Whitepaper là gì? Tầm quan trọng của Whitepaper trong đầu tư
Nếu bạn quan tâm đến blockchain và không gian tiền điện tử, đặc biệt là các dự án mới đang được triển khai, thì có một thứ bạn không thể không biết là Whitepaper. Whitepaper đã được biết đến như một phần thiết yếu của một dự án hay một đồng tiền điện tử mới. Các nhà đầu tư và cả các nhà phát triển đều mong đợi được xem một tài liệu giải thích vấn đề mà dự án nhắm tới giải quyết và cách thức thực hiện điều đó.
Vậy chính xác hơn thì Whitepaper là gì và nó có vai trò như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Whitepaper là gì?
Whitepaper là một loại tài liệu thường được sử dụng trong lĩnh vực công nghệ để cung cấp thông tin kỹ thuật cho các khách hàng tiềm năng về một sản phẩm hay dịch vụ nào đó. Bên cạnh đó, nó cũng thường cung cấp các số liệu thống kê, sơ đồ và dữ kiện để thuyết phục các nhà đầu tư quan tâm sử dụng sản phẩm/dịch vụ. Do đó, Whitepaper thực hiện chức năng kép là cung cấp thông tin đồng thời hoạt động như một tài liệu tiếp thị.
Trong không gian tiền điện tử, khi một nhóm phát triển dự định giới thiệu tới cộng đồng một dự án mới hay một đồng coin mới, họ thường đưa ra một bản Whitepaper với những thông tin phác thảo về vấn đề mà dự án đang tìm cách giải quyết, giải pháp cho vấn đề đó cũng như mô tả chi tiết về sản phẩm, dịch vụ mà dự án cung cấp, sự tương tác của nó với người dùng,... Từ đó giúp nhà đầu tư có cái nhìn tổng quát về dự án và đưa ra quyết định có nên đầu tư vào dự án đó hay không.
Whitepaper thường đi kèm với One Pager - tóm tắt dự án trong một trang và Position Paper, trong đó nêu chi tiết về đối thủ cạnh tranh và vị thế của họ so với các đối thủ đó.
Hai ví dụ nổi tiếng nhất về Whitepaper là Bitcoin Whitepaper và Ethereum Whitepaper - hai đồng tiền điện tử có vốn hóa dẫn đầu thị trường hiện nay.
Whitepaper của Bitcoin không hẳn là “Whitepaper” theo nghĩa truyền thống. Những gì tác giả ẩn danh Satoshi Nakamoto đã viết giống như một bài báo học thuật nhiều hơn. Ngược lại, Whitepaper của Ethereum lại giống như một tài liệu hướng dẫn sử dụng hoặc tài liệu kỹ thuật được chỉnh sửa và cải thiện dần theo thời gian, song song với sự phát triển của cả hệ sinh thái.
Tầm quan trọng của Whitepaper
Khi ngày càng có nhiều token xuất hiện trong thị trường tiền điện tử, thì các nhà đầu tư và kể cả các nhà phát triển dự án cũng bắt đầu nhìn nhận Whitepaper như là một tài liệu có ý nghĩa quan trọng.
Đối với các nhà phát triển dự án
Đầu tiên, Whitepaper là công cụ để dự án thu hút và thuyết phục các nhà đầu tư tiềm năng. Thông thường, Whitepaper được sử dụng bởi những dự án mới, thậm chí chưa có sản phẩm hay dịch vụ gì mà mới chỉ là ý tưởng. Lúc này, để thu hút sự chú ý từ cộng đồng và gây quỹ thành công, điều quan trọng là nhóm phát triển dự án phải thuyết phục được mọi người và khiến họ thấy lý do tại sao dự án xứng đáng để đầu tư.
Nếu Whitepaper được viết một cách sơ sài, kém hấp dẫn với một lộ trình phần lớn là phi thực tế, khó có thể đạt được thì các nhà đầu tư, thậm chí là toàn bộ cộng đồng sẽ bỏ qua dự án và khiến nó chết yểu ngay từ trong trứng nước.
Bên cạnh đó, Whitepaper cũng là một phương tiện để cung cấp thông tin cho cộng đồng. Chúng ta thường thấy Whitepaper là công khai và được đăng tải rộng rãi trong một khoảng thời gian trước khi dự án chính thức ra mắt. Mục đích là để thông báo đến các nhà đầu tư những thông tin quan trọng về những sự kiện sắp tới như thời gian và địa điểm mở bán token, giá token được niêm yết công khai, cách thức tham gia các vòng sale hay sự kiện airdrop,... để giúp các nhà đầu tư chuẩn bị tâm lý tốt hơn.
