Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Evergrande là gì? Tác động của sự kiện Evergrande đến crypto

Cuộc khủng hoảng tại Evergrande đã khiến thị trường tài chính toàn cầu rung chuyển. Vây sự kiện Evergrande là gì mà lại có tác động tới thị trường Crypto?
Sammie
Published Sep 26 2021
Updated Jul 20 2022
16 min read
thumbnail

Cuộc khủng hoảng thanh khoản tại tập đoàn địa ốc Trung Quốc China Evergrande đã khiến thị trường tài chính toàn cầu rung chuyển. Nhiều chiến lược gia lo ngại rằng sự kiện này thậm chí có thể ảnh hưởng đến triển vọng phát triển của thị trường crypto. Vậy sự kiện Evergrande là gì mà lại có tác động tới thị trường tiền điện tử? Hãy cùng tìm hiểu với MarginATM qua bài viết dưới đây nhé!

Evergrande là gì?

Evergrande được thành lập vào năm 1996, có trụ sở chính đặt tại Hồng Kông và là một trong những doanh nghiệp phát triển bất động sản lớn nhất thế giới. Được biết đến với tên gọi chính thức là The Evergrande Group, công ty bất động sản khổng lồ này chính là thứ đã đưa Hui Ya Kan trở thành người giàu thứ 3 tại Trung Quốc.

Tập đoàn này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tài chính và bất động sản cũng như mở rộng tầm ảnh hưởng của mình sang các lĩnh vực khác bao gồm công nghệ, ô tô, xe điện, sản phẩm tiêu dùng, du lịch,...

Tỷ phú Hui Ya Kan - Chủ tịch, nhà sáng lập Evergrande

Với hơn 200,000 nhân viên, công ty hiện có 1,300 dự án tại 280 thành phố và tổng tài sản trị giá hơn $350 tỷ.

Cùng với xu hướng tăng nóng của bất động sản tại Trung Quốc, giai đoạn 2017 - 2018, cổ phiếu Evergrande bùng nổ với mức tăng trưởng 500%/năm.

Nguy cơ “Bong bóng nhà đất” Evergrande vỡ nợ

Sau khi mở rộng nhanh chóng trong nhiều năm và thu về khối tài sản khổng lồ khi cơn sốt bất động sản Trung Quốc nổ ra, hiện Evergrande đang chìm trong khoản nợ 310 tỷ USD chưa thanh toán cho các trái chủ, ngân hàng, nhà thầu xây dựng và các chủ nợ khác.

Một vài thông tin cho hay, số tiền công ty hiện có thậm chí còn không đủ chi trả lãi vay trong vài tuần tới. Những bất ổn này đã khiến hàng trăm nhà đầu tư tụ tập biểu tình trước trụ sở văn phòng công ty này.

Cổ phiếu giao dịch tại Hồng Kông của Evergrande đã giảm 85% kể từ đầu năm 2021. Trái phiếu của nó cũng đang được giao dịch với mức giá chỉ bằng 30% so với mệnh giá ban đầu.

Nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới đang dốc sức trả tiền cho các nhà cung cấp và cảnh báo các nhà đầu tư trong nhiều tuần về khả năng vỡ nợ.

Ngày 21/09/2021, Evergrande cho biết doanh số bán bất động sản có thể sẽ tiếp tục giảm đáng kể trong tháng 9, khiến tình hình dòng tiền càng trở nên tồi tệ hơn. Phản ứng của các ngân hàng đối với hạng mục của Evergrande cũng xấu đi. Tại Hồng Kông, HSBC và Standard Chartered đã từ chối gia hạn các khoản vay mới cho người mua hai dự án khu dân cư Evergrande chưa hoàn thành.

