Security Token & Utility Token là gì? Sự khác nhau giữa chúng
Utility token là gì?
Utility Token hay còn gọi là token tiện ích. Đúng như tên gọi, nó cung cấp cho chủ sở hữu một tiện ích nào đó liên quan đến dự án, có thể ở hiện tại hoặc trong tương lai. Chúng có giá trị, nhưng các dự án không tạo ra các token tiện ích cho mục đích đầu tư.
Các tiện ích mà Utility Token cung cấp như:
- Quyền truy cập và sử dụng hoặc các ưu đãi đặc biệt đối với sản phẩm hoặc dịch vụ của dự án.
- Được sử dụng như một phương tiện thanh toán để tham gia vào mạng lưới blockchain.
- Tạo động lực cho người dùng phát triển mạng lưới, chẳng hạn như cung cấp thanh khoản và xác minh giao dịch.
- Hoạt động như một kho lưu trữ giá trị cho các khoản thanh toán bên trong và bên ngoài blockchain.
Các Utility Token thường được phân phối đến người dùng thông qua các đợt ICO (Initial Coin Offering). Hầu hết các token trong thị trường crypto hiện nay là token tiện ích.
ETH là một ví dụ về token tiện ích thuần túy. Trong mạng lưới Ethereum, ETH được dùng để trả phí giao dịch và là phần thưởng cho những người tham gia khai thác.
Ưu nhược điểm của Utility Token
Ưu điểm
- Thanh khoản cao do nó không chịu tác động từ những hạn chế của các quy định pháp luật.
- Công ty phát hành có thể tận dụng Utility Token nhằm gọi vốn hiệu quả cho dự án ICO mà chưa cần có sản phẩm hay dịch vụ hoàn thiện.
- Cung cấp cho chủ sở hữu quyền sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của giao thức, góp phần vào sự phát triển của giao thức trong tương lai.
Nhược điểm
- Chi phí phát hành Utility Token khá cao.
- Do không chịu sự quản lý của pháp luật nên dự án phát hành Utility Token có thể là những dự án ma, lừa đảo. Khi đó token này sẽ không có giá trị và gây thiệt hại cho nhà đầu tư mà không được pháp luật bảo vệ.
- Token tiện ích có thể sẽ mất giá trị nếu dự án không thành công.
Security token là gì?
Security Token (token chứng khoán) là một dạng hợp đồng đầu tư ràng buộc pháp lý cho phép người sở hữu nhận được cổ tức, lợi tức từ doanh thu hoặc có tiếng nói trong quá trình ra quyết định kinh doanh. Các Security Token được đảm bảo bằng tài sản của công ty.
Trong trường hợp Security Token thể hiện quyền sở hữu đối với những tài sản ngoài chuỗi, chẳng hạn như bất động sản, thiết bị, hóa đơn phải trả hoặc doanh nghiệp. Tương tự như cổ phiếu, giá trị của security token được liên kết trực tiếp với giá trị của tài sản. Điều này đồng nghĩa với việc tài sản càng có giá trị thì token cũng có giá trị tương ứng.
Thay vì ICO, các dự án phân phối Security Token thông qua các đợt STO (Security Token Offering). Đây là một hình thức khá mới hiện nay để gây quỹ của các dự án startup. STO có thể được sử dụng để thay thế mô hình IPO truyền thống: phát hành cổ phần và quyền biểu quyết thông qua blockchain.
Tùy từng quốc gia, các dự án thực hiện STO và phát hành Security Token phải đáp ứng các yêu cầu pháp lý nhất định.
Một ví dụ về Security Token là tZero của nhà bán lẻ trực tuyến Overstock. Nó cho phép những người nắm giữ token được hưởng cổ tức hàng quý có nguồn gốc từ lợi nhuận của nền tảng tZERO.
Ưu nhược điểm của Security Token
Ưu điểm
- Do chịu sự điều chỉnh của pháp luật nên nếu dự án không thực hiện đúng những gì đã cam kết với nhà đầu tư thì họ sẽ bị phạt theo quy định. Điều này giúp giảm đáng kể các dự án scam, không có thực và gia tăng niềm tin của nhà đầu tư vào các dự án công nghệ.
- Các giao dịch tài chính truyền thống hiện nay có nhược điểm là chi phí tốn kém và thời gian lâu hơn các giao dịch trên nền tảng blockchain. Sử dụng Security Token không chỉ tận dụng được ưu điểm nhanh chóng và minh bạch của công nghệ blockchain mà còn mang lại sự yên tâm cho nhà đầu tư vì việc sở hữu Security Token chính là sở hữu tài sản của dự án.
- Với Security Token, chủ dự án có thể dễ dàng tiếp cận các nhà đầu tư tự do từ khắp nơi trên thế giới một cách dễ dàng hơn thông qua Internet. Ngược lại, nhà đầu tư cũng có thể dễ dàng mua token của các dự án tiềm năng.
- Giúp giảm chi phí các dịch vụ tư vấn pháp luật và chi phí vận hành cho dự án.
- Công nghệ blockchain làm giảm thiểu tối đa vai trò của các tổ chức trung gian tham gia vào các giao dịch tài chính. Từ đó, làm giảm nguy cơ thao túng và phá hoại.
Nhược điểm
- Hiện nay vẫn chưa có một quy định riêng biệt, rõ ràng về việc đánh giá thế nào là Security Token và điều kiện phát hành nó.
- Việc loại bỏ hoàn toàn các tổ chức trung gian sẽ làm gia tăng áp lực lên cả chủ dự án và nhà đầu tư.