Đối với nhà đầu tư
Đầu tiên, Whitepaper giúp các nhà đầu tư biết được dự án này làm gì, bản chất công nghệ của nó, những vấn đề mà nó giải quyết, giải pháp dự án đưa ra có khả thi hay không,... Từ đó nhà đầu tư có thể nhìn ra được tiềm năng của dự án đó.
Bên cạnh đó, Whitepaper là một phiên bản tổng hợp tất cả những gì nhà đầu tư cần biết về dự án, giúp họ không cần phải tốn nhiều thời gian để tìm kiếm thông tin và dữ liệu đầu tư.
Cuối cùng, Whitepaper giúp nhà đầu tư có thể đưa ra dự phóng về cách thức hoạt động của dự án. Nếu bạn đã ở trong thị trường tiền điện tử đủ lâu, bạn sẽ nhận ra có rất nhiều dự án giống nhau, cùng hướng tới giải quyết một vấn đề, thậm chí có khi sử dụng cùng một công nghệ, ví dụ như:
- Về mảng Layer-2 có Polygon, Arbitrum, Optimism, Zk-Rollups,...
- Về mảng Cross-chain có Coin98, Solana, Anyswap, Kylin, Cosmos,...
Do đó, khi bạn đọc Whitepaper của một dự án nào đó và nhận thấy nó hơi giống với một vài dự án đi trước, bạn có thể dự đoán ngay được cách thức hoạt động của dự án này có thật sự hiệu quả hay không.
Nội dung của Whitepaper
Mặc dù không có một quy tắc nhất định nào về những gì một Whitepaper chuẩn cần phải có, nhưng chúng thường chứa những nội dung sau:
- Giới thiệu: Một bản tóm tắt ngắn gọn trình bày chi tiết mục đích của Whitepaper, vấn đề mà dự án tìm cách giải quyết và cách sản phẩm giải quyết vấn đề có liên quan.
- Mô tả vấn đề và cách dự án sẽ giải quyết vấn đề đã nêu: Phần này cần mô tả kỹ hơn về các vấn đề mà dự án nhắm tới giải quyết; các dự án đã có sản phẩm hay dịch vụ giải quyết vấn đề này và những điểm mà các dự án đó chưa làm được; sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi dự án có gì khác biệt,... Nói cách khác, phần này phải cung cấp câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao người dùng cần sản phẩm/dịch vụ của dự án?”
- Token: Cách thức hoạt động và các trường hợp sử dụng của token, số lượng token sẽ phát hành, phân bổ token, các giai đoạn mở bán, hình thức thanh toán và ưu đãi về quyền sở hữu token,...
- Team: Giới thiệu từng người và vai trò của họ trong dự án. Phần này thường bao gồm cả ảnh thật của các thành viên, tiểu sử ngắn và liên kết hồ sơ của họ trên LinkedIn hay Twitter.
- Roadmap: Những dự định và công việc mà đội ngũ phát triển sẽ làm trong tương lai. Những mục tiêu này phải có sự gắn kết với những vấn đề cần được giải quyết và các giải pháp mà dự án sẽ cung cấp.
Nhờ roadmap, các nhà đầu tư tiềm năng sẽ dễ dàng hình dung về dự án ở trạng thái hữu hình hơn. Ngoài ra, sau khi dự án ra mắt, các nhà đầu tư cũng có thể sử dụng roadmap để theo dõi xem liệu đội ngũ phát triển có đạt được các mục tiêu như đã tuyên bố hay không.
Tuy nhiên, các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo bởi vì chúng có thể dễ dàng sửa đổi dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường, đặc trưng riêng của từng dự án hoặc sự phát triển trong từng giai đoạn của nó,...
Cách viết Whitepaper
Chú trọng vào phần giới thiệu dự án và mục lục
Một trong những bước quan trọng nhất khi viết bất kỳ tài liệu nào là viết phần giới thiệu hấp dẫn để thu hút sự chú ý của người đọc. Một phần mở đầu nhàm chán, dài dòng có thể khiến các nhà đầu tư tiềm năng không muốn tiếp tục xem phần bên dưới. Đây là nơi bạn cần phác thảo vấn đề mà dự án nhắm tới giải quyết, cung cấp lời giải thích tại sao vấn đề này lại quan trọng và thậm chí có thể đề cập đến hậu quả của việc không giải quyết được nó.