Nguyên nhân Evergrande gặp khủng hoảng

Các vấn đề của Evergrande được cho là bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:

  • Thứ nhất: Vào đầu năm 2020, chính phủ Trung Quốc đã thắt chặt tín dụng và giới hạn số tiền cho vay thế chấp của các công ty bất động sản. Điều này đã khiến Evergrande phải bán bớt các bất động sản của mình với chiết khấu cao, dẫn tới thua lỗ nặng nề.
  • Thứ hai: Trong thời gian trước đây, Evergrande đã vung tay đầu tư vào bóng đá và nhiều lĩnh vực không liên quan khác. Điều này dẫn tới gia tăng chi phí và làm giảm thu nhập của họ lên đến 75%.
  • Thứ ba: Thị trường bất động sản của Trung Quốc đang chậm lại và nhu cầu đối với căn hộ mới cũng ít hơn. Trong khi đó, phần lớn tiền mặt của Evergrande có được là nhờ bán trước các căn hộ chưa hoàn thiện. Dù Evergrande đã hạ giá các căn hộ mới nhưng người mua vẫn không hứng thú. Vào tháng 8/2021, doanh số bán nhà của tập đoàn này thấp hơn 1/4 so với cùng kỳ năm ngoái.

Hậu quả nếu Evergrande sụp đổ

Theo một báo cáo nghiên cứu của chuyên gia kinh tế Trung Quốc Hui Shan thuộc Goldman Sachs, khủng hoảng Evergrande sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại.

Theo ước tính, bất động sản chiếm tới ¼ GDP của quốc gia này. Ngoài ra, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 40 - 70% tổng sản lượng hàng hóa toàn cầu, trong đó phần lớn dành cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Nếu Evergrande thật sự vỡ nợ sẽ kéo theo sự sụt giảm mạnh trong các hoạt động xây dựng nói chung, ảnh hưởng xấu đến nhu cầu thép và các vật liệu xây dựng khác ở Trung Quốc.

Đối với thế giới, cuộc khủng hoảng Evergrande đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên giảm điểm mạnh trong ngày thứ Hai (20/09/2021).

Chỉ số S&P 500 đã sụt giảm 1,7%, còn 4.357,73 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ ngày 12/05. Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu các ngành chính của S&P 500 cũng chốt phiên trong sắc đỏ.

Chỉ số Dow Jones trượt 1,8%, còn 33.970,47 điểm, đánh dấu cú giảm mạnh nhất kể từ ngày 19/07. Chỉ số Nasdaq lao dốc 2,2%, còn 14.713,9 điểm.

Những cổ phiếu có mối liên hệ mật thiết với tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị bán tháo mạnh. Cổ phiếu hãng xe Ford sụt 5%; hãng xe GM lao dốc 3,8%; hãng sản xuất máy bay Boeing trượt 1,8%; hãng thép Nucor mất 7,6%.

Không chỉ có chứng khoán, giá dầu thế giới cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Giá dầu thô Brent giao sau tại London mất $1,42/thùng, tương đương giảm 1,9%. Giá dầu WTI giao sau tại New York tụt $1,68/thùng, giảm 2,3%.

Tác động của cuộc khủng hoảng Evergrande đến thị trường Crypto

Thị trường crypto bắt đầu tuần mới vô cùng ảm đạm khi giá tiền điện tử liên tục giảm liên quan đến lo ngại về khả năng vỡ nợ của Evergrande có thể dẫn đến sự sa sút cho nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu. Mặc dù không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa nhà phát triển bất động sản này và tiền điện tử, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng những rắc rối trong thị trường bất động sản của Trung Quốc có thể là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro hơn. 

Cụ thể, giá Bitcoin đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 05 là $39,600 và hiện đang được giao dịch ở mức $41,418. Trước đó, nó đã đạt mức cao nhất trong 4 tháng là $52,920 vào ngày 07/09/2021. Tương tự, ETH cũng đã giảm xuống dưới $3,000 lần đầu tiên kể từ đầu tháng 8 sau khi tin tức về Evergrande được đưa ra.

Trước đó, Bitcoin đã chứng kiến ​​một làn sóng thanh lý lớn trị giá khoảng $312 triệu chỉ trong vòng một giờ. Riêng trên sàn giao dịch Bybit, gần một nửa số vị thế Bitcoin đã được thanh lý, tương đương với $153 triệu.

Dữ liệu từ các sàn giao dịch tiền điện tử cho thấy nguồn cung BTC đang tăng vọt, có thể dẫn đến việc nhà đầu tư tiếp tục bán tháo Bitcoin nếu giá giảm sâu hơn. 

