Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Vòng xoáy Pump-Dump và hồi chuông cảnh tỉnh từ các đợt launch Token

Thời gian gần đây, đa phần các token được ra mắt thông qua Binance Launchpool không đạt được hiệu suất như mong đợi. Thị trường crypto mong chờ một mô hình launch token bền vững hơn, tập trung vào giá trị dài hạn cũng như lợi ích của nhà đầu tư.
Avatar
Dyan
Published May 20 2024
Updated May 20 2024
7 min read
pump dump launchpool binance

Binance Launchpool và thực trạng đáng báo động

Binance Launchpool là một sản phẩm của sàn giao dịch Binance, cung cấp nền tảng cho phép người dùng farm token sắp được Binance niêm yết. Người dùng có thể lựa chọn farm bằng cách stake các tài sản được Binance hỗ trợ, ví dụ như BNB hoặc FDUSD.

Được niêm yết trên Binance thường là chỉ báo cho thấy một đồng coin uy tín và có tiềm năng bay cao. Vì vậy Binance Launchpool thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng mỗi khi công bố chiến dịch launch token. Tuy nhiên, hiệu suất gần đây của nhiều dự án ra mắt trên Launchpool đang đi ngược lại với chỉ báo này.

binance launchpool hiệu suất kém
Hiệu suất đáng báo động của Biannce Launchpool trong 6 tháng gần đây. Nguồn: @tradetheflow_ / X

Dữ liệu thu thập được cho thấy, kể từ tháng 11/2023, hơn 70% token được ra mắt trên Binance Launchpool đều đang giao dịch dưới mức giá niêm yết ban đầu. Điều này dấy lên nghi vấn liệu vòng xoáy pump - dump có đang hoành hành trong thị trường?

advertising

Vòng xoáy Pump-Dump trong các đợt launch token

Vấn Nạn Pump-Dump

Pump-Dump không còn là một thuật ngữ xa lạ trong thị trường crypto. Đây là một mô hình thao túng thị trường, trong đó các nhóm hoặc cá nhân cố tình đẩy giá một token lên cao để thu hút FOMO, sau đó bán tháo để thu lợi nhuận, khiến giá token sụt giảm mạnh và gây thiệt hại nặng nề cho những nhà đầu tư.

mô hình pump and dump
Mô hình Pump-n-Dump không còn xa lạ với cộng đồng crypto. Nguồn: TradeSanta

Mối liên hệ với các đợt launch token trên Binance Launchpool

Một số chiến thuật phổ biến trong mô hình pump-dump có thể được nhận thấy ở một số token được niêm yết trên Binance Launchpool:

Thời gian vesting ngắn: Việc thiết kế lịch trình vesting (giải ngân token) ngắn cho phép những người nắm giữ phần lớn token, thường là đội ngũ dự án và các nhà đầu tư vòng gọi vốn private, bán tháo token ngay sau khi niêm yết. Điều này tạo ra áp lực bán lớn, đẩy giá token xuống thấp.

Ví dụ điển hình là trường hợp của AEVO, khi cho phép holder của RBN (Ribbon Finance) quy đổi RBN thành AEVO với tỷ lệ 1:1 và thời gian khóa chỉ 2 tháng. Hiện tại, RBN sẽ hoàn thành quá trình vesting cho đội ngũ dự án (23%) và các nhà đầu tư Private Sale (18.5%) trong tháng 5/2024, sau khi đã được thực hiện từ năm 2021.

Số liệu giả mạo và Định Giá FDV ảo: Các dự án có thể thổi phồng số liệu, đặc biệt là định giá FDV (Fully Diluted Valuation), để tạo sự phấn khích và thu hút nhà đầu tư, dẫn đến kỳ vọng không thực tế và sự sụp đổ sau đó.

Thông thường, việc định giá FDV cao là một phương pháp thể hiện tầm nhìn và lòng tin vào sản phẩm của đội ngũ phát triển dự án. Tuy nhiên, chiến lược này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thị trường sẽ tự điều chỉnh giá trị thực của token, dẫn đến việc giá giảm mạnh và mất dần sự quan tâm của nhà đầu tư. Thay vì tập trung vào phát triển sản phẩm và thu hút người dùng thực sự, các dự án lại chạy theo những con số ảo, tạo ra bong bóng giá dễ vỡ.

Khi liên hệ với Binance Launchpool, có thể thấy ví dụ điển hình là trường hợp của Starkware (STRK) và Wormhole (W). STRK được định giá 23.4 tỷ USD khi được Binance niêm yết vào ngày 20/02/2024, nhưng đến ngày 20/05/2024, FDV của STRK đã giảm hơn 50% (~11 tỷ USD). Tương tự, W cũng giảm gần 60% FDV (~5.4 tỷ USD) chỉ sau 3 tháng niêm yết.

Cần một hướng đi mới trong việc launch token

Thực trạng trên cho thấy thị trường cần một cách tiếp cận mới, tập trung vào giá trị lâu dài và thu hút người dùng thực sự. Từ những ví dụ trên, có thể thấy một số giải pháp hiện hữu là:

  • Ra mắt với FDV thấp: cho phép quá trình điều chỉnh giá diễn ra một cách tự nhiên, qua đó đem lại tính bền vững về lâu dài cho dự án. Tuy nhiên, điều này có thể vấp phải sự phản đối từ phía các quỹ đầu tư ở các vòng gọi vốn riêng.
  • Kéo dài thời gian vesting.
  • Các nền tảng launchpad do cộng đồng điều hành.

Ngoài ra, có thể áp dụng các mô hình launch token như:

  • Mô hình Fair Launch: Trong mô hình này, không có vòng gọi vốn riêng tư trước khi niêm yết, tất cả mọi người đều có cơ hội mua token ở cùng một mức giá và cùng một thời điểm. Điều này giúp giảm thiểu sự thao túng giá của các nhóm đầu tư lớn và tạo sự công bằng cho tất cả nhà đầu tư.
  • Mô hình Lockdrop: Thay vì bán token, dự án sẽ phân phối token miễn phí cho những người dùng đã khóa một lượng tài sản nhất định trong một khoảng thời gian cụ thể. Điều này khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và giảm thiểu áp lực bán tháo ngay sau khi niêm yết.
  • Mô hình Dutch Auction: Trong mô hình này, giá token sẽ giảm dần theo thời gian cho đến khi tất cả token được bán hết. Điều này giúp tìm ra mức giá cân bằng giữa người mua và người bán, tránh tình trạng giá bị đẩy lên quá cao ngay từ đầu.
  • Mô hình Community Sale: Dự án có thể tổ chức các vòng bán token dành riêng cho cộng đồng, với mức giá ưu đãi và giới hạn số lượng mua.

Bên cạnh việc phát triển các hình thức launch mới, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sàn giao dịch, dự án và cộng đồng để xây dựng một thị trường minh bạch và công bằng hơn.

Các sàn giao dịch cần có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các dự án niêm yết, đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin để nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định sáng suốt.

Các dự án cần tập trung vào việc xây dựng sản phẩm chất lượng, tạo ra giá trị thực cho người dùng và tránh những chiêu trò tạo hype để đẩy giá. Cộng đồng cũng cần nâng cao nhận thức và kiến thức về thị trường, tránh FOMO và đầu tư một cách tỉnh táo.

Đọc thêm: Gensler sẽ là người quyết định cuối cùng về việc phê duyệt Ether ETF giao ngay

RELEVANT SERIES