Phần mở đầu của Whitepaper cũng sẽ là một phần tốt để đặt một thông báo pháp lý hoặc tuyên bố từ chối trách nhiệm, bất kỳ hạn chế hoặc thông báo quan trọng nào. Đó có thể là về việc cư dân của một số quốc gia nhất định không thể mua token của dự án do quy định của pháp luật địa phương hoặc chỉ đơn giản là để các nhà đầu tư tương lai biết rằng bản thân khoản đầu tư sẽ không đảm bảo lợi nhuận.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý rằng Whitepaper chủ yếu là một tài liệu kỹ thuật và có thể dài tới khoảng 25 trang. Do đó, điều cực kỳ quan trọng là làm cho Whitepaper của bạn dễ tiếp cận hơn. Một mục lục đầy đủ thông tin chắc chắn sẽ rất hữu ích cho các nhà đầu tư tương lai.
Nói về dự án
Hãy dành nhiều không gian nhất có thể để nói sâu về dự án của mình và giải thích cho các nhà đầu tư tiềm năng biết chính xác vị trí của dự án đối với thị trường hiện tại. Quan trọng nhất, hãy đảm bảo giải thích dự án của bạn là gì và nó bao gồm những sản phẩm, dịch vụ nào. Dưới đây là một số mục bạn cần quan tâm khi nói về dự án của mình:
- Tình trạng của dự án: Phần này nên có những mô tả chi tiết về trạng thái hiện tại của dự án như cộng đồng người dùng ban đầu (nếu có), dữ liệu nguyên mẫu, chiến lược phát triển và mục tiêu tổng thể,...
Phần lớn các nhà đầu tư nghiêm túc sẽ rất quan tâm và ủng hộ những dự án đã có một thứ gì đó để cung cấp cho người dùng, vì việc đó sẽ tăng cơ hội tồn tại cho token của dự án trên thị trường. Nếu dự án của bạn có bất kỳ yếu tố nào kể trên, hãy đảm bảo cho người đọc biết rõ về điều đó.
- Token: Nếu dự án của bạn có ý định phát hành token, hãy đảm bảo dành một phần lớn Whitepaper cho mục này. Bạn có thể giải thích lý do tại sao dự án của bạn cần có token riêng, công dụng của nó là gì, cách thức và thời điểm chính xác chúng sẽ được phân phối, việc phát hành token có bị giới hạn nào không,...
- Kế hoạch sử dụng kinh phí: Các nhà đầu tư tiềm năng sẽ muốn biết chính xác tiền của họ sẽ đi đâu và dự án cần bao nhiêu tiền để hoàn thành một số nhiệm vụ quan trọng.
Quan trọng hơn, Whitepaper không nên đề cập đến các mục chi tiêu như “sự kiện kết nối”, “phát triển truyền thông”, “linh tinh”,... Điều đó sẽ khiến các nhà đầu tư tiềm năng e ngại. Whitepaper của bạn phải nêu rõ rằng tất cả số tiền thu được sẽ được chi cho việc phát triển công nghệ và không gì khác.
- Lộ trình phát triển (roadmap): Thông thường, lộ trình phát triển sẽ được chia nhỏ thành các mục tiêu hàng quý. Lý tưởng nhất là nên trình bày một kế hoạch làm việc chuyên sâu trong 12 - 24 tháng tới và bao gồm ít nhất một đợt khởi chạy beta. Nếu một số nhiệm vụ nêu trong lộ trình đã được hoàn thành, hãy nhớ nêu rõ nó trong Whitepaper, vì đó sẽ được coi là một lợi thế lớn.
Nói về team
Team hay đội ngũ phát triển là một phần quan trọng và không thể thiếu của mỗi dự án. Với một số dự án, các nhà phát triển thường ẩn danh. Điều này có thể phát đi những tín hiệu không đáng tin cậy như dự án có gì đó cần che giấu,...
Hãy chắc chắn rằng Whitepaper không chỉ mô tả những cá nhân đứng sau dự án là ai mà còn giải thích lý do tại sao họ lại quan trọng đối với dự án này và những cống hiến của họ với bản thân dự án.
Ngoài ra, liệt kê kinh nghiệm và học vấn trước đây của họ sẽ rất hữu ích để tăng độ tin cậy cho dự án. Nếu bất kỳ thành viên nào trong nhóm đã có kinh nghiệm với các dự án liên quan đến blockchain hoặc tiền điện tử, hãy đảm bảo bạn nêu rõ điều đó trong Whitepaper.
Cuối cùng, bạn có thể nói vài lời về các cố vấn của dự án. Tuy nhiên, hãy tránh việc chỉ nêu tên họ, vì các cố vấn được đề cập ít nhiều phải là chuyên gia trong lĩnh vực dự án đặt ra.
Phong cách, ngôn ngữ và bố cục
Khi viết Whitepaper, hãy đảm bảo bạn sử dụng cách viết trang trọng, gần như kiểu học thuật. Ngoài ra, tài liệu cần phải được mô tả với giọng điệu chuyên nghiệp. Hãy tập trung vào các nội dung chính và tránh lan man không cần thiết.