Thị trường Crypto chìm trong sắc đỏ sau những tin tức tiêu cực từ Evergrande

Bên cạnh đó, sự chú ý cũng đang đổ dồn vào Tether - công ty đứng sau đồng stablecoin lớn nhất thị trường tiền điện tử USDT. Dù đã lên tiếng xác nhận không nắm giữ thương phiếu của Evergrande, nhiều người vẫn lo ngại rằng Tether sẽ chịu hiệu ứng domino khi thị trường tài chính Hồng Kông lâm vào khủng hoảng và giá trái phiếu giảm khiến $30 tỷ tài sản đảm bảo của USDT không còn ổn định như trước.

Tuy nhiên, một số người khác lại coi đây là cơ hội. Tổng thống El Salvador đã đăng trạng thái tweet cho biết đất nước này đã mua thêm 150 Bitcoin và nói thêm rằng “mua đáy” là lời khuyên của tổng thống.

Giải pháp nào cho Evergrande?

Hiện có 3 kịch bản được đưa ra cho diễn biến của sự kiện Evergrande tại thời điểm hiện tại:

Một: Evergrande sẽ phải tái cơ cấu nợ. Việc này bao gồm đàm phán với các nhà đầu tư lùi ngày đáo hạn nợ hoặc chỉ trả trước một phần. Vào ngày 22/09, Hengda Real Estate Group Co Ltd - công ty con chủ chốt của Evergrande - cho biết, tập đoàn này đã bắt đầu trả nợ cho các nhà đầu tư nắm giữ WMP (sản phẩm quản lý tài sản) của họ bằng các căn hộ, văn phòng, không gian bán lẻ hoặc bãi đậu xe. 

Ngoài ra, công ty này cũng tuyên bố họ đã đạt được một thỏa thuận về trả lãi trái phiếu trong nước. Cụ thể, tổng số tiền lãi trái phiếu mà Hengda Real Estate đã thương thảo để trả là khoảng 232 triệu Nhân Dân Tệ (tương đương $35,88 triệu). Ngay sau thông báo của Evergrande, giá của một loạt các đồng tiền điện tử đều tăng lên.

Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ trong các khoản nợ của Evergrande ở thời điểm hiện tại.

Hai: Chính quyền Trung Quốc sẽ can thiệp và “giải cứu” Evergrande. Đây là kịch bản tốt nhất với thị trường tài chính song lại là kịch bản ít khả thi nhất. Việc cứu Evergrande có thể gửi đi thông điệp chính phủ chấp nhận hoặc thậm chí là khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản liều lĩnh. Trong khi đó, những chính sách gần đây của Trung Quốc lại đang nhắm tới điều ngược lại: chấm dứt các rủi ro để đảm bảo hệ thống tài chính ổn định lâu dài.

Ba: Evergrande sẽ không thể trả nợ và buộc phải tuyên bố phá sản. Đây là kịch bản tồi tệ nhất vì nhiều chuyên gia nhận định nó sẽ kéo theo cuộc khủng hoảng chứng khoán toàn cầu.

Lúc này thị trường crypto có thể đi theo hai hướng. Một là dòng tiền sẽ đổ vào các tài sản trú ẩn có ít tương quan với chứng khoán như vàng, tiền điện tử,... dẫn đến sự tăng giá của những tài sản này. Hai là khủng hoảng tài chính Hồng Kông sẽ kéo theo sự sụp đổ của Tether và thị trường crypto khi Tether hiện đang chiếm hơn 50% thị phần stablecoin. Tuy nhiên trường hợp này được nhận định là khó có khả năng xảy ra.

Cập nhật tình hình Evergrande hiện tại

Vào thứ Năm (ngày 09/12/2021), cơ quan xếp hạng tín dụng của Trung Quốc Fitch Ratings đã hạ cấp China Evergrande và một số công ty con của nó xuống trạng thái "Vỡ nợ có giới hạn". Điều này có nghĩa là công ty phát triển bất động sản có trụ sở tại Hồng Kông đã chính thức vỡ nợ nhưng không ngừng hoạt động cũng như không tiến hành các thủ tục pháp lý chính thức như nộp đơn phá sản. Đây cũng là lần đầu tiên có sự thừa nhận về việc gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc không đáp ứng được các nghĩa vụ nợ của mình.

