chỉ ví của Buterin là một cách để họ loại bỏ số token này khỏi lưu thông nhằm đẩy giá tăng mạnh.
Tuy nhiên, không lâu sau đó ông đã quyết định “đốt” 410,000 tỷ đồng (SHIB) tức khoảng 90% lượng token mình đang số hữu, tương đương 6.7 tỷ USD ở thời điểm được tiêu hủy. Nguyên nhân đằng sau hành động này, Buterin nói rằng anh không muốn liên quan đến những suy đoán sai lệch có thể phát sinh trong tương lai khi anh thực hiện giao dịch bằng các token được tặng.
Buterin bày tỏ suy nghĩ:
“Tôi không muốn trở thành một nơi tích trữ sức mạnh kiểu như vậy. Tốt hơn hết là các dự án nên trực tiếp gửi token cho một tổ chức từ thiện xứng đáng, và nhớ thông báo đến họ trước khi gửi.”
Vitalik Buterin giàu có đến mức nào?
Không phải tự nhiên mà cộng đồng gọi Buterin với danh xưng “tỷ phú tiền điện tử trẻ nhất thế giới”, mọi chuyện đều có nguyên do của nó.
Năm 2018, Vitalik Buterin được Forbes “gọi tên” trong danh sách những người giàu nhất thị trường tiền điện tử với giá trị tài sản khi đó ước tính khoảng 400 triệu đến 500 triệu USD. Theo Bloomberg, ví Ether của nhà sáng lập Buterin sở hữu khoảng 333,520 ETH. Vào tháng 5 năm 2021, khi đồng tiền điện tử ETH đạt mức ATH 3,456 USD thì số ETH ông nắm giữ tương đương 1.15 tỷ USD giúp ông ghi tên mình vào danh sách tỷ phú.
Ngoài ra, cũng trong tháng 5/2021, nhà đồng sáng lập Ethereum cũng đã quyên góp 50,000 tỷ đồng Shiba Inu (SHIB) cho Ấn Độ thông qua Quỹ cứu trợ Covid-19 bằng tiền mã hóa ở quốc gia này. Vào thời điểm đó, số lượng SHIB này trị giá khoảng hơn 1 tỷ USD. Người sáng lập của quỹ, Sandeep Nailwal đã đăng tải dòng trạng thái gửi lời cám ơn đến Buterin.
Tầm ảnh hưởng của Vitalik Buterin
Vào ngày 25/6/2017, trong một bản tin ngắn đã xuất hiện trên 4Chan cho biết Vitalik Buterin đã qua đời vì một vụ tai nạn xe hơi. Thông tin này sau đó đã được các trang tin tức lớn khác đăng tải và tạo nên một làn sóng FUD khổng lồ. Vụ việc này đã khiến ETH bốc hơi 4 tỷ USD vốn hóa chỉ trong một thời gian ngắn.
Trước sự ảnh hưởng nặng nề của trò lừa đảo này, với tư cách là nhà sáng lập, Buterin đã không thể ngồi yên nhìn “đứa con” của mình bị ảnh hưởng và đã lên tiếng phản bác lại tin đồn thất thiệt trên. Cụ thể, ông đã đăng một bài tweet ảnh chụp của mình cùng với số khối Ethereum mới nhất vào thời điểm đó như một lời khẳng định: “Tôi vẫn còn sống đấy nhé!”
Sau động thái trên, vốn hóa Ethereum đã nhanh chóng phục hồi. Tuy nhiên có lẽ thông qua sự việc này, ta có thể thấy được Vitalik Buterin có tầm ảnh hưởng cực kì quan trọng đối với Ethereum.
Tổng kết
Thật không ngoa khi gọi Vitalik Buterin là thiên tài khi ông chính là một nhân vật quan trọng không thể thiếu đằng sau sự thành công của đế chế Ethereum. Dĩ nhiên ta càng không thể phủ nhận sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Buterin đối với ETH và cả thị trường tiền điện tử khi mà mọi động thái của ông đều được các nhà đầu tư quan tâm.
Mới đây, nhà tỷ phú 27 tuổi này đã được tạp chí TIME danh giá gọi tên trong “Top 100 người có sức ảnh hưởng nhất năm 2021” cùng với tỷ phú kiêm CEO Tesla Elon Musk.
Ngoài Vitalik Buterin, bạn có thể tìm hiểu về Iron Man công nghệ tiền điện tử - Elon Musk tại đây.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho quý bạn đọc những thông tin hữu ích cũng như giải đáp những thắc mắc của bạn về Vitalik Buterin là ai cũng như những sự kiện diễn xung quanh nhà sáng lập thiên tài này.
Bên cạnh đó, bạn đừng quên theo dõi và tham gia qua các kênh Youtube, Facebook, Tiktok, Twitter & nhóm chat Telegram Channel để cập nhật tin tức nóng hổi cũng như thảo luận về thị trường crypto cùng đội ngũ MarginATM nhé!
Ngoài ra, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào hãy để lại bình luận bên dưới để MarginATM hỗ trợ bạn nhé!