Bởi vì tiền điện tử đang ngày càng nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư mới, bạn cũng nên xem xét đến những đối tượng tiềm năng này. Với những người mới gia nhập thị trường tiền điện tử có thể sẽ không biết nhiều về những thuật ngữ chuyên ngành phổ biến. Do vậy, bạn hãy cố gắng sử dụng từ ngữ đơn giản, dễ hiểu hoặc có thêm bảng chú giải để tiện cho người đọc theo dõi.
Ngoài ra, hãy đảm bảo kiểm tra kỹ để Whitepaper của bạn không có lỗi ngữ pháp và chính tả. Nó cũng phải được định dạng đúng để trông không thiếu chuyên nghiệp.
Cách đọc và phân tích cơ bản Whitepaper của một dự án
Để xác định một dự án liệu có triển vọng hay không, việc đọc Whitepaper bước rất quan trọng. Dưới đây là một số câu hỏi bạn nên quan tâm khi phân tích một dự án thông qua Whitepaper.
Dự án này làm gì?
Câu hỏi đầu tiên khá đơn giản nhưng lại là câu hỏi tối quan trọng, giúp bạn nắm được bản chất của dự án và vấn đề mà nó hướng tới giải quyết. Một số người sẽ cảm thấy những gì giải thích về dự án trong Whitepaper khá khó hiểu. Sự kết hợp của thuật ngữ chuyên ngành, biệt ngữ kỹ thuật và những cái tên mà bạn tìm thấy trong Whitepaper đôi khi sẽ khiến bạn bối rối.
Nếu bạn không chắc chắn về những gì dự án đang làm, có thể có hai trường hợp xảy ra: dự án khá phức tạp và đặc thù đòi hỏi bạn phải hiểu sâu hơn về lĩnh vực đó hoặc nó không thực sự làm được gì cả.
Ý tưởng của dự án liệu có khả thi không?
Một vấn đề có thể có rất nhiều hướng giải quyết khác nhau và không phải hướng giải quyết nào cũng thực tế, khả thi hay xứng đáng để bạn rót tiền vào. Chỉ vì dự án tuyên bố rằng họ có thể đồng bộ hóa việc nêm gia vị vào thức ăn với điện thoại thông minh của bạn không có nghĩa là họ thực sự có thể làm được như thế. Ngoài ra, liệu bạn có cần một công cụ như vậy thật hay không?
Dự án sẽ giải quyết vấn đề nó đặt ra như thế nào?
Bằng những ước mơ và hy vọng? Không. Whitepaper cần phải giải thích chi tiết và cụ thể cách nhóm phát triển dự án dự định sẽ giải quyết vấn đề mà họ đặt ra. Ngoài ra, họ cũng nên cung cấp một lộ trình rõ ràng rằng họ sẽ thực hiện nó trong khoảng thời gian bao lâu.
Team phát triển có đủ khả năng để thực hiện ý tưởng không?
Nếu bạn thấy trong danh sách team phát triển có những người đã có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực mà họ hướng tới thì đây là một tín hiệu tốt. Những tay nghiệp dư hay thậm chí không có chút kiến thức, kinh nghiệm thực tế nào về các vấn đề dự án đưa ra mà nằm trong nhóm nhân tố nòng cốt thì bạn cần phải xem lại độ khả thi của dự án này.
Tiền đầu tư của bạn sẽ được sử dụng để làm gì?
Nếu dự án không phát hành token, họ sẽ gây quỹ bằng cách nào và số tiền gây quỹ được sẽ được sử dụng vào những việc gì? Với những dự án gây quỹ thông qua việc phát hành token, bạn hãy đặc biệt lưu tâm đến tokenomics và roadmap để biết tiền của mình sẽ đi về đâu. Hãy cẩn thận với những dự án không có bất kỳ thông tin gì về kế hoạch sử dụng số tiền gây quỹ được hoặc dùng phần lớn vào những hoạt động như marketing, AMA, chiến dịch quảng cáo,...
Tìm hiểu thêm Tokenomics là gì? Hiểu rõ cuộc chơi để tăng tỷ lệ chiến thắng.
Kết luận
Cùng với sự phát triển của ICO, IDO, IEO,..., mọi người cũng quan tâm nhiều hơn tới Whitepaper. Dù bạn là nhà đầu tư hay nhà phát triển, việc hiểu về Whitepaper cũng như tầm quan trọng của nó với một dự án tiền điện tử cũng sẽ giúp bạn biết điều mình cần và đưa ra quyết định phù hợp.