- Việc phải chịu nhiều quy định pháp lý như hạn chế đối tượng đầu tư, cách token giao dịch, trao đổi,... có thể thu hẹp khả năng phát triển của dự án ngay từ lúc ban đầu.
Sự khác biệt giữa Utility Token và Security Token
Utility Token | Security Token |
Utility token có giá trị sử dụng thực tiễn và thường không phục vụ cho mục đích đầu tư.
Những người nắm giữ Utility Token có quyền truy cập/sử dụng hoặc nhận ưu đãi đối với sản phẩm hoặc dịch vụ của dự án. | Security Token thể hiện quyền biểu quyết cho sự phát triển của dự án hoặc quyền sở hữu hợp pháp của người nắm giữ với tài sản kỹ thuật số hoặc tài sản thực có thể xác minh bằng công nghệ blockchain.
Vì vậy, Security Token có thể xem như một hợp đồng đầu tư. |
Dự án phát hành Utility Token có thể là những dự án startup chưa hoàn thiện sản phẩm/dịch vụ hoặc đã hoàn thiện nhưng chưa đưa ra thị trường. | Do Security Token gắn với quyền biểu quyết hoặc tài sản của dự án nên đòi hỏi đơn vị phát hành phải đang hoạt động và có tài sản.
Tài sản đó có thể là tài sản thực, tài sản kỹ thuật số hoặc lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của dự án. |
Các Utility Token không cung cấp cho nhà đầu tư bất kỳ quyền nào đối với các tài sản của công ty, các quyết định phát triển dự án hay lợi nhuận từ dự án. | Tương tự như cổ phiếu, dự án phát hành Security Token sẽ đảm bảo cho các nhà đầu tư một khoản lợi nhuận phát sinh trong tương lai như cổ tức hoặc quyền biểu quyết. |
Ngoài gọi vốn, các Utility Token chủ yếu được các dự án sử dụng để thu hút sự quan tâm của người dùng đến sản phẩm hoặc dịch vụ của họ cũng như để ứng dụng và tạo giá trị trong hệ sinh thái blockchain. | Security Token được phát hành thuần túy nhằm mục đích huy động vốn, là chứng nhận cho quyền sở hữu của nhà đầu tư với dự án. |
Giá trị của Utility Token thay đổi dựa trên cung và cầu dành cho dịch vụ và sản phẩm của dự án. | Giá trị token gắn liền với giá trị của công ty/dự án phát hành ra nó. |
Do Utility Token không chịu sự kiểm soát của pháp luật nên rất dễ xảy ra việc dự án phát hành token là dự án scam hoặc lừa đảo. | Ở một số quốc gia, Security Token được quy định như một loại hình chứng khoán và phải đáp ứng các quy định nghiêm ngặt khi phát hành ra công chúng.
Do vậy khi đầu tư vào các dự án phát hành Security Token, trường hợp scam hoặc lừa đảo hầu như rất hiếm khi xảy ra. |
Cách nhận biết một token là Utility hay Security
Tại Mỹ, các đợt STO và token sale phải tuân theo các quy định về chứng khoán của SEC (Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Hoa Kỳ). Để đánh giá một token là Security hay Utility Token, SEC đã đưa ra đánh giá Howey test (được soạn thảo vào năm 1946). Đánh giá này thiết lập các hướng dẫn về cách xem xét liệu một thỏa thuận tài chính có liên quan đến hợp đồng đầu tư và có cần phải tuân thủ các quy định về chứng khoán hay không. Theo lãnh đạo công ty Cooley LLP Fintech, ông Marco Santori cho rầng cách phân loại này sẽ tạo nên một sự an toàn nếu “một doanh nghiệp bình thường mong muốn đạt được lợi nhuận từ sự nỗ lực của những người khác.”
Howey test nhằm giải đáp hai vấn đề sau:
- Liệu Token có cung cấp cho chủ sở hữu cơ hội tài trợ vốn cho dự án và nhận về một phần lợi nhuận không?
- Liệu lợi nhuận của dự án có đến từ chính những người sở hữu token tạo ra lực mua bán (cung cầu) cho token. Qua đó ảnh hưởng trực tiếp lên giá trị token hay không?
Nếu câu trả lời là có, thì token rất có thể được xem là Security Token theo quy định của SEC.
Tương tự như khuôn khổ do Howey Test đặt ra, các cơ quan tài chính của Liên minh Châu Âu đã triển khai đạo luật ghi lại một bộ tiêu chí để xác định những yếu tố cấu thành một chứng khoán. Ngoài ra, luật mới được đề xuất tuyên bố rằng Security Token dựa trên công nghệ sổ cái phân tán (DLT) sẽ tuân theo Chỉ thị về Thị trường Châu Âu trong công cụ tài chính MiFID II và các quy định tương ứng.
Nhiều quốc gia khác cũng có các tiêu chuẩn pháp lý riêng để xác định xem một tài sản kỹ thuật số có phải là chứng khoán hay không và các quy định tương ứng mà Security Token và STO phải tuân theo như Pháp, Litva, Thụy Sỹ, Israel,...
Kết luận
Trên đây là những thông tin bạn cần biết về Utility Token và Security Token cũng như sự khác biệt giữa 2 loại token này.
Thị trường tiền điện tử đa dạng các loại token với những chức năng, ứng dụng khác nhau. Nắm vững cách phân biệt các loại token này sẽ giúp bạn hiểu được những quyền và lợi ích mình có thể nhận được khi đầu tư vào một dự án nào đó.