Thị trường tài chính biến động theo câu chuyện bầu cử
Lạm phát hạ nhiệt
Chỉ số lạm phát đo lường bằng PCE trong tháng 5/2024 đã giảm. Cụ thể, mức tăng PCE so với cùng kỳ đạt 2.6% (PCE tháng trước là 2.8%).
Dường như nền kinh tế Mỹ đang đi đúng mong muốn của lãnh đạo FED khi tăng trưởng GDP duy trì ổn định, lạm phát có xu hướng đi xuống cũng như thị trường việc làm vẫn mạnh mẽ (tăng trưởng tiền lương ròng vẫn dương và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mốc 4%).
Nguyên nhân chính tới từ sự giảm giá xăng và hàng hoá sử dụng dài hạn (như xe cộ, đồ gia dụng…). Tuy nhiên, giá cả dịch vụ đặc biệt là dịch vụ y tế lại có xu hướng gia tăng.
Đồng thời, nhu cầu thị trường nhà ở vẫn duy trì trong bối cảnh tăng trưởng tiền lương vẫn ổn định là thách thức lớn cho mục tiêu 2% của FED (do yếu tố như giá xăng phụ thuộc nhiều vào giá dầu quốc tế vốn rất biến động).
Do đó, chủ tịch FED chi nhánh San Francisco, bà Mary Daly cho rằng tình trạng lạm phát giảm cho thấy chính sách đã đi đúng hướng nhưng vẫn là quá sớm để khẳng định một xu hướng rõ ràng.
Lạm phát thị trường châu Âu cũng đang trên đà giảm. Ngân hàng trung ương châu Âu ECB cũng đã thực hiện cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong tháng 06/2024.
Sự lệch pha này khiến chỉ số đồng USD tiếp tục duy trì xu hướng tăng khi gần đạt mốc 106.
Thị trường biến động theo diễn biến bầu cử
Cuộc tranh luận trước bầu cử giữa cựu tổng thống Donald Trump và tổng thống Mỹ Joe Biden đã diễn trong tuần qua cũng là một yếu tố khiến thị trường biến động.
Phần trình bày của ông Biden khiến dư luận cảm thấy vấn đề sức khoẻ và tuổi tác là rào cản rất lớn đối với tổng thống đương nhiệm trong kỳ tranh cử sắp tới.
Việc ông Trump chiếm thế thượng phong với chính sách cứng rắn về tăng thuế nhập khẩu khiến thị trường lo ngại về các tác động tiêu cực tới lạm phát. Từ đó FED sẽ chưa thể cắt giảm lãi suất một cách nhanh chóng.
Điều này giải thích cho xu hướng tăng nhẹ của DXY, dẫu cho dữ liệu tích cực về PCE đã được đưa ra kể trên.
Trong liên minh châu Âu EU, cuộc bầu cử Pháp đang diễn ra cũng thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố giải thể Quốc hội và tiến hành bỏ phiếu sớm từ ngày 30/06. Về yếu tố chính trị, sự kiện này có thể đánh dấu một bước ngoặt lịch sử khi đảng cực hữu đang chiếm thế thượng phong. Và điều này có thể gây ra rủi ro “Frexit” khiến nước Pháp rời khỏi liên minh châu Âu EU.
Trên thị trường tài chính, S&P Global Ratings đã giảm xếp hạng tín nhiệm của quốc gia này. Đồng thời, các động thái bán trái phiếu và tài sản từ nhà đầu tư cũng đã diễn ra.
Động thái này cũng khiến biến động trên thị trường châu Âu tăng vọt so với Mỹ.
Nhìn chung, năm 2024 là một năm quan trọng đối với nền kinh tế chính trị trên toàn cầu khi các cuộc bầu cử trên những nền kinh tế lớn diễn ra. Do đó, trong thời điểm này, việc quan sát diễn biến chính trị sẽ khá cần thiết trong quá trình đầu tư.
Đọc thêm: Có một mối liên hệ đặc biệt giữa Crypto và các vấn đề kinh tế xã hội