Quyết định của Fitch Ratings được tuyên bố trong tình trạng Evergrande không trả lời yêu cầu xác nhận về việc liệu họ đã thanh toán $82 triệu cho các trái chủ đến hạn vào thứ Hai hay chưa.

Sau tuyên bố của Fitch, cổ phiếu của Evergrande đã liên tục lao dốc.

Cùng với đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (DJIA) mất 500 điểm, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7, sau khi mở cửa. Một câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại FTSE 100 của London, lần đầu tiên giảm xuống dưới 7.000 kể từ tháng Bảy. Chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 2,1% và chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 4% trong phiên giao dịch.

Các giới chức Trung Quốc đang bắt đầu có động thái can thiệp vào vấn đề Evergrande. Yi Gang, thống đốc ngân hàng trung ương, nói: "Rủi ro của Evergrande là một sự cố thị trường sẽ được xử lý phù hợp theo nguyên tắc thị trường và pháp quyền, quyền và lợi ích của các chủ nợ và nhà đầu tư sẽ được bảo vệ theo quy định của pháp luật."

Sau đó, Evergrande cũng cho biết các quan chức từ một số tổ chức được nhà nước hậu thuẫn đã tổ chức một ủy ban rủi ro để giúp công ty này tự tái cấu trúc. Thông tin tích cực trên giúp cổ phiếu Evergrande ngay lập tức tăng nhẹ 1%, song vẫn không thể ngăn chặn việc tập đoàn này vỡ nợ.

Nhận định về tác động của sự kiện Evergrande vỡ nợ

Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại công ty ngân hàng đầu tư Natixis cho rằng, với sự giúp đỡ từ chính phủ Trung Quốc, những vấn đề mà Evergrande và các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc khác gặp phải sẽ ít có tác động tiêu cực đến thị trường tài chính vì những người nắm giữ khoản nợ của Evergrande chủ yếu là "những cá nhân có giá trị ròng cao, những người đang nắm giữ Evergrande đến thời điểm đáo hạn hoặc thời điểm tái cơ cấu."

Tuy nhiên, công ty dịch vụ tài chính toàn cầu Nomura Group có trụ sở tại Nhật Bản cảnh báo trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2022 rằng các biện pháp mà Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện để hạn chế đầu cơ trên thị trường bất động sản, song song với động lực trung lập carbon, có thể "dẫn đến một vòng luẩn quẩn, tình trạng vỡ nợ gia tăng và tốc độ tăng trưởng chậm hơn ở Bắc Trung Quốc."

Dù vậy, thị trường crypto dường như không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi tin tức tiêu cực từ phía Trung Quốc này.

Tổng kết

Chuyên gia kinh tế của Capital Economics, ông Mark Williams, nhận định với CNBC rằng “Sự sụp đổ của Evergrande có thể sẽ là bài kiểm tra lớn nhất mà hệ thống tài chính Trung Quốc phải đối mặt trong nhiều năm trở lại đây”.

Dù vậy, theo ý kiến cá nhân của mình, thị trường tài chính Trung Quốc hiện không có sức ảnh hưởng nhiều lên tiền điện tử khi nó vốn vẫn bị cấm tại quốc gia này. Ngoài ra, crypto đã ít di chuyển cùng hướng với chứng khoán trong những năm gần đây, cộng thêm những động thái bắt đầu trả nợ hiện tại của Evergrande. Vậy nên chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng trong dài hạn, thị trường crypto có khả năng phục hồi bất chấp tình hình của "bom nợ" bất động sản này.

Với những thông tin mà MarginATM chia sẻ bạn cũng đã hiểu được sự kiện Evergrande là gì và tác động của nó trong thị trường crypto thời gian gần đây. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích đến bạn.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào hãy để lại bình luận bên dưới, đội ngũ MarginATM sẽ hỗ trợ bạn ngay nhé!

RELEVANT